Xuất Xứ Hàng Hóa
I. Tổng Quan Về Xuất Xứ Hàng Hóa
1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ XUẤT XỨ HÀNG HÓA
1.1. Khái niệm và sự cần thiết của việc xác định xuất xứ hàng hóa
Trong xu thế nền kinh tế thế giới ngày càng có nhiều nước tham gia vào khối liên kết thương mại đa phương ở cấp độ khu vực, châu lục và cả toàn cầu, đồng thời cũng tham gia thực hiện nhiều cam kết thương mại song phương theo đó việc các nước dỡ bỏ một phần hay toàn bộ hàng rào bảo hộ, dành cho nhau nhiều ưu đãi trong quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa ngày càng phổ biến. Tuy nhiên để thực hiện được những quyền ưu đãi như vậy cần phải xác định được chính xác xuất xứ hàng hóa.
Vậy xuất xứ hàng hóa là gì?
Điều 1, Hiệp định GATT 1994 đưa ra khái niệm “xuất xứ hàng hóa là “quốc tịch” của một hàng hóa”.
Phụ lục chuyên đề K của Công ước Kyoto sửa đổi năm 1999 đưa ra khái niệm “Nước xuất xứ của hàng hóa là nước tại đó hàng hóa được chế biến hoặc sản xuất, phù hợp với tiêu chuẩn được đặt ra nhằm mục đích áp dụng trong biểu thuế hải quan, những hạn chế về số lượng hoặc các biện pháp khác liên quan đến thương mại”.
Theo Luật thương mại Việt Nam năm 2005 (Khoản 14, Điều 3) thì “Xuất xứ hàng hóa được hiểu là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”.
Như vậy xuất xứ hàng hóa chỉ là một khái niệm mang tính chất tương đối, bởi một hàng hóa không phải lúc nào cũng được tạo ra hoàn toàn ở một nước hay vùng, lãnh thổ mà có thể được tạo nên ở nhiều quốc gia, vùng, lãnh thổ khác nhau. Do vậy việc xác định, thừa nhận quốc gia, vùng lãnh thổ nào là xuất xứ của hàng hóa là khá phức tạp và không phải lúc nào cũng thống nhất với nhau.
Việc xác định xuất xứ hàng hóa ngày càng là một yêu cầu cần thiết trong các quan hệ thương mại giữa các quốc gia bởi chính sách thương mại của các quốc gia và các thỏa thuận thương mại khu vực cụ thể đôi lúc có sự phân biệt. Xác định được xuất xứ của hàng hóa khiến có thể phân biệt đâu là hàng nhập khẩu được hưởng ưu đãi để áp dụng chế độ ưu đãi theo các thỏa thuận thương mại đặc biệt như trong các khu vực thương mại. Trong các trường hợp khi hàng hóa của một nước được phá giá tại thị trường nước khác, việc xác định được xuất xứ khiến các hành động chống phá giá và việc áp dụng thuế chống trợ giá trở nên khả thi. Việc xác định xuất xứ khiến việc biên soạn các số liệu thống kê thương mại và các xu hướng hoặc đối với một nước hoặc đối với một khu vực dễ dàng hơn. Trên cơ sở các số liệu thương mại xuất bản đáng tin cậy, các cơ quan thương mại mới có thể duy trì hệ thống hạn ngạch, trong trường hợp hệ thống này tồn tại. Các hạn ngạch có thể được áp dụng vì nhiều lý do, từ mục đích bảo vệ thương mại đến các lý do bảo vệ môi trường. Quy tắc xuất xứ được sử dụng để đẩy mạnh hàng xuất khẩu từ những nước đã thiết lập một truyền thống tốt đẹp về những lĩnh vực cụ thể. Trong những trường hợp này, các quốc gia trở nên rất tích cực bảo vệ tên hiệu thương mại và chống lại việc làm giả tên hiệu này, sử dụng sai hoặc lợi dụng bởi các nước khác để tăng lượng bán hàng của họ. Các yêu cầu về ký hiệu, bản thân chúng là kết quả của việc áp dụng quy tắc xác định xuất xứ, được sử dụng vì những lý do môi trường. Một số trong số đó tăng cường các mục tiêu môi trường. Số khác hiện theo đuổi việc sử dụng và lạm dụng quy tắc xuất xứ nhằm mục đích chôn phế thải độc hại hoặc khai thác kiệt quệ và bằng cách đó làm tuyệt chủng các loài thực vật và động vật. Mặc dù là không hợp pháp và là một thực tiễn thương mại không công bằng, một số nước, khi cố tránh bị áp dụng hạn ngạch, đã sử dụng và lạm dụng quy tắc xuất xứ để đưa ồ ạt và bán phá giá hàng hóa tại thị trường các nước khác.
Hiện tại, trên thế giới đang có nhiều chế độ ưu đãi thuế quan của các quốc gia hoặc khối khu vực kinh tế. Để xác định xuất xứ hàng hóa nhằm áp dụng các chế độ này, một trong những cơ sở để xác định nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa là giấy chứng nhận xuất xứ.
Giấy chứng nhận xuất xứ là văn bản do tổ chức thuộc quốc gia hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa cấp dựa trên những quy định và yêu cầu liên quan vê xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đó.
Tuỳ vào từng quốc gia, khối kinh tế khu vực hoặc chính sách thương mại cụ thể mà có nhiều loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa khác nhau. Đồng thời các quốc gia cũng xây dựng các quy tắc xuất xứ để xác định quốc tế. xuất xứ quốc gia của một sản phẩm trong thương mại
Quy tắc xuất xứ là các điều khoản cụ thể được xây dựng theo các nguyên tắc luật pháp quốc gia hoặc các Hiệp định quốc tế để một nước áp dụng trong việc xác định xuất xứ hàng hóa. Hay nói cách khác, quy tắc xuất xứ là các quy định của hệ thống luật pháp quốc gia hoặc quốc tế đặt ra để xác định xuất xứ.
Căn cứ vào mục đích của các Qui tắc xuất xứ, có thể phân chia Qui tắc xuất xứ thành 02 loại:
Qui tắc xuất xứ ưu đãi là luật pháp, qui định, quyết định hành chính được một quốc gia áp dụng để xác định hàng hóa có đủ tiêu chuẩn hưởng chế độ ưu đãi thuế quan trọng thương mại.
Chế độ ưu đãi thuế quan có thể là các thỏa thuận, Hiệp định song phương hoặc đa phương đề ra các ưu đãi về thuế quan hoặc chế độ ưu đãi thuế quan đơn phương. Các ưu đãi này tất nhiên không chỉ giới hạn trong các cam kết giữa các nền kinh tế thuộc phạm vi khu vực hay quốc tế mà có thể là các ưu đãi một chiều (không có thỏa thuận). Ví dụ như Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập chung (GSP) của các nước phát triển dành cho các nước đang và kém phát triển, theo đó một số nước phát triển dành những ưu đãi nhất định về thuế quan cho một số nước đang và kém phát triển khi hàng hóa của nước này thâm nhập vào thị trường nước dành cho ưu đãi. Để được hưởng các ưu đãi mà nước nhập khẩu dành cho mình, hàng hóa phải có xuất xứ từ nước được hưởng ưu đãi được xác định theo tiêu chí xuất xứ cụ thể do các nước cho hưởng ưu đãi đặt ra. Như vậy, Quy tắc xuất xứ ưu đãi là các quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa có thỏa thuận ưu đãi về thuế quan và ưu đãi về phi thuế quan.
Quy tắc xuất xứ ưu đãi sử dụng để xác định sản phẩm nhập khẩu sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi hay MFN, áp dụng trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, khu vực và không quy định trong WTO.
Quy tắc xuất xứ không ưu đãi được định nghĩa là các luật, quy định và quyết định hành chính được các thành viên áp dụng để xác định nước xuất xứ của hàng hóa.
Quy tắc xuất xứ không ưu đãi là các quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa không có thỏa thuận ưu đãi về thuế quan, ưu đãi về phi thuế quan và trong các trường hợp áp dụng các biện pháp thương mại không ưu đãi về đối xử tối huệ quốc, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, hạn chế số lượng hay hạn ngạch thuế quan, mua sắm chính phủ và thống kê thương mại. Một quốc gia có thể không có hoặc không sử dụng các Qui tắc xuất xứ ưu đãi nhưng vẫn phải có những qui tắc xuất xứ không ưu đãi nhất định. Do có nhiều qui tắc xuất xứ không ưu đãi đặt ra như vậy nên cần được hài hòa giữa các quốc gia trên thế giới để đạt được sự thống nhất chung trong cách xác định xuất xứ của hàng hóa nhằm các mục đích không phải ưu đãi thuế quan. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã đưa vào nội dung Hài hòa qui tắc xuất xứ tại phần IV của Hiệp định về qui tắc xuất xứ với các nội dung cơ bản áp dụng đồng nhất cho tất cả các mục đích không phải ưu đãi thuế quan và phải thể hiện rõ nước xuất xứ của một hàng hóa là nước sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nước thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng hàng hóa đó nếu có nhiều quốc gia cùng tham gia sản xuất hàng hóa. Quy tắc xuất xứ qui tắc xuất xứ cần phải khách quan, dễ hiểu và có thể dự đoán trước được, không được sử dụng qui tắc xuất xứ trực tiếp hoặc gián tiếp làm công cụ thực hiện mục tiêu thương mại cho dù chúng được gắn với những biện pháp hoặc công cụ đó. Bản thân qui tắc xuất xứ không được hạn chế, bóp méo hoặc làm rối loạn thương mại quốc tế. Qui tắc xuất xứ không được đặt ra yêu cầu quá chặt chẽ một cách không hợp lệ hoặc điều kiện không liên quan đến quá trình sản xuất, chế biến để xác định nước xuất xứ. Tuy nhiên, có thể sử dụng yếu tố chi phí không liên quan trực tiếp đến sản xuất và gia công để xác định nước xuất xứ trong trường hợp áp dụng tiêu chí tỷ lệ phần trăm theo giá trị. Qui tắc xuất xứ phải được thực hiện một cách nhất quán, thống nhất, khách quan, hợp lý, đồng thời cũng phải mạch lạc và chặt chẽ. Bên cạnh đó, Qui tắc xuất xứ phải dựa trên tiêu chuẩn khẳng định. Tiêu chuẩn khẳng định có thể sử dụng để giải thích thêm tiêu chuẩn phủ định.
1.2. Mục đích, vai trò của quy tắc xuất xứ hàng hóa
Mục đích, vai trò của các quy tắc xuất xứ được thể hiện trên các phương diện cơ bản sau:
Thứ nhất, Quy tắc xuất xứ được sử dụng để xác định quốc tịch của một hàng hóa, một sản phẩm. Khi hàng hóa đó được xuất khẩu hoặc nhập khẩu thì cơ quan Hải quan và doanh nghiệp phải có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan.
Thứ hai, Quy tắc xuất xứ được xem là cần thiết để quản lý các công cụ chính sách thương mại khác nhau, như áp dụng các mức thuế suất thuế nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, các quy định về chống phá giá, thuế đối kháng và tự vệ hay phục vụ cho mục đích thu thập thống kê thương mại. Các quy định trên liên quan tới việc phân biệt hàng hóa trong nước và nước ngoài hoặc phân biệt hàng hóa giữa các nước hoặc khối nước. Nói tóm lại là các quy tắc xuất xứ có thể mang những ý nghĩa kinh tế mạnh mẽ, không nhất thiết từ bản thân các quy tắc mà là khi chúng được sử dụng để củng cố các công cụ chính sách thương mại khác. Cụ thể:
– Toàn cầu hóa sản xuất cùng với việc gia tăng cạnh tranh giữa các nước nhằm thu hút đầu tư quốc tế dẫn tới những mối lo ngại về quy tắc xuất xứ. Việc xuất khẩu các sản phẩm bị áp dụng các quy định chống bán phá giá vào một nước thứ ba nhằm tránh bị ảnh hưởng hoặc bằng cách nhập khẩu các bộ phận, phụ tùng vào một nước và tại đó chúng lại được lắp ráp thành một thành phẩm đều dẫn tới việc phụ thuộc nhiều hơn vào quy tắc xuất xứ của nước nhập khẩu. Kết quả là làm tăng thêm mức độ phức tạp của các quy tắc xuất xứ, làm cho quy tắc xuất xứ bị coi như một rào cản thương mại. Việc duy trì một quy tắc xuất xứ cứng nhắc và phức tạp sẽ làm các nước hoặc khối nước trong khu vực có thể buộc các nhà cung cấp nước ngoài chuyển dịch sản xuất để đảm bảo tiếp cận các thị trường mục tiêu.
– Đối với các Hiệp định thương mại tự do (FTA), quy tắc xuất xứ ưu đãi được áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại cùng tham gia trong một hình thức nhất định của các hiệp định thương mại khu vực và đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do. Do đó, vai trò của quy tắc xuất xứ trong các FTA được đánh giá chủ yếu là nhằm giới hạn đối xử ưu đãi chỉ dành cho hàng hóa của các nước thành viên. FTA ưu đãi có một chức năng quan trọng, nó duy trì các rào cản thương mại đối với các nước không phải là thành viên có thể dẫn tới lệch hướng thương mại. Việc nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ các nước không phải là thành viên vào một nước thành viên có mức thuế quan thấp của một FTA để tránh mức thuế quan cao của các thành viên khác. Chống lại sự lệch hướng thương mại đòi hỏi phải kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và nước nhập khẩu cuối cùng.
– Do việc xác định các quy tắc xuất xứ ưu đãi mang tính hạn chế, các nhà xuất khẩu thành viên của các nước FTA có thể phải nhập khẩu các sản phẩm thô và bán thành phẩm với giá thành đắt hơn so với nhập khẩu từ các nước không phải là thành viên để thỏa mãn các quy tắc xuất xứ của hiệp định. Do đó, quy tắc xuất xứ ưu đãi tạo cơ hội phát sinh các rào cản thương mại đối với các nước bên ngoài trong khi thuế suất không thay đổi và từ đó dẫn tới chuyển hướng thương mại.
Ví dụ: sản phẩm may mặc 100% Bắc Mỹ có đủ điều kiện để chuyển dịch miễn thuế trong các nước thành viên NAFTA (Newzealand- Australia Free Trade Agreement). Điều này hạn chế việc sử dụng sơ dệt, sợi và vải không có nguồn gốc xuất xứ của NAFTA. Các quy tắc xuất xứ dù được xác định như thế nào trong một FTA cũng đều dẫn tới bóp méo sản xuất vì một FTA tạo ra động cơ để xác định các sản phẩm đầu ra là sản phẩm của nước thành viên, dẫn tới sự chuyển hướng về thương mại đầu tư. Các ngành công nghiệp trong các nước thành viên của một FTA được bảo hộ có thể đem lại cho các công ty một lợi ích to lớn để duy trì bảo hộ và do đó giảm khả năng FTA tham gia tự do hóa với bên ngoài.
– Các quy tắc xuất xứ ưu đãi mang tính hạn chế, bắt buộc các công ty đặt nhà máy sản xuất trung gian trong các nước thành viên nhất định để thỏa mãn quy tắc xuất xứ cho dù những thành viên này có thể không phải là địa điểm tốt nhất xét từ góc độ kinh tế. Quy tắc xuất xứ ưu đãi mang tính hạn chế như yêu cầu hàm lượng nội địa bắt buộc các nhà sản xuất sử dụng một hàm lượng nội địa nhất định để sản phẩm được coi là thỏa mãn yêu cầu về hàm lượng nội địa hoặc đáp ứng các định nghĩa về quy tắc xuất xứ.
– Xét về khía cạnh kinh tế, việc hạn chế tới mức tối thiểu tự do hóa thương mại sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh, do vậy các biện pháp hạn chế thương mại chỉ được sử dụng để phục vụ mục đích chính sách chiến lược. Quy tắc xuất xứ có thể được xây dựng để giúp các ngành công nghiệp đạt được lợi thế kinh tế, đó là quy tắc xuất xứ phải được xây dựng để bảo đảm là các biện pháp chính sách thương mại phải có hiệu quả thực tế.
Ví dụ: ảnh hưởng của các Hiệp định thương mại tự do đối với doanh nghiệp trong khu vực.
– Việc trợ giá đối với một số mặt hàng xuất khẩu làm bóp méo thương mại, làm cản trở lợi thế so sánh trong sản xuất và phân phối trên thị trường. Do vậy, quy tắc xuất xứ cần có các quy định cụ thể, rõ ràng để điều chỉnh thương mại quốc tế.
– Quy tắc xuất xứ hiện hành chủ yếu dựa trên các tiêu chí chuyển đổi cơ bản, đặc biệt là chuyển đổi mã số thuế. Quy tắc xuất xứ về mặt khái niệm có thể được xem là thiên về công đoạn sản xuất cuối cùng tạo nên sản phẩm có đặc trưng cơ bản khác với nguyên vật liệu ban đầu được sử dụng.
– Việc sử dụng một cách rộng rãi tiêu chí chuyển đổi cơ bản để thỏa mãn yêu cầu xuất xứ có thể dẫn tới việc nội địa hóa công đoạn cuối cùng trong toàn bộ quá trình sản xuất hơn là cân nhắc về lợi thế cạnh tranh. Đối với các nước đang phát triển, việc nhận thức được tác động của quy tắc xuất xứ sản phẩm cụ thể dựa trên tiêu chí kỹ thuật riêng đối với ngành công nghiệp trong nước là vô cùng quan trọng.
Tóm lại, mục đích, vai trò của quy tắc xuất xứ hàng hóa được thể hiện trên nhiều phương diện và góc độ khác nhau, như: Xác định quốc tịch của hàng hóa, bảo đảm hàng hóa có đáp ứng tiêu chuẩn theo các thỏa thuận ưu đãi khu vực hay không; Bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa; Bảo đảm nguồn thu đối với hàng nhập khẩu; Bảo vệ lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng, tăng cường tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật và là công cụ xúc tiến xuất khẩu tới các thị trường tiềm năng.
2. NHỮNG QUY TẮC CHUNG TRONG XÁC ĐỊNH XUẤT XỨ HÀNG HÓA
Với vai trò quan trọng của các quy tắc xuất xứ hàng hóa trong thương mại quốc tế cho nên các quy tắc xuất xứ trên thế giới hầu hết được xây dựng từ các yếu tố chung là: tiêu chí (tiêu chuẩn) xuất xứ, Điều kiện vận chuyển và chứng từ xác nhận hai tiêu chí, điều kiện trên.
2.1. Tiêu chuẩn xuất xứ
Sản phẩm hàng hóa xuất khẩu từ một nước được hưởng có thể được chia làm hai nhóm sau:
+ Những sản phẩm hàng hóa có xuất xứ thuần tuý (hay xuất xứ toàn bộ).
+ Những sản phẩm hàng hóa có xuất xứ không thuần tuý.
Tương ứng với hai nhóm này các nước đã xây dựng nên các quy tắc xuất xứ thuần tuý và không thuần tuý.
2.1.1. Quy tắc xuất xứ thuần tuý
Hàng hóa có xuất xứ thuần tuý là những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc là những sản phẩm được gia công hay chế biến không có sự tham gia của nguyên vật liệu nhập khẩu hoặc không rõ xuất xứ được gọi là hàng hóa có xuất xứ thuần tuý.
Các hàng hóa sau được coi là có xuất xứ thuần tuý:
(1). Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được thu hoạch tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó.
(2). Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó.
(3). Các sản phẩm từ động vật sống tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó.
(4). Các sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, thu lượm hoặc săn bắt tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó.
(5). Các khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên, được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó.
(6). Các sản phẩm lấy từ nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia. vùng lãnh thổ, với điều kiện quốc gia, vùng lãnh thổ đó có quyền khai thác đối với vùng nước, đáy biển và dưới đáy biển theo luật pháp quốc tế.
(7). Các sản phẩm đánh bắt và các hải sản khác đánh bắt từ vùng biển cả bằng tàu được đăng ký với quốc giả đó và được phép treo cờ của quốc gia đó.
(8). Các sản phẩm được chế biến hoặc được sản xuất ngay trên tàu từ các sản phẩm đánh bắt được ở quốc gia, vùng lãnh thổ đó và tàu được đăng ký với quốc gia đó, được phép treo cờ của quốc gia, vùng lãnh thổ đó.
(9). Các vật phẩm có được ở quốc gia, vùng lãnh thổ đó hiện không còn thực hiện được những chức năng ban đầu và cũng không thể sửa chữa hay khôi phục được và chỉ có thể vứt bỏ hoặc dùng làm các nguyên liệu, vật . liệu thô, hoặc sử dụng vào mục đích tái chế.
(10). Các hàng hóa có được hoặc được sản xuất từ các sản phẩm nêu trên ở quốc gia, vùng lãnh thổ đó.
Ví dụ: sản phẩm cà phê Trung Nguyên được coi là xuất xứ thuần tuý Việt Nam vì cây cà phê là một cây công nghiệp được trồng nhiều ở vùng Tây Nguyên Việt Nam và sản phẩm cà phê Trung Nguyên được thu hoạch và chế biến từ những cây cà phê đó.
2.1.2. Quy tắc xuất xứ không thuần tuý
Hàng hóa có xuất xứ không thuần tuý là hàng hóa trong quá trình sản xuất hoặc gia công hay chế biến có thành phần nguyên vật liệu hoặc lao động của hai hay nhiều nước tham gia vào hoạt động tạo ra sản phẩm này. Những sản phẩm này được coi là có xuất xứ tại nước được hưởng nếu những nguyên liệu, bộ phận, thành phần của sản phẩm được chế biến hoặc gia công đầy đủ tại nước đó.
Về nguyên tắc chung, hoạt động chế biến hoặc gia công được coi là đầy đủ nếu chúng thực hiện việc thay đổi cơ bản một hàng hóa, có nghĩa là được biến đổi qua một quá trình sản xuất, để hình thành một vật phẩm thương mại mới, khác biệt về hình dạng, tính năng, đặc điểm cơ bản, hoặc mục đích sử dụng so với hàng hóa ban đầu. Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng thì khái niệm gia công hoặc chế biến đầy đủ tuỳ thuộc vào quy định của mỗi nước hay mỗi khu vực trong quan hệ với các đối tác thương mại. Hai tiêu chí chính thường dùng để xác định đó là “tiêu chuẩn gia công” và “tiêu chuẩn tỷ lệ phần trăm”.
Theo nguyên tắc chung của tiêu chí “tiêu chuẩn gia công” thì nguyên liệu, bộ phận hay thành phần nhập khẩu được coi là đã gia công chế biến đầy đủ khi thành phẩm được tạo ra từ chúng có sự thay đổi về mã số HS khác với mã số HS của nguyên liệu, bộ phận hay thành phần nhập khẩu ban đầu. Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều sản phẩm có sự thay đổi về mã số HS nhưng không đảm bảo đã gia công hoặc chế biến đầy đủ. Do vậy, các nước cho hưởng đã đưa ra một danh mục các công đoạn gia công hoặc chế biến phải thực hiện đối với nguyên liệu để sản phẩm cuối cùng được coi là có xuất xứ. Như vậy tiêu chí “tiêu chuẩn gia công” được thể hiện qua hai tiêu chí cụ thể là tiêu chí chuyển đổi dòng thuế (hay chuyển đổi mã số hàng hóa CTC) và công đoạn gia công hoặc chế biến hàng hóa.
Chuyển đổi mã số hàng hóa hay chuyển đổi mã số HS là sự thay đổi về mã số HS (trong Biểu thuế xuất nhập khẩu) của hàng hóa được tạo ra ở một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trong quá trình sản xuất từ nguyên liệu không có xuất xứ của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ này. Quy tắc này được xây dựng phù hợp với hệ thống danh mục hài hòa và mô tả mã hóa hàng hóa HS (Harmonized System) của tổ chức hải quan thế giới và thường được dùng làm phụ lục của các FTA.
Ví dụ: một Quy tắc xuất xứ nêu: “Chuyển đổi sang các mục từ 19.02 đến 19.05 từ bất kỳ Chương nào”.
Với quy tắc này, hàng hóa có mã HS từ 19.02 đến 19.05 được xem là “có xuất xứ” nếu được sản xuất từ nguyên liệu có mã HS nằm ngoài Chương 19.
Tiêu chí công đoạn gia công hoặc chế biến cụ hàng hóa (tiêu chí SP) thể hiện qua việc nguyên vật liệu, bộ phận nhập khẩu được coi là sản xuất, gia công chế biến đủ khi trải qua quá trình gia công cụ thể để tạo nên một thành phẩm cuối cùng được công nhận xuất xứ. Tiêu chí này rõ ràng, minh bạch, tuy nhiên không thể có công đoạn gia công cụ thể phù hợp với sự thay đổi về công nghệ và đa dạng mặt hàng. Tiêu chí này thường được kết hợp với tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa để xác định xuất xứ
Ví dụ: Da thuộc nhập khẩu từ Philippin, được cắt thành hình và làm thành mũ. Những mảnh đã định hình đó được coi là đã thay đổi cơ bản, đáp ứng tiêu chuẩn gia công chế biến đủ.
Công đoạn gia công hoặc chế biến hàng hóa là quá trình sản xuất chính tạo ra những đặc điểm cơ bản của hàng hóa. Những công đoạn gia công hoặc chế biến dưới đây, khi được thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau được xem là giản đơn và không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa:
a. Các công việc bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển và lưu kho (thông gió, trải ra, sấy khô, làm lạnh, ngâm trong muối, xông lưu huỳnh hoặc thêm các phụ gia khác, loại bỏ các bộ phận bị hư hỏng và các công việc tương tự).
b. Các công việc đơn giản như lau bụi, sàng lọc, chọn lựa, phân loại (bao gồm cả việc xếp thành bộ) lau chùi, sơn, chia cắt ra từng phần.
c. i. Thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng
ii. Việc đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác.
d. Dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, nhãn mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự.
e. Việc trộn đơn giản các sản phẩm, kể cả các thành phần khác nhau, nếu một hay nhiều thành phần cấu thành của hỗn hợp không đáp ứng điều kiện đã quy định để có thể được coi như có xuất xứ tại nơi thực hiện việc này.
f. Việc lắp ráp đơn giản các bộ phận của các sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh;
g. Kết hợp của hai hay nhiều công việc đã liệt kê từ a đến f;
h. Giết mổ động vật.
Danh mục công đoạn gia công hoặc chế biến hàng hóa thường được xây dựng dựa trên danh mục của hệ thống hài hòa và mô tả mã hóa hàng hóa HS.
Một số điều kiện thường được đưa ra trong danh mục này là:
(a) Yêu cầu những nguyên liệu ban đầu sử dụng trong quá trình sản xuất phải có xuất xứ từ nước xuất khẩu được hưởng.
Ví dụ: đối với rau quả ăn được thuộc Chương 8, Danh mục yêu cầu tất cả các nguyên liệu thuộc Chương 7 được sử dụng đều phải có xuất xứ (toàn bộ).
(b) Quy định chỉ có một số nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ có thể được sử dụng như là nguyên liệu ban đầu.
Ví dụ: chế phẩm từ thịt thuộc Chương 16, Danh mục đòi hỏi phải sử dụng động vật thuộc Chương 1 làm nguyên liệu ban đầu, có nghĩa là sử dụng thịt nhập khẩu sẽ khiến sản phẩm cuối cùng bị coi không có xuất xứ.
(c) Tổng hợp cả hai điều kiện (a) (b) trên.
Ví dụ: chế phẩm từ cá thuộc chương 16, Danh mục quy định phải sản xuất từ động vật thuộc Chương 1 làm nguyên liệu ban đầu, tuy nhiên, tất cả được sử dụng phải có xuất xứ.
(d) Yêu cầu các nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ được sử dụng đã phải được chế biến ở mức độ thấp bình thường.
Ví dụ: đối với hầu hết các sản phẩm may mặc và đồ phụ trợ, không phải là đan hoặc móc, thuộc Chương 2, Danh mục quy định phải sản xuất từ sợi đã xe; điều này có nghĩa là sử dụng vải nhập khẩu sẽ không có được xuất xứ cho sản phẩm cuối cùng.
(e) Quy định nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ được sử dụng không vượt quá một tỷ lệ phần trăm nhất định so với giá xuất xưởng của thành phẩm.
Ví dụ: sản phẩm plastic thuộc các thuộc nhóm 3922 đến 3926, Danh mục quy định phải được làm ra mà trong đó trị giá của các nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ được sử dụng không vượt quá 50% trị giá xuất xưởng của sản phẩm.
Đối với điều kiện quy định việc sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ không được vượt quá một tỷ lệ nhất định so với giá sản phẩm, việc tính toán các trị giá có thể tiến hành như sau:
– Trị giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ được xác định là trị giá hải quan tại thời điểm nhập khẩu vào nước cho hưởng hoặc nếu không biết hoặc không thể xác định được, là giá xác định đầu tiên trả cho chúng tại nước đó. Trị giá hải quan xác định theo Hiệp định 1994 về thi hành Điều VII của GATT (Hiệp định WTO về Trị giá Hải quan).
– Trị giá của sản phẩm cuối cùng là giá xuất xưởng của sản phẩm đó (đối với Nhật, là giá FOB), trừ đi mọi khoản thuế nội địa được hoàn trả khi sản phẩm được xuất khẩu. Giá này là giá trả cho nơi tiến hành quá trình gia công hoặc chế biến cuối cùng, với điều kiện giá đó bao gồm giá trị của tất cả các nguyên liệu sử dụng. · Giá FOB bao gồm tất cả các chi phí phát sinh tại nước sản xuất, đặc biệt là chi phí vận chuyển từ nhà máy đến biên giới hoặc cảng và mọi chi phí và lợi nhuận của giao dịch buôn bán trung gian tại nước đó.
(f) Cho phép sử dụng nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ có cùng thuộc nhóm HS với sản phẩm xuất khẩu.
Ví dụ: đối với sản phẩm cao su cứng thuộc nhóm 4017, Danh mục cho phép sản xuất từ nguyên liệu cao su cứng như là nguyên liệu ban đầu mà có cùng thuộc nhóm 4017.
Đối với tiêu chuẩn tỷ lệ phần trăm khi xác định xuất xứ quy định hàng hóa sẽ được coi là chuyển đổi cơ bản khi một tỉ lệ phần trăm tối đa trị giá nguyên vật liệu nhập khẩu hoặc không rõ xuất xứ được sử dụng hoặc tỉ lệ phần trăm tối thiểu trị giá nguyên vật liệu nội địa được sử dụng để sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Tiêu chí này phù hợp với một số mặt hàng không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số, đồng thời có thể linh hoạt áp dụng tỉ lệ phần trăm nhất định, phù hợp năng lực các ngành công nghiệp nội địa và không đòi hỏi công đoạn gia công chế biến. Tuy nhiên, không rõ ràng và khó dự báo (tỉ giá, công thức tính toán).
Có hai cách để xác định hàm lượng giá trị nội địa (Regional Value Content-RVC) trong các quy tắc xuất xứ sử dụng RVC (trường hợp nào sử dụng cách nào cũng đều được quy định rõ trong quy tắc xuất xứ liên quan), bao gồm:
+ Cách tính trực tiếp (chỉ tính hàm lượng giá trị các nguyên liệu “có xuất xứ từ các nước thành viên của FTA đó).
RVC = VOM/AV x 100
+ Cách tính gián tiếp (chỉ tính hàm lượng giá trị các nguyên liệu “không có xuất xứ” từ các nước thành viên của FTA đó).
RVC = (AV – VNM)/AV x 100
Trong đó:
- RVC = Hàm lượng giá trị nội địa (tính theo %)
- AV (adjusted value) = Trị giá hàng hóa (đã được điều chỉnh)
- Giá hàng hóa được điều chỉnh để không tính chi phí vận chuyển quốc tế và các lệ phí liên quan (chỉ tính giá FOB).
- VOM (value of originating materials) = Trị giá phần nguyên liệu “có xuất xứ” sử dụng để sản xuất ra hàng hóa đó
- VNM (value of non- originating materials) = Tri giá phần nguyên liệu “không có xuất xứ sử dụng để sản xuất ra hàng hóa đó (VNM không bao hàm giá trị nguyên liệu tự sản xuất)
Quy định của Canada: Sản phẩm được sản xuất tại nước được hưởng từ nguyên liệu nhập khẩu hoặc không xác định xuất xứ sẽ được coi là có xuất xứ tại nước được hưởng đó nếu trị giá thành phần nhập khẩu không vượt quá 40% giá xuất xưởng của sản phẩm được gửi sang Canada.
Ngoài những tiêu chí được sử dụng phổ biến trong tắc xuất xứ nói trên, một số FTA có quy định những phương pháp đơn lẻ khác trong quy tắc xuất xứ riêng. Ví dụ:
+ Phương pháp “mức tối thiểu” (de minimis): Dù không đáp ứng tiêu chí “có xuất xứ” theo bất kỳ phương pháp nào, hàng hóa vẫn có thể được xem là “có xuất xứ nếu tổng trị giá nguyên liệu “không xuất xứ” chiếm không quá một tỷ lệ nhất định (ví dụ 10% theo FTA Hoa Kỳ- Australia);
+ Phương pháp “chi phí tịnh” (net cost): Phương pháp này được sử dụng trong FTA Hoa Kỳ. Hàn Quốc, áp dụng riêng đối với sản phẩm ô tô.
2.2. Điều kiện về vận chuyển
Điều kiện về vận chuyển được cụ thể trong các quy định về quy tắc vận tải trực tiếp, theo đó:
a) Hàng hóa phải được vận chuyển thẳng từ nước được hưởng đến nước cho hưởng, không qua lãnh thổ một quốc gia nào khác;
b) hoặc quá cảnh lãnh thổ một quốc gia khác, có hoặc không chuyển tải hoặc lưu kho tạm thời với điều kiện sản phẩm đó vẫn nằm trong trong sự kiểm soát của hải quan của nước quá cảnh hoặc lưu kho và không được mua bán hoặc được sử dụng tại đó, và không trải qua các hoạt động nào khác ngoài hoạt động dỡ hàng, xếp hàng và các hoạt động bắt buộc để bảo quản sản phẩm trong trạng thái tốt.
Ngoài hai nội dung trên, tuỳ theo mỗi nước hoặc khu vực lại có thêm những quy định riêng khác. Ví dụ như:
+ Na Uy và Thụy Sĩ quy định lô hàng có thể được chia nhỏ và đóng gói lại, nhưng không được đóng gói để phục vụ bán lẻ.
+ EU quy định vận chuyển qua nước thứ ba phải được chứng minh là do điều kiện địa lý hoặc vì lý do yêu cầu vận tải. Những sản phẩm được vận chuyển bằng đường ống liên tục qua lãnh thổ không phải là lãnh thổ của nước được hưởng xuất khẩu hoặc lãnh thổ của EU, được coi là được vận chuyển thẳng từ nước được hưởng đến EU và ngược lại.
+ Nhật quy định vận chuyển qua nước thứ ba phải vì lý do địa lý hoặc vì yêu cầu của vận tải. Nhật chấp nhận trên nguyên tắc, việc chuyển tàu hoặc lưu kho tạm thời dưới sự giám sát của cơ quan hải quan nước quá cảnh. Việc chuyển tàu hoặc lưu kho tạm thời phải được thực hiện tại khu vực ngoại quan hoặc những nơi tương tự.
+ New Zealand quy định những sản phẩm của một nước được hưởng được phép đưa vào thương mại tại một nước được hưởng khác mà không mất tiêu chuẩn xuất xứ.
+ Mỹ quy định: Những sản phẩm phải đến Mỹ sau khi rời khỏi nước sản xuất. Quy tắc riêng áp dụng cho những chuyến đi qua khu vực mậu dịch tự do tại nước được hưởng như sau:
* Hàng hóa không được đưa vào buôn bán tại nước có khu vực mậu dịch tự do đó;
* Hàng hóa không được trải qua bất kỳ hoạt động nào khác ngoài:
– Lựa chọn, phân loại, hoặc kiểm tra;
– Đóng gói, tháo mở bao bì, thay đổi bao bì, gạn chắt hoặc đóng gói lại vào công ten nơ khác;
– Dán hay ghi ký hiệu, nhãn hiệu, hoặc những dấu hiệu hay những điểm hoặc bao bì phân biệt tương tự khác, nếu mang tính trợ giúp cho những hoạt động được phép theo những quy định đặc biệt; hoặc
– Những hoạt động cần thiết để bảo đảm việc bảo quản hàng hóa trong tình trạng bình thường khi được đưa vào khu mậu dịch tự do;
* Hàng hóa có thể được mua và bán lại, không phải là bán lẻ, để xuất khẩu trong khu mậu dịch tự do. Vì mục đích của những quy định đặc biệt này, khu mậu dịch tự do là khu vực hoặc một vùng được xác định trước đã được thông báo hoặc bảo hộ của chính phủ, ở nơi này những hoạt động nhất định có thể được tiến hành đối với hàng hóa, trừ những hàng hóa như vậy nhưng đã đi vào lưu thông thương mại của nước có khu mậu dịch tự do.
+ Bungary, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Liên bang Nga và Slôvakia: Những nước này áp dụng quy mua thẳng và vận chuyển thẳng. Hàng hóa được coi là được “mua thẳng” nếu người nhập khẩu đã mua chúng từ một công ty đăng ký tại nước được hưởng. Hàng hóa xuất xứ từ nước được hưởng phải được vận chuyển tới nước cho hưởng. Hàng hóa vận chuyển qua lãnh thổ một hoặc nhiều nước ví lý do địa lý, vận tải, kỹ thuật hay lý do kinh tế cũng phải tuân theo quy tắc vận tải thẳng thậm chí nếu chúng được lưu kho tạm thời tại lãnh thổ những nước này, với điều kiện hàng hóa đó vẫn luôn nằm dưới sự kiểm soát của hải quan nước quá cảnh.
2.3. Điều kiện về chứng từ
Để được hưởng những ưu đãi về xuất xứ hàng hóa của nước cho hưởng, hàng hóa cần phải được chứng minh thông qua các chứng từ phù hợp về xuất xứ và vận tải.
2.3.1. Chứng từ về xuất xứ
Tất cả các nước cho hưởng đều có những quy định rõ ràng về hàng hóa có xuất xứ khi nhập khẩu phải có tờ khai thủ tục hải quan của nước nhập khẩu và giấy chứng nhận xuất xứ theo đúng mẫu quy định trong quy tắc xuất xứ được công bố, đã được điền đầy đủ và ký bởi người xuất khẩu và được chứng nhận bởi một cơ quan thẩm quyền tại nước xuất khẩu được hưởng.
Ngoài ra, Một số nước cho hưởng còn có các quy định thêm khác như:
+ Úc, yêu cầu chính là lời khai của người xuất khẩu trên hóa đơn thương mại. Mẫu A có thể được dùng để thay thế, nhưng không yêu cầu phải có chứng nhận.
+ Canada, yêu cầu chính là lời trình bày của người xuất khẩu trên hóa đơn hoặc làm thành bản riêng.
+ New Zealand không đòi hỏi người xuất khẩu xuất trình giấy chứng nhận xuất xứ hay tờ khai quy định chính thức, dù người xuất khẩu có thể bị yêu cầu thẩm tra.
Đối với các trường hợp bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng, các nước đều có những quy định cụ thể về việc cấp bản sao chứng thực giấy chứng nhận xuất xứ gốc. Bên cạnh đó, các nước cũng quy định rõ trong quy tắc xuất xứ về thời hạn hiệu lực của C/O, C/O giáp lưng, trường hợp nào miễn và phải nộp C/O.
2.3.2. Chứng từ về vận chuyển thẳng
Đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu đi qua lãnh thổ một nước thứ ba, chứng từ chứng minh điều 5 tiện vận chuyển thẳng đã được đáp ứng phải được trình cho cơ quan hải quan nước nhập khẩu bao gồm:
(a) Vận đơn suốt cấp tại nước xuất khẩu được hưởng, thể hiện việc đi qua một hay nhiều nước quá nó cảnh; hoặc
(b) Giấy chứng nhận của cơ quan hải quan của một hay nhiều nước quá cảnh:
– Thể hiện mô tả chính xác hàng hóa;
– Ghi ngày dỡ hàng và xếp hàng hoặc ngày lên tàu hoặc xuống tàu, ghi rõ tàu sử dụng;
– Xác nhận những tình trạng của sản phẩm trong khi đi qua các nước quá cảnh.
(c) Không có các giấy tờ trên, bất kỳ giấy tờ thay thế nào được cho là cần thiết (ví dụ: bản sao lệnh mua hàng, hóa đơn của người cung cấp hàng, vận đơn thể hiện tuyến đường hàng đi)
Đối với hàng xuất sang Mỹ, người nhập khẩu có thể phải xuất trình các giấy tờ hàng hải, hóa đơn hoặc các giấy tờ khác làm bằng chứng chứng minh hàng hóa được nhập khẩu thẳng. Cơ quan hải quan Mỹ có thể không đòi hỏi xuất trình chứng từ về vận chuyển thẳng khi cơ quan này biết rõ rằng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ GSP. Trong trường hợp vận chuyển quá cảnh, hóa đơn, vận đơn và giấy tờ khác liên quan đến vận tải phải được trình cho hải quan Mỹ nơi đến cuối cùng.
3. QUY TẮC XUẤT XỨ CỤ THỂ MẶT HÀNG
Bên cạnh các tiêu chí xuất xứ về chuyển đổi mã số hàng hóa và hàm lượng giá trị khu vực RVC thì trong các bộ quy tắc xuất xứ còn quy định về quy tắc xuất xứ cụ thể cho một số mặt hàng nhất định. Những mặt hàng này thường được liệt kê trong phụ lục của các bộ quy xuất xứ và kèm theo mỗi mặt hàng đó sẽ bao gồm quy tắc xuất xứ tương ứng riêng cho mỗi mặt hàng. Nếu hàng hóa đáp ứng được tiêu chí xuất xứ tương ứng quy định cho mặt hàng cụ thể đó sẽ được coi là có xuất xứ theo quy định, cho dù có đáp ứng hay không các tiêu chí BVC và CTC.
Các quy tắc xuất xứ cụ thể cho các loại hàng hóa này cũng được xây dựng dựa trên các yêu cầu đối với loại hàng hóa có xuất xứ thuần tuý (hoặc được sản xuất toàn bộ) hoặc trên cơ sở yêu cầu về RVC, hoặc chuyển đổi mã số ở một cấp độ nào đó của hàng hóa, hoặc yêu cầu hàng hóa phải được gia công, chế biến một công đoạn nào đó tại quốc gia xuất khẩu (tiêu chí SP); hoặc kết hợp các tiêu chí nói trên. Tuy nhiên, yêu cầu RVC trong các quy tắc xuất xứ cụ thể của các mặt hàng này luôn bằng hoặc thấp hơn so với yêu cầu trong tiêu chí RVC chung (chẳng hạn chỉ yêu cầu RVC 35% đối với một số sản phẩm cụ thể trong quy tắc xuất xứ ASEAN). Yêu cầu chuyển đổi mã số hàng hóa có thể cao hơn hoặc thấp hơn CTC trong tiêu chí chung (tuỳ từng mặt hàng, tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa có thể đòi hỏi chuyển đổi ở cấp độ chương 2 số hoặc cấp độ nhóm 4 số hoặc cấp độ phân nhóm 6 số trong danh mục HS).
Khi quy tắc xuất xứ cho mặt hàng cụ thể cho phép lựa chọn giữa các tiêu chí RVC, CTC, SP hoặc kết hợp giữa các tiêu chí nêu trên, mỗi nước thành viên phải cho phép nhà xuất khẩu hàng hóa quyết định lựa chọn sử dụng tiêu chí cụ thể trong các tiêu chí nói trên để xác định xuất xứ hàng hóa.
Đối với quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng trong nhiều bộ quy tắc xuất xứ còn xây dựng chi tiết các tiêu chí về chuyển đổi cơ bản, mô tả cụ thể công đoạn sản xuất gia công, chế biến đối với một số nhóm hàng hóa như nhóm hàng sản phẩm dệt may, hàng đồ gỗ, hàng sắt thép,…
Ví dụ: quy tắc xuất xứ cụ thể đối với sản phẩm dệt may trong quy tắc xuất xứ hàng hóa ASEAN định nguyên liệu dệt và sản phẩm dệt được coi là có xuất xứ tại một nước thành viên khi nó trải qua một trong các công đoạn sau trước khi nhập khẩu vào nước thành viên khác:
a) Các chất hóa dầu trải qua quá trình pôlime hóa hay đa trùng ngưng hay bất kỳ một quá trình hóa học hay vật lý nào để tạo nên một cao phân tử;
b) Cao phân tử trải qua quá trình kéo sợi chảy hay đùn để tạo thành xơ tổng hợp;
c) Kéo xơ thành sợi;
d) Dệt, dệt kim hay phương pháp tạo thành vải khác;
đ) Cắt vải thành các phần và lắp ráp các phần này thành một sản phẩm hoàn chỉnh;
’e) Công đoạn nhuộm vải nếu được kèm thêm bất kỳ công đoạn hoàn tất nào có tác động tới việc hoàn chỉnh sản phẩm nhuộm trực tiếp;
g) Công đoạn in vải nếu được kèm thêm bất kỳ công đoạn hoàn tất nào có tác động tới khả năng hoàn chỉnh sản phẩm in trực tiếp;
h) Công đoạn sản xuất một sản phẩm mới có các xử lý như ngâm hay phủ một sản phẩm dẫn đến việc tạo thành một sản phẩm mới thuộc các nhóm nhất định;
i) Các điểm thêu chiếm ít nhất 5% tổng số diện tích sản phẩm được thêu.
4. CÁC QUY TẮC KHÁC ÁP DỤNG ĐỐI VỚI VIỆC XÁC ĐỊNH XUẤT XỨ HÀNG HÓA
4.1. Quy tắc thành phần nước bảo trợ (Quy tắc thành phần nước cho hưởng).
Quy tắc cho phép sản phẩm (nguyên liệu, bộ phận và phụ tùng) sản xuất tại nước cho hưởng, nếu được cung cấp cho một nước hưởng ưu đãi và được sử dụng ở đó để gia công chế biến, thì sẽ được coi là sản phẩm có xuất xứ tại nước hưởng ưu đãi nhằm xác định xuất xứ của thành phẩm. Trên thế giới một số nước cho hưởng ưu đãi áp dụng quy tắc này. Ví dụ:
+ Nhật: Nhật yêu cầu chứng từ đặc biệt chứng minh theo quy tắc này. Ngoài giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu A bình thường, Quy tắc đòi hỏi phải có chứng từ sau về nguyên liệu nhập khẩu từ Nhật đó là Giấy chứng nhận nguyên liệu nhập khẩu từ Nhật cấp bởi cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu A.
+ New Zealand: New Zealand áp dụng quy tắc thành phần nước bảo trợ cho phép những sản phẩm (nguyên liệu, bộ phận hoặc thành phẩn mà nước này sản xuất hoặc chế biến sẽ được coi là có xuất xứ tại nước được hưởng. Do đó, trong trường hợp sản phẩm xuất khẩu bởi nước được hưởng sang Niudilan, nguyên liệu, bộ phận hoặc thành phần có xuất xứ tại Niudilân và được nhập khẩu từ Niudilan và được sử dụng để sản xuất ra sản phẩm khác sẽ được coi là xuất xứ tại nước được hưởng và không được tỉnh là vào thành phần nhập khẩu đối với tiêu chuẩn 50%.
+ Thụy Sĩ: Từ 01/7/1996, Thụy Sĩ đã áp dụng quy tắc thành phần nước bảo trợ. Theo quy tắc này, thành phần nhập khẩu có xuất xứ từ Thụy Sĩ trong sản phẩm được hưởng ưu đãi theo chế độ của Thụy Sĩ có thể được coi như là chúng được sản xuất chế biến toàn bộ tại nước được hưởng. Khi quy tắc thành phần nước bảo trợ được áp dụng, cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ tại nước được hưởng sẽ cấp giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu A cuối cùng trên cơ sở giấy chứng nhận dịch chuyển EUR1, được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền tại Thụy Sĩ.
4.2. Quy tắc xuất xứ cộng gộp
Xuất xứ cộng gộp cho phép sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu có xuất xứ từ một nước được hưởng ưu đãi để sản xuất tại một nước cũng được hưởng ưu đãi, không phải đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mã số HS (CTC) hoặc gia công, chế biến.
Nước xuất xứ của hàng hóa được hưởng ưu đãi theo quy tắc cộng gộp là nước tham gia sản xuất và xuất khẩu hàng hóa đó sang nước có thỏa thuận cho hưởng ưu đãi thuế quan (cộng gộp ASEAN, ACFTA,…). Theo quy tắc cộng gộp nêu trên thì công đoạn gia công, chế | biến làm gia tăng giá trị phải được thực hiện tại nước được hưởng/nước thành viên thì mới được cộng gộp để tính hàm lượng tiêu chuẩn xuất xứ.
Để xác định xuất xứ hàng hóa theo quy định của nhiều nước như Úc, Canada, New Zealand, Nga và các nước Đông Âu coi tất cả các nước được hưởng như là một khu vực. Tất cả trị giá gia tăng và/hoặc quá trình gia công trong khu vực có thể được cộng gộp với nhau để thỏa mãn các quy định về xuất xứ đối với sản phẩm xuất khẩu sang một nước bất kỳ trong các nước cho hưởng nếu trên. Quy định này được gọi là quy tắc cộng gộp toàn bộ.
Quy định cộng gộp này cũng cho phép việc vận chuyển qua các nước thành viên khác của cùng một khối nước mà không vi phạm quy định về vận tải.
Nhật Bản áp dụng quy tắc cộng gộp toàn bộ theo vùng đối với các thành viên của khối ASEAN cho các sản phẩm xuất khẩu sang Nhật từ một nước thành viên của khối này. Các nước thành viên của ASEAN được xem như một thể chế trong xem xét để hưởng quy chế xuất xứ cộng gộp này theo đó nguyên vật liệu từ một nước thành viên bất kỳ sẽ được coi là “nguyên vật liệu của ASEAN” không kể đến xuất xứ của các nguyên phụ liệu trung gian được sử dụng sản xuất trong các nước thành viên khác của ASEAN.
Cũng theo quy tắc cộng gộp thì các nước được hưởng trong cùng một khối kinh tế khu vực muốn được áp dụng các quy định về xuất xứ cộng gộp phải thông báo trước cho nước cho hưởng có liên quan, tuyên bố những biện pháp sẽ được khối tiến hành để đảm bảo thực hiện các quy định về xuất xứ cộng gộp. Việc cho hưởng chế độ quy định về xuất xứ cộng gộp chỉ áp dụng sau khi thông báo được chấp thuận..
4.3. Quy tắc về hàng hóa triển lãm
Trong thực tiễn hoạt động thương mại trên thế giới thỉnh thoảng phát sinh trường hợp hàng hóa gửi từ một nước thành viên xuất khẩu để tham gia triển lãm tại một nước thành viên khác và được bán trong thời gian hoặc sau thời gian triển lãm nhằm nhập khẩu vào một nước thành viên sẽ được hưởng ưu đãi về xuất xứ theo hiệp định thương mại đã ký kết. Theo quy tắc về vận tải thông thường, các sản phẩm đó sẽ không thỏa mãn để được hưởng ưu đãi về xuất xứ. Tuy nhiên, một số nước và khu vực có quy định trong quy tắc xuất xứ cho hàng hóa này được hưởng ưu đãi với các điều kiện kèm theo thí dụ như đối với EU, Nhật Bản, ASEAN, Thụy Sĩ Na Uy, Nga và các nước Đông Âu. Đó là các sản phẩm phải thỏa mãn các quy định xuất xứ thông thường và thỏa mãn các điều kiện liệt kê dưới đây:
-Người xuất khẩu đã gửi lô hàng từ lãnh thổ của nước cho hưởng tới nước có hội chợ triển lãm và hàng đã được trưng bày tại đó.
– Sản phẩm được người xuất khẩu bán cho một người nào đó tại nước cho hưởng liên quan.
– Sản phẩm được vận chuyển đi tham gia hội chợ triển lãm trong quá trình triển lãm hoặc ngay sau khi kết thúc triển lãm vẫn còn nguyên trạng, không được đem ra sử dụng vào bất kỳ mục đích nào ngoài việc đem ra trưng bày.
4.4. Các quy tắc khác liên quan đến việc xác định xuất xứ hàng hóa
Khi xác định xuất xứ hàng hóa thì ngoài những quy tắc trên, trong các bộ quy tắc xuất xứ còn có các quy định cụ thể đối với các trường hợp sau: tin để
+ Về bao bì và vật liệu đóng gói: được chia ra làm hai trường hợp:
- Đối với vật liệu đóng gói và bao bì để bán lẻ: Nếu áp dụng tiêu chí RVC để xác định xuất xứ hàng hóa thì trị giá của vật liệu đóng gói và bao bì để bán lẻ được coi là một cấu thành của hàng hóa và được tính đến khi xác định xuất xứ của hàng hóa. Nếu xác định xuất xứ theo tiêu chí CTC thì vật liệu đóng gói và bao bì để bán lẻ, khi được phân loại cùng với hàng hóa đóng gói, sẽ được loại trừ khỏi các nguyên vật liệu không có xuất xứ được sử dụng trong việc sản xuất ra hàng hóa.
- Đối với bao gói và vật liệu đóng gói dùng để vận chuyển hàng hóa sẽ không được xem xét khi xác định xuất xứ của hàng hóa đó.
+ Về Phụ kiện, phụ tùng và dụng cụ:
- Trường hợp xác định xuất xứ hàng hóa theo tiêu chí CTC hoặc SP, xuất xứ của các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và các tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin khác đi kèm theo hàng hóa đó sẽ không được tính khi xác định xuất xứ hàng hóa, với điều kiện:
a) Các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và các tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin không thuộc một hóa đơn khác với hóa đơn của hàng hóa đó; và
b) Số lượng và trị giá của các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và các tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin phù hợp với hàng hóa đó.
- Trường hợp xác định xuất xứ hàng hóa theo tiêu chí RVC, trị giá của các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và các tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin khác đi kèm theo hàng hóa đó sẽ được tính là giá trị của nguyên vật liệu có xuất xứ hoặc không có xuất xứ, tuỳ từng trường hợp.
+ Các yếu tố trung gian: Khi xác định xuất xứ hàng hóa, không phải xác định xuất xứ của những yếu tố dưới đây đã được sử dụng trong quá trình sản xuất và không còn nằm lại trong hàng hóa đó:
- Nhiên liệu và năng lượng;
- Dụng cụ, khuôn rập và khuôn đúc;
- Phụ tùng và vật liệu dùng để bảo dưỡng thiết bị và nhà xưởng,
- Dầu nhờn, chất bôi trơn, hợp chất và các nguyên vật liệu khác dùng trong sản xuất hoặc dùng để vận hành thiết bị và nhà xưởng;
- Găng tay, kính, giầy dép, quần áo, các thiết bị an toàn;
- Các thiết bị, dụng cụ và máy móc dùng để thử nghiệm hoặc kiểm tra hàng hóa;
- Chất xúc tác và dung môi;
- Bất kỳ nguyên vật liệu nào khác không còn nằm lại trong hàng hóa nhưng việc sử dụng chúng phải chứng minh được là cần thiết trong quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.
+ Nguyên vật liệu giống nhau và có thể thay thế nhau: Việc xác định các nguyên vật liệu giống nhau và có thể thay thế cho nhau có là nguyên vật liệu có xuất xứ hay không được thực hiện bằng cách chia tách thực tế từng nguyên vật liệu đó hoặc áp dụng các nguyên tắc kế toán về quản lý kho được áp dụng rộng rãi, hoặc các thông lệ quản lý kho tại Nước thành viên xuất khẩu. Khi đã quyết định sử dụng một phương pháp kế toán về quản lý kho nào thì phương pháp này phải được sử dụng suốt trong năm tài chính đó.
II. QUY TẮC XUẤT XỨ VÀ KIỂM TRA XUẤT XỨ HÀNG HÓA TẠI VIỆT NAM
1. SỰ HÌNH THÀNH CÁC QUY TẮC XUẤT XỨ HÀNG HÓA TẠI VIỆT NAM
Vấn đề xây dựng và hoàn thiện các quy tắc xuất xứ hàng hóa của Việt Nam nhằm đáp ứng những đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế và giao lưu thương mại quốc tế đã được quan tâm từ lâu. Trong khoảng thời gian từ năm 1986 đến năm 1995, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được sự uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, là cơ quan duy nhất ở Việt Nam có thẩm quyền cấp các loại C/O cho các nhà xuất khẩu Việt Nam theo các Hiệp định quốc tế mà Việt Nam cam kết tham gia hay ký kết. Sau khi gia nhập ASEAN năm 1995 và tham gia Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung CEPT, Chính phủ đã giao cho Bộ Thương mại cũ (nay là Bộ Công thương) xây dựng quy chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ ASEAN của Việt Nam- Mẫu D để hưởng các ưu đãi theo hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại giữa các nước ASEAN. Từ đó đến nay, các quy tắc xuất xứ ưu đãi đã được ban hành chủ yếu trong quá trình Việt Nam tham gia hoạt động ASEAN để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Ấn Độ, ASEAN- Nhật Bản và Hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN-Úc-Niudilan.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã xây dựng các bộ quy tắc xuất xứ ưu đãi dành cho các đối tác quan trọng như Lào, Campuchia và Nhật Bản. Bên cạnh đó, các quy tắc xuất xứ không ưu đãi cũng đã được ban hành chủ yếu nhằm thực hiện các quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về hải quan. Các quy tắc xuất xứ này, tuy được ban hành dưới hình thức các văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành nhưng thời gian qua đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quá trình phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước, đưa các quy định pháp luật về thương mại của Việt Nam ngày càng thống nhất và hài hòa với các quy tắc chung về xuất xứ hàng hóa của khu vực và quốc tế.
Chính sách mở cửa nền kinh tế của Việt Nam đã đưa đất nước hội nhập cùng nền kinh tế khu vực và thế giới, mở ra rất nhiều cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp muốn khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Các Hiệp định quốc tế như hiệp định ưu đãi thuế quan CEPT, GSP, hay các Hiệp định song phương về xuất nhập khẩu hàng hóa mà Việt Nam đã tham gia ký kết… cho phép hàng hóa của Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi, nhiều thuận lợi và nâng cao được khả năng cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, để đưa hàng hóa có xuất xứ Việt Nam thâm nhập vào thị trường các nước trong điều kiện cạnh tranh gay gắt hiện nay thì việc tranh thủ những ưu đãi từ bên ngoài là hết sức cần thiết, nhất là các ưu dãi về thuế quan dành cho Việt Nam. Từ những ưu thế trên, việc áp dụng các quy tắc xuất xứ và tận dụng những lợi thế của Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa chính là cơ hội giúp hàng hóa có xuất xứ Việt Nam thâm nhập một cách dễ dàng hơn vào thị trường quốc tế. Đồng thời với việc xây dựng và hoàn thiện các bộ quy tắc xuất xứ và giấy chứng nhận xuất xứ đã giúp Việt Nam thực hiện tốt các cam kết theo các hiệp định đã ký kết với các nước và thực thi các chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu dựa trên xuất xứ hàng hóa một cách có hiệu quả.
2. QUY TẮC XUẤT XỨ VÀ GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HÓA Ở VIỆT NAM
2.1. Cơ sở pháp lý thực hiện việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu tại Việt nam
+ Đối với hàng hóa được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt: thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia
Các văn bản pháp quy liên quan xuất xứ và chứng nhận xuất xứ theo các hiệp định thương mại tự do tại đây
+ Đối với hàng hóa áp dụng thuế suất ưu đãi MFN, thuế suất thông thường và các trường hợp khác:
Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về Xuất xứ hàng hóa
Thông tư số 33/2023/TT-BTC ngày 31/05/2023 của Bộ Tài Chính Quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
+ Đối với hàng hóa xuất khẩu, người khai hải quan chịu trách nhiệm về xuất xứ của hàng hóa. Khi có nghi ngờ về xuất xứ, cơ quan Hải quan yêu cầu người khai hải quan cung cấp chứng từ cần thiết để chứng minh và/hoặc đề nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.
+ Đối với hàng hóa nhập khẩu đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khoẻ của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát thì việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa thực hiện theo thông báo của các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam và các tổ chức quốc tế tại thời điểm đó.
+ Đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước đang ở trong thời điểm Việt Nam áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ giá, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng thì việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa thực hiện theo thông báo của Bộ Công thương và các cơ quan có thẩm quyền.
2.2. Danh sách các mẫu chứng nhận xuất xứ tại Việt Nam
Hiện tại, Việt Nam đang cấp trên 20 mẫu C/O khác nhau, chi tiết các mẫu C/O này xem tại bài viết: Danh sách các mẫu C/O Việt Nam TẠI ĐÂY
2.3. Quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam là thành viên
2.3.1. Nội dung các Quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam là thành viên
2.3.2. Cơ chế và thủ tục chứng nhận xuất xứ trong các FTA Việt Nam là thành viên
2.4. Các Quy định liên quan đến cấp và chấp nhận chứng từ về xuất xứ hàng hóa
2.4.1. Thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ
Giấy chứng nhận xuất xứ do các tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ cấp theo mẫu quy định. Tổ chức cấp C/O chỉ được cấp một loại mẫu giấy cho mỗi lô hàng xuất khẩu. Mỗi bộ C/O gồm một bản chính và các bản sao.
Riêng với sản phẩm cà phê xuất khẩu, ngoài việc cấp C/O form ( hoặc form X. Tổ chức cấp C/O có thể cấp thêm form A hoặc form B nếu nhà xuất khẩu yêu cầu. C/O được cấp dưới 2 hình thức sau: 04 39
+ Cấp C/O bằng giấy: là hình thức cấp C/O giấy trực tiếp cho doanh nghiệp tại Tổ chức cấp C/O.
+ Cấp C/O điện tử: là hình cấp C/O thông qua Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công thương (gọi tắt là eCOSys), được Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) phê duyệt triển khai tại Quyết định số 0519/QĐ-BTM ngày 21/03/2006 và các hình thức cấp C/O điện tử khác được Bộ Công thương đồng ý cho triển khai thực hiện.
Khi có yêu cầu cấp C/O, người đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu phải nộp cho tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và có trách nhiệm:
(1). Lập và nộp đăng ký hồ sơ thương nhân cho Tổ chức cấp C/O.
(2). Lập và nộp Bộ hồ sơ đề nghị cấp C/O đầy đủ cho Tổ chức cấp C/O.
(3). Chứng minh hàng hóa xuất khẩu đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ và tạo điều kiện thuận lợi cho Tổ chức cấp C/O và Tổ chức giám định trong việc xác minh xuất xứ hàng hóa.
(4). Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung khai trong Hồ sơ thương nhân và Bộ hồ sơ xin cấp C/O cũng như xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu, kể cả trong trường hợp được Người xuất khẩu uỷ quyền.
(5). Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ điện tử trong trường hợp doanh nghiệp xin cấp C/O điện tử.
(6). Báo cáo kịp thời cho tổ chức cấp C/O tại nơi thương nhân đã đề nghị cấp về những lô hàng bị nước nhập khẩu từ chối công nhận C/O do các Tổ chức cấp C/O của Việt Nam cấp (nếu có).
(7). Hợp tác và tạo điều kiện cho tổ chức cấp C/O kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất hoặc nơi nuôi, trồng, thu hoạch và chế biến hàng hóa xuất khẩu.
(8). Chứng minh tính xác thực về xuất xứ của hàng hóa đã xuất khẩu khi có yêu cầu của Bộ Công thương, tổ chức cấp C/O, cơ quan hải quan trong nước và cơ quan hải quan nước nhập khẩu.
Hồ sơ đề nghị cấp C/O:
+ Đối với doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng cố định và trước đó đã nộp bộ hồ sơ chi tiết cấp C/O lần đầu, hồ sơ đề nghị cấp C/O bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp C/O được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ.
b) Mẫu C/O tương ứng đã được khai hoàn chỉnh;
c) Bản sao tờ khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan (có đóng dấu sao y bản chính của doanh nghiệp). Trong trường hợp chưa có bản sao tờ khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan và vận tải đơn (hoặc chứng từ tương đương vận tải đơn), người đề nghị cấp C/O có thể được nợ các chứng từ này nhưng không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày được cấp C/O.
d) Bản sao hóa đơn thương mại (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);
đ) Bản sao vận tải đơn hoặc bản sao chứng từ vận tải tương đương (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) trong trường hợp thương nhân không có vận tải đơn. Trường hợp cấp C/O giáp lưng cho cả lô hàng hoặc một phần lô hàng từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước, chứng từ này có thể không bắt buộc phải nộp nếu trên thực tế thương nhân không có;
e) Bản tính toán chi tiết hàm lượng giá trị khu vực (đối với tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực); hoặc bản kể khai chi tiết mã HS của nguyên liệu đầu vào và mã HS của sản phẩm đầu ra (đối với tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa hoặc tiêu chí công đoạn gia công chế biến cụ thể).
+ Đối với thương nhân đề nghị cấp C/O lần đầu, hoặc sản phẩm mới xuất khẩu lần đầu, ngoài các chứng từ nêu trên, trong trường hợp cần thiết, Tổ chức cấp C/O có thể đi kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất của thương nhân và yêu cầu người đề nghị cấp C/O nộp thêm các tài liệu, chứng từ sau dưới dạng bản sao có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân:
a) Quy trình sản xuất ra hàng hóa;
b) Tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu dùng để sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu (trong trường hợp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu nhập khẩu trong quá trình sản xuất);
c) Hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn giá trị gia tặng mua bán nguyên liệu, phụ liệu trong nước (trong trường hợp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu mua trong nước trong quá trình sản xuất);
d) Xác nhận của người bán hoặc xác nhận của chính quyền địa phương nơi sản xuất ra nguyên liệu, hàng hóa (trong trường hợp sử dụng nguyên liệu, hàng hóa mua trong nước trong quá trình sản xuất) trong trường hợp không có những chứng từ nêu tại điểm C khoản 2 điều này;
đ) Giấy phép xuất khẩu (nếu có);
e) Chứng từ, tài liệu cần thiết khác.
Mã HS của hàng hóa khai trên C/O là mã HS của nước nhập khẩu. Trường hợp mã HS nước nhập khẩu khác với mã HS nước xuất khẩu, thương nhân cần làm bản cam kết tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của mã HS nước nhập khẩu do thương nhân khai báo.
Những tài liệu, chứng từ nêu trên có giá trị trong vòng 2 năm kể từ ngày thương nhân nộp cho tổ chức cấp C/O. Sau thời hạn này, thương nhân phải nộp lại hồ sơ chi tiết để cập nhật những thông tin mới về quy trình sản xuất, nguyên vật liệu sử dụng để sản xuất ra hàng hóa và các thông tin khác.
Thương nhân phải lưu trữ tài liệu, chứng từ của từng lô hàng xuất khẩu trong vòng 3 năm kể từ ngày cấp C/O để xuất trình cho Tổ chức cấp C/O khi Tổ chức này hậu kiểm xuất xứ của những lô hàng đã được cấp C/O.
Trường hợp thương nhân có xuất khẩu thêm mặt hàng mới mà chưa nộp hồ sơ chi tiết, thương nhân phải nộp bổ sung hồ sơ chi tiết như quy định cho mặt hàng này.
Tổ chức cấp C/O có thể yêu cầu thương nhân cung cấp bản chính của các bản sao của các chứng từ trong hồ sơ để đối chiếu trong trường hợp có căn cứ rõ ràng để nghi ngờ tính xác thực của những chứng từ này và phải nêu rõ những căn cứ này bằng văn bản, có chữ ký của người có thẩm quyền ký C/O trên văn bản yêu cầu đó.
Đối với các doanh nghiệp tham gia eCOSys, mọi chứng từ sẽ được thương nhân ký điện tử và truyền tự động tới các tổ chức cấp C/O. Các tổ chức cấp C/O căn cứ vào hồ sơ trên mạng để kiểm tra tính hợp lệ của thông tin và cấp C/O cho thương nhân khi nhận được bộ hồ sơ đầy đủ bằng giấy.
Tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn người đề nghị cấp C/O nếu được yêu cầu;
2. Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ thương nhân và hồ sơ đề nghị cấp C/O;
3. Xác minh thực tế xuất xứ của hàng hóa khi cần thiết;
4. Cấp C/O khi hàng hóa đáp ứng các quy định về xuất xứ nêu tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan;
5. Gửi mẫu chữ ký của những người được uỷ quyền ký C/O và con dấu của Tổ chức cấp C/O cho Bộ Công thương (Vụ Xuất nhập khẩu) theo quy định của Bộ Công thương để đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu;
6. Giải quyết các khiếu nại liên quan đến việc cấp C/O theo thẩm quyền;
7. Xác minh lại xuất xứ của hàng hóa đã xuất khẩu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu;
8. Trao đổi các thông tin có liên quan đến việc cấp C/O với các Tổ chức cấp C/O khác;
9. Thực hiện chế độ báo cáo, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ về xuất xứ và các yêu cầu khác theo quy định của Bộ Công thương.
Trong những trường hợp ngoại lệ khi C/O không được cấp vào thời điểm xuất khẩu do sai sót của cán bộ cấp C/O hoặc vì các trường hợp bất khả kháng hoặc có lý do xác đáng của Người đề nghị cấp C/O, C/O có thể được cấp sau và có giá trị hiệu lực tính từ thời điểm giao hàng nhưng không vượt quá một năm tính từ ngày giao hàng đến ngày cấp thực tế và phải ghi rõ: “ISSU ED RETROACTIVELY” (cấp sau và có hiệu lực từ khi giao hàng) lên C/O.
Trong trường hợp C/O bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng, Người đề nghị cấp C/O muốn đề nghị cấp lại phải có đơn đề nghị gửi cho chính tổ chức đã cấp C/O, nêu rõ lý do đề nghị cấp lại, nộp Bộ hồ sơ, C/O bản gốc và các bản sao (nếu có). Bản C/O cấp lại này sẽ lấy số và ngày của C/O cũ và đóng dấu “CERTIFIED TRUE COPY. Bản C/O cấp lại này phải được cấp không quá một (01) năm kể từ ngày cấp bản gốc C/O. Thời hạn cấp lại không quá ba (03) ngày kể từ ngày Tổ chức cấp C/O nhận được đơn đề nghị cấp lại C/O.
Trong trường hợp cần tách C/O thành hai hay nhiều bộ, Người đề nghị cấp C/O phải có đơn đề nghị gửi Tổ chức cấp C/O nêu rõ lý do cần tách C/O, nộp Bộ hồ sơ, bản gốc và các bản sao C/O cũ (nếu có). C/O được cấp lại trong trường hợp này, một bộ sẽ lấy số và ngày của C/O cũ. Các bộ còn lại sẽ lấy số mới và ngày cấp mới;
Trong trường hợp hàng phải tái nhập khẩu để tái chế, chuyển sang nước nhập khẩu khác, Người đề nghị cấp C/O phải có đơn đề nghị gửi Tổ chức cấp C/O, nêu rõ lý do cấp lại kèm theo bản gốc và các bản sao C/O cũ (nếu có). Trong trường hợp tại thời điểm đề nghị cấp, C/O cũ chưa được thu hồi, C/O đề nghị cấp lại sẽ lấy số, ngày cấp mới và được đánh máy rõ vào ô phù hợp trên Mẫu C/O nội dung: “THIS C/O REPLACES THE CAO No. (số C/O cũ) DATED (ngày phát hành C/O cũ)”.
Giấy chứng nhận xuất xứ sẽ không được cấp nếu hàng hóa xuất khẩu không đáp ứng được tiêu chí về xuất xứ theo quy định hoặc bộ hồ sơ đề nghị cấp không hợp lệ.
Trong trường hợp cơ quan hải quan, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu kiểm tra tính xác thực xuất xứ của hàng hóa, tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ có trách nhiệm xác minh xuất xứ của hàng hóa này và thông báo lại cho cơ quan đã yêu cầu.
- Trách nhiệm của Tổ chức giám định:
– Giám định xuất xứ hàng hóa khi được Người đề nghị cấp C/O yêu cầu;
– Giám định viên khi giám định về xuất xứ phải có kiến thức chuyên môn về xuất xứ hàng hóa.
2.4.2. Tổ chức và quản lý việc cấp phép chứng nhận xuất xứ
a. Cơ quan có thẩm quyền cấp C/O của Việt Nam
Tổ chức cấp C/O là các Phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực thuộc Bộ Công thương, các đơn vị thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu A cho mặt hàng giầy dép xuất khẩu đi thị trường EU do các Phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực trực thuộc Bộ Công thương tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu thực hiện.
Bộ Công thương uỷ quyền cho Phòng Thương mại và Cổng nghiệp Việt Nam cấp các mẫu C/O còn lại Danh sách các Tổ chức cấp C/O sẽ được Bộ Công thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố theo từng thời điểm.
b, Các trường hợp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu phải nộp cho cơ quan hải quan
Trong những trường hợp sau, giấy chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu phải nộp cho cơ quan hải quan tại thời điểm làm thủ tục hải quan:
+ Hàng hóa có xuất xứ từ nước hoặc nhóm nước được Việt Nam cho hưởng các ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, nếu người nhập khẩu muốn được hưởng các chế độ ưu đãi đó.
+ Hàng hóa có xuất xứ từ những nước được Việt Nam cho hưởng ưu đãi theo thuế suất tối huệ quốc Việt Nam trên cơ sở có đi có lại hoặc trên cơ sở đơn phương. Trong trường hợp không có giấy chứng nhận xuất xứ thì người nhập khẩu phải có cam kết hàng hóa có xuất xứ từ những nước đó và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về nội dung cam kết đó.
+ Hàng hóa thuộc diện phải tuân thủ theo các chế độ quản lý nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo các điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên mà Việt Nam và nước hoặc nhóm nước cùng là thành viên.
+ Hàng hóa thuộc diện do Việt Nam hoặc các tổ chức quốc tế thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khoẻ của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát.
+ Hàng hóa nhập khẩu từ các nước thuộc diện Việt Nam thông báo đang ở trong thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ giá, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng.
Lưu ý:
– Trường hợp C/O không làm bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp thì phải kèm theo bản dịch có công chứng hoặc do giám đốc công ty ký đóng dấu và chịu trách nhiệm. Nếu trên C/O có sửa chữa, tẩy xoá thì cơ quan, tổ chức cấp C/O phải đóng dấu xác nhận việc sửa chữa, tẩy xoá này.
– C/O phải do các cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của nước cấp C/O (Bộ Công thương, Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính, cơ quan Hải quan v.v…) hoặc các tổ chức khác được Nhà nước quy định (thông thường là phòng thương mại hoặc phòng thương mại và công nghiệp). Trường hợp C/O do nhà sản xuất cấp thì phải có xác nhận của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước cấp có liên quan.
Ngày cấp C/O có thể trước hoặc sau ngày xếp hàng lên phương tiện vận tải, nhưng phải phù hợp với thời gian quy định được phép nộp chậm C/O.
– Một bản C/O có thể được cấp và xác nhận xuất xứ cho nhiều mặt hàng thuộc một lô hàng nhập khẩu và chỉ có giá trị đối với lô hàng này.
– C/O cấp lại do mất mát, thất lạc thì trên bản C/O được cấp lại phải có dòng chữ “Sao y bản chính” bằng tiếng Anh “Certified true copy”.
C/O xuất trình không đúng với thời gian quy định do các điều kiện bất khả kháng hoặc có lý do xác đáng, cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố xem xét từng trường hợp cụ thể để chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.
– C/O đã nộp cho cơ quan hải quan thì không được thay thế hoặc sửa đổi nội dung. Việc xem xét xuất xứ hàng hóa được căn cứ trên bản C/O đã nộp này. Trừ những trường hợp nhầm lẫn có xác nhận của tổ chức cấp C/O thì cơ quan hải quan nơi làm thủ tục chấp nhận C/O nộp bổ sung.
c. Các trường hợp không phải nộp C/O
Hàng hóa XNK trên đây, nếu thuộc các trường hợp dưới đây cũng không phải nộp C/O:
– Hàng có tổng trị giá không vượt quá 200 USD
– Hàng nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại, hàng quá cảnh, hàng mua bán trao đổi của cư dân biên giới, hàng nhập khẩu đã qua sử dụng, hàng nông sản hoa quả tươi nhập khẩu từ các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam hoặc hàng hóa khác theo quy định tại các thỏa thuận quốc tế.
2.5. KIỂM TRA XUẤT XỨ HÀNG HÓA
2.5.1. Nguyên tắc và cơ sở kiểm tra xuất xứ hàng hóa
Nguyên tắc kiểm tra xuất xứ hàng hóa: Việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa phải căn cứ vào thực tế hàng hóa và hồ sơ hải quan. Trường hợp có khác biệt nhỏ giữa việc khai trên C/O và chứng từ thuộc hồ sơ hải quan nhưng cơ quán hải quan không nghi ngờ về tính xác thực của xuất xứ hàng hóa và việc khai đó vẫn phù hợp với hàng hóa thực tế nhập khẩu thì C/O đó vẫn được coi là hợp lệ.
C/O đã nộp cho cơ quan hải quan thì không được thay thế hoặc sửa đổi nội dung, trừ trường hợp có lý do chính đáng và do chính cơ quan hay tổ chức có thẩm quyền cấp C/O sửa đổi, thay thế trong thời hạn quy định của pháp luật;
2.5.2. Nội dung kiểm tra xuất xứ hàng hóa
2.5.2.1. Kiểm tra xác nhận trước xuất xứ hàng hóa nhập khẩu
Người nhập khẩu nếu có nhu cầu xác nhận trước xuất xứ cho hàng nhập khẩu phải gửi văn bản, tài liệu liên quan đề nghị cơ quan Hải quan xác nhận bằng văn bản về xuất xứ cho lô hàng sắp được nhập khẩu. Hồ sơ đề nghị xác nhận trước xuất xứ hàng hóa gồm:
+ Đơn đề nghị xác nhận trước xuất xứ hàng hóa nhập khẩu (theo mẫu 01-ĐXX/2010 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 194/2010/TT-BTC), trong đó mô tả rõ tên hàng, mã số HS, nước và cơ sở sản xuất hay gia công, lắp ráp, nước xuất khẩu, giá FOB, dự kiến thời gian và hành trình của hàng hóa khi vận chuyển vào Việt Nam;
+ Bản kê các nguyên vật liệu dùng để sản xuất ra hàng hóa gồm các thông tin như: tên hàng, mã số HS, xuất xứ nguyên vật liệu cấu thành sản phẩm, giá CIF của nguyên vật liệu;
+ Hóa đơn mua bán các nguyên vật liệu dùng để sản xuất ra hàng hóa;
+ Các chứng từ khác: Bản mô tả sơ bộ quy trình sản xuất ra hàng hóa, giấy chứng nhận giám định, giấy chứng nhận gia công lắp ráp, giấy chứng nhận phân tích thành phần, catalogue, mẫu hàng, ảnh chụp được yêu cầu xuất trình trong những trường hợp các giấy tờ trên chưa cớ đủ thông tin để xác nhận trước xuất xứ.
‘Cơ quan thực hiện kiểm tra xác nhận trước xuất xứ là Tổng cục Hải quan trong thời gian sớm nhất, không quá 150 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bộ hồ sợ đầy đủ và hợp lệ, Tổng cục Hải quan xem xét, ban hành phiếu xác nhận trước xuất xứ. Phiếu xác nhận trước xuất xứ có hiệu lực trong thời hạn một năm kể từ ngày ban hành và được áp dụng đối với hàng hóa cùng loại, cùng nhà sản xuất và xuất khẩu, do chính người nộp đơn đề nghị xác nhận trước xuất xứ làm thủ tục nhập khẩu. Phiếu xác nhận trước xuất xứ hàng hóa chỉ có giá trị làm thủ tục thông quan, không có giá trị để hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Trong thời hạn hiệu lực của phiếu xác nhận trước xuất xứ hàng nhập khẩu, cơ quan hải quan sẽ xem xét lại hoặc huỷ bỏ giá trị của phiếu này và thông báo cho người nộp đơn đề nghị xác nhận trước xuất xứ khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
a) Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan được bổ sung sửa đổi,
b) Các yếu tố đánh giá xuất xứ hàng hóa đã thay đổi; c) Có sự khác nhau giữa kết quả xác nhận trước xuất xứ với xuất xứ thực tế của hàng hóa;
d) Người nộp đơn đề nghị xác nhận trước xuất xứ doel cung cấp thông tin sai lệch, giả mạo;
e) Có sự khác nhau về kết quả xác nhận trước xuất xứ đối với cùng một mặt hàng, cùng một nhà sản xuất.
Khi có sự thay đổi về các yếu tố đánh giá xuất xứ hàng hóa, người nộp đơn đề nghị phải kịp thời thông báo cho cơ quan hải quan nơi tiến hành xác nhận trước xuất xứ.
Hồ sơ chứng từ xác nhận trước xuất xứ được lưu giữ trong ba năm kể từ ngày cấp phiếu xác nhận trước xuất xứ hàng nhập khẩu.
Việc xác nhận trước xuất xứ đối với hàng hóa hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết thì thực hiện theo quy tắc xác định xuất xứ để thực hiện Hiệp định đó.
Trường hợp người nộp đơn đề nghị xác nhận trước xuất xứ không cung cấp đủ thông tin cần thiết, cơ quan hải quan sẽ từ chối xác định trước xuất xứ và thông báo bằng văn bản.
2.5.2.2. Kiểm tra xuất xứ hàng hóa khi kiểm tra sơ bộ hồ sơ hải quan
Đối với trường hợp không phải nộp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O): cơ quan Hải quan chỉ kiểm tra việc khai xuất xứ trên tờ khai hải quan.
Đối với trường hợp phải nộp C/O: yêu cầu người khai hải quan phải nộp C/O khi đăng ký tờ khai hải quan và kiểm tra sơ bộ các tiêu chí trên C/O. Nếu có sai lệch, nghi vấn thì đề xuất chuyển sang kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan.
Trường hợp doanh nghiệp có văn bản đề nghị được chậm nộp C/O thì cơ quan hải quan xem xét, chấp nhận được chậm nộp trong thời hạn quy định.
2.5.2.3. Kiểm tra xuất xứ hàng hóa khi kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan
Đối với trường hợp không phải nộp C/O: Kiểm tra nội dung khai xuất xứ trên tờ khai hải quan và đối chiếu với các chứng từ có liên quan về xuất xứ trong hồ sơ hải như hợp đồng, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, Phiếu xác nhận trước xuất xứ (nếu có),…
Đối với trường hợp phải nộp C/O (áp dụng đối với cả C/O được cấp điện tử) thì phải tiến hành như sau:
+ Kiểm tra hình thức của C/O:
- Trên C/O phải thể hiện dòng chữ FORM D/FORM E/FORM S/FORM AK/FORM AJ,…;
- Số tham chiếu: mỗi C/O có một số tham chiếu
- Các tiêu chí trên C/O phải được điền đầy đủ;
- Kích thước, màu sắc, ngôn ngữ và mặt sau của C/O phải theo đúng quy định của các Hiệp định và các văn bản pháp luật có liên quan (lưu ý mặt sau C/O phải ghi đầy đủ tên các nước thành viên).
+ Kiểm tra nội dung C/O:
- Kiểm tra đối chiếu dấu và chữ ký trên C/O với mẫu dấu và chữ ký của người và cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền cấp C/O đã được Tổng cục Hải quan thông báo cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố. Cụ thể: Thời hạn có hiệu lực của chữ ký của người có thẩm quyền cấp C/O; Người ký cấp C/O phải đúng với Phòng cấp C/O đã được Tổng cục thông báo (không chấp nhận trường hợp người ký trên C/O thuộc Phòng cấp này nhưng con dấu của Phòng cấp khác).
- Kiểm tra thời hạn hiệu lực của C/O
- Sự phù hợp, thống nhất giữa các thông tin trên C/O với nhau và giữa nội dung trên C/O với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan (tờ khai hải quan, hợp đồng, hóa đơn thương mại, vận đơn, chi tiết đóng gói hàng hóa, Phiếu xác nhận trước xuất xứ (nếu có)}. Trong đó lưu ý về tên người nhập khẩu, tên hàng, lượng hàng, mã HS, trị giá, quy cách phẩm chất, xuất xứ, số hiệu chứng từ có liên quan, loại phương tiện vận tải, cảng đi, cảng đến,…;
- Kiểm tra cách ghi tiêu chuẩn xuất xứ của hàng hóa trên C/O (theo tiêu chí hàm lượng xuất xử, hoặc tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa, hoặc tiêu chí công đoạn gia công chế biến hàng hóa, tiêu chí xuất xứ thuần tuý,…) được quy định tại các Quy tắc xuất xứ thực hiện Hiệp định thương mại tự do do Bộ Công thương ban hành và phần hướng dẫn ở mặt sau C/O;
- Đối với C/O có hóa đơn thương mại do bên thứ ba phát hành: căn cứ quy định tại Hiệp định và văn nhận CO; bản pháp luật liên quan để chấp nhận hoặc không chấp
- Kiểm tra thông tin về hành trình của lô hàng ghi trên C/O để đảm bảo hàng hóa nhập khẩu đã đáp ứng đúng quy tắc vận chuyển trực tiếp theo quy định tại các Quyết định của Bộ Công thương và Thông tư của Bộ Tài chính để thực hiện các Hiệp định thương mại tự do. Lưu ý trường hợp hàng hóa quá cảnh qua một nước/lãnh thổ thứ ba không phải là thành viên (riêng đối với C/O mẫu AK kể cả quá cảnh qua một nước là thành viên) thì yêu cầu người khai hải quan phải nộp bản xác nhận của cơ quan hải quan nước quá cảnh hoặc người vận chuyển xác nhận hàng hóa quá cảnh là cần thiết và hàng hóa được giữ nguyên trạng;
- Đối với C/O cấp sau: Trên C/O phải ghi dòng chữ “issued restroactively/issued retrospectively” hoặc được đánh dấu vào ô thích hợp và phải đối chiếu ngày giao hàng trên vận đơn/các chứng từ vận tải khác với ngày cấp C/O để đảm bảo phù hợp với quy định về C/O cấp sau.
+ C/O cấp thay thế: Căn cứ quy định tại Hiệp định liên quan cho phép được cấp C/O thay thế để kiểm tra và chấp nhận C/O. Riêng đối với C/O mẫu D, trên C/O thay thế phải có dòng chữ thể hiện C/O được cấp thay thế cho C/O trước đó.
+ Đối với C/O giáp lưng: Thực hiện kiểm tra, đối chiếu về hình thức và nội dung C/O như trên. Tuy nhiên, riêng đối với C/O mẫu D giáp lưng, không bắt buộc người nhập khẩu phải nộp C/O mẫu D gốc do nước thành viên đầu tiên cấp cùng với C/O mẫu D giáp lưng. Nếu có nghi ngờ về tính hợp lệ của C/O, thì tiến hành xác minh C/O theo quy định.
+ Đối với C/O cấp điện tử: Kiểm tra C/O nhu hướng dẫn như trên đây đối với C/O giấy và các văn bản có liên quan để thực hiện Hiệp định thương mại tự do (ví dụ: khi kiểm tra C/O mẫu AK điện tử của Hàn Quốc, phải truy cập website của cơ quan cấp để đối chiếu C/O do người nhập khẩu nộp với C/O trên mạng của cơ quan cấp và in một bản từ website để lưu hồ sơ lô hàng. Nếu không có thông tin hoặc không tìm thấy C/O mẫu AK điện tử thì tiến hành xác minh C/O theo quy định).
2.5.2.4. Kiểm tra xuất xứ khi kiểm tra thực tế hàng hóa
Kiểm tra xuất xứ khi kiểm tra thực tế hàng hóa là việc kiểm tra các thông tin về xuất xứ ghi trên hàng hóa, bao bì, nhãn hàng hóa; đối chiếu với nội dung khai của người khai hải quan trên tờ khai hải quan, với kết quả kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan.
Các thức kiểm tra xuất xứ trên hàng hóa:
+ Kiểm tra việc ghi xuất xứ trên hàng hóa nhập khẩu: trên sản phẩm, bao bì, nhãn hàng hóa. Kiểm tra các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, cách ghi xuất xứ phải phù hợp với quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ;
+ Kiểm tra sự thống nhất về xuất xứ trên hàng hóa, bao bì, nhãn mác, ký hiệu mã vạch;
+ Đối với hàng nhập khẩu là hàng lỏng, hàng rời (không thể ghi nhãn mác trên hàng hóa và bao bì) thì kiểm tra hành trình của lô hàng để có cơ sở xác định xuất xứ hàng hóa.
Sau khi tiến hành kiểm tra, nhân viên kiểm tra ghi kết quả kiểm tra xuất xứ hàng hóa vào phần kiểm trả hàng hóa trên Lệnh hình thức, mức độ kiểm tra và trên tờ khai hải quan theo quy định.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra xử lý như sau:
+ Trường hợp xuất xứ thực tế của hàng hóa nhập khẩu khác với xuất xứ khai báo của người khai hải quan, nhưng vẫn thuộc nước, vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc với Việt Nam thì cơ quan hải quan vẫn áp dụng thuế suất ưu đãi theo quy định, nhưng sẽ tuỳ tính chất, mức độ vi phạm để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật;
+ Trong trường hợp có nghi ngờ về xuất xứ hàng hóa, cơ quan Hải quan yêu cầu người khai hải quan cung cấp thêm các chứng từ để chứng minh hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu xác nhận. Việc kiểm tra xác minh xuất xứ hàng hóa phải được hoàn thành trong vòng 150 ngày, kể từ ngày người khai hải quan nộp bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Trong khi chờ kết quả kiểm tra, hàng hóa không được hưởng ưu đãi thuế quan nhưng vẫn được thông quan theo thủ tục hải quan thông thường;
Trường hợp cần phải xác minh với cơ quan cấp C/O của nước xuất khẩu, Tổng cục Hải quan sẽ có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xử của nước xuất khẩu xác nhận tính xác thực của C/O hoặc giải trình, làm rõ các nghi vấn về xuất xứ hàng hóa; nếu cần thiết sẽ tiến hành việc kiểm tra xác minh xuất xứ hàng hóa tại các nước xuất khẩu (theo quy định về thủ tục điều tra, xác minh C/O của Quy chế xuất xứ thực hiện Hiệp định thương mại tự do) và đồng thời có văn bản thông báo cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi có vướng mắc để biết và trả lời doanh nghiệp.
Thời hạn và thủ tục xác minh với cơ quan cấp C/O nước ngoài căn cứ vào các quy định của từng Hiệp định thương mại tự do liên quan
Thời gian xem xét giải quyết các vướng mắc về xuất xứ hàng hóa, xem xét chấp nhận C/O không quá 365 ngày kể từ ngày C/O được nộp cho cơ quan hải quan hoặc kể từ ngày cơ quan hải quan nghi ngờ có sự gian lận vi phạm về xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp người khai hải quan nộp C/O cấp cho cả lô hàng nhưng chỉ nhập khẩu một phần của lô hàng thì cơ quan hải quan chấp nhận C/O đó đối với phần hàng hóa thực nhập.
Công ty TNHH HP Toàn Cầu
Nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển quốc tế, thủ tục hải quan và giấy phép xuất nhập khẩu
Địa chỉ: Số 13, LK3 – NO03 – Khu đô thị Văn Khê – Phường La Khê – Quận Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 08 8611 5726 / 0984870199 hoặc Điện thoại: 024 73008608
Email: info@hptoancau.com
Lưu ý:
– Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, trước khi sử dụng, bạn nên liên lạc HP Toàn Cầu để update nội dung cập nhật mới nhất(nếu có)
– HP Toàn Cầu giữ bản quyền với bài viết và không đồng ý đơn vị khác sao chép, sử dụng bài viết của HP Toàn Cầu vì mục đích thương mại
– Mọi sự sao chép không có thỏa thuận với HP Toàn Cầu (kể cả có ghi dẫn chiếu website hptoancau.com) có thể dẫn đến việc chúng tôi claim với google và các bên liên quan.