C/O Giáp lưng trong các FTA Việt Nam là thành viên là gì?
C/O giáp lưng là gì?
C/O giáp lưng là loại Giấy chứng nhận xuất xứ được cấp bởi một Thành viên FTA (nước trung gian) dựa trên thông tin của C/O được cấp bởi thành viên xuất khẩu trước đó (gọi là C/O gốc), để tiếp tục xuất khẩu hàng hóa sang một Thành viên khác của cùng FTA. Hàng hóa trong trường hợp này được phép thực hiện một số quy trình để thuận tiện cho việc vận chuyển (ví dụ dỡ rời, tách lỗ nhỏ…) nhưng phải bảo đảm không ảnh hưởng tới tình trạng xuất xứ của hàng hóa.
Như vậy, phải có giao dịch liên quan tới ít nhất 3 Thành viên trong Hiệp định (từ Thành viên A xuất hàng qua thành viên B, thành viên B lại xuất tiếp hàng sang thành viên C) thì mới có thể cấp C/O giáp lưng. Đây là lý do vì sao các FTA song phương (2 thành viên) sẽ không có điều khoản về C/O giáp lưng. Chỉ các FTA có nhiều hơn 02 Thành viên mới có điều khoản này.
Các FTA khi quy định về C/O giáp lưng sử dụng 02 thuật ngữ: “Back-to-Back C/O” và “Moverment Certificate/Certification”. Đây chỉ là hai cách gọi khác nhau để chỉ cùng một loại chứng từ (với bản chất như nhau) là “C/O giáp lưng”.
Quy định về C/O giáp lưng của các FTA cũng không giống nhau.
Một số FTA (ví dụ AKFTA, ACFTA, AIFTA) yêu cầu nhà xuất khẩu có tên trên C/O giáp lưng và nhà nhập khẩu có tên trên C/O gốc phải là một, có nghĩa là ai nhập khẩu (trên C/O gốc) thì người đó phải đồng thời phải là người xuất khẩu (trên C/O giáp lưng) và không được phép bán hàng cho bất kỳ ai khác tại Thành viên trung gian. Đây là quy định chặt chẽ, phần nào giảm sự thuận lợi trong quan hệ thương mại có nhiều hơn 2 Bên tham gia.
Một số FTA (ví dụ AIFTA, ACFTA) thậm chí còn có thêm quy định chặt, yêu cầu hàng hóa được cấp C/O giáp lưng phải hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của cơ quan hải quan.
Một số FTA (vidụ ATIGA, AANZFTA, AJCEP) không yêu cầu nhà xuất khẩu có tên trên C/O giáp lưng phải trùng với nhà nhập khẩu có tên trên C/O gốc. Điều đó có nghĩa nhà nhập khẩu (trên C/O gốc) có thể bán hàng cho một thương nhân khác và thương nhân này sẽ đứng tên nhà xuất khẩu (tại Ô số 1) trên C/O giáp lưng
Ví dụ C/O giáp lưng |
Ví dụ: Một hàng hóa có xuất xứ Thái Lan (C/O form D) được nhập khẩu vào Indonesia trước khi được tái xuất sang Việt Nam. Tại Indonesia, hàng hóa không trải qua thêm công đoạn gia công chế biến nào. Để hàng hóa này vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan theo ATIGA, nhà xuất khẩu tại Indonesia sẽ phải xin lấy chứng nhận C/O giáp lưng Form D tại cơ quan cấp chứng nhận C/O ở Indonesia để nộp cho hải quan Việt Nam khi xuất khẩu sang Việt Nam.
Tổng hợp quy định về C/O giáp lưng trong các FTA của ASEAN
FTA | Tên của điều khoản | Yêu cầu nhà NK trên C/O gốc và nhà XK trên C/O giáp lưng phải là một |
ACFTA | Movement Certificate | Có |
ATIGA | Back-to-back C/O | Không |
AJCEP | Back-to-back C/O | Không |
AKFTA | Back-to-back C/O | Có |
AANZFTA | Back-to-back C/O | Không |
AIFTA | Back-to-back C/O | Có |
AHKFTA | Movement Certification | Không |
Nguồn: Quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam là thành viên – Cẩm nang doanh nghiệp – Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI – 2018
Công ty TNHH HP Toàn Cầu
Nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển quốc tế, thủ tục hải quan và giấy phép xuất nhập khẩu
Địa chỉ: Số 13, LK3 – NO03 – Khu đô thị Văn Khê – Phường La Khê – Quận Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 08 8611 5726 / 098 4870199 hoặc Điện thoại: 024 73008608
Email: info@hptoancau.com
Lưu ý:
– Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, trước khi sử dụng, bạn nên liên lạc HP Toàn Cầu để update nội dung cập nhật mới nhất(nếu có)
– HP Toàn Cầu tổng hợp và sắp xếp dựa trên các tài liệu tham khảo