Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
THÔNG TIN CƠ BẢN
Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện Xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Trans-Pacific Partnership – CPTPP) là Hiệp định tiếp nối của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
CPTPP được chính thức ký kết vào ngày 8/3/2018 bởi 11 nước thành viên còn lại của TPP là Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam.
CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 với nhóm 6 nước thành viên phê chuẩn đầu tiên, bao gồm Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand. Việt Nam là thành viên phê chuẩn thứ 7 và Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.
Từ TPP đến CPTPP
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một FTA được đàm phán từ tháng 3/2010, bao gồm 12 nước thành viên là Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. TPP được chính thức ký ngày 4/2/2016 và được dự kiến sẽ có hiệu lực từ 2018. Tuy nhiên, đến tháng 1/2017, Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi TPP, khiến TPP không thể đáp ứng điều kiện để có hiệu lực như dự kiến ban đầu. Tháng 5/2017, 11 nước thành viên còn lại của TPP quyết định sẽ tiếp tục TPP theo hình thức thích hợp, dù không có Hoa Kỳ. Tháng 11/2017, các nước ra Tuyên bố chung thống nhất đổi tên TPP thành CPTPP đồng thời điểu chỉnh một số nội dung của TPP trong CPTPP. CPTPP được chính thức ký kết vào tháng 3/2018 bởi 11 nước thành viên còn lại của TPP (không bao gồm Hoa Kỳ). Xét tính chất pháp lý, CPTPP là Hiệp định độc lập hoàn toàn với TPP. Tuy nhiên, về nội dung, CPTPP tiếp nối hầu như toàn bộ các cam kết của TPP ngoại trừ các khác biệt sau:
|
NỘI DUNG CHÍNH
CPTPP là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, với mức độ cam tự do hóa cao nhất, và phạm vi bao trùm nhiều lĩnh vực nhất so với tất cả các FTA mà Việt Nam đã từng ký kết.
Văn kiện CPTPP gồm 30 Chương, bao trùm rất nhiều vấn đề, từ các vấn đề thương mại truyền thống (hàng hóa, dịch vụ, đầu tư…), đến các vấn đề thương mại chưa hoặc ít được đề cập trong các FTA (mua sắm công, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước…), và cả các vấn đề khác có liên quan đến thương mại (lao động, môi trường…)
Về thương mại hàng hóa
Cam kết về thuế quan
Mỗi nước trong CPTPP có một Biểu thuế quan riêng trong đó nêu mức cam kết loại bỏ, cắt giảm thuế quan (cùng với lộ trình cụ thể) đối với từng loại hàng hóa cho tất cả các đối tác CPTPP còn lại hoặc cho từng đối tác CPTPP. Đối với Việt Nam thì:
- Các nước CPTPP cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với khoảng từ 78-95% số dòng thuế trong Biểu thuế cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sau; đến cuối lộ trình giảm thuế (5-10 năm), sẽ xóa bỏ đến 97-100% số dòng thuế trong Biểu thuế;
- Việt Nam cam kết dành xóa bỏ thuế quan ngay khi CPTPP có hiệu lực đối với khoảng 65,8% số dòng thuế trong Biểu thuế; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; Các mặt hàng còn lại cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.
Theo nguyên tắ của Hiệp định và theo thỏa thuận giữa Việt Nam và các nước phê chuẩn ban đầu thì lộ trình cắt giảm thuế quan giữa Việt Nam và các nước này cụ thể như sau:
Ngày | Lộ trình cắt giảm thuế quan |
Lộ trình của các nước phê chuẩn ban đầu cho Việt Nam | |
14/1/2019 | Australia, Canada, New Zealand, và Singapore: Cắt giảm theo lộ trình năm 2 (cắt giảm liền 2 năm) cho Việt Nam
Nhật Bản, Mexico: Cắt giảm theo lộ trình năm 1 cho Việt Nam |
1/4/2019 | Nhật Bản: Cắt giảm theo lộ trình năm 2 cho Việt Nam |
1/1/2020 | Australia, Canada, New Zealand, và Singapore: cắt giảm theo lộ trình năm 3 cho Việt Nam
Mexico: Cắt giảm theo lộ trình năm 2 cho Việt Nam |
1/4/2020 | Nhật Bản: Cắt giảm theo lộ trình năm 3 cho Việt Nam |
Các năm tiếp theo | Tương tự trên |
Lộ trình của Việt Nam cho các nước đã phê chuẩn ban đầu | |
14/1/2019 | Cắt giảm theo lộ trình năm 2 (cắt giảm liền 2 năm) cho Australia, Canada, New Zealand, Nhật Bản, và Singapore
Cắt giảm theo lộ trình năm 1 cho Mexico |
1/1/2020 | Cắt giảm theo lộ trình năm 3 cho Australia, Canada, New Zealand, Nhật Bản, và Singapore |
Các năm tiếp theo | Tương tự trên |
Cam kết về quy tắc và thủ tục xuất xứ
Quy tắc xuất xứ chủ đạo trong CPTPP là chuyển đổi mã hàng hóa. Tuy nhiên, rất nhiều sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp, cho phép áp dụng thêm quy tắc hàm lượng giá trị khu vực, từ 40-50% (trong các FTA trước đây tỷ lệ này phổ biến là 40%). Bản thân quy tắc hàm lượng giá trị khu vực cũng có nhiều cách tính khác nhau và trong nhiều trường hợp cho phép lựa chọn cách tính nào phù hợp và có lợi nhất cho doanh nghiệp.
Một điểm đặc biệt linh hoạt khác của CPTPP là đối với quy tắc hàm lượng giá trị khu vực cho phép áp dụng hình thức cộng gộp toàn phần. Theo đó, nguyên liệu chỉ đáp ứng một phần quy tắc xuất xứ (ví dụ không thể đáp ứng tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực 40% mà chỉ có thể đáp ứng tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực 10%) nhưng giá trị phần có xuất xứ đó vẫn được phép cộng gộp vào công đoạn sản xuất tiếp theo để tính xuất xử các thành phẩm. Đa số các FTA trước đây của Việt Nam không cho phép cộng gộp toàn phần như vậy.
Về thủ tục chứng nhận xuất xứ, CPTPP cũng có nhiều điểm linh hoạt trong đó nổi bật là cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Cụ thể, theo CPTPP, các doanh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ trên hóa đơn, chứng từ thương mại của mình mà không phải đi xin chứng nhận xuất xứ ở một cơ quan có thẩm quyền như hiện tại ở Việt Nam khi thực hiện các FTA khác. Trong đó đối tượng được tự chứng nhận xuất xứ bao gồm cả người nhập khẩu, người xuất khẩu và người sản xuất.
Tuy nhiên, trong CPTPP Việt Nam có bảo lưu riêng về lộ trình thực hiện thủ tục tự chứng nhận xuất xứ. Cụ thể, Việt Nam sẽ thực hiện song song hình thức chứng nhận xuất xứ truyền thống (cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận) và hình thức tự chứng nhận xuất xứ theo CPTPP trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (và có thể gia hạn thêm 5 năm nữa). Điều này có nghĩa là sau tối đa 10 kể từ khi CPTPP có hiệu lực, Việt Nam có thể mới áp dụng hoàn toàn cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.
Cam kết về các biện pháp phi thuế quan
CPTPP có nhiều cam kết ràng buộc các nước thành viên trong loại bỏ, cắt giảm, hạn chế việc sử dụng các biện pháp phi thuế quan như giấy phép xuất khẩu, cấm/hạn chế xuất nhập khẩu, các yêu cầu khác đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, cấm/hạn chế xuất nhập khẩu, các yêu cầu khác đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; các yêu cầu chi tiết về minh bạch hóa, thuận lợi hóa, hiện đại hóa các biện pháp trong hải quan và tạo thuận lợi thương mại; các cam kết về tăng cường hợp tác và minh bạch trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS)… Các cam kết trong CPTPP về vấn đề này một mặt nhấn mạnh việc thực thi cam kết tương tự trong WTO, mặt khác đặt thêm các yêu cầu, tiêu chuẩn mới cao hơn mức của WTO.
Về thương mại dịch vụ đầu tư
Với phương thức đàm phán theo kiểu chọn – bỏ (mở cửa hết ngoại trừ những trường hợp được chọn), CPTPP bao gồm các cam kết về 02 nhóm lớn:
- Nhóm các quy tắc đối xử với nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Chương 9 – Đầu tư và chương 10 – dịch vụ xuyên biên giới.
Nhóm này bao gồm các nguyên tắc cụ thể như tiếp cận thị trường – MA, đối xử quốc gia-NT, đối xử tối huệ quốc-MFN, hiện diện tại nước sở tại-LP, yêu cầu về hoạt động-PR, chuẩn đối xử tối thiểu-MST, bảo đảm tài sản trước các biện pháp tịch thu quốc hữu hóa của nhà nước, bảo đảm việc chuyển vốn tự do, quyền tự chủ về nhân sự quản lý cấp cao…)
Đây là các quy tắc mà các nước CPTPP sẽ phải tuân thủ khi đối xử đối với tất cả các hoạt động cung cấp dịch vụ và đầu tư từ các nước CPTPP vào nước mình, ngoại trừ các trường hợp có bảo lưu thì sẽ đối xử theo bảo lưu;
- Các Danh mục các biện pháp không tương thích (NCM) quy định tại Phụ lục I và II của CPTPP.
Các Danh mục này liệt kê các trường hợp bảo lưu không tuân thủ một hoặc một số các nguyên tắc chung về đối xử đối với dịch vụ xuyên biên giới và đầu tư (như nên trên). Mỗi nước CPTPP có một cặp Danh mục riêng, ghi rõ các bảo lưu cụ thể của mình. Với các trường hợp thuộc Danh mục, các nước CPTPP có quyền không tuân thủ các nguyên tắc đối xử được liệt kê nhưng chỉ ở mức và theo cách thứ liệt kê
Đối với Việt Nam, cam kết mở cửa dịch vụ và đầu tư trong CPTPP là cam kết mở cửa ở mức rộng nhất về dịch vụ và đầu tư so với cam kết WTO và các FTA mà Việt Nam đã từng ký.
Về mua sắm công
CPTPP là FTA duy nhất có các cam kết về mua sắm công mà Việt Nam từng thực thi tới thời điểm này. CPTPP đặt ra các nguyên tắc theo hướng minh bạch, thuận lợi, cạnh tranh mà các nước thành viên phải tuân thủ trong thủ tục đấu thầu công đối với các gói thầu đã cam kết mở cửa cho nhà thầu từ các nước CPTPP. Mỗi nước CPTPP có một danh mục riêng về các gói thầu cam kết mở cửa cho các nhà thầu từ các nước CPTPP khác tham gia cạnh tranh bình đẳng (Danh mục nêu rõ tên chủ đầu tư, giá trị gói thầu, loại hàng hóa/dịch vụ được mua sắm). Với CPTPP, Việt Nam lần đầu tiên mở cửa thị trường mua sắm công của mình cho các nhà thầu nước ngoài, với phạm vi mở cửa hiện chỉ dừng lại ở một số cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước ở trung ương, chưa áp dụng cho bất kỳ gói thầu nào của địa phương.
Về các vấn đề khác (lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, cạnh tranh, minh bạch và chống tham nhũng…)
CPTPP bao gồm các cam kết rất chi tiết về các quy tắc, các yêu cầu liên quan trong từng lĩnh vực mà các nước CPTPP phải tuân thủ ngay hoặc theo lộ trình. Về cơ bản, đây là các cam kết nhấn mạnh các tiêu chuẩn của WTO (nếu có) và/hoặc bổ sung các tiêu chuẩn mới cao hơn mức WTO. Đa số các khía cạnh này đều hoặc là chưa có trong các FTA Việt Nam từng ký, hoặc là có tiêu chuẩn cao hơn, chi tiết hơn nhiều so với các FTA này.
THỰC THI CỦA VIỆT NAM
-> Văn bản pháp quy của Việt Nam ban hành Biểu thuế ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực thi Hiệp định thương mại CPTPP và các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa CPTPP xem tại bài viết Danh sách các FTA Việt Nam tham gia TẠI ĐÂY
Công ty TNHH HP Toàn Cầu
Nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển quốc tế, thủ tục hải quan và giấy phép xuất nhập khẩu
Địa chỉ: Số 13, LK3 – NO03 – Khu đô thị Văn Khê – Phường La Khê – Quận Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 08 8611 5726 / 098 4870199 hoặc Điện thoại: 024 73008608
Email: info@hptoancau.com
Lưu ý:
– Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, trước khi sử dụng, bạn nên liên lạc HP Toàn Cầu để update nội dung cập nhật mới nhất(nếu có)
– HP Toàn Cầu giữ bản quyền với bài viết và không đồng ý đơn vị khác sao chép, sử dụng bài viết của HP Toàn Cầu vì mục đích thương mại
– Mọi sự sao chép không có thỏa thuận với HP Toàn Cầu (kể cả có ghi dẫn chiếu website hptoancau.com) có thể dẫn đến việc chúng tôi claim với google và các bên liên quan.