Cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA)
Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (27 nước thành viên) ký ngày 30/6/2019, có hiệu lực từ 1/8/2020.
Các vấn đề về quy tắc xuất xứ trong EVFTA được quy định tại Nghị định thư 1 – Quy định hàng hoá có xuất xứ và phương thức hợp tác quản lý hành chính của Hiệp định.
Cơ chế chứng nhận xuất xứ trong EVFTA có một số điểm đáng chú ý sau đây:
(i) Mẫu chứng nhận Xuất xứ
Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) EVFTA có mẫu EUR.1 đã được quy định sẵn ngay trong Văn kiện EVFTA.
Theo cam kết, mẫu EUR.1 áp dụng chung cho cả hàng hóa xuất khẩu từ EU và Việt Nam. Tuy nhiên, do EU không áp dụng cơ chế cấp chứng nhận xuất xứ bởi cơ quan có thẩm quyền, mà áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ bởi nhà xuất khẩu có đăng ký (hệ thống REX), mẫu EUR.1 trên thực tế chỉ áp dụng đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam đi EU.
Mẫu EUR.1 được quy định tại Phụ lục VII, Nghị định thư 1EVFTA. Thông tin khai báo trên mẫu EUR.1 được cho là đơn giản hơn so với mẫu C/O trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết:
Một số thông tin nhà xuất khẩu được phép lựa chọn khai báo hoặc không khai báo trên C/O mẫu EUR.1 (ví dụ nhà nhập khẩu, hành trình lô hàng, số hóa đơn thương mại…) Một số thông tin không bắt buộc thể hiện trên mẫu EUR.1 (như tiêu chí xuất xứ, mã số HS của hàng hóa…). Đây là một điểm khác biệt lớn so với các mẫu C/O theo các FTA khác của Việt Nam (các FTA khác đều yêu cầu khai mã HS và tiêu chí xuất xứ của hàng hóa).
(ii) Cộng gộp trong EVFTA
Trong EVFTA, ngoài hình thức cộng gộp thông thường tương tự phần lớn các FTA đã có của Việt Nam, còn có quy định đặc biệt về cộng gộp xuất xứ (chưa từng xuất hiện trong FTA nào của Việt Nam).
Cụ thể, EVFTA cho phép cộng gộp mở rộng nguyên liệu từ một số thị trường ngoài Việt Nam và EU (cụ thể là ASEAN và Hàn Quốc, hai khu vực mà Việt Nam đã có FTA và đã hoặc đang hướng tới đàm phán FTA với EU) đối với một số sản phẩm theo các điều kiện nhất định, cụ thể:
- Cộng gộp xuất xứ với Hàn Quốc đối với hàng dệt may: Vải có xuất xứ Hàn Quốc (nước này đã có FTA với EU) sẽ được coi là nguyên liệu có xuất xứ để cộng gộp khi xác định xuất xứ cho các sản phẩm may mặc (Chương 61,62) của Việt Nam xuất khẩu sang EU.Nếu áp dụng hình thức cộng gộp này thì trên các giấy tờ chứng nhận xuất xứ (C/O ưu đãi hoặc Tự chứng nhận xuất xứ ưu đãi) phải ghi “Application of Article 3(7) of Protocol 1 to the Viet Nam – EUFTA” (“Áp dụng Điều khoản 3(7) Nghị định thư 1 của EVFTA”)
Ngoài ra, trong tương lai nếu có thêm các nước thứ ba đồng thời có FTA với cả EU và Việt Nam thì Việt Nam có thể đề nghị Ủy ban Hải quan của EVFTA xem xét cho cộng gộp vải có xuất xứ từ nước thứ ba này.
- Cộng gộp xuất xứ với ASEAN đối với mực và bạch tuộc: Các nguyên liệu mực và bạch tuộc (thuộc các mã HS 030741 và HS 030751) có xuất xứ từ một nước thành viên ASEAN đã có FTA với EU (hiện tại ngoài Việt Nam chỉ có Singapore đã có FTA với EU) sẽ được coi là nguyên liệu có xuất xứ để cộng gộp khi tính toán RVC cho các sản phẩm mực và bạch tuộc đã chế biến hoặc bảo quản (thuộc các mã HS 160554 và HS 160555) của Việt Nam xuất khẩu sang EU.Nếu áp dụng hình thức cộng gộp này thì trên các giấy tờ chứng nhận xuất xứ (C/O ưu đãi hoặc Tự chứng nhận xuất xứ ưu đãi) phải ghi “Application of Article 3(2) of Protocol 1 to the Viet Nam – EUFTA” (“Áp dụng Điều khoản 3(2) Nghị định thư 1 của EVFTA”)
Tuy nhiên, để có thể thực hiện việc cộng gộp như trên thì nguyên liệu và sản phẩm được cộng gộp phải đáp ứng thêm một số điều kiện cụ thể được nêu trong Điều 3 của Nghị định thư 1 EVFTA, như:
- Hàn Quốc/Nước ASEAN đã có FTA với EU phải hợp tác hành chính và thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo cho phép việc cộng gộp này.
- Đối với trường hợp cộng gộp xuất xứ ASEAN thì mức thuế ưu đãi mà EU đang áp dụng đối với mực và bạch tuộc của Việt Nam phải cao hơn mức thuế áp dụng đối với nước ASEAN đó
(iii) Tự chứng nhận xuất xứ
Trong EVFTA, EU rất nhấn mạnh cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, cơ chế mà EU đã áp dụng trong nội bộ mình từ gần hai thập kỷ qua. Điều này thể hiện qua văn kiện EVFTA với các quy định cụ thể về cơ chế này, theo hướng tự chứng nhận xuất xứ của nhà xuất khẩu (hẹp hơn so với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của CPTPP-CPTPP cho phép nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ).
Mô hình tự chứng nhận xuất xứ trong EVFTA dựa trên thông lệ cho phép nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ mà EU hiện đang áp dụng.
Cụ thể, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của nhà xuất khẩu của EVFTA cho phép nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ trên hóa đơn, phiếu giao hàng hay bất kỳ chứng từ thương mại nào, thay vì phải xin giấy chứng nhận xuất xứ từ các cơ quan chức năng như hiện nay.
Về lộ trình thực hiện, trong EVFTA, EU và Việt Nam mỗi Bên có cam kết riêng về vấn đề này. Cụ thể:
- Đối với hàng hóa xuất khẩu từ EU: (i) với lỗ hàng có trị giá không vượt quá 6.000 euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào của EU cũng có thể tự chứng nhận xuất xứ; (ii) với lô hàng có giá trị trên 6.000 euro, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện (approved exporters) theo quy định của EU thì mới được tự chứng nhận xuất xứ.
Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hiện hành ở EU
EU xây dựng Hệ thống Nhà xuất khẩu đăng ký (Registered Exporter system – REX) để các nhà xuất khẩu đã đăng ký trên hệ thống này có thể tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa của mình. Mỗi nhà xuất khẩu đăng ký và được Hệ thống xác nhận sẽ được cấp một mã số riêng (gọi là mã số REX). Doanh nghiệp sẽ sử dụng thống nhất mã số REX này khi tự chứng nhận xuất xứ cho các lỗ hàng xuất khẩu đi các nước có FTA với EU (trong đó có EVFTA).
Trên thực tế, EU cũng áp dụng Hệ thống REX cho các nhà xuất khẩu nước ngoài muốn xuất khẩu hàng hóa vào EU theo cơ chế Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (Cơ chế GSP) mà EU dành cho một số đối tác. Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU theo cơ chế GSP cũng đang áp dụng hệ thống REX để tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa
- Đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam: (i) với lô hàng có trị giá không vượt quá 6.000 euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào của Việt Nam cũng có thể tự chứng nhận xuất xử; (ii) với lô hàng có trị giá trên 6.000 euro, Việt Nam bảo lưu vẫn tiếp tục áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ truyền thống (cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cho nhà xuất khẩu sau khi xác nhận các giấy tờ mà nhà xuất khẩu xuất trình), Việt Nam có thể lựa chọn áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ khi nào thấy thích hợp và chỉ cần thông báo cho phía EU trước khi thực hiện cơ chế này.
(IV) Miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ
EVFTA quy định các hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau có thể được miễn chứng từ xuất xứ:
- Kiện hàng hóa nhỏ được gửi từ cá nhân đến cá nhân
- Hành lý cá nhân của người đi du lịch
- Những lỗ hàng nhập khẩu không thường xuyên phục vụ cho tiêu dùng cá nhân.
Điều kiện để được miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với các trường hợp nói trên là:
i) Các hàng hóa đó không dùng cho mục đích thương mại
ii) Có tổng giá trị:
- Khi nhập khẩu vào EU: 500 EUR đối với kiện hàng nhỏ hoặc 1200 EUR đối với hàng hóa là một phần hành lý cá nhân của người đi du lịch;
- Khi nhập khẩu vào Việt Nam: 200 USD đối với cả trường hợp kiện hàng nhỏ và hàng hóa là một phần hành lý cá nhân của người đi du lịch.
Thông tin thêm: Các mức này trong FTA Việt Nam- Hàn Quốc là 600 USD, FTA Việt Nam–Liên minh Kinh tế Á Âu là 200 USD, còn CPTPP là 1.000 USD.
Văn bản pháp quy liên quan C/O theo EVFTA
Thông tư mới nhất thực hiện quy tắc xuất xứ C/O theo EVFTA, xem tại bài viết: Danh sách các FTA Việt Nam tham gia
Nguồn: Sổ tay Doanh nghiệp – Những điều cần biết về các FTA của Việt Nam
Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI
Để có thêm tư vấn hoặc báo giá về thủ tục xuất khẩu, nhập khập khẩu, cước vận chuyển quốc tế Việt Nam – Châu Âu; thủ tục làm C/O form EURO1 xin vui lòng liên hệ:
Công ty TNHH HP Toàn Cầu
Nhà cung cấp Dịch vụ Vận chuyển quốc tế, thủ tục hải quan và giấy phép xuất nhập khẩu!
Địa chỉ: Số 13, LK3 – NO03 – Khu đô thị Văn Khê – Phường La Khê – Quận Hà Đông – Hà Nội
Website: hptoancau.com
Email: info@hptoancau.com
Điện thoại: 024 3 73008608/ Hotline:0886115726 – 0984870199
hoặc yêu cầu báo giá theo link
Lưu ý:
– Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, trước khi sử dụng, bạn nên liên lạc HP Toàn Cầu để update nội dung cập nhật mới nhất(nếu có)
– HP Toàn Cầu giữ bản quyền với bài viết và không đồng ý đơn vị khác sao chép, sử dụng bài viết của HP Toàn Cầu vì mục đích thương mại
– Mọi sự sao chép không có thỏa thuận với HP Toàn Cầu (kể cả có ghi dẫn chiếu website hptoancau.com) có thể dẫn đến việc chúng tôi claim với google và các bên liên quan.