VẬN TẢI HÀNG HÓA QUỐC TẾ BẰNG Ô TÔ
1. Vị trí, đặc điểm của vận tải bằng ô tô
Vận tải bằng ô tô có tính linh hoạt và cơ động cao. Tốc độ vận chuyển của ô tô khá cao, đứng hàng thứ 3 sau máy bay và tàu hoả. Vận chuyển hàng hoá bằng ô tô có ưu điểm lớn về giao nhận hàng hoá nhanh chóng, thực hiện vận chuyển thẳng từ nơi nhận hàng tới nơi giao hàng, điều này đem lại hiệu quả kinh tế cao do chủ hàng ít bị ứ đọng vốn, tăng được vòng quay của vốn. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của vận tải ô tô ít tốn kém.
Tuy nhiên, vận tải bằng ô tô cũng có một số nhược điểm nhất định. Cước vận tải bằng ô tô rất cao do ô tô có trọng tải nhỏ, ô tô chủ yếu chỉ chuyên chở hàng hoá đoạn đường ngắn, hệ số sử dụng về thời gian của ô tô rất thấp. Cước phí vận tải hàng hoá bằng ô tô thường lớn gấp hàng chục lần so với cước phí vận tải bằng đường sắt và đường biển. Năng suất lao động trong vận tải ô tô thấp. Do cước phí cao làm cho vận tải bằng ô tô không có khả năng vận chuyển những mặt hàng có trị giá thấp. Trọng tải và dung tích của ô tô nhỏ, không thích hợp với vận chuyển hàng hoá có khối lượng lớn, cồng kềnh trong một khoảng thời gian ngắn. Bên cạnh đó, vận tải ô tô lệ thuộc nhiều vào các điều kiện thiên nhiên.
2. Tổ chức chuyên chở hàng hoá bằng ô tô
al Cơ sở pháp lý của vận tải quốc tế bằng ô tô
Vận chuyển hàng hoá bằng đường ô tô quốc tế được điều chỉnh bằng các quy định quốc gia và quốc tế. Với Luật quốc gia, các nước đều ban hành Luật Giao thông đường bộ, hay ban hành các Thể lệ vận tải hàng hoá bằng đường ô tô quốc tế. Các nước có biên giới chung thì thường có Hiệp định song phương về chuyên chở bằng đường ô tô. Trên phạm vi thế giới, nguồn luật quốc tế điều chỉnh các quan hệ có liên quan tới vận chuyển hàng hoá bằng đường ô tô quốc tế là Công ước về hợp đồng chuyên chở hàng hoá quốc tế bằng đường ô tô (Công ước CMR), ký kết ở Giơ-ne-vơ ngày 19/5/1956, qui định những điều kiện thống nhất về ký kết, thực hiện hợp đồng chuyên chở, về chứng từ vận tải và trách nhiệm của người chuyên chở…
Để tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải bằng ô tô giữa các nước, năm 1949 các nước châu Âu đã ký Công ước Giơ-ne-vơ về hải quan, gọi là “Công ước TIR”, đơn giản hoá việc làm thủ tục và kiểm tra hải quan ở các trạm biên giới, giảm được thời gian ô tô phải dừng lại ở các trạm biên giới để làm thủ tục hải quan, giảm thời gian vận chuyển và rút ngắn thời gian giao hàng.
b/ Trách nhiệm của người chuyện chở bằng ô tô theo Công ước CMR
– Thời hạn trách nhiệm: Người chuyên chở chịu trách nhiệm đối với tổn thất của hàng hoá xảy ra trong khoảng thời gian từ khi nhận hàng để chở cho đến khi giao hàng xong cho người nhận ở nơi đến quy định. Phạm vi trách nhiệm của người chuyên chở bằng ô tô đối với hàng hoá rất rộng, vì giao nhận hàng có thể thực hiện tại các điểm vận tải ô tô như bến, bãi, trạm… và cũng có thể thực hiện tại kho hàng đến của người nhận hàng.
– Cơ sở trách nhiệm: Người chuyên chở hàng hoá bằng ô tô phải bồi thường trong trường hợp hàng hoá bị mất mát, hư hỏng và giao hàng chậm. Chậm giao hàng được coi là xảy ra khi hàng hoá không được giao trong thời hạn đã thoả thuận hoặc nếu không có thoả thuận về thời gian này, thì khi thời gian vận chuyển thực tế, có tính đến hoàn cảnh của sự việc và trong trường hợp gửi hàng lẻ gồm cả thời gian cần thiết để gom thành lô hàng nguyên theo cách thông thường, vượt quá một khoảng thời gian hợp lý mà một người chuyên chở cần mẫn có thể thực hiện.
– Trách nhiệm của người chuyên chở: Người chuyên chở phải chịu trách nhiệm về những khuyết tật của phương tiện vận chuyển và chịu trách nhiệm đối với những lỗi hay sơ suất của người mà anh ta đã thuê phương tiện hay đại lý của những người này. Người chuyên chở được miễn trách nhiệm trong những trường hợp như: Thiếu hoặc khuyết điểm của bao bì đối với những hàng hoá mà bản chất của nó là bị hao hụt hoặc hư hỏng khi không được đóng gói hoặc đóng gói không tốt; Do tính chất của một số hàng hoá mà dễ xảy ra tổn thất toàn bộ hay bộ phận, hoặc hư hỏng, nhất là chảy, rách, gỉ, vỡ, tình trạng hư hại bên trong, hao. hụt tự nhiên, hoặc do sâu bọ; Sự thiếu hoặc không chính xác về số hiệu hoặc nhãn hiệu; Vận chuyển súc vật sống..
– Giới hạn trách nhiệm: Trong trường hợp trị giá hàng hoá đã được kê khai vào lúc giao hàng, thì giới hạn bồi thường chính là trị giá hàng hoá đã kê khai. Trường hợp hàng bị tổn thất toàn bộ hay bộ phận thì giới hạn bồi thường của người chuyên chở là giá trị của hàng hoá vào tại nơi và vào thời điểm nhận hàng để chở. Tuy nhiên, số tiền bồi thường không lớn hơn 25 Frăng/1kg trọng lượng cả bì. Đồng Frăng ở đây là đồng Frăng vàng có hàm lượng vàng bằng 10/31 gram với độ tinh khiết bằng 900/1000.
Trong trường hợp chậm giao hàng, giới hạn bồi thường của người chuyên chở là tiền cước vận chuyển.
c/ Giấy gửi hàng bằng ô tô (Consignment note)
Giấy gửi hàng bằng đường ô tô là bằng chứng của một hợp đồng vận tải giữa người gửi hàng và người chuyên chở, xác nhận là người chuyên chở đồng ý vận chuyển hàng hoá của người gửi theo những điều kiện và điều khoản được qui định trong hợp đồng. Giấy gửi hàng được lập thành 3 bản chính (gốc) do người gửi hàng và người chuyên chở cùng ký. Bản thứ nhất người gửi hàng giữ, bản thứ 2 gửi kèm theo hàng và bản thứ 3 do người chuyên chở giữ.
Giấy gửi hàng gồm những nội dung chính sau đây: Nơi và ngày, tháng lập; Tên và địa chỉ của người gửi hàng; Tên và địa chỉ của người chuyên chở; Nơi và ngày nhận hàng và nơi dự kiến giao hàng; Tên và địa chỉ của người nhận hàng; Tên gọi thông thường của hàng hoá và cách đóng gói; Tổng số kiện, nhãn mác đặc biệt và số kiện của chúng; Trọng lượng cả bì và số lượng thể hiện khác của hàng hoá; Các chi phí liên quan đến việc chuyên chở như giá cước vận chuyển, phụ phí, thuế hải quan và các chi phí khác phát sinh từ khi ký hợp đồng cho đến lúc giao hàng; Các chỉ dẫn cần thiết đối với thủ tục hải quan và các thủ tục khác.
Ngoài ra, trong từng trường hợp, giấy gửi hàng phải gồm những các chi tiết sau: Quy định cấm chuyển tải; Các chi phí mà người gửi hàng phải chịu; Số tiền phải trả vào lúc giao hàng; Tuyên bố giá trị hàng và số tiền của lợi ích đặc biệt vào lúc giao hàng; Các chỉ dẫn của người gửi hàng đối với người chuyên chở về bảo hiểm hàng hoá; Thời hạn vận chuyển thoả thuận mà người chuyên chở. vận chuyển phải thực hiện; Các chứng từ phải giao cho người
d/ Cước phí vận tải quốc tế bằng ô tô
Cước phí vận tải bằng ô tô gồm có 3 loại chính: Cước phổ thông, cước đặc biệt và cước địa phương. Cước phổ thông là giá cước lấy đơn vị Tấn/Kilômét (T/Km) để tính cước cho các loại hàng hóa. Mức giá cước T/Km cao hay thấp tuỳ thuộc vào bậc cước, khoảng cách chuyên chở và loại đường chuyên chở. Cước đặc biệt là cước áp dụng cho một số phương pháp thuê chở đặc biệt hoặc hàng đặc biệt như hàng được chở trên rơ moóc, chủ hàng thuê chở hai chiều, hàng đông lạnh, súc vật sống… Giá cước địa phương là cước do các địa phương quy định và chỉ áp dụng cho loại đường có chất lượng xấu hơn đường loại V. Tuy nhiên, mức cước này không được lớn hơn 10% cước đường loại V. Ngoài cước phí, chủ hàng còn có thể phải chịu các chi phí khác như chi phí xếp dỡ, chi phí chèn lót…
Các yếu tố tính cước phí gồm: Khối lượng, thể tích, trị giá hàng hoá, khoảng cách chuyên chở, loại đường chuyên chở và bậc cước của hàng hoá. Từ các yếu tố nói trên chúng ta có thể tính được tổng tiền cước phải thanh toán cho từng chuyến chuyên chở.
e/ Giao nhận và xếp dỡ hàng hoá
Nơi giao nhận hàng hoá là nơi qui định cho ô tô ra vào. Nếu nơi giao nhận là nơi cấm ô tô ra vào, thì bên có hàng hoá phải làm thủ tục xin phép để ô tô được ra vào. Có thể chọn một nơi ra vào khác, nhưng chi phí kéo dài đường chạy xe thì bên có hàng hoá phải chịu thêm chi phí. Hàng chuyên chở theo hình thức nguyên xe, thì việc giao nhận chỉ được thực hiện ở nhiều nhất là 2 điểm trên cùng một tuyến đối với một lượt xe vận chuyển. Trường hợp giao nhận tại hơn 2 điểm, thì cước phí được tính như cước phí hàng lẻ. Khi cần thay đổi địa điểm giao nhận mà hàng hoá chưa được chở đi, thì bên có hàng phải làm giấy tờ thủ tục và phải chịu chi phí về giấy tờ cũng như chi phí chờ đợi của phương tiện. Trường hợp hàng đã được chở đi mà chủ hàng muốn thay đổi nơi giao nhận, thì phải thoả thuận với người chuyên chở để báo cho người lái xe biết, các chi phí liên quan đến thay đổi do bên chủ hàng chịu. Nếu hàng hoá đã đến nơi giao nhận đã quy định mà chủ nhận hàng muốn thay đổi địa điểm, thì phải lập biên bản và chịu mọi phí tổn phát sinh do sự thay đổi đó và có thể phải chịu cước phí như là cước phí của một hợp đồng chuyên chở mới.
Việc xếp, dỡ hàng hoá do bên có hàng chịu trách nhiệm thực hiện. Người chuyên chở có thể đảm nhận việc xếp dỡ hàng hoá bằng thiết bị riêng của mình, nếu có thoả thuận và chủ hàng phải thanh toán mọi chi phí xếp dỡ cùng với cước phí vận tải. Người chuyên chở có nghĩa vụ hướng dẫn kỹ thuật chất xếp hàng dỡ hàng hoá do các bên thoả thuận. hoá lên xe ô tô để đảm bảo an toàn khi vận chuyển. Thời gian xếp
Nếu xe ô tô đã đến nơi giao nhận hàng để chở, mà chủ hàng không có hàng hoá để xếp gửi đi, thì chủ hàng phải thanh toán mọi phí tổn cho bên vận tải. Nếu phải chờ thì chủ hàng phải thanh toán chi phí chờ đợi. Nếu xe ô tô không đến nơi để nhận hàng đúng hạn, thì người chuyên chở phải trả chi phí chờ đợi xếp hàng lên xe ô tô cho chủ gửi hàng. Nếu xe ô tô đến nơi giao hàng, mà không tìm được chủ nhận hàng hoặc chủ nhận hàng từ chối không nhận hàng, thì các chi phí phát sinh do chủ gửi hàng phải chịu.
Nguồn: Giáo trình quản trị tác nghiệp thương mại quốc tế – Học viện tài chính
Hãy liên lạc ngay với chúng tôi nếu bạn muốn được tư vấn về thuế xuất nhập khẩu hoặc thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa hay để nhận báo giá, dự toán thời gian vận chuyển
Công ty TNHH HP Toàn Cầu
Nhà cung cấp Dịch vụ Vận chuyển quốc tế, dịch vụ hải quan và giấy phép xuất nhập khẩu
Địa chỉ: Số 13, LK3 – NO03 – Khu đô thị Văn Khê – Phường La Khê – Quận Hà Đông – Hà Nội
Website : hptoancau.com
Email: info@hptoancau.com
Điện thoại: 024 3 73008608/ Hotline:08 8611 5726 / 098 487 0199
hoặc yêu cầu báo giá theo link
Lưu ý:
– Nội dung bài viết do HP Toàn Cầu tổng hợp và biên soạn từ các nguồn tài liệu tham khảo
– Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, trước khi sử dụng, bạn nên liên lạc HP Toàn Cầu để update nội dung cập nhật nhất (nếu có)