Ý nghĩa của các thuật ngữ tiêu chí xuất xứ C/O
Danh sách các tiêu chí xuất xứ trên C/O
Thuât ngữ tiêu chí xuất xứ trên C/O thông thường bao gồm các tiêu chí sau:
- “WO” (Wholly obtained): Xuất xứ thuần túy
- “PE”(Produced Entirely): Tiêu chí sản xuất toàn bộ
- “RVC” (Regional Value Content): Hàm lượng khu vực
- “LVC” (Local Value Content): Hàng hóa đáp ứng tiêu chí LVC có hàm lượng giá trị nội địa không nhỏ hơn % theo quy định
- “CTC” (Change in Tariff Classification): Chuyển đổi mã số hàng hóa, bao gồm các trường hợp cụ thể:
+ “CC” (Change in chapter): Chuyển đổi chương
+ “CTH” (Change in Tariff Heading): Chuyển đổi nhóm
+ “CTSH”(Change in Tariff Sub-Heading): Chuyển đổi phân nhóm
- “DMI” (De Minimis): Tỉ lệ không đáng kể nguyên vật liệu không đáp ứng tiêu chí CTC
- “SP” (Specific Manufacturing or Processing Operation): Giai đoạn gia công chế biến cụ thể
- “ACU” (Accumulation): Cộng gộp
- “IIM”: Nguyên vật liệu giống nhau có thể thay thế nhau
Người đề nghị cấp C/O, căn cứ vào bản chất hàng hóa và quy định của mẫu C/O tương ứng mà chon tiêu chí thích hợp.
Tại bài viết này HP Toàn Cầu giải thích ý nghĩa chung của các tiêu chí kể trên (lưu ý là bài viết này chỉ có ý nghĩa tham khảo và ý nghĩa chung, để áp dụng các tiêu chí chính xác theo từng mẫu C/O, từng hiệp đinh thương mại tự do, người làm C/O cần xem quy định riêng cho mẫu C/O, hiêp định thương mại tự do đó.
Tiêu chí “xuất xứ thuần túy (WO)”
Tiêu chí “xuất xứ thuần túy (WO)” là gì?
“Xuất xứ thuần túy” (tiếng Anh là Wholly Obtained—WO) là một trong những tiêu chí cơ bản và quan trọng được sử dụng để xác định xuất xứ của hàng hóa.
Tiêu chí này yêu cầu hàng hóa thu được toàn bộ trong phạm vi lãnh thổ của bên thành viên xuất khẩu hoặc được sản xuất hoàn toàn từ nguyên liệu có xuất xứ thuần túy của bên thành viên xuất khẩu đó.
WO là tiêu chí chặt nhất so với tất cả các tiêu chí còn lại trong hệ thống quy tắc xuất xứ. Với thực tiễn thương mại quốc tế như hiện nay, không có nhiều các sản phẩm đáp ứng tiêu chí này.
Ví dụ: Động vật sống (con gà, con bò, …) được sinh ra và nuôi dưỡng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam được coi là có xuất xứ thuần túy Việt Nam.
Ví dụ về Xuất xứ thuần túy (WO) trong Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) |
Theo định nghĩa về xuất xứ thuần túy trong ATIGA thì hàng hoá được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được coi là sản xuất toàn bộ tại Nước thành viên xuất khẩu trong các trường hợp sau:
- Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng bao gồm quả, hoa, rau, cây, tảo biển, nấm và các loại cây trồng khác được trồng và thu hoạch, hái hoặc thu lượm tại đó.
- Động vật sống bao gồm động vật có vú, chim, cá, loài giáp xác, động vật thân mềm, loài bò sát, vi khuẩn và virút, được sinh ra và nuôi dưỡng tại Nước thành viên xuất khẩu.
- Các hàng hoá chế biến từ động vật sống tại Nước thành viên xuất khẩu.
- Hàng hoá thu được từ săn bắn, đánh bẫy, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản, thu lượm hoặc săn bắt tại Nước thành viên xuất khẩu.
- Khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên khác chưa được liệt kê từ khoản 1 đến khoản 4 Điều này, được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, biển, đáy biển hoặc dưới đáy biển của Nước thành viên đó.
- Sản phẩm đánh bắt bằng tàu được đăng ký tại một Nước thành viên và có treo cờ của Nước thành viên đó, và các sản phẩm khác được khai thác từ vùng biển lãnh hải, đáy biển hoặc dưới đáy biển ngoài vùng lãnh hải của Nước thành viên đó, với điều kiện là Nước thành viên đó có quyền khai thác biển, đáy biển và dưới đáy biển đó theo luật quốc tế.
- Sản phẩm đánh bắt và các sản phẩm từ biển khác đánh bắt từ vùng biển cả bằng tàu được đăng ký tại một Nước thành viên và treo cờ của Nước thành viên đó.
- Sản phẩm được chế biến và/hoặc được sản xuất ngay trên tàu chế biến được đăng ký tại một Nước thành viên và treo cờ của Nước thành viên đó, trừ các sản phẩm được quy định tại khoản 7 Điều này.
- Các vật phẩm thu nhặt tại nước đó nhưng không còn thực hiện được những chức năng ban đầu hoặc cũng không thể sửa chữa hay khôi phục được và chỉ có thể vứt bỏ hoặc dùng làm các nguyên vật liệu, hoặc sử dụng vào mục đích tái chế.
- Phế thải và phế liệu có nguồn gốc từ:
- Quá trình sản xuất tại Nước thành viên xuất khẩu; hoặc
- Hàng hoá đã qua sử dụng được thu nhặt tại Nước thành viên xuất khẩu, với điều kiện hàng hoá đó chỉ phù hợp làm nguyên vật liệu thô.
11. Hàng hoá thu được hoặc được sản xuất tại một Nước thành viên xuất khẩu từ các sản phẩm được quy định từ khoản 1 đến khoản 10 Điều này
Định nghĩa về WO này của ATIGA cơ bản cũng tương tự như các FTA khác mà Việt Nam tham gia.
Tuy nhiên, riêng với phế thải và phế liệu, quy định WO của ATIGA với các FTA có điểm khác biệt, Cụ thể, theo ATIGA (tại khoản 9, 10 nêu trên, tương tự với các FTA trong khuôn khổ ASEAN) thì phế thải, phế liệu tự động được coi như có xuất xứ thuần túy và sẽ mặc định khai tiêu chí WO trên C/O ưu đãi hoặc Tự chứng nhận xuất xứ ưu đãi. Trong khi đó, với các FTA thế hệ mới như CPTPP, phế thải, phế liệu và các hàng hóa khác tương tự có thể được đánh giá theo bất kỳ tiêu chí xuất xứ nào đúng với bản chất hàng hóa đó và phù hợp với Quy tắc xuất xứ mặt hàng (PSR) quy định cho hàng hóa đó. Do vậy, phế thải, phế liệu, hàng hóa tương tự trong trường hợp này có thể được ghi các tiêu chí khác trên C/O ưu đãi hoặc Tự chứng nhận xuất xứ ưu đãi mà không phải tiêu chí WO như trong ATIGA và một số FTA trong khuôn khổ ASEAN của Việt Nam.
“Xuất xứ thuần túy (WO)” được xét trong phạm vi lãnh thổ một Bên thành viên FTA hay nhiều hơn một Bên thành viên FTA?
Tùy vào từng FTA mà quy định về phạm vi lãnh thổ để xem xét “xuất xứ thuần túy” có thể khác nhau.
(i) Trường hợp WO” chỉ được xét trong phạm vi lãnh thổ một Bên thành viên FTA
Trong hầu hết các FTA Việt Nam tham gia, “WO” được xác định là xuất xứ thuần túy trong phạm vi lãnh thổ của MỘT Bên thành viên. Điều này có nghĩa là để thỏa mãn WO, toàn bộ 100% nguyên liệu được sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ thuần túy trong phạm vi lãnh thổ của Bên thành viên đó; tức là hàng hóa đó phải thu được toàn bộ trong phạm vi lãnh thổ của Bên thành viên đó. Nếu có bất kỳ thành phần nguyên liệu nào không có xuất xứ hoặc không xác định được xuất xứ được thêm vào trong quá trình sản xuất sẽ loại trừ hàng hóa đó ra khỏi định nghĩa “xuất xứ thuần túy”.
ATIGA và một số FTA của ASEAN với đối tác bên ngoài áp dụng tiêu chí WO một Bên này.
Ví dụ một sản phẩm nhập khẩu là cá được ướp muối từ Lào. Cá được đánh bắt trên sông của Lào, nhưng muối không xác định được xuất xứ hoặc muối có xuất xứ thuần túy được nhập khẩu từ Việt Nam. Theo ATIGA, trong trường hợp này cá ướp muối sẽ không được coi là có xuất xứ thuần túy Lào cho dù 99% trị giá của cá thành phẩm có xuất xứ thuần túy Lào và chỉ 1% trị giá thành phẩm (muối) là không xác định được xuất xứ hoặc được nhập khẩu từ nước khác (cho dù là từ một thành viên ASEAN).
(ii) Trường hợp WO” được xét trong phạm vi lãnh thổ của bất kỳ Bên thành viên nào của FTA
“WO” cũng có thể được quy định là xuất xứ thuần túy trong phạm vi lãnh thổ của một FTA, tức TẤT CẢ các Bên thành viên của FTA đó (còn gọi là tiêu chí WO-FTA). Trong trường hợp này, toàn bộ khu vực FTA (bao gồm lãnh thổ của tất cả các Bên thành viên FTA) sẽ được coi như một vùng lãnh thổ thống nhất về xuất xứ.
AKFTA, CPTPP áp dụng tiêu chí WO-FTA này.
Ví dụ sản phẩm có mã HS 0304.82 (phi lê đông lạnh của cá hồi) gồm cá hồi có xuất xứ thuần túy Việt Nam, sử dụng hóa chất ướp cá (chiếm 1% trị giá thành phẩm) có xuất xứ thuần túy tại Malaysia nhập khẩu để chế biến đông lạnh thành thành phẩm tại Việt Nam xuất khẩu đi Hàn Quốc hoặc các nước ASEAN. Do AKFTA có quy định về WO-FTA (trong trường hợp cụ thể này được viết tắt là WO-AK), sản phẩm HS 0304.82 trong trường hợp này sẽ được AKFTA. xem là đáp ứng tiêu chí WO-AK, có thể được cấp C/O ưu đãi để hưởng ưu đãi thuế quan AKFTA
Ví dụ minh họa nguyên tắc WO-Một Bên và WO-FTA |
ATIGA yêu cầu WO-Một Bên (xuất xứ thuần túy tại duy nhất một nước thành viên ASEAN)
Sản phẩm cà phê hòa tan của Việt Nam muốn có xuất xứ thuần túy ATIGA thì toàn bộ nguyên liệu dùng để sản xuất ra cà phê phải có xuất xứ thuần túy Việt Nam. Như vậy, nếu sản phẩm này được chế biến từ 03 nguyên liệu là cà phê, đường, sữa tươi thì cả 3 nguyên liệu này cùng với quá trình sản xuất cà phê hòa tan phải có xuất xứ Việt Nam thì sản phẩm này mới được coi là thỏa mãn tiêu chí WO của ATIGA.
Cụ thể, trong trường hợp này, nếu cà phê được trồng và thu hoạch tại tỉnh Lâm Đồng, sữa được thu hoạch toàn bộ tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, đường được sản xuất toàn bộ từ mía trồng tại tỉnh Quảng Ngãi bởi nhà máy mía đường tỉnh này; và ba nguyên liệu này được đưa vào chế biến thành cà phê tan tại Nhà máy ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai thì sản phẩm này đáp ứng được tiêu chí xuất xứ thuần túy ATIGA.
CPTPP quy định WO-CPTPP (xuất xứ thuần túy trong phạm vi CPTPP, không phụ thuộc vào việc đó là lãnh thổ Bên thành viên CPTPP nào)
Cũng với sản phẩm cà phê hòa tan, cà phê hòa tan của Việt Nam muốn có xuất xứ thuần túy CPTPP thì không nhất thiết toàn bộ nguyên liệu để sản xuất ra cà phê phải có xuất xứ thuần túy Việt Nam vì tiêu chí WO của CPTPP là xuất xứ thuần túy trong phạm vi tất cả 11 nước thành viên CPTPP.
Do đó nếu sản phẩm này được sản xuất tại Việt Nam từ sữa có xuất xứ thuần túy New Zealand; đường có xuất xứ thuần túy Malaysia; và hạt cà phê có xuất xứ thuần túy Việt Nam (cả Việt Nam, New Zealand và Malaysia đều là thành viên CPTPP) thì sản phẩm này sẽ có xuất xứ thuần túy CPTPP.
Khi Việt Nam xuất khẩu cà phê hòa tan tới các thành viên CPTPP, sản phẩm này được ghi trên C/O hoặc Tự chứng nhận xuất xứ với tiêu chí “WO” – được hiểu là “WO-CPTPP”. Khi đó một thành viên CPTPP được coi như khu vực “xuất xứ” của Việt Nam và sản phẩm cuối cùng mỗi được tạo ra được coi là hoàn toàn trong phạm vi xuất xứ Việt Nam/CPTPP.
Tiêu chí “sản xuất toàn bộ (PE)” là gì?
Sản xuất toàn bộ (tiếng Anh là là Produced Entirely – PE) là tiêu chí xuất xứ yêu cầu hàng hóa phải được sản xuất toàn bộ từ nguyên liệu “có xuất xứ”. Hàng hóa thuộc các trường hợp sau đây có thể được coi là đáp ứng tiêu chí “PE”:
- Được sản xuất toàn bộ từ nguyên liệu đáp ứng tiêu chí xuất xứ thuần túy (WO);
- Được sản xuất toàn bộ từ nguyên liệu đáp ứng tiêu chí Hàm lượng giá trị khu vực (RVC), Chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC) và/ hoặc tiêu chí Công đoạn gia công chế biến cụ thể (SP);
- Được sản xuất toàn bộ từ các nguyên liệu đáp ứng tiêu chí PE;
- Được sản xuất toàn bộ từ các nguyên liệu đáp ứng tiêu chí WO, PE hoặc RVC, CTC hoặc SP.
Tiêu chí “RVC” (Regional Value Content): Hàm lượng khu vực
Tiêu chí “Hàm lượng Giá trị Khu vực (RVC)” là gì?
Hàm lượng Giá trị Khu vực (tiếng Anh là Regional Value Content – RVC) là tiêu chí xuất xứ yêu cầu hàng hóa phải đạt được một ngưỡng (tính theo tỷ lệ phần trăm) về giá trị tối thiểu ở trong khu vực FTA.
Mỗi FTA có quy định khác nhau về ngưỡng giá trị tối thiểu này đối với toàn bộ hoặc đối với từng mặt hàng cụ thể (quy tắc cụ thể mặt hàng – PSR). Tuy nhiên, ngưỡng phổ biến trong hầu hết các FTA trên toàn cầu là 40%.
Ví dụ về Tiêu chí RVC |
- Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Ấn Độ (AIFTA): quy tắc xuất xứ áp dụng chung là RVC 35% và CTSH.
- Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA): quy tắc xuất xứ áp dụng chung là RVC 40% hoặc CTH; tuy nhiên một số dòng sản phẩm như 1605.10 (cua), 1605.20 (tôm Shrimp và tôm Pandan) có tiêu chí RVC 35%; 8708.40 (các bộ phận của hộp số xe) có tiêu chí RVC 45%…
RVC được tính như thế nào?
RVC có nhiều cách tính, trong đó phổ biến là 2 cách tính Trực tiếp (Build-up) và Gián tiếp (Build-down):
- Cách tính Trực tiếp: dựa trên trị giá nguyên vật liệu có xuất xứ;
- Cách tính Gián tiếp: dựa trên trị giá nguyên vật liệu không có xuất xứ.
Hầu hết các FTA cho phép nhà sản xuất, người xuất khẩu lựa chọn tính RVC theo một trong hai cách nêu trên. Cách tính gián tiếp sử dụng trị giá FOB của thành phẩm trừ đi tất cả các yếu tố đầu vào không có xuất xứ hoặc không xác định được xuất xứ. Với cách tính này, thương nhân có thể giữ bí mật một số thông tin như lợi nhuận trên mỗi sản phẩm, chi phí phân bổ, chi phí nhân công và một số chi phí khác, do vậy cách tính này được thương nhân ưu ái lựa chọn nhiều hơn so với cách tính trực tiếp.
CPTPP đưa ra 2 ngưỡng RVC khác nhau nếu áp dụng cách tính khác nhau, nếu sử dụng cách tính trực tiếp, ngưỡng RVC là 40% hoặc 45% nhưng nếu sử dụng cách tính gián tiếp, ngưỡng RVC là 50% hoặc 55%. Thông thường nếu tính gián tiếp ngưỡng RVC trong PSR quy định sẽ cao hơn 10% so với tính trực tiếp.
Một số FTA mới như CPTPP còn có thêm cách tính RVC khác như:
- Cách tính theo Chi phí tịnh (Net cost method) áp dụng đối với ô tô,
- Cách tính Trị giá tập trung (Focus Value) áp dụng đối với một số mặt hàng cụ thể
ACFTA trước đây chỉ cho phép tính theo duy nhất phương pháp gián tiếp. Tuy nhiên, ACFTA phiên bản nâng cấp dự kiến có hiệu lực năm 2019 sẽ cho phép thương nhân được lựa chọn một trong hai cách tính trực tiếp hoặc gián tiếp, góp phần tạo thuận lợi cho người xuất khẩu gia tăng cơ hội đáp ứng tiêu chí xuất xứ, từ đó nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi sử dụng C/O mẫu E của FTA này.
Ví dụ về hai cách tính RVC Trực tiếp và Gián tiếp |
Hàng hóa bánh quy của Việt Nam xuất khẩu sang Singapore (HS 1905.31)
Quy tắc xuất xứ ATIGA RVC 40%
Nguyên vật liệu | Nguồn gốc | Xuất xứ | Giá trị |
Bột mỳ | Mỹ | Không có xuất xứ ATIGA | 6.0 USD |
Đường | Australia | Không có xuất xứ ATIGA | 3.0 USD |
Hương liệu | Việt Nam | Có xuất xứ ATIGA | 1.8 USD |
Trứng | Trung Quốc | Không có xuất xứ ATIGA | 1.5 USD |
Chi phí nhân công, phân bổ trực tiếp và chi phí khác | 4.5 USD | ||
Lợi nhuận | 3.2 USD | ||
Trị giá FOB | 20.0 USD |
Tính RVC theo cách trực tiếp
RVC = (1.8+ 4.5+ 3.2)/20 x 100% = 47.5%
Tỉnh RVC theo cách gián tiếp
RVC=(20-6-3-1.5)/20 x 100% = 47.5%
Như vậy với cách tính RVC trực tiếp hay gián tiếp thì kết quả đều ra RVC bằng 47.5% tức là hàng hóa này đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ RVC 40% của ATIGA và sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này.
“SP” (Specific Manufacturing or Processing Operation): Giai đoạn gia công chế biến cụ thể
Tiêu chí “Chuyển đổi mã HS (CTC)”
Tiêu chí “Chuyển đổi mã HS (CTC)” là gì?
“Chuyển đổi mã HS của hàng hóa” (tiếng Anh là Change in Tariff Classification – CTC) là tiêu chí xuất xứ ngày càng trở nên phổ biến trong các FTA, được hiểu một cách đơn giản là tiêu chí xuất xứ yêu cầu mã HS của thành phẩm phải khác mã HS của các nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ ở cấp 2 số, 4 số hoặc 6 số tùy từng trường hợp (phụ thuộc vào Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) của FTA liên quan).
Tiêu chí CTC bao gồm các trường hợp cụ thể sau:
- CC (Change in Chapter): Tiêu chí “Chuyển đổi Chương”, yêu cầu mã HS của thành phẩm phải thuộc một Chương khác với Chương của mã HS của nguyên liệu không có xuất xứ, tức 02 số đầu mã HS của thành phẩm khác 02 số đầu mã HS của nguyên liệu không có xuất xứ;
- CTH (Change in Tariff Heading): Tiêu chí “Chuyển đổi Nhóm”, yêu cầu mã HS của thành phẩm phải thuộc Nhóm khác với Nhóm của mã HS của nguyên liệu không có xuất xứ, tức 04 số đầu mã HS của thành phẩm khác 04 số đầu mã HS của nguyên liệu không có xuất xứ;
- CTSH (Change in Tariff Sub-Heading): Tiêu chí “Chuyển đổi Phân nhóm”, yêu cầu mã HS của thành phẩm phải thuộc Phân nhóm khác với Phân nhóm của mã HS của nguyên liệu không có xuất xứ, tức 06 số đầu mã HS của thành phẩm khác 06 số đầu mã HS của nguyên liệu không có xuất xứ
Tiêu chí “Chuyển đổi Chương (CC)” là cấp độ chặt nhất của Tiêu chíCTC.“Chuyển đổi Nhóm (CTH)” là cấp độ vừa phải. Chuyển đổi Phân nhóm (CTSH) là cấp độ lỏng nhất của CTC.
Mặc dù CTC có 3 cấp độ (CC, CTH và CTSH) nhưng trong các FTA, cấp độ được sử dụng phổ biến nhất là CTH (Chuyển đổi Nhóm).
Trên thực tế, trong nhiều FTA, “RVC 40% hoặc CTH” là tiêu chí được quy định chung cho nhiều mặt hàng. Đây là 2 tiêu chí được xem là cơ bản và thông dụng nhất để chứng minh thành phẩm đã trải qua quá trình “chuyển đổi cơ bản” để được xét là có xuất xứ FTA.
Lưu ý
CTC chỉ áp dụng đối với nguyên liệu không có xuất xứ và chỉ áp dụng cho công đoạn sản xuất hàng hóa cuối cùng để hợp nhất các nguyên liệu không có xuất xứ.
Các FTA khác nhau có thể có các cách thể hiện tiêu chí CTC khác nhau mặc dù về bản chất là giống nhau. Cách thể hiện phổ biến là CC, CTH, CTSH như giải thích ở trên, thường gặp trong các FTA của ASEAN. Tuy nhiên, trong một số FTA mới, như CPTPP thì chuyển đổi Chương, Nhóm, Phân nhóm diễn giải là: “A change to a good of …(mã HS của sản phẩm) from any other Chapter/Heading/Sub-heading”
Ví dụ 1. |
Hàng hoá: Mứt dâu (HS 2007.99) sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu sang Australia Quy tắc xuất xứ theo AANZFTA: CC hoặc RVC 40%
Giả sử sản phẩm Mứt dâu này được sản xuất từ hai nguyên liệu là Quả dâu và Đường đều không có xuất xứ AANZFTA (chẳng hạn như được nhập khẩu từ Trung Quốc là nước không phải thành viên AANZFTA) và do đó Mứt dâu không đáp ứng được tiêu chí RVC 40%. Khi đó tiêu chí CC sẽ được xem xét để xác định sản phẩm Mứt dâu có được ưu đãi thuế quan theo AANZFTA hay không.
Do hai nguyên liệu không có xuất xứ là Quả dâu và Đường có mã HS thuộc các Chương tương ứng là 08 và 17 – hai Chương này đều khác Chương 20 là Chương mã HS của Mứt dâu – do đó, theo tiêu chí CC Mứt dâu sẽ được coi là có xuất xứ theo AANZFTA và được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này.
Ví dụ 2. |
Hàng hoá: Xà phòng bánh (HS 3401.11)
Quy tắc xuất xứ theo CPTPP: A change in A change to a good of subheading 3402.11 from any other subheading – Chuyển đổi cho hàng hóa của phân nhóm 3402.11 từ bất kỳ phân nhóm nào khác
Giả sử sản phẩm Xà phòng bánh được làm từ hai nguyên liệu không có xuất xứ là Dung dịch kiềm (sodium hydroxide) và Vỏ bọc (bao bì) có mã HS thuộc các Phân nhóm lần lượt là 2815 và 4811. Do các Phân nhóm của hai nguyên liệu không có xuất xứ này đều khác Phân nhóm của Xà phòng bánh (thuộc Phân nhóm 3401) nên Xà phòng bánh đáp ứng được tiêu chí về chuyển đổi Phân nhóm của CPTPP và sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định này
Tiêu chí “CTC loại trừ (CTC ex from)” là gì?
Trong một số FTA, nhiều trường hợp sản phẩm có tiêu chí xuất xứ là “CTC loại trừ/ngoại trừ … (một số mã HS nhất định)” hoặc cách diễn đạt tương tự.
Quy định này có nghĩa là: nếu mã HS của nguyên liệu trùng với mã HS được liệt kê sau cụm từ “loại trừ/ngoại trừ” thì nguyên liệu đó phải có xuất xứ FTA, nếu không thì sẽ không thỏa mãn tiêu chí xuất xứ này và thành phẩm sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan của FTA.
Ví dụ về tiêu chí CTC loại trừ/ngoại trừ” |
Trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), quy tắc xuất xứ áp dụng đối với Chương 02 (Thịt và phụ phẩm ăn được từ thịt sau giết mổ ) là “CC ngoại trừ từ Chương 01″. Điều này có nghĩa là mã HS của nguyên liệu không có xuất xứ không được thuộc Chương 02 và cả Chương 01.
Trong Hiệp định ATIGA, quy tắc xuất xứ áp dụng đối với Nhóm 7209 (sắt hoặc thép không hợp kim, cán phẳng, có chiều rộng từ 600 mm trở lên, cán nguội, chưa dát phủ, mạ hoặc tráng) là RVC 40% hoặc CTH ngoại trừ từ 7208 và 7211. Điều đó có nghĩa là nếu thành phẩm 7209 không đáp ứng được tiêu chí RVC và áp dụng tiêu chí CTH thì các nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ phải có mã HS thuộc Nhóm khác Nhóm 7209 và cũng khác nhóm HS 7208 và 7211
Quy tắc “Tỷ lệ không đáng kể (De Minimis)”
Quy tắc “Tỷ lệ không đáng kể (De Minimis)” là gì?
De Minimis là trường hợp ngoại lệ của tiêu chí CTC cho phép một “tỷ lệ không đáng kể nguyên vật liệu không đáp ứng tiêu chí CTC nhưng thành phẩm vẫn được coi là có xuất xứ. Tỷ lệ này được xác định theo phần trăm (X%) trị giá hoặc trọng lượng của thành phẩm. FTA nào cho phép De Minimis thì cũng sẽ quy định cụ thể về tỷ lệ này (một mức X% nào đó). Và De Minimis chỉ áp dụng cho tiêu chí CTC.
Cụ thể, tỷ lệ De Minimis được tính bằng trọng lượng hoặc trị giá của nguyên vật liệu không đáp ứng tiêu chí CTC chia cho tổng trọng lượng hoặc trị giá FOB của thành phẩm có sử dụng nguyên vật liệu đó.
X% thay đổi tùy theo quy định tại các FTA. Thông thường tỷ lệ này là 10% hoặc trọng lượng hoặc trị giá. Một số FTA có quy định chặt hơn – chỉ cho phép ngưỡng 7% hoặc 8% với một số mặt hàng nhất định.
Ví dụ về quy tắc De Minimis |
Hàng hóa: Solar Paste (HS 3207.30) sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản Quy tắc xuất xứ theo Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP): Chuyển đổi mã HS ở cấp độ 4 số (CTH), De Minimis 10%
Nguyên liệu | Nguồn gốc | Nhóm HS | Chuyển đổi Nhóm? | Giá trị |
Bột kính | Mỹ | 32.07 | Không | 1 USD |
Hóa chất | Australia | 34.02 | Có | 15 USD |
Nguyên liệu khác | Việt Nam | 4 USD | ||
Giá FOB | 20 USD |
Sản phẩm Solar Paste có 2 nguyên liệu Bột kính và Hóa chất là nhập khẩu từ các nước không phải là thành viên AJCEP. Tuy nhiên, nguyên liệu Hóa chất đáp ứng được tiêu chí chuyển đổi Nhóm theo yêu cầu của AJCEP, còn nguyên liệu Bột kính không đáp ứng được tiêu chí chuyển đổi này. Tuy nhiên, giá trị của Bột kinh chỉ chiếm 5% (1USD/20 USD) trong khi AJCEP cho phép tỷ lệ De minimis là 10%. Vì vậy, sản phẩm Solar Paste vẫn được coi là có xuất xứ theo AJCEP.
Tổng hợp Quy tắc Tỷ lệ tối thiểu (De minimis) trong các FTA của Việt Nam
STT | FTA | De minimis áp dụng đối với trị giá | De minimis áp dụng đối với trọng lượng |
1 | ATIGA | 10% đối với tất cả các Chương | Không áp dụng |
2 | ACFTA | 10% đối với tất cả các Chương | 10% đối với các Chương từ 50 – 63 |
3 | AKFTA | 10% đối với các Chương ngoại trừ các Chương từ 60 -63 | 10% đối với các Chương từ 50 – 63 |
4 | AJCEP |
|
10% với các Chương từ 50 – 63 |
5 | VJEPA |
|
Không áp dụng |
6 | AIFTA | Không có điều khoản quy định | Không có điều khoản quy định |
7 | AANZFTA | 10% đối với tất cả các Chương | 10% đối với các Chương từ 50 – 63 |
8 | VCFTA | 10% đối với tất cả các Chương | Không áp dụng |
9 | VKFTA | 10% đối với tất cả các Chương | 10% đối với các Chương từ 50 – 63 |
10 | VN-EAEUFTA | 10% đối với tất cả các Chương | Không áp dụng |
11 | AHKFTA | 10% đối với tất cả các Chương | Không áp dụng |
12 | СРТРР | 10% đối với tất cả các Chương trừ các Chương từ 50-63 | Chương từ 50-60:10% trọng lượng của thành phẩm
Chương từ 61-63: sợi không có xuất xứ không quá 10% trọng lượng của vải được sử dụng để tạo ra thành phẩm |
Vì sao quy tắc De Minimis đối với các sản phẩm dệt may được tính theo trọng lượng trong khi với các sản phẩm khác lại chỉ được tính theo trị giá?
Khi xem xét quy tắc De Minimis, dệt may là nhóm sản phẩm duy nhất tỷ lệ De Minimis được tính theo trọng lượng. Tất cả các loại sản phẩm khác tỷ lệ De Minimis đều tính theo trị giá.
Trong Bảng mã HS thống nhất ở tất cả các nước, không có một sản phẩm nào khác có mô tả hàng hóa tính theo trọng lượng như hàng dệt may (mặc dù cũng có những loại hàng hóa được mô tả theo chiều dài của sản phẩm, độ dày mỏng của sản phẩm, ví dụ nhóm hàng sắt thép thuộc các Chương từ 72–76). Cách mô tả mã HS hàng dệt may theo trọng lượng này xuất phát từ đặc thù của dệt may là ngành thời trang có nhiều loại chất liệu về trọng lượng rất nhẹ nhưng trị giá rất lớn.
Từ góc độ xét De Minimis, nếu chỉ cho phép sản phẩm dệt may áp dụng duy nhất quy tắc De Minimis tính theo trị giá, một số loại nguyên liệu tuy rất nhẹ nhưng trị giá rất lớn đó sẽ không có cơ hội được áp dụng De Minimis, dẫn đến thành phẩm có thể không được hưởng ưu đãi thuế quan đặc biệt FTA.
Tiêu chí “quy trình sản xuất cụ thể (SP)” là gì?
“Quy trình sản xuất cụ thể” (tiếng Anh là Specific Process- SP) là tiêu chí xuất xứ yêu cầu nguyên liệu không có xuất xứ phải trải qua một quá trình sản xuất, gia công hoặc chế biến cụ thể tại một Bên thành viên FTA thì thành phẩm mới được coi là “có xuất xứ”.
Các ví dụ về quy tắc “Quy trình sản xuất cụ thể – SP” |
Quy tắc xuất xứ trong ACFTA đối với sản phẩm Phế liệu từ lông cừu (HS 5103.20): Thu được từ cừu được nuôi dưỡng trong khu vực ACFTA – Như vậy với sản phẩm mã HS 5103.20, quy tắc xuất xứ của ACFTA là SP, với quy trình sản xuất được mô tả cụ thể là “thu được từ cừu được nuôi dưỡng trong khu vực ACFTA”
Quy tắc xuất xứ trong CPTPP đối với các sản phẩm dệt may: Được sản xuất từ sợi trở đi trong phạm vi CPTPP, cho phép linh hoạt nhất định với một số mã HS – Như vậy, với các sản phẩm dệt may, quy tắc xuất xứ của CPTPP là SP, với quy trình sản xuất được mô tả cụ thể là “được sản xuất từ sợi trở đi trong phạm vi CPTPP”
Quy tắc xuất xứ trong AANZFTA với sản phẩm Dầu ô liu (HS 1509.10): RVC 40%, hoặc CC, hoặc không thay đổi mã số hàng hóa với điều kiện sản phẩm được sản xuất bằng quy trình tinh chế – Như vậy với sản phẩm mã HS 1509.10, quy tắc xuất xứ của AANZFTA là lựa chọn một trong 03 tiêu chí: hoặc là RVC 40%, hoặc là CC, hoặc là SP; SP trong trường hợp này được mỗ tả cụ thể là “Không thay đổi mã số hàng hóa với điều kiện sản phẩm được sản xuất bằng quy trình tinh chế”
Ưu điểm của tiêu chí này là tính ổn định, không thay đổi. Cụ thể, nếu tuân thủ đúng theo một quy trình sản xuất được mô tả trong tiêu chí SP thì hàng hoá sẽ được coi là có xuất xứ mà không phụ thuộc vào chi phí nguyên liệu, nhân công và các yếu tố đầu vào khác (như khi xác định theo tiêu chí RVC); cũng không bị ảnh hưởng do thay đổi nguồn cung nguyên liệu (như khi xác định theo tiêu chí CTC).
Quy tắc “ACU” (Accumulation): Cộng gộp
Quy tắc Cộng gộp là gì?
Cộng gộp (tiếng Anh là Accumulation, Cumulation hoặc Cumulative rules, tùy cách gọi của từng FTA) là các phương pháp tính toán giá trị của các phần “có xuất xứ” của các nguyên liệu từ các nước khác nhau trong cùng một FTA trong giá trị cuối cùng của thành phẩm để xác định xuất xứ của thành phẩm. Mỗi FTA có quy tắc cộng gộp riêng.
Về cơ bản, quy tắc cộng gộp cho phép một sản phẩm của một nước Thành viên được tiếp tục gia công, chế biến và gia tăng giá trị ở các nước Thành viên khác của khu vực FTA để được hưởng ưu đãi thuế quan như thể tất cả các công đoạn này được thực hiện ở Bên Thành viên cuối cùng. Theo cách này, quá trình sản xuất hàng hóa có thể sử dụng các nguyên liệu từ nhiều nước Thành viên FTA, các nguyên liệu này sẽ được cộng gộp theo các cách thức nhất định để tính giá trị gia tăng trong khu vực FTA cho thành phẩm. Các quy tắc cộng gộp càng linh hoạt càng cho phép doanh nghiệp có thể sử dụng nguyên liệu từ nhiều nguồn trong khu vực FTA, giúp xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm trong khu vực FTA đó.
Chú ý:
Cộng gộp có thể được sử dụng trong cả trường hợp Quy tắc xuất xứ theo tiêu chí RVC hay CTC.
Ví dụ quy tắc cộng gộp cho RVC |
1. CỘNG GỘP ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP QUY TẮC XUẤT XỨ THEO TIÊU CHÍ RVC
Hàng hóa: Bánh quy của Việt Nam xuất khẩu sang Singapore (HS 1905.31)
Quy tắc xuất xứ theo ATIGA: RVC 40%
Nguyên vật liệu | Nguồn gốc | Xuất xứ | Giá trị |
Bột mỳ | Mỹ | Không có xuất xứ ATIGA | 6.0 USD |
Đường | Malaysia | Có xuất xứ ATIGA | 3.0 USD |
Hương liệu | Việt Nam | Có xuất xứ ATIGA | 1.8 USD |
Trứng | Indonesia | Có xuất xứ ATIGA | 1.5 USD |
Chi phí nhân công, phân bổ trực tiếp và chi phí khác | 4.5 USD | ||
Lợi nhuận | 3.2 USD | ||
Trị giá FOB | 20.0 USD |
Malaysia và Indonesia đều là thành viên của Hiệp định ATIGA còn Mỹ không phải là thành viên của Hiệp định này. Do đó, ngoại trừ Hương liệu được sản xuất tại Việt Nam, các nguyên liệu còn lại nhập khẩu thì chỉ có Đường (Malaysia) và Trứng (Indonesia) được coi là có xuất xứ ATIGA và do đó giá trị của các nguyên liệu này sẽ được cộng gộp để tính RVC của thành phẩm Bánh quy. Tính RVC theo cách trực tiếp
RVC = (3.0+1.8+ +1.5 +4.5+ 3.2)/20 x 100% = 70%
Tính RVC theo cách gián tiếp
RVC=(20-6)/20 x 100% = 70%
Kết luận: RVC của sản phẩm Bánh quy là 70% (lớn hơn 40%) do đó sản phẩm này đáp ứng được tiêu chíRVC 40% của ATIGA và được coi là sản phẩm có xuất xứ được hưởng ưu đãi thuế quan ATIGA. Như vậy, mặc dù chỉ có Hương liệu là được sản xuất tại Việt Nam còn các nguyên liệu còn lại đều là nhập khẩu, nhưng do phần lớn các nguyên liệu còn lại nhập khẩu từ khu vực ASEAN (Malaysia và Indonesia) nên sản phẩm Bánh quy của Việt Nam vẫn có xuất xứ ATIGA.
Cộng gộp đối với trường hợp quy tắc xuất xứ theo tiêu chí RVC |
Hàng hóa: Solar Paste (HS 3207.30) sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản Quy tắc xuất xứ theo Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN – Nhật (AJCEP): CTC
Nguyên liệu | Nguồn gốc | Nhóm HS | Chuyển đổi Nhóm? | Giá trị |
Bột kinh | Malaysia | 32.07 | Không | 3 USD |
Hóa chất | Australia | 34.02 | Có | 15 USD |
Nguyên liệu khác | Việt Nam | 4 USD | ||
Giá FOB | 23 USD |
Khi đó, nguyên liệu Bột kính không đáp ứng được quy tắc chuyển đổi Nhóm mà lại có giá trị chiếm trên 10% (3USD/23USD) giá FOB của thành phẩm và do đó không thể áp dụng quy tắc De min- imis. Tuy nhiên, trong trường hợp này Bột kính lại có xuất xứ từ Malaysia và theo quy tắc cộng gộp của AJCEP thì nguyên liệu này vẫn được coi là có xuất xứ. Do vậy thành phẩm Solar Paste cũng được coi là có xuất xứ AJCEP và được hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định này.
Có bao nhiêu hình thức cộng gộp?
Mỗi FTA có quy tắc về cộng gộp cụ thể khác nhau, tuy nhiên cơ bản thì có 3 hình thức cộng gộp sau đây:
(i) 1 Cộng gộp thông thường (Accumulation):
Đây là hình thức cộng gộp được áp dụng trong tất cả các FTA Việt Nam là thành viên. Đây cũng là hình thức cộng gộp phổ biến nhất trong thương mại quốc tế. Nguyên liệu đáp ứng tiêu chí xuất xứ cụ thể quy định cho nguyên liệu đó (gọi là nguyên liệu “có xuất xứ”) thì 100% trị giá của nguyên liệu vào công đoạn sản xuất tiếp theo để tính xuất xứ cho thành phẩm;
(ii) Cộng gộp toàn bộ/ Cộng gộp đầy đủ (Full Cumulation):
Đây là hình thức cộng gộp được áp dụng trong một số FTA thế hệ mới (như CPTPP) hoặc áp dụng cho một số nhóm hàng nhất định trong một số FTA (như nhóm hàng dệt may trong AJCEP; nhóm hàng dệt may trong AANZFTA). Quy định này cho phép nguyên liệu chỉ đáp ứng một phần quy tắc xuất xứ (ví dụ không thể đáp ứng tiêu chí RVC 40% mà chỉ có thể đáp ứng tiêu chí RVC 19%) nhưng giá trị phần có xuất xứ đó vẫn được phép cộng gộp vào công đoạn sản xuất tiếp theo để tính xuất xứ cho thành phẩm. Phần được cộng gộp sẽ chỉ là phần giá trị gia tăng thực tế (19%) chứ không phải toàn bộ trị giá của nguyên liệu (100%) như cách tỉnh cộng gộp ở hình thức (i) ở trên;
(iii) Cộng gộp từng phần (Partial Cumulation):
Đây là hình thức cộng gộp được quy định duy nhất trong ATIGA nếu nguyên liệu chỉ đáp ứng ngưỡng RVC từ 20% đến 39% thì được cộng gộp đúng số giá trị thực tế “có xuất xứ” đó vào công đoạn sản xuất tiếp theo để xác định xuất xứ cho hàng hóa; còn nếu nguyên liệu có RVC dưới 20% thì không được cộng gộp.
Trong trường hợp áp dụng “cộng gộp từng phần” ATIGA, nguyên liệu vẫn được cấp C/O mẫu D và sẽ được đánh dấu vào ô “Partial Cumulation” trên C/O. Việc đánh dấu này sẽ giúp Cơ quan hải quan Bên nhập khẩu phân biệt được đây là C/O sử dụng cho mục đích cộng gộp từng phần và C/O này sẽ không được hưởng thuế quan ưu đãi ATIGA.
Ví dụ các quy tắc cộng gộp |
Quy tắc cộng gộp của ATIGA bao gồm hình thức cộng gộp thông thường (Accumulation) và cộng gộp từng phần (Partial Cumulation) đối với trường hợp đạt RVC từ 20% đến dưới 40%. Như vậy, theo ATIGA thì:
Giả sử nguyên liệu A1 đạt RVC ở mức 45% (tức là cao hơn mức RVC 40% tối thiểu của ATIGA, và được coi là “có xuất xứ”) thì 100% giá trị nguyên liệu này sẽ được tính là “có xuất xứ” khi cộng gộp trong giá trị “có xuất xứ” của thành phẩm A (chứ không phải chỉ tính phần giá trị 45% có xuất xứ);
Giả sử nguyên liệu A2 chỉ đạt RVC ở mức 25% (tức là thấp hơn mức RVC 40% tối thiểu của ATIGA, và được coi là “không có xuất xứ”, nhưng ở mức được phép tính gộp không làm tròn) thì phần 25% giá trị có xuất xứ của nguyên liệu này sẽ được cộng gộp trong giá trị “có xuất xứ” của thành phẩm A (chứ không phải bị bỏ đi toàn bộ khi nguyên liệu không được tính là có xuất xứ)
Giả sử nguyên liệu A3 chỉ đạt RVC ở mức 15% (tức là thấp hơn mức RVC 40% tối thiểu của ATIGA, và được coi là “không có xuất xứ”, và ở mức không được phép tính gộp) thì phần 15% giá trị có xuất xứ này cũng không được cộng gộp trong giá trị “có xuất xứ” của thành phẩm A).
Còn CPTPP thì lại sử dụng quy tắc cộng gộp thông thường (Accumulation) và cộng gộp từng phần (Partial Cumulation). Tuy nhiên, quy tắc cộng gộp trong CPTPP ngoài quy tắc làm tròn 100% cho giá trị nguyên liệu “có xuất xứ” giống ATIGA, thì đối với trường hợp nguyên liệu “không có xuất xứ” CPTPP lại cho phép cộng chính xác phần giá trị có xuất xứ của nguyên liệu trong tính giá trị có xuất xứ của thành phẩm. Áp dụng quy tắc cộng gộp này của CPTPP cho ví dụ trên (với xuất xứ là CPTPP) thì ở đối với 03 trường hợp nguyên liệu A1, A2, A3, phần giá trị được tính hộp vào giá trị “có xuất xứ” của thành phẩm Asẽ lần lượt là 100% giá trị nguyên liệu A1, 25% giá trị nguyên liệu A2 và 15% giá trị nguyên liệu A3.
Làm cách nào để phân biệt nguyên vật liệu có xuất xứ và nguyên vật liệu không có xuất xứ trong trường hợp nguyên vật liệu giống nhau và có thể thay thế cho nhau ?
Nguyên vật liệu giống nhau và có thể dùng thay thế lẫn nhau (tiếng Anh là “identical and in- terchangeable materials” hoặc “fungible goods” tùy FTA) là những nguyên vật liệu cùng loại, có đặc tính và chất lượng giống nhau, có thể thay thế nhau vì mục đích thương mại.
Trong thực tiễn sản xuất, với một loại nguyên liệu, người sản xuất có thể mua từ nhiều nguồn khác nhau, và các nguyên liệu này có thể không phải là y hệt nhau mà chỉ là các nguyên liệu giống nhau và có cùng chức năng trong việc giúp tạo nên sản phẩm cuối cùng.
Với trường hợp như thế này, thông thường các FTA không bắt buộc người sản xuất phải lưu trữ riêng rẽ nguyên liệu có xuất xứ và nguyên liệu không có xuất xứ để truy nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu khi xác định xuất xứ của thành phẩm. Khi các nguyên liệu có xuất xứ và không có xuất xứ được lưu trữ cùng nhau, việc xác định xuất xứ của thành phẩm có thể được thực hiện bằng cách sử dụng các phương pháp kế toán về quản lý kho đối với nguyên liệu và một khi đã áp dụng phương pháp nào thì phải áp dụng liên tục suốt năm tài chính đó.
Tổng hợp quy định về Nguyên vật liệu giống nhau và có thể thay thế cho nhau trong các FTA của Việt Nam
FTA | Quy định về nguyên vật liệu giống nhau và có thể thay thế cho nhau |
VN-EAEU FTA | Không có điều khoản này |
AIFTA; AJCEP; VJEPA | Sử dụng các nguyên tắc kế toán về quản lý kho được áp dụng rộng rãi hiện nay. |
ACFTA, AANZFTA; CPTPP, RCEP | Áp dụng một trong hai phương thức:
|
AKFTA; VKFTA
ATIGA; VCFTA |
Sử dụng các nguyên tắc kế toán về quản lý kho được áp dụng rộng rãi hiện nay, một khi đã áp dụng phương pháp nào thì phải áp dụng liên tục suốt năm tài chính đó. |
EVFTA, UKVFTA | Có thể sử dụng phương pháp kế toán về quản lý kho nhưng phải xin phép và được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền nếu đáp ứng được các điều kiện liên quan. |
Tiêu chí PE, WO-FTA và RVC 100% giống nhau hay khác nhau?
Tiêu chí RVC 100% (hàm lượng giá trị khu vực ở mức 100%) là một trường hợp thỏa mãn tiêu chí PE. Tiêu chí WO-FTA cũng là một trường hợp khác thỏa mãn tiêu chí PE. Ngoài ra còn nhiều trường hợp khác thỏa mãn tiêu chí PE
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tiêu chí PE không bao trùm hay đồng nhất với các tiêu chí/trường hợp này, và bản thân các trường hợp này cũng không đồng nhất với nhau.
Ví dụ, cùng thỏa mãn tiêu chí PE, nhưng với trường hợp RVC 100% thì cho phép một phần nguyên liệu không có xuất xứ hoặc không xác định được xuất xứ; trong khi đó tiêu chí WO- FTA yêu cầu 100% nguyên liệu sử dụng đều phải đáp ứng tiêu chí WO trước khi đưa vào sản xuất ra thành phẩm và sẽ không có nguyên liệu nào (dù chỉ là 1%) không có xuất xứ hay không xác định được xuất xứ.
Ví dụ về sự khác biệt giữa RVC 100% và WO-FTA |
Giả sử Thương nhân Việt Nam sản xuất sản phẩm bánh mì xuất khẩu sang Singapore với trị giá là 20 USD, trong đó có 3 USD sữa nhập khẩu từ Malaysia, 4 USD đường nhập khẩu từ In- donesia, và 8 USD bột mì nhập khẩu từ Thái Lan. Tất cả nguyên liệu trên đều có C/O mẫu D khi nhập khẩu. Giá trị gia tăng thêm tại Việt Nam là 5 USD.
RVC theo công thức tính trực tiếp =3+4+8+5=2O (USD) = RVC 100% của ASEAN.
Tuy nhiên, trên C/O mẫu D của sữa nhập khẩu từ Malaysia ghi RVC 40% có nghĩa chỉ 40% giá trị gia tăng cuối cùng được tạo ra tại Malaysia, 60% còn lại Malaysia có thể nhập khẩu từ bất cứ đâu trên thế giới, tức là trong 3 USD sữa nhập khẩu đó, có 1.8 USD (60% của 3 USD) nguyên liệu có thể có xuất xứ từ bên ngoài ASEAN.
Do đó, trong trường hợp này, sản phẩm bánh mỳ xuất khẩu đi Singpore đáp ứng tiêu chí RVC 100%, tiêu chí PE nhưng không được coi là đáp ứng tiêu chí WO-FTA (bởi WO-FTA đòi hỏi 100% nguyên liệu đầu vào là phải có xuất xứ thuần túy từ các bên thành viên của FTA đó trước khi sử dụng cho việc tạo ra thành phẩm).
So sánh ưu nhược điểm của tiêu chí RVC và CTC
RVC và CTC là hai tiêu chỉ xuất xứ được sử dụng phổ biến nhất trong các FTA. Tuy nhiên, không có tiêu chí nào là hoàn hảo, mỗi tiêu chí này lại có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Dưới đây là tổng hợp một số ưu, nhược điểm của hai tiêu chí này.
(i) Tiêu chí RVC
Ưu điểm
Đối với các doanh nghiệp có hệ thống kế toán và ghi chép tốt (thường là các doanh nghiệp lớn) thì tiêu chí RVC có thể dễ áp dụng và linh hoạt hơn tiêu chí CTC vì tiêu chí RVC chỉ yêu cầu một tỷ lệ nguyên liệu nhất định là có xuất xứ, trong khi tiêu chí CTC đòi hỏi tất cả (trừ ngoại lệ De minimis) nguyên liệu không có xuất xứ phải trải qua chuyển đổi mã HS. Hơn nữa, thông thường các FTA cho phép nhiều cách tính RVC (phổ biến là hai cách tính trực tiếp và gián tiếp như đề cập ở Câu 16) do đó doanh nghiệp có thể lựa chọn cách tính nào phù hợp cho mình.
Nhược điểm
Tiêu chí RVC thường khó chứng minh xuất xứ hơn tiêu chí CTC vì đòi hỏi doanh nghiệp phải có hệ thống kế toán và lưu trữ chứng từ tốt, mà điều này thường là hạn chế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, cách tính RVC cũng tương đối phức tạp, đòi hỏi doanh nghiệp phải xác định và phân loại được các loại nguyên liệu khác nhau liên quan đến nguyên liệu nhập khẩu trong tính toán RVC. Thêm nữa, một số chi phí (như chi phí vận chuyển, thuế quan hoặc chi phí dịch vụ hải quan khi nhập nguyên liệu, chi phí phế thải trong quá trình sản xuất hàng hóa…) nếu không được quy định cách thức xác định rõ ràng trong FTA có thể dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tính toán nguyên liệu không có xuất xứ.
Ngoài việc phụ thuộc vào các yếu tố nội tại doanh nghiệp như kể trên, cách tính RVC còn có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài mà doanh nghiệp không chủ động được. Vi dụ các thay đổi về chi phí nguyên liệu do thay đổi về tỷ giá ngoại tệ hay thay đổi nguồn cung cũng sẽ làm thay đổi RVC:
→ Ví dụ 1: nếu tỷ giá ngoại tệ giữa đồng Việt Nam và đồng tiền nước nhập khẩu nguyên liệu (không có xuất xứ) giảm thì giá nhập khẩu của nguyên liệu đó sẽ bị tăng lên tương ứng, như vậy chi phí của nguyên liệu gia tăng trong thành phẩm, dẫn đến RVC giảm, kết quả là có thể làm cho một thành phẩm từ có xuất xứ sang không có xuất xứ.
→ Ví dụ 2: nếu thị trường nguyên liệu trở nên khan hiếm làm giá nguyên liệu gia tăng, từ đó ảnh hưởng đến RVC và khả năng đạt xuất xứ của hàng hóa.
Tiêu chí CTC
Ưu điểm
So với tiêu chí RVC, tiêu chí CTC dường như rõ ràng và dễ chứng minh hơn bởi:
→ Hệ thống HS được thống nhất toàn cầu đến cấp độ 6 số (lý do là WCO đã quy định thống nhất về mã HS đến cấp độ 6 số ở tất cả các nước thành viên WCO)
→ Doanh nghiệp chỉ cần xuất trình chứng từ có mã HS của nguyên liệu là có thể chứng minh được hàng hóa có xuất xứ hay không (lý do là khi nguyên liệu được nhập khẩu thì mã HS của nguyên liệu đã được khai trên tờ khai hải quan và do đó chỉ cần chỉ ra mã HS của nguyên liệu khác mã HS của thành phẩm như yêu cầu của FTA là có thể chứng minh được thành phẩm có xuất xứ.)
Nhược điểm
Để áp dụng tiêu chí CTC, doanh nghiệp cần có hiểu biết nhất định về hệ thống HS và cập nhật thường xuyên những thay đổi của hệ thống này. Hệ thống HS thường được cập nhật, thay đổi 4 – 5 năm một lần, khi đó, một số mã HS sẽ được tách ra hoặc nhập vào với các mã HS khác.
Ngoài ra, đối với một số doanh nghiệp, tiêu chí CTC có thể là hơi cứng nhắc trong áp dụng bởi vì chỉ cần một nguyên liệu không có xuất xứ không đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi HS là thành phẩm không đáp ứng được tiêu chí CTC và không được hưởng ưu đãi thuế quan (dù nguyên liệu đó có thể chỉ chiếm một phần rất nhỏ và không phải là nguyên liệu chính/quan trọng trong thành phẩm). Để giải quyết tình trạng này, một số FTA đưa ra điều khoản về “mức tha thứ” hay còn gọi là “tỷ lệ không đáng kể” (tiếng Anh là De Minimis) – cho phép một tỷ lệ nhỏ (thường là tối đa 10%) nguyên vật liệu không đáp ứng được tiêu chí CTC nhưng thành phẩm vẫn được coi là có xuất xứ.
Tóm lại, tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của mỗi doanh nghiệp mà việc sử dụng tiêu chí RVC hay CTC là có lợi hoặc bất lợi hơn. Do đó, rất nhiều các FTA quy định đồng thời cả hai tiêu chí này đối với nhiều mã hàng hóa, tức là cho phép doanh nghiệp lựa chọn áp dụng RVC hoặc áp dụng CTC tùy tiêu chí nào có lợi hơn cho mình.
Công ty TNHH HP Toàn Cầu
Nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển quốc tế, thủ tục hải quan và giấy phép xuất nhập khẩu
Địa chỉ: Số 13, LK3 – NO03 – Khu đô thị Văn Khê – Phường La Khê – Quận Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 08 8611 5726 / 098 4870199 hoặc Điện thoại: 024 73008608
Email: info@hptoancau.com
Lưu ý:
– Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, trước khi sử dụng, bạn nên liên lạc HP Toàn Cầu để update nội dung cập nhật mới nhất(nếu có)
– HP Toàn Cầu giữ bản quyền với bài viết và không đồng ý đơn vị khác sao chép, sử dụng bài viết của HP Toàn Cầu vì mục đích thương mại
– Mọi sự sao chép không có thỏa thuận với HP Toàn Cầu (kể cả có ghi dẫn chiếu website hptoancau.com) có thể dẫn đến việc chúng tôi claim với google và các bên liên quan.