Cơ chế và thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 5 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand được ký ngày 15/11/2020 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
(i) Mẫu chứng nhận xuất xứ
Hiệp định RCEP không quy định cụ thể Mẫu C/O RCEP mà chỉ quy định danh mục thông tin tối thiểu cần thể hiện trên C/O.
Mặc dù vậy, theo Hiệp định thì các nước thành viên RCEP sẽ thống nhất sau về một mẫu C/O chung, bằng tiếng Anh, có số tham chiếu cụ thể, có chữ ký và con dấu của cơ quan cấp của nước thành viên xuất khẩu (chữ ký và con dấu này có thể bằng tay hoặc bằng điện tử).
(ii) Thời điểm cấp giấy chứng nhận xuất xứ
C/O được cấp tại thời điểm xuất khẩu và có hiệu lực trong vòng 1 năm kể từ ngày cấp. Quy định này chặt hơn ATIGA và hầu hết các FTA cho phép C/O được cấp trong vòng 3 ngày kể từ ngày xuất khẩu.
Trường hợp C/O không được cấp tại thời điểm xuất khẩu do sai sót hoặc bỏ quên hoặc có lý do chính đáng khác, hoặc C/O đã phát hành chứa thông tin không chính xác, C/O có thể được cấp sau nhưng không quá một năm kể từ ngày giao hàng. Trong trường hợp này, C/O phải thể hiện dòng chữ “ISSUED RETROACTIVELY”.
(iii) Cộng gộp trong RCEP
Trong RCEP, quy tắc cộng gộp hiện đang được quy định tương tự với hầu hết các FTA ASEAN+, là quy tắc cộng gộp áp dụng với nguyên liệu sản xuất. Theo đó, nguyên liệu có xuất xứ của một nước thành viên này sẽ được coi là nguyên liệu có xuất xứ khi tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa diễn ra tại một nước thành viên khác.
Tuy nhiên, trong tương lai, quy tắc cộng gộp của RCEP có thể được mở rộng phạm vi. Cụ thể, theo RCEP, các nước thành viên sẽ tiến hành rà soát lại cam kết về quy tắc cộng gộp sau khi Hiệp định có hiệu lực với mục tiêu cân nhắc để mở rộng áp dụng quy tắc cộng gộp không chỉ với nguyên liệu mà còn đối với công đoạn sản xuất (cộng gộp theo công đoạn sản xuất) và cộng gộp bất kỳ giá trị gia tăng nào của hàng hóa tạo ra tại các nước thành viên Hiệp định (cộng gộp toàn phần).
(IV) Chứng nhận xuất xứ
Hiệp định RCEP quy định 3 cơ chế chứng nhận xuất xứ, tương đương với 3 hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa như sau:
- Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O): C/O được cấp bởi cơ quan, tổ chức cấp của nước thành viên xuất khẩu (còn gọi là cơ chế cấp C/O truyền thống) – hinh thức này hiện đang áp dụng ở Việt Nam;
- Tự chứng nhận xuất xứ bởi nhà xuất khẩu đủ điều kiện: Chỉ nhà xuất khẩu đủ điều kiện sẽ được tự chứng nhận xuất xứ trên chứng từ hàng hóa của mình, mỗi nước thành viên RCEP được tự xác định các điều kiện mà nhà xuất khẩu phải tuân thủ để được tự chứng nhận xuất xứ. Trong số các FTA ASEAN và ASEAN+ hiện chỉ có ATIGA (của ASEAN) là áp dụng hình thức này, tuy nhiên việc triển khai trên thực tế không thực sự hiệu quả.
- Tự chứng nhận xuất xứ bởi nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất bất kỳ: hình thức này cho phép nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất bất kỳ có thể tự chứng nhận xuất xứ trên chứng từ hàng hóa.
Đây là hình thức chứng nhận xuất xứ mà các FTA thế hệ mới đều hướng tới. Tuy nhiên, tất cả các nước thành viên RCEP đều có bảo lưu về lộ trình thực hiện hình thức tự chứng nhận xuất xứ này:
- Việt Nam bảo lưu chỉ bắt đầu thực hiện cơ chế này trong vòng 10 năm kể từ ngày RCEP có hiệu lực, và có thể gia hạn thêm tối đa không quá 10 năm nữa;
- Australia, Brunei, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, và Thái Lan cũng có bảo lưu tương tự Việt Nam;
- Campuchia, Lào và Myanmar bảo lưu tối đa 30 năm để thực hiện hình thức chứng nhận này.
Như vậy đối với Việt Nam, trong vòng 10 năm kể từ khi RCEP có hiệu lực, thủ tục chứng nhận xuất xứ RCEP có thể thực hiện song song 2 hình thức cấp giấy chứng nhận xuất xứ (bởi cơ quan có thẩm quyền) và tự chứng nhận xuất xứ (đối với nhà xuất khẩu đủ điều kiện). Việc cho phép nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất bất kỳ tự chứng nhận xuất xứ sẽ chỉ phải xem xét sau 10 năm có hiệu lực của Hiệp định (và có thể gia hạn thêm 10 năm nữa thành 20 năm).
Hiệp định RCEP cũng quy định rằng trong tương lai các nước thành viên sẽ rà soát để xem xét việc mở rộng hình thức tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho nhà nhập khẩu. Riêng đối với Nhật Bản, ngoài 02 hình thức chứng nhận truyền thống và nhà xuất khẩu tự chứng nhận, nước này có thể áp dụng cả cơ chế nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ ngay khi Hiệp định RCEP có hiệu lực.
Văn bản pháp quy liên quan C/O RCEP
Thông tư mới nhất thực hiện quy tắc xuất xứ C/O RCEP, xem tại bài viết: Danh sách các FTA Việt Nam tham gia
Nguồn: Sổ tay Doanh nghiệp – Những điều cần biết về các FTA của Việt Nam
Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI
Để có thêm tư vấn hoặc báo giá về thủ tục xuất khẩu, nhập khập khẩu, cước vận chuyển quốc tế Việt Nam – các nước RCEP; thủ tục làm C/O RCEP xin vui lòng liên hệ:
Công ty TNHH HP Toàn Cầu
Nhà cung cấp Dịch vụ Vận chuyển quốc tế, thủ tục hải quan và giấy phép xuất nhập khẩu!
Địa chỉ: Số 13, LK3 – NO03 – Khu đô thị Văn Khê – Phường La Khê – Quận Hà Đông – Hà Nội
Website: hptoancau.com
Email: info@hptoancau.com
Điện thoại: 024 3 73008608/ Hotline:0886115726 – 0984870199
hoặc yêu cầu báo giá theo link
Lưu ý:
– Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, trước khi sử dụng, bạn nên liên lạc HP Toàn Cầu để update nội dung cập nhật mới nhất(nếu có)
– HP Toàn Cầu giữ bản quyền với bài viết và không đồng ý đơn vị khác sao chép, sử dụng bài viết của HP Toàn Cầu vì mục đích thương mại
– Mọi sự sao chép không có thỏa thuận với HP Toàn Cầu (kể cả có ghi dẫn chiếu website hptoancau.com) có thể dẫn đến việc chúng tôi claim với google và các bên liên quan.