Những Điều Cần Biết Về Các Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam Tham Gia
Tính tới thời điểm tháng 12 năm 2023, Việt Nam có 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có hiệu lực; 01 FTA đã ký kết và 03 FTA đang trong quá trình đàm phán. Với số lượng này, Việt Nam nằm trong top các nền kinh tế có nhiều FTA nhất trong khu vực và trên thế giới. Nội dung bài của bài viết này, HP Toàn Cầu tổng hợp từ một số nguồn kiến thức đáng tin cậy, đặc biệt là từ Trung tâm WTO và Hội nhập với mục tiêu cung cấp tới người đọc những kiến thức cốt lõi nhất về một FTA cũng như dẫn chiếu đến các FTA Việt Nam đang tham gia.
I. Tính chất, đặc điểm của các FTA
1. Hiệp định thương mại tự do (FTA) là gì?
Hiện có nhiều cách hiểu về các Hiệp định thương mại tự do. Theo cách hiểu chung nhất thì một Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement – FTA) là một thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều Thành viên nhằm loại bỏ rào cản đối với phần lớn thương mại giữa các Thành viên với nhau.
FTA có thể mang nhiều tên gọi khác nhau, ví dụ: Hiệp định Đối tác Kinh tế (Economic Partnership Agreement), Hiệp định thương mại Khu vực (Regional Trade Agreement)… nhưng abnr chất đều là các thỏa thuận hướng tới tự do hóa thương mại giữa các Thành viên.
Thành viên của các FTA có thể là các quốc gia (ví dụ: Việt Nam, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…) hoặc các khu vực thuế quan độc lập (ví dụ Liên minh Châu Âu, Hong Kong Trung Quốc…) vì vậy, thông thường khi nói tới Thành viên FTA, người ta hay dụng từ chung là “nền kinh tế”.
Các FTA có thể là song phương (02 thành viên) hoặc đa phương/khu vực (nhiều hơn 02 thành viên).
Phạm vi “thương mại” trong các FTA được hiểu theo nghĩa rộng, có thể bao gồm tất cả các hoạt động kinh doanh sinh lời, trong đó có thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và cả các vấn đề khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới thương mại (sở hữu trí tuệ, mua sắm công, lao động, môi trường …)
2. FTA khác với WTO và các Hiệp định thương mại, đầu tư mà Việt Nam đã có trước đây như thế nào?
Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ 01/2007. Việt Nam cũng có khoảng 80 Hiệp định thương mại, đầu tư song phương đang có hiệu lực với nhiều đối tác.
WTO bao gồm rất nhiều các Hiệp định trong các lĩnh vực thương mại khác nhau (hàng hóa, dịch vụ, sở hữu trí tuệ, đầu tư…). Các Hiệp định này đều có nội dung hướng tới việc thống nhất các quy tắc cho thương mại toàn cầu và giảm bớt các rào cản thương mại. Tuy nhiên WTO mới chỉ thành công trong việc giảm bớt mà chưa đạt được mức loại bỏ rào cản đối với phần lớn thương mại như trong các FTA. Do đó, không có hiệp định nào trong WTO là FTA cả.
Các Hiệp định thương mại, đầu tư song phương mà Việt Nam đã ký kết đều là các cam kết nhằm tạo khung khổ chung cho hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với đối tác. Hầu hết các Hiệp định này không bao gồm nội dung nào về mở cửa thương mại hay loại bỏ rào cản thương mại cụ thể như trong các FTA
3. FTA khác gì với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)?
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập từ 12/2015 giữa 10 nước thành viên ASEAN (trong đó có Việt Nam) dựa trên nền tảng các thỏa thuận gắn kết về kinh tế đã có gần 50 năm tồn tại của ASEAN.
Mục tiêu hướng tới của AEC là xây dựng một thị trường thống nhất, một cơ sở sản xuất chung và các mục tiêu phát triển khác (cạnh tranh, sáng tạo, phát triển toàn diện…). Mục tiêu này rộng hơn nhiều so với mục tiêu thông thường (tự do hóa thương mại và các vấn đề khác phục vụ tự do hóa thương mại) của các FTA.
Về nội dung, AEC không phải là một Hiệp định mà là một tập hợp của nhiều Hiệp định, Thỏa thuận, Tuyên bố chính sách…mà các nước Thành viên đã từng thống nhất/ký trước đây trong khuôn khổ ASEAN cũng như sau này (sau khi AEC đã thành lập).
Trong số đó có những Hiệp định có tính chất là FTA (ví dụ Hiệp định thương mại hàng hóa – ATIGA, dỡ bỏ gần như toàn bộ thuế quan cho hàng hóa lưu chuyển trong ASEAN).
Tuy nhiên, bên cạnh đó, AEC còn có nhiều Thỏa thuận, Tuyên bố chỉ mang tính chất hợp tác, khuyến khích, thúc đẩy các hành động chung mà không phải cam kết rằng buộc, cũng không dỡ bỏ rào cản thương mại cụ thể như các FTA.
4. FTA thường có những nội dung gì?
Phạm vi và các vấn đề được đề cập trong mỗi FTA là khác nhau, phụ thuộc vào lựa chọn và thỏa thuận giữa các Thành viên FTA
Tuy nhiên với tính chất chung là hướng tới loại bỏ rào cản đối với phần lớn thương mại giữa các nền kinh tế thành viên, một FTA thường bao gồm các nội dung chính sau:
(i) Nhóm các cam kết liên quan đến tư do hàng hóa (thương mại hàng hóa)
Nhóm này bao gồm các cam kết liên quan tới việc dỡ bỏ các rào cản đối với thương mại hàng hóa giữa các Thành viên, cụ thể:
- Ưu đãi thuế quan (thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu): Thương là một Danh mục liệt kê các dòng thuế được loại bỏ và lộ trình loại bỏ thuế (loại bỏ ngay hay sau một số năm)
- Quy tắc xuất xứ: Bao gồm các cam kết về điều kiện xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan và thủ tục chứng nhận xuất xứ
- Loại bỏ hoặc cắt giảm các hàng rào phi thuế quan: Bao gồm các cam kết ràng buộc, hạn chế các biện pháp hạn chế/cấm xuất nhập khẩu, giấy phép xuất khẩu, hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ…
Ngoài ra một số FTA giai đoạn sau này còn có thêm các cam kết về các vấn đề thúc đẩy, hỗ trợ cho thương mại hàng hóa, ví dụ:
- Hải quan và tạo thuận lợi thương mại: Bao gồm cam kết về quy trình, thủ tục, minh bạch thông tin … trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa
- Các nguyên tắc trong đối xử với hàng hóa nhập khẩu khi lưu thông trong thị trường nội địa
(ii) Nhóm các cam kết liên quan tới tự do dịch vụ (thương mại dịch vụ)
Không phải FTA nào cũng có các cam kết về thương mại dịch vụ. Thường thì các FTA được đàm phán ký kết ở giai đoạn sau này mới có các cam kết về vấn đề này, thường sẽ bao gồm:
- Mở cửa thị trường dịch vụ: Thường là một Danh mục các dịch vụ cam kết mở và các điều kiện mở cửa cụ thể
- Các quy tắc liên quan tới việc đối xử với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài khi họ cung cấp dịch vụ vào Việt Nam hoặc cho tổ chức, cá nhân Việt Nam
(iii) Nhóm các cam kết liên quan tới các vấn đề khác
Các FTA giai đoạn sau này thường có thêm các cam kết về một hoặc một số các lĩnh vực khác không phải thương mại hàng hóa, dịch vụ nhưng có vai trò quan trọng trong thương mại, đầu tư giữa các Thành viên như:
- Đầu tư (có thể là cam kết về đầu tư độc lập hoặc cam kết về đầu tư gắn với mở cửa thị trường dịch vụ)
- Sở hữu trí tuệ
- Cạnh tranh
- Minh bạch, chống tham nhũng
- Môi trường
- Lao động…
Số các lĩnh vực mà mức độ chi tiết của các cam kết trong mỗi lĩnh vực là khác nhau giữa các FTA, tùy thuộc vào sự quan tâm của các Thành viên và bối cảnh đàm phán
5. Có những loại FTA nào?
Không có tiêu chí thống nhất hay định nghĩa chính xác để phân loại các FTA. Trên thực tế, việc phân loại các FTA được thực hiện theo các tiêu chí thông dụng như số lượng thành viên, nội dung trong các FTA.
Theo tiêu chí số lượng và khu vực địa lý của các nền kinh tế thành viên thì có các loại FTA sau:
- FTA song phương: là FTA giữa 2 đối tác, ví dụ FTA giữa Việt Nam với Chi lê (VCFTA), giữa Việt Nam với Nhật Bản (VJEPA)
- FTA khu vực:
+ là FTA giữa nhiều đối tác trong cùng một khu vực, ví dụ Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN giữa 10 nước trong khu vực ASEAN (AFTA), HIệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giữa 11 nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương; hoặc
+ là FTA trong đó có một bên đối tác là tổ chức tập hợp nhiều nền kinh tế, ví dụ các FTA giữa ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc… (còn gọi là ASEAN+)
Trong một số trường hợp, việc phân nhóm này không thật rõ ràng. Ví dụ, FTA giữa Liên minh Châu Âu (EU, bao gồm 27 nước thành viên) hoặc FTA giữa Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU, bao gồm 05 nước thành viên) với Việt Nam có thể được coi là FTA khu vực, cũng có thể được xem là FTA song phương (tùy vào việc nhìn nhận EU hay EAEU là một khối thống nhất hay tập hợp nhiều nền kinh tế).
Theo tiêu chí về phạm vi và nội dung cam kết thì có các loại FTA sau:
- FTA truyền thống: Là các FTA được đàm phán, ký kết trong giai đoạn đầu, thường có phạm vi hẹp, mức độ tự do hóa hạn chế.
FTA truyền thống thường Việt Nam tham gia bao gồm các cam kết tự do hóa thương mại trong lĩnh vực thương mại hàng hóa (mà quan trọng nhất là xóa bỏ thuế quan đối với khoảng 70-80% số dòng thuế). Một số ít có thêm các cam kết tự do hóa thương mại dịch vụ (mở cửa thêm các dịch vụ so với mức mở cửa trong WTO) và các nguyên tắc chung về đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh… Tuy nhiên, những cam kết về các vấn đề này thường là chung chung, ít ràng buộc cụ thể ở mức cao.
Tất cả các FTA mà Việt Nam đã ký trước năm 2014 (bao gồm 06 FTA trong khuôn khổ ASEAN và 02 FTA song phương với Nhật Bản (VJEPA) và với Chile (VCFTA) đều là các FTA truyền thống, với nội dung chủ yếu là loại bỏ thuế quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các Thành viên.
- FTA thế hệ mới: Là các FTA được đàm phán, ký kết trong thời gian gần đây, có phạm vi rộng, mức độ tự do hóa mạnh
Các FTA thế hệ mới Việt Nam tham gia bao gồm các cam kết tự do hóa thương mại trong nhiều lĩnh vực (hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường…), trong đó mức độ cam kết mở cửa mạnh (ví dụ thường là xóa bỏ thuế quan đối với khoảng 95-100% số dòng thuế, mở cửa mạnh nhiều lĩnh vực dịch vụ, mở cửa mua sắm công), đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao trong các vấn đề quy tắc
FTA song phương với Hàn Quốc (VKFTA) và FTA với khối Liên minh Á-Âu (EAEU). Mặc dù vậy, lĩnh vực “thế hệ mới” của các FTA chỉ được đề cập khá hạn chế, chủ yếu là các cam kết mang tính tuyên bố định hướng, không có các nội dung ràng buộc cụ thể.
Các FTA thế hệ mới thực sự mà Việt Nam đã từng đàm phán là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (TPP-CPTPP) và FTA với EU (EVFTA) …
6. Việt Nam đã tham gia bao nhiêu FTA? gồm những FTA nào?
Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế mở và hội nhập hàng đầu trên thế giới, hiện nay, Việt Nam tham gia nhiều FTA cả song phương và đa phương.
Xem chi tiết danh sách các FTA Việt Nam tham gia tại bài viết: Danh sác các FTA Việt Nam tham gia
7. Liệu việc Việt Nam dành cho các đối tác FTA ưu đãi đặc biệt có vi phạm nguyên tắc tối huệ quốc của WTO không?
Một trong những nguyên tắc lớn, bao trùm của WTO là nguyên tắc không phân biệt đối xử, trong đó có không phân biệt đối xử giữa hàng hóa, dịch vụ, đầu tư của các nước Thành viên WTO khác với nhau (nguyên tắc Đối xử Tối huệ quốc – Most Favored Treatment – MFN). Theo nguyên tắc MFN này, Việt Nam phải đối xử giữa các nước Thành viên WTO tương tự nhau, không được ưu tiên hơn cho bất kỳ Thành viên nào.
Tuy nhiên, WTO cho phép các nước Thành viên không phải tuân thủ nguyên tắc MFN nếu liên quan tới thỏa thuận tự do hóa phần lớn thương mại. Do đó, việc Việt Nam dành cho các đối tác FTA các đối xử ưu tiên trong khuôn khổ các FTA so với các Thành viên WTO khác là phù hợp với ngoại lệ được WTO cho phép về vấn đề này.
8. Trường hợp Việt Nam có nhiều hơn một FTA với cùng một nước đối tác thì thực hiện theo FTA nào?
Trong số các FTA Việt Nam tham gia, có một số trường hợp trùng lặp về đối tác, vd: giữa Việt Nam và Nhật Bản có 04 FTA; giữa Việt Nam và Hàn Quốc có 03 FTA … (Chi tiết các FTA giữa Việt Nam và các nền kinh tế, xem bài viết: Danh sách các nước có FTA với Việt Nam)
Về nguyên tắc thì việc xác định FTA nào có hiệu lực trong trường hợp có nhiều FTA với cùng một đối tác sẽ tùy thuộc quy định của các FTA cụ thể (ví dụ quy định sẽ tiếp tục hoặc thay thế các FTA đã có giữa các thành viên)
Đối với các FTA đã có giữa Việt nam và các đối tác như nêu ở trên thì đều quy định các FTA này sẽ cùng song song có hiệu lực. Như vậy, doanh nghiệp có thể lựa chọn FTA nào có lợi nhất cho mình (ví dụ về ưu đãi thuế quan, về quy tắc xuất xứ) để tận dụng cơ hội
9. Các FTA có thay thế các Hiệp định khác liên quan tới thương mại mà Việt Nam đã có không?
Liên quan tới thương mại, đầu tư, với mỗi Đối tác FTA, Việt Nam không chỉ có thỏa thuận tại FTA mà còn có thể có nhiều thỏa thuận khác, ví dụ:
- Các Hiệp định về bảo hộ thương mại, đầu tư
- Hiệp định tránh đánh thuế hai lần
- Hiệp định hợp tác, tương trợ về hải quan
- Các Hiệp định, Công ước chung mà cả Việt Nam và Đối tác FTA đều là thành viên
Về nguyên tắc, khi Việt Nam ký kết và thực hiện FTA với Đối tác, các thỏa thuận (Điều ước, Hiệp định…) khác đã có giữa Việt Nam và Đối tác đó vẫn tiếp tục có hiệu lực. FTA có quy định nêu rõ vấn đề này. Các thỏa thuận đang có này chỉ chấm dứt hiệu lực hoặc thay đổi hiệu lực nếu trong
Ví dụ
FTA song phương giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) có cam kết nêu rõ một khi EVFTA có hiệu lực thì (i) 22 Hiệp định thương mại và bảo hộ đầu tư song phương giữa Việt Nam và các nước thành viên EU đã từng ký trước đây sẽ tự động chấm dứt hiệu lực; (ii) các Thỏa thuận khác (ví dụ Hiệp định tránh đánh thuế hai lần…) giữa Việt Nam với các nước thành viên EU vẫn tiếp tục có hiệu lực.
FTA song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA) quy định Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương đã có giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ là một phần của VJEPA. Như vậy, các Thỏa thuận khác giữa hai Bên không được đề cập trong VJEPA sẽ tiếp tục có hiệu lực như bình thường.
10. Quy trình để có một FTA?
Đối với mỗi FTA, thông thường các thành viên đều tự thỏa thuận cụ thể với nhau về tiến trình, thủ tục, điều kiện đàm phán, ký kết, thực thi FTA đó. Không có một quy trình chung, bắt buộc nào đối với việc đàm phán, ký kết, thực thi các FTA. Càng không có thời hạn cụ thể cho từng giai đoạn trong quy trình đàm phán FTA, tất cả phụ thuộc vào sự thống nhất ý chí chủ quan của các Bên tham gia đàm phán.
Trên thực tế, thường thì một FTA sẽ trải qua quy trình 05 bước sau:
Bước 1: Nghiên cứu tiền khả thi:
Ở giai đoạn này, các Bên thường cử ra nhóm kỹ thuật với nhiệm vụ nghiên cứu ban đầu về khả năng đàm phán FTA (có mong muốn không? có chia sẻ điểm chung nhận định về mở cửa thị trường không? việc có FTA có lợi không? có khó khăn, cản trở nào không?….)
Kết quả bước này là các Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của mỗi Bên với nội dung trả lời cho câu hỏi: Có nên bắt đầu đàm phán FTA không?
Trên thực tế, không phải FTA nào cũng có bước nghiên cứu tiền khả thi. Không ít các FTA được bắt đầu bởi quyết định, mong muốn chính trị hoặc sức ép nhất định mà không phải từ các nghiên cứu hay tính toán cẩn trọng.
Cũng có những trường hợp việc nghiên cứu tiền khả thi được thực hiện âm thầm, chỉ thể hiện ra kết quả là việc tuyên bố tham gia đàm phán một FTA nào đó. |
Bước 2: Đàm phán
Quá trình đàm phán là quá trình các Bên đưa ra các yêu cầu của mình (gọi là “bản chào”-Offer), trả lời các yêu cầu của đối tác, trao đổi, thảo luận để đi đến thống nhất về tất cả các vấn đề của FTA (từ các nguyên tắc đàm phán, phạm vi các nhóm vấn đề đàm phán, cấu trúc của từng nhóm vấn đề, đến nội dung cụ thể của từng cam kết, các vấn đề chung về hiệu lực, thủ tục, mối quan hệ với các thỏa thuận khác…).
Mỗi đợt đàm phán lớn thường được gọi là một “Vòng đàm phán”. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều FTA lớn ngoài các Vòng đàm phán chính thức (với sự tham gia của các quan chức cấp cao) còn có rất nhiều các đàm phán “ở cấp kỹ thuật” giữa các chuyên viên, thảo luận các vấn đề chi tiết, cụ thể trong từng điều khoản cam kết.
Đàm phán hoàn tất khi các bên thống nhất được với nhau về tất cả các nội dung của FTA và cùng xác nhận, tuyên bố “hoàn tất đàm phán” (Conclusion of negotiation).
Chú ý: Việc hoàn tất đàm phán một FTA chỉ có nghĩa là các Bên đã thống nhất về tất cả các nội dung của FTA đó. Nó không có nghĩa là FTA đã được ký kết.
Tùy thuộc vào nhiều yếu tố (phạm vi cam kết, nội dung cam kết, quan điểm của các Bên, bối cảnh đàm phán…), quá trình đàm phán một FTA có thể dài, ngắn khác nhau.
Ví dụ: Quá trình đàm phán TPP kéo dài gần 6 năm, với hơn 20 Vòng đàm phán chính thức, 05 Phiên họp cấp Bộ trưởng, rất nhiều cuộc đàm phán kỹ thuật. Trong khi đó đàm phán EVFTA chỉ mất 2 năm rưỡi, với 14 Vòng đàm phán chính thức và một số cuộc đàm phán kỹ thuật. Lý do chính được cho là vì EVFTA được đàm phán sau, với nhiều nội dung và mức độ mở cửa tương tự như TPP, do đó các vấn đề có thể được quyết định và đi đến thống nhất nhanh hơn nhiều so với TPP trước đó. |
Bước 3: Ký kết
Sau khi hoàn tất đàm phán, văn bản FTA sẽ được các bên thực hiện rà soát pháp lý (rà soát phát hiện và điều chỉnh các lỗi kỹ thuật, các từ ngữ chưa rõ ràng…). Sau đó các Bên sẽ hoàn tất thủ tục nội bộ của mình để cử người có thẩm quyền cùng ký FTA.
Thủ tục ký kết FTA có ý nghĩa như việc các Bên chính thức công nhận sự tồn tại của FTA đó. Thủ tục này cũng là điểm khởi động các quy trình nội bộ của mỗi Bên để phê chuẩn/thông qua FTA.
Chú ý: Việc ký kết một FTA không đồng nghĩa với việc FTA đó bắt đầu có hiệu lực, cũng không đồng nghĩa với việc các Bên đã bắt đầu bị ràng buộc bởi các cam kết trong FTA.
Việc rà soát pháp lý trước khi ký chính thức về nguyên tắc chỉ mang tính kỹ thuật, không ảnh hưởng tới nội dung các cam kết và thường được thực hiện khá nhanh. Ví dụ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, các Bên mất 3 tháng (từ 11/2015 đến tháng 2/2016) để rà soát pháp lý.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp vì nhiều lý do (quy trình kỹ thuật, mong muốn chính trị của mỗi Bên…) mà quá trình này có thể kéo rất dài. Ví dụ Hiệp đến 6/2018 mới chỉ hoàn thành rà soát pháp lý một phần. định Thương mại Tự do Việt Nam – EU đã hoàn tất đàm phán từ 12/2015 nhưng đến 6/2018 mới chỉ hoàn thành rà soát pháp lý một phần |
Bước 4: Phê chuẩn
Mỗi nước đều có các quy định riêng về quy trình, thẩm quyền phê chuẩn nội bộ của mình với một FTA sau khi FTA đó được hoàn tất đàm phán và ký kết.
Thông thường một cơ quan Chính phủ sẽ được giao nhiệm vụ đi đàm phán và ký kết FTA. Tuy nhiên việc phê chuẩn các FTA lại thường thuộc thẩm quyền của Nghị viện hoặc Quốc hội.
Việc phê chuẩn một FTA có ý nghĩa như việc chấp thuận chính thức của Bên phê chuẩn về sự ràng buộc của FTA đó đối với mình.
Việc phê chuẩn các FTA trong nội bộ các nước thường thuộc thẩm quyền của Quốc hội hoặc Nghị viện (cơ quan dân cử, có quyền lập pháp) của nước đó. Lý do là các FTA thường bao gồm các nội dung mà nếu trong nội bộ thì vốn thuộc thẩm quyền quyết định của các cơ quan này (như thuế quan, các quy tắc nằm trong các Luật nội địa…).
Nói cách khác, do nhiều cam kết trong các FTA sẽ làm thay đổi nội dung các văn bản luật ở trong nước nên để các FTA được chấp thuận ở trong nước, FTA phải được sự phê chuẩn (đồng ý) của Quốc hội hoặc Nghị viện (cơ quan có thẩm quyền ban hành luật). |
Bước 5: Có hiệu lực
Thông thường, sau khi các Bên hoàn thành thủ tục phê chuẩn nội bộ, thông báo chính thức về việc phê chuẩn này đồng thời đáp ứng đủ các điều kiện để FTA có hiệu lực thì FTA chính thức có hiệu lực với Bên phê chuẩn. Điều kiện để FTA có hiệu lực (phải có bao nhiêu thành viên phê chuẩn FTA…) và thời điểm có hiệu lực (sau bao nhiêu ngày kể từ khi điều kiện có hiệu lực được thỏa mãn…) sẽ tùy thuộc vào quy định cụ thể của mỗi FTA. Ví dụ: Theo cam kết, CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày có ít nhất 6 hoặc một nửa số thành viên CPTPP phê chuẩn Hiệp định này.
Kể từ thời điểm đó, Bên phê chuẩn có nghĩa vụ thực hiện các cam kết trong FTA và được hưởng các quyền lợi từ các cam kết.
Tuy nhiên, không phải cam kết nào trong FTA cũng phải/được thực hiện ngay khi FTA có hiệu lực. Tùy thuộc nội dung từng cam kết, thời điểm thực thi cam kết có thể là ngay tại thời điểm mà FTA có hiệu lực, cũng có thể là sau một thời gian nhất định (lộ trình). Ví dụ, một số cam kết về sở hữu trí tuệ trong CPTPP Việt Nam sẽ chỉ phải thực hiện sau 3-5 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực với Việt Nam.
Chú ý: Thời điểm có hiệu lực của một FTA chỉ có ý nghĩa đối với Nhà nước thành viên FTA, không tự động ràng buộc hay tạo ra quyền/nghĩa vụ trực tiếp nào đối với các tổ chức, cá nhân trong Nhà nước đó. Để các cam kết FTA có hiệu lực với các tổ chức, cá nhân, thông thường sẽ phải thông qua một trong hai kênh (i) các văn bản pháp luật nội luật hóa từng cam kết cụ thể (trường hợp của Việt Nam là sửa đổi, ban hành mới các Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư… để thực thi cam kết); hoặc (ii) văn bản nội địa cho phép tổ chức, cá nhân áp dụng trực tiếp các cam kết nhất định (trường hợp của Việt Nam là Nghị quyết của Quốc hội cho phép áp dụng trực tiếp cam kết).
II. Cơ hội và thách thức từ các FTA
1. FTA mang lại những lợi ích gì về kinh tế cho Việt Nam?
Lợi ích xuất khẩu: Các FTA giúp loại bỏ phần lớn thuế quan, giảm thiếu các biện pháp phi thuế cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đi các thị trường đối tác, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp xuất khẩu;
Lợi ích nhập khẩu: Các FTA cho phép hàng hóa (trong đó có thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất) từ các đối tác nhập khẩu vào Việt Nam với giá rẻ hơn, đa dạng và cạnh tranh hơn (do không phải chịu hàng rào thuế quan và phi thuế quan), mang lại lợi ích cho doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu, và cho người tiêu dùng
Lợi ích từ sự gia tăng cạnh tranh về dịch vụ: Các FTA cho phép dịch vụ (trong đó có các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh) từ các đối tác vào Việt Nam với thuận lợi hơn, tạo động lực cạnh tranh, mang lại nguồn cung dịch vụ giá hợp lý hơn, chất lượng tốt hơn cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ (qua đó làm giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp);
Lợi ích từ đầu tư: Các FTA tạo nên các cơ sở nền tảng thống nhất, minh bạch, an toàn cho môi trường đầu tư, đồng thời tạo kết nối nền kinh tế với các đối tác khác, từ đó tăng sức thu hút các nhà đầu tư tới Việt Nam tận dụng cơ hội từ FTA (trong nước, ngoài nước)
Lợi ích kinh tế vĩ mô: Với những lợi ích kinh tế cộng hưởng từ nhiều góc độ, các FTA được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy sự chuyển đổi tự nhiên và hợp lý cơ cấu nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại thị trường xuất khẩu của Việt Nam theo hướng cân bằng hơn, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường; tạo cơ hội tham gia và trở thành một mắt xích trong chuỗi/dây chuyên cung ứng mới được tạo ra trong khu vực FTA.
Tuy nhiên, cần chú ý rằng tất cả các lợi ích từ các FTA như nêu trên đều ở dạng tiềm năng, là kỳ vọng. Việc hiện thực hóa các lợi ích kỳ vọng này ở mức độ nào còn phụ thuộc vào nỗ lực cụ thể của mỗi doanh nghiệp, quyết tâm và hiệu quả thực tế từ các biện pháp của Nhà nước.
2. Các FTA mang lại lợi ích gì về thể chế cho Việt Nam?
Động lực cho cải cách thể chế:
Các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới với nhiều cam kết về thể chế đi cùng hướng với các mục tiêu cải cách trong nước (cải cách hành chính, doanh nghiệp Nhà nước…) được cho là sẽ tạo ra động lực và sức mạnh cộng hưởng cho cải cách trong nước.
Ngoài ra, các lợi ích kinh tế kỳ vọng từ các FTA cũng là động lực thúc đẩy quyết tâm cải cách của Việt Nam để các doanh nghiệp và cả nền kinh tế có thể tận dụng tối đa và hiệu quả các cơ hội từ các FTA
Thay đổi phương thức quản lý theo hướng minh bạch, thúc đẩy tự do kinh doanh: Một số FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, có các yêu cầu cụ thể về minh bạch, chính phủ điện tử, chống tham nhũng, đặt ra các giới hạn cho việc can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh, thiết lập các nguyên tắc bảo hộ quyền tài sản của nhà đầu tư trước hành động của Nhà nước …
Việc thực thi các cam kết như vậy là cơ hội để Việt Nam cải thiện, thay đổi cơ bản về phương thức quản lý Nhà nước nói chung, và với các hoạt động kinh tế nói riêng, qua đó hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam;
Cải thiện môi trường kinh doanh, chính sách và pháp luật về kinh doanh theo các tiêu chuẩn quốc tế:
Một số FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, có nhiều cam kết quy tắc theo chuẩn quốc tế mới trong các lĩnh vực chính sách pháp luật cụ thể (đầu tư, sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động…) buộc Việt Nam phải điều chỉnh hệ thống chính sách pháp luật nội địa tương ứng phù hợp chuẩn quốc tế.
3. Các FTA mang lại những lợi ích gì cho Việt Nam từ góc độ phát triển?
- Lợi ích xã hội: Các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, được cho là sẽ tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh, qua đó gián tiếp tạo ra nhiều công ăn việc làm và gia tăng thu nhập cho người lao động; Các lợi ích kinh tế từ các FTA cũng sẽ là điều kiện để gia tăng phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống văn hóa – tinh thần cho người dân;
- Phát triển bền vững: Các FTA thế hệ mới với các cam kết về môi trường, lao động, trách nhiệm xã hội… sẽ là yêu cầu, động lực thúc đẩy và định hướng hoạt động thương mại tại Việt Nam phát triển theo hướng bền vững;
- Lợi ích khác: Việc thực thi hiệu quả các FTA sẽ là điều kiện để tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác trên nhiều lĩnh vực khác như ngoại giao, hợp tác an ninh quốc phòng… đồng thời gia tăng vị thế chung của Việt Nam trên trường quốc tế.
4. Từ góc độ cạnh tranh, Việt Nam có thể phải chịu ảnh hưởng bất lợi gì từ các FTA?
Trong các FTA, đối tác mở cửa thị trường cho Việt Nam và đối lại, Việt Nam cũng phải mở cửa thị trường của mình cho hàng hóa, dịch vụ từ đối tác. Vì vậy, trên thị trường nội địa, cạnh tranh về hàng hóa và dịch vụ giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối thủ đến từ các nền kinh tế đối tác FTA sẽ lớn hơn. Doanh nghiệp không điều chỉnh kịp thời hoặc không chịu nổi sức ép cạnh tranh có thể sẽ phải thu hẹp kinh doanh, giải thể, thậm chí phá sản.
Tuy nhiên, trong lâu dài và ở góc độ tổng thể, một thị trường cạnh tranh hơn dưới sức ép mở cửa của các FTA không hẳn đã là thiệt hại bởi:
- Cạnh tranh có thể là sức ép tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tự hoàn thiện mình, điều chỉnh hoạt động kinh doanh, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của mình
- Cạnh tranh mang tới sản phẩm (hàng hóa, dịch vụ) giá tốt hơn, có chất lượng hơn, nhiều lựa chọn hơn, từ đó mang lại lợi ích hơn cho doanh nghiệp (nguồn đầu vào, dịch vụ phục vụ sản xuất) và người tiêu dùng
5. Từ góc độ vĩ mô, Việt Nam có thể phải chịu tác động bất lợi gì từ các FTA?
Dưới tác động của việc mở cửa thị trường và thúc đẩy đầu tư từ các FTA, các yếu tố kinh tế vĩ mô (như cơ cấu kinh tế, cơ cấu thị trường xuất khẩu, cơ cấu sản phẩm, mô hình tăng trưởng ..) có thể thay đổi theo chiều hướng tốt nhưng cũng có thể dẫn tới các tác động, hệ quả không mong muốn, ví dụ:
- Tình trạng nhập siêu có thể sẽ trầm trọng hơn dưới tác động của việc mở cửa thị trường và gia tăng đầu tư theo các FTA
- Chuyển dịch cơ cấu lao động có thể dẫn tới chuyển dịch dân cư và việc sắp xếp giải quyết các nhu cầu xã hội, các hệ lụy liên quan
- Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng có thể đi chệch hướng mong muốn
- Chuyển dịch thị trường (ưu tiên nhập khẩu, xuất khẩu với các thị trường có FTA) có thể gây ra hiện tượng chệch hướng thương mại, khó nhận diện hoặc có hệ quả không mong muốn (ví dụ chệch hướng nhập khẩu: hàng hóa thay vì được nhập khẩu từ các nguồn có chất lượng tốt nhưng thuế nhập khẩu cao thì lại nhập khẩu từ các nguồn có chất lượng kém hơn nhưng thuế nhập khẩu thấp hơn).
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng các tác động phụ về vĩ mô này cơ bản có thể khắc phục được và trong tổng thể thì lợi ích kỳ vọng lớn hơn đáng kể so với các hệ quả thiệt hại này.
6. Từ góc độ công cụ chính sách, Việt Nam có thể phải chịu ảnh hưởng bất lợi gì từ các FTA?
Các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới với rất nhiều các ràng buộc đối với quyền ban hành chính sách của Nhà nước (trong đó có các hàng rào phi thuế quan, các chính sách có tính chất hỗ trợ từ Nhà nước). Điều này dẫn tới tình trạng “không gian lựa chọn chính sách” của Nhà nước bị thu hẹp, từ đó:
- Hạn chế khả năng chủ động của Nhà nước trong ban hành và thực thi các chính sách hỗ trợ ngành khi cần thiết
- Hạn chế khả năng sử dụng các biện pháp đơn giản và tức thời để bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước trước các biến động thương mại và đầu tư trên thế giới
Tuy nhiên, trên thực tế, điều này có thể không quá ảnh hưởng tới Việt Nam bởi:
- Trước đây khi chưa bị hạn chế quá nhiều bởi các FTA, Việt Nam cũng hầu như không tận dụng được các “không gian chính sách” này
- Với không gian chính sách còn lại sau các FTA, Việt Nam vẫn có nhiều biện pháp có thể sử dụng. Trong một số trường hợp, việc lựa chọn bảo hộ hoặc thúc đẩy một ngành kinh tế nhất định chưa được tính toán kỹ lưỡng, vì vậy dù có sử dụng các biện pháp hỗ trợ tối đa vẫn chưa mang lại hiệu quả gì đáng kể, thậm chí là dẫn tới hệ quả ngược
- Mỗi FTA đều có những ngoại lệ nhất định, cho phép các thành viên vẫn được duy trì các biện pháp nhằm bảo vệ các lợi ích công cộng dù các biện pháp đó có vi phạm các nguyên tắc của FTA.
III. Khuyến nghị đối với doanh nghiệp trước các FTA
1. Doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần làm gì để tận dụng cơ hội từ các FTA?
Các FTA mang lại những lợi ích lớn, trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, các lợi ích này chỉ là tiềm năng, không tự động thành hiện thực nếu doanh nghiệp không chủ động hành động, đặc biệt trong các khía cạnh sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp cần tìm hiểu các quy định/cam kết của các FTA có liên quan tới hàng hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh mà mình quan tâm:
- Các cam kết về thuế quan và các biện pháp phi thuế đối với loại hàng hóa mà doanh nghiệp quan tâm sẽ cho thông tin để doanh nghiệp nhận diện được xu hướng thuế quan và các biện pháp khác đối với hàng hóa của mình trong tương lai ở các thị trường liên quan, qua đó doanh nghiệp có thể lên kế hoạch kinh doanh dài hạn.
Chú ý: Cam kết thuế quan cần quan tâm có thể là cam kết của thị trường đối tác FTA đối với loại hàng hóa mà doanh nghiệp xuất khẩu; cũng có thể là cam kết của Việt Nam đối với nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị mà doanh nghiệp nhập khẩu từ các thị trường đối tác FTA.
- Các cam kết/quy định về quy tắc xuất xứ đối với loại hàng hóa mà doanh nghiệp quan tâm sẽ cho thông tin quan trọng để doanh nghiệp thiết lập nguồn cung, quy trình sản xuất bảo đảm đáp ứng được các yêu cầu cụ thể về quy tắc xuất xứ, qua đó hàng hóa của doanh nghiệp mới có thể hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA.
- Các cam kết về đầu tư, mở cửa thị trường liên quan tới lĩnh vực của doanh nghiệp sẽ cho thông tin về tương lai hợp tác, cạnh tranh trong thị trường liên quan, từ đó doanh nghiệp có thể dự kiến kế hoạch tận dụng, ứng phó thích hợp.
Thứ hai, doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp, hành động cụ thể để chuẩn bị cho việc tận dụng các cơ hội từ FTA trên cơ sở phân tích, tổng hợp các thông tin có được từ việc tìm hiểu nội dung cam kết FTA:
- Tìm hiểu, thiết lập và/hoặc mở rộng mạng lưới bạn hàng, đối tác ở các thị trường có lợi thế FTA;
- Tìm hiểu, thiết lập và/hoặc mở rộng mạng lưới nguồn cung phù hợp với yêu cầu về quy tắc xuất xứ của FTA đối với hàng hóa liên quan ở thị trường liên quan;
- Thiết lập và/hoặc điều chỉnh quy trình sản xuất các loại hàng hóa xuất khẩu đi thị trường có FTA đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ liên quan;
- Kiểm soát và bảo đảm các thủ tục, chứng từ trong toàn bộ chuỗi cung ứng, sản xuất đáp ứng được các yêu cầu liên quan để có chứng nhận xuất xứ hàng hóa phù hợp.
- Tìm hiểu các cơ hội, thiết lập và tăng cường các khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực hoặc toàn cầu, tận dụng cơ hội thuế quan và quy tắc xuất xứ từ các FTA.
Thứ ba, doanh nghiệp cần quan tâm tới các nội dung khác trong FTA có thể tác động gián tiếp cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của mình:
- Các cam kết về thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại, minh bạch hóa trong các FTA sẽ cho thông tin về quyền yêu cầu của doanh nghiệp đối với cơ quan hải quan của cả Việt Nam và thị trường xuất khẩu, qua đó doanh nghiệp có thể bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình trong quá trình kinh doanh;
- Các cam kết về hàng rào kỹ thuật (TBT), vệ sinh dịch tễ (SPS), phòng vệ thương mại (TR)… có thể tác động trực tiếp tới doanh nghiệp (ví dụ quy tắc TBT cụ thể với một mặt hàng nào đó) hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới doanh nghiệp (ví dụ quy trình giải quyết khiếu nại, kiểm tra…) sẽ cho thông tin để doanh nghiệp chuẩn bị tuân thủ, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền của mình tại thị trường nước xuất khẩu.
- Các cam kết về quy tắc (bảo hộ sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, đầu tư, mua sắm công, môi trường, lao động…) sẽ cho thông tin để doanh nghiệp dự liệu kế hoạch kinh doanh tuân thủ các cam kết; và tham gia ý kiến khi cơ quan Nhà nước tổ chức thực hiện các cam kết này ở Việt Nam.
2. Doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ nội địa cần làm gì để vượt qua thách thức cạnh tranh từ các FTA?
Trong các FTA, để đổi lại việc các đối tác mở cửa thị trường của họ cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, Việt Nam cũng phải đưa ra cam kết mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ của đối tác FTA. Do đó, doanh nghiệp sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh hơn trong thị trường nội địa. Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh này có thể được hóa giải nếu doanh nghiệp có các hành động thích hợp, đặc biệt là:
Thứ nhất, doanh nghiệp tìm hiểu các cam kết FTA về mở cửa thị trường của Việt Nam
- Các cam kết loại bỏ thuế quan đối với các loại hàng hóa, cam kết mở cửa thị trường với các dịch vụ có cạnh tranh trực tiếp, gián tiếp tới hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp sẽ cho thông tin để doanh nghiệp nhận diện được thách thức đến từ đâu, ở mức nào, vào thời điểm nào, từ đó có kế hoạch đối ứng thích hợp.
- Các cam kết loại bỏ thuế quan đối với máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp sẽ cho thông tin để doanh nghiệp dự báo về chi phí sản xuất, từ đó có điều chỉnh thích hợp để tận dụng nguồn đầu vào giá hợp lý, giảm giá thành sản phẩm
Thứ hai, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh:
- Xác định thế mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp (ví dụ thị trường ngách, đặc thù sản phẩm, dữ liệu khách hàng…), từ đó có hành động cụ thể nhằm hoàn thiện và tận dụng các thế mạnh này;
- Nhận diện các yếu tố đang cản trở năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (bao gồm cả các yếu tố con người, phương thức, vốn), xác định mức độ nghiêm trọng, các cách thức có thể sử dụng để cải thiện, từ đó xây dựng và thực thi chiến lược khắc phục các hạn chế này
Các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia
Danh sách các hiệp định thương mại Việt Nam tham gia cũng như các thông tin liên quan văn bản pháp luật về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của các FTA -> xem tại bài viết: Danh sách các FTA Việt Nam tham gia
Ngoài ra bạn có thể xem thêm chi tiết về các hiệp định tại các link bên dưới:
- Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA (ATIGA – AFAS)
- Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Trung Quốc (ACFTA)
- Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Hàn Quốc (AKFTA)
- Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP)
- Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Ấn Độ (AIFTA)
- Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Australia–New Zealand (AANZFTA)
- Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản (VJEPA)
- Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Chi lê (VCFTA)
- Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA)
- Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á- Âu (FTA VN–EAEU)
- Các Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hong Kong, Trung Quốc (AHKFTA, AHKIA)
- Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
- Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên Minh Châu Âu (EVFTA)
- Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)
- Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Israel
Phụ lục Cổng thông tin thương mại của một số thị trường có FTA với Việt Nam
Australia https://www.homeaffairs.gov.au/
Ấn Độ http://www.cbic.gov.in/
Brunei http://bdnsw.gov.bn/Pages/Home.aspx
Campuchia http://www.customs.gov.kh/en_gb/
Canada https://www.canada.ca/en/services/business/trade.html
Chile http://www.aduana.cl/aduana/site/edic/base/port/inicio.html
EAEU http://www.eurasiancommission.org/en/Pages/default.aspx
EU http://ec.europa.eu/taxation_customs/dds2/taric/taric_consultation.jsp?Lang=en
Hàn Quốc http://www.customs.go.kr/
Hong Kong, Trung Quốc https://www.customs.gov.hk/en/home/index.html
Indonesia http://intr.insw.go.id/
Lào https://www.laotradeportal.gov.la/index.php?r=tradelnfo/index
Malaysia http://www.customs.gov.my/en
Mexico https://www.sat.gob.mx/home
Myanmar http://www.myanmartradeportal.gov.mm/index.php
New Zealand https://www.customs.govt.nz/
Nhật Bản http://www.customs.go.jp/english/index.htm
Peru http://www.sunat.gob.pe/aduanas/version_ingles/index.html
Philippines http://tariffcommission.gov.ph/finder/
Thái Lan http://en.customs.go.th/
Trung Quốc http://english.customs.gov.cn/
Singapore https://www.customs.gov.sg/
Nguồn: Sổ tay Doanh nghiệp – Những điều cần biết về các FTA của Việt Nam
Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI
Để nhận được tư vấn và báo giá đối với việc vận chuyển quốc tế, thông quan, hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin:
Công ty TNHH HP Toàn Cầu
Nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển quốc tế, thủ tục hải quan và giấy phép xuất nhập khẩu
Địa chỉ: Số 13, LK3 – NO03 – Khu đô thị Văn Khê – Phường La Khê – Quận Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 0886115726 – 0984870199 hoặc Điện thoại: 024 73008608
Email: info@hptoancau.com
hoặc yêu cầu báo giá theo link