ĐIỀU KIỆN GIAO HÀNG DAP (DELIVERED AT PLACE) – INCOTERMS 2020
DAP – GIAO HÀNG TẠI NƠI ĐẾN
BẢN DỊCH DAP INCOTERMS 2020 ICC
DELIVERED AT PLACE (nơi đến quy định) Incoterms 2020
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG
- Về phương thức vận tải: Điều kiện này sẽ được sử dụng cho mọi phương thức vận tải và có thể sử dụng khi có nhiều phương tiện vận tải tham gia.
- Chuyển giao hàng hóa và rủi ro (DAP – Delivered at Place): Giao hàng tại nơi đến có nghĩa là người bán giao hàng khi hàng hóa được đặt dưới sự định đoạt của người mua trên phương tiện vận tải và sẵn sàng để dỡ tại nơi đến quy định. Người bán chịu mọi rủi ro liên quan để đưa hàng hóa đến nơi quy định.
Các bên nên quy định càng rõ ràng càng tốt về địa điểm cụ thể tại nơi đến quy định. Bởi vì thứ nhất, rủi ro về mất mát hay hư hỏng hàng hóa chuyển sang cho người mua tại điểm giao hàng,thế nên tốt nhất là hai bên nên quy định càng rõ càng tốt địa điểm giao hàng thuộc nơi giao hàng. Thứ hai, người bán chịu mọi chi phí để đưa hàng đến điểm giao hàng, tức là đây cũng đồng thời là điểm chuyển giao chi phí từ người bán sang người mua. Cuối cùng, địa điểm này là nơi mà người bán phải ký kết hợp đồng vận tải để đưa được hàng đến đó. Nếu xảy ra vấn đề gì với hàng hóa trước khi hàng tới điểm giao hàng, mọi tổn thất sẽ do người bán chịu. Ví dụ người bán sẽ phải chịu tất cả các loại phí phát sinh mà người vận chuyển thu trong quá trình vận tải. Người bán được khuyên nên ký hợp đồng vận tải đến đúng địa điểm đó. - Chi phí dỡ hàng tại nơi đến chỉ định: Nếu trong hợp đồng chuyên chở mà người bán đã ký kết có bao gồm chi phí dỡ hàng tại nơi đến chỉ định thì người bán sẽ phải chi trả cho chi phí này,trừ khi hai bên đã có thỏa thuận trước về việc người bán sẽ được người mua hoàn trả chi phí này.
- Nghĩa vụ thông quan xuất khẩu/nhập khẩu: Điều kiện DAP yêu cầu người bán phải thông quan xuất khẩu cho hàng hóa, nếu cần. Tuy nhiên người bán không có nghĩa vụ phải thông quan nhập khẩu, không phải trả thuế nhập khẩu hoặc chi phí làm thủ tục thông quan nhập khẩu. Nếu xảy ra trường hợp người mua không thông quan được nhập khẩu, hàng hóa sẽ bị giữ lại ở cảng hoặc ở bãi tại nước nhập khẩu. Vậy ai sẽ chịu rủi ro cho việc mất mát và hư hỏng hàng hóa có thể xảy ra khi hàng hóa bị giữ lại? Câu trả lời sẽ là người mua chịu, và chịu cho tới khi hàng hóa được chuyển tới 1 địa điểm nằm trong nội địa nước nhập khẩu, từ đây người bán lại tiếp tục chịu rủi ro và chi phí với mất mát hoặc hư hỏng của hàng hóa cho tới khi giao hàng. Điều này được quy định rõ theo mục B3(a). Nếu hai bên cảm thấy người xuất khẩu có thể thông quan và làm thủ tục nhập khẩu, để tránh tình trạng trên xảy ra, hai bên có thể cân nhắc sử dụng điều kiện DDP.
A. NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI BÁN
A1. Nghĩa vụ chung của người bán
Người bán phải cung cấp hàng hóa và hóa đơn thương mại phù hợp với hợp đồng mua bán và cung cấp tất cả bằng trứng phù hợp mà hợp đồng có thể đòi hỏi.
Bất kỳ chứng từ nào cung cấp bởi người bán đều có thể ở dạng chứng từ giấy truyền thống hoặc ở dạng điện tử nếu được các bên thỏa thuận hoặc tập quán quy định.
A2. Giao hàng
Người bán phải giao hàng bằng cách đặt hàng dưới sự định đoạt của người mua trên phương tiện vận tải đến và sẵn sàng để dỡ tại địa điểm đến chỉ định (nếu có), tại nơi đến quy định vào ngày hoặc trong thời hạn quy định.
A3. Chuyển giao rủi ro
Người bán chịu mọi rủi ro về tổn thất hay mất mát đối với hàng hóa đến khi hàng hóa được giao theo mục A2, trừ những trường hợp mất mát hay hư hỏng được đề cập ở mục 3.
A4. Vận tải
Người bán phải chịu chi phí ký hợp đồng vận tải để chuyên chở hàng hóa tới nơi đến quy định hoặc địa điểm chỉ định tại nơi đến quy định. Nếu không thỏa thuận được địa điểm cụ thể hoặc không quyết định được theo tập quán, thì người bán có thể chọn một địa điểm cụ thể tại nơi đến quy định phù hợp nhất với mục đích của mình.
A5. Bảo hiểm
Người bán không có nghĩa vụ với người mua về việc ký kết hợp đồng bảo hiểm.
A6. Chứng từ giao hàng/vận tải
Bằng chi phí của mình người bán phải cung cấp cho người mua chứng từ để người mua có thể nhận được hàng.
A7. Thông quan xuất khẩu/nhập khẩu
a) Về thông quan xuất khẩu và quá cảnh
Nếu cần, người bán phải làm và chi trả mọi chi phí liên quan đến việc làm thủ tục hải quan xuất khẩu và quá cảnh (nếu có quá cảnh ở nước thứ ba) được quy định ở nước xuất khẩu và nước quá cảnh, như là:
- Giấy phép xuất khẩu/quá cảnh;
- Kiểm tra an ninh với hàng hóa khi xuất khẩu/quá cảnh;
- Giám định hàng hóa khi xuất khẩu/quá cảnh; và
- Bất kỳ quy định pháp lý nào.
b) Hỗ trợ việc làm thủ tục nhập khẩu
Nếu cần, người bán phải hỗ trợ người mua khi người mua yêu cầu, rủi ro và chi phí do người mua chịu để lấy các chứng từ/thông tin cần thiết cho việc làm thủ tục hải quan khi nhập khẩu, bao gồm cả các thông tin an ninh và việc giám định hàng hóa, được quy định ở nước nhập khẩu.
A8. Kiểm tra – Đóng gói, bao bì – Ký mã hiệu
Người bán cần phải trả các chi phí về việc kiểm tra (như kiểm tra chất lượng, cân, đo, đếm) cần thiết để giao hàng theo quy định ở mục A2.
Người bán phải đóng gói hàng hóa và chịu chi phí về việc đó trừ khi thông lệ của ngành hàng quy định cụ thể hàng hóa được gửi đi không cần đóng gói. Người bán phải đóng gói và ký mã hiệu hàng hóa phù hợp với phương thức vận tải, trừ khi hai bên đã đồng ý cụ thể về cách đóng hàng và ký mã hiệu khi hợp đồng được ký kết.
A9. Phân chia chi phí
Người bán phải trả:
a) Toàn bộ mọi chi phí liên quan đến hàng hóa cho tới khi chúng được giao cho người mua theo mục A2, trừ những khoản do người mua trả theo mục B9;
b) Chi phí cung cấp bằng chứng cho người mua theo mục A6 rằng hàng hóa đã được giao;
c) Chi phí về làm thủ tục hải quan cần thiết để xuất khẩu/quá cảnh, nếu có, nộp thuế xuất khẩu và bất kì chi phí nào khác phải trả khi xuất khẩu/quá cảnh theo như mục A7(a);
d) Trả cho người mua tất cả các chi phí và phụ phí liên quan đến việc hỗ trợ người bán trong việc lấy chứng từ và thông tin cần thiết theo mục B7(a) và B5.
e) Chi phí liên quan đến dỡ hàng tại điểm đích nếu như chúng thuộc hợp đồng vận tải người bán ký kết.
A10. Thông báo cho người mua
Người bán phải thông báo cho người mua bất kỳ thông tin nào cần thiết để tạo điều kiện cho người mua có thể nhận hàng.
B. NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI MUA
B1. Nghĩa vụ chung của người mua
Người mua phải thanh toán tiền hàng như quy định trong hợp đồng mua bán.
Bất kỳ chứng từ nào cung cấp bởi người mua đều có thể ở dạng chứng từ giấy truyền thống hoặc ở dạng điện tử nếu được các bên thỏa thuận hoặc tập quán quy định.
B2. Nhận hàng
Người mua hàng phải nhận hàng khi hàng đã được giao theo mục A2.
B3. Chuyển giao rủi ro
Người mua hàng phải chịu mọi rủi ro liên quan đến việc mất mát hay hỏng hóc hàng hóa từ thời điểm hàng được giao theo mục A2.
Nếu người mua không thể thực hiện nghĩa vụ của mình liên quan đến thông quan nhập khẩu theo như mục B7, thì người mua sẽ chịu mọi rủi ro và chi phí liên quan đến việc mất mát hay hư hỏng hàng hóa, với điều kiện là hàng đã được phân biệt rõ ràng là hàng của hợp đồng.
Nếu người mua không kịp thời thông báo cho người bán theo mục B10, thì người mua sẽ chịu mọi rủi ro mất mát hoặc thiệt hại về hàng hóa kể từ ngày quy định hoặc ngày cuối cùng của thời hạn quy định cho việc giao hàng, với điều kiện là hàng đã được phân biệt rõ ràng là hàng của hợp đồng.
B4. Vận tải
Người mua không có nghĩa vụ với người bán về việc lập hợp đồng vận tải.
B5. Bảo hiểm
Người mua không có nghĩa vụ với người bán về việc ký kết hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu người bán yêu cầu và chịu rủi ro và chi phí, thì người mua cần cung cấp thông tin cần thiết để người bán có thể mua bảo hiểm.
B6. Bằng chứng của việc giao hàng
Người mua phải chấp nhận chứng từ vận tải được cung cấp theo như mục A6.
B7. Thông quan xuất khẩu/nhập khẩu
a) Hỗ trợ việc thông quan xuất khẩu và quá cảnh
Nếu cần, người mua phải hỗ trợ người bán khi người bán yêu cầu, do người bán chịu rủi ro và chi phí, lấy các chứng từ/thông tin liên quan đến việc thông quan xuất khẩu/quá cảnh, kể cả các thông tin an ninh hay giám định được quy định bởi nước xuất khẩu/quá cảnh.
b) Thông quan nhập khẩu
Nếu cần, người mua phải làm và trả các chi phí liên quan đến việc thông quan được quy định tại nước nước nhập khẩu, như là:
- Giấy phép nhập khẩu;
- Kiểm tra an ninh cho việc nhập khẩu;
- Giám định hàng hóa; và
- Bất kỳ quy định pháp lý nào.
B8. Kiểm tra – Đóng gói, bao bì – Ký mã hiệu
Người mua không có nghĩa vụ gì với người bán.
B9. Phân chia chi phí
Người mua phải:
a) Trả mọi chi phí phát sinh liên quan đến hàng hóa từ thời điểm hàng được giao theo mục A2;
b) Mọi chi phí cần thiết để dỡ hàng hóa xuống tại địa điểm giao hàng, trừ khi chúng nằm trong hợp đồng vận tải mà người bán ký kết;
c) Hoàn trả tất cả chi phí và lệ phí mà người bán đã chi ra khi giúp người mua theo mục A7(b);
d) Nếu có quy định, trả tất cả các thứ thuế, lệ phí và các chi phí khác cũng như chi phí làm thủ tục hải quan để nhập khẩu cho như mục B7(b);
e) Hoàn trả bất kỳ chi phí phát sinh nào do người bán trả nếu người mua không thể thực hiện nghĩa vụ của mình theo thư mục B7 hoặc không hoàn thành việc thông báo cho người bán theo mục B10, với điều kiện hàng hóa đã được xác định là hàng hóa của hợp đồng.
B10. Thông báo cho người bán
Trong trường hợp người mua có quyền quyết định về thời gian giao hàng và/hoặc địa điểm đến hoặc điểm nhận hàng tại nơi đến đó, người mua phải thông báo cho người bán đầy đủ về việc đó.
BÌNH GIẢI BỔ SUNG
Điều kiện Giao hàng DAP thuộc nhóm D. Nhóm này bao gồm bốn điều kiện:
- DAP: Giao hàng tại nơi đến
- DPU: Giao hàng tại địa điểm dỡ hàng
- DDP: Giao hàng đã thông quan nhập khẩu
Quy tắc nhóm D (DAP, DPU, DDP)
Chữ cái D xuất phát từ “Delivered” thể hiện rằng, người bán hoàn thành nghĩa vụ của mình khi “Đã giao” hàng cho người mua tại nơi đến quy định.
1. Hợp đồng hàng đến
Hợp đồng theo các điều kiện nhóm D là những “Hợp đồng hàng đến” (Arrival contract), người bán phải giao hàng tại nơi đến nên phải chịu rủi ro và chi phí phát sinh liên quan đến hàng hóa cho đến khi hàng được giao cho người mua tại nơi đến. Như vậy, nếu hàng hóa bị mất hoặc hư hỏng sau khi gửi đi, nhưng trước khi đến nơi đến quy định, người bán sẽ bị xem như chưa hoàn thành nghĩa vụ của hợp đồng. Người bán sẽ phải thay thế số hàng bị mất hoặc hư hại hoặc bị phạt hay bồi thường theo thỏa thuận, trừ khi người bán được miễn trách theo điều khoản sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng mua bán.
2. Phân biệt các quy tắc nhóm D
Theo nhóm D người bán có nghĩa vụ vận chuyển tới nơi đến, nhưng 3 quy tắc nhóm D được phân biệt trong bảng sau:
Phân biệt các Quy tắc nhóm D
Nghĩa vụ của người bán | Dỡ hàng tại nơi đến | Thông quan nhập khẩu | Tổng thể nghĩa vụ của người bán |
DAP | CIP + rủi ro | ||
DPU | X | DAP + Dỡ hàng | |
DDP | X | DAP + Nhập khẩu |
Dựa vào Bảng trên, để lựa chọn quy tắc nào nhóm D. cần xem xét 2 yếu tố:
+ nghĩa vụ dỡ hàng tại nơi đến
+ nghĩa vụ thông quan nhập khẩu.
3. Sự tương phản giữa DAP và FCA
DAP giao tại cơ sở của người mua được xem như trái ngược với FCA giao hàng tại cơ sở của người bán. Theo đó, DAP giao tại cơ sở của người mua khi hàng vẫn trên phương tiện vận tải của người bán chở tới, còn người bán FCA giao hàng tại cơ sở của người bán khi hàng được bốc lên phương tiện vận tải do người mua chỉ định tới nhận hàng.
DAP (hay DES) giao tại cảng đến có thể xem như hình ảnh phản chiếu của FOB. Bởi vì, người bán DAP hay DES giao hàng trên tàu tại cảng đến thì người bán FOB giao hàng trên tàu tại cảng bốc hàng quy định.
4. Xu hướng sử dụng nhóm D
Trên thị trường toàn cầu, sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp ngày càng quyết liệt, do đó các nhà cung cấp có xu hướng sử dụng các quy tắc giành quyền vận tải và bảo hiểm để tăng khả năng cạnh tranh.
Nếu sản phẩm của người bán bị cạnh tranh ở nước người mua, người bán cần phải tăng nghĩa vụ cao hơn so với đối thủ cạnh tranh bằng việc cung cấp các dịch vụ giao nhận, vận chuyển, bảo hiểm, lưu kho, cùng với các dịch vụ lắp đặt, đào tạo, bảo hành, bảo trì, … Người bán sẽ cảm thấy không yên tâm khi hạn chế sự kiểm soát của mình đối với hàng hóa bằng việc giao hàng tại một điểm trước nơi người mua sử dụng sản phẩm, đặc biệt những sản phẩm dễ hư hại. Ví dụ, một nhà sản xuất ô tô đã nói: “Mặc dù tôi không phải chịu rủi ro về những hư hại của những chiếc ô tô theo hợp đồng FOB, nhưng tôi không yên tâm chút nào khi thấy chúng bị hư hỏng vì bị nhồi nhét trong khoang chứa hàng của một con tàu hoàn toàn không phù hợp”.” Đương nhiên, người bán nào cũng muốn tìm kiếm và duy trì quan hệ với khách hàng quen thuộc. Để làm được điều này, người bán phải cung cấp tất cả dịch vụ trong khả năng để tạo lợi ích lớn nhất cho người mua.
Bên cạnh đó, người bán là các hãng xuất khẩu lớn có lượng hàng thường xuyên gửi đến các nơi khác nhau sẽ có lợi thế để đàm phán giá cước và phí bảo hiểm hơn so với người mua nếu đảm nhiệm thu xếp toàn bộ việc vận chuyển và bảo hiểm để giao hàng tại nơi đến.
Ở chiều ngược lại, người mua cũng ngày càng có khuynh hướng muốn nhận được báo giá theo các điều kiện “nơi đến”. Việc bán hàng trong tình hình thị trường có sự cạnh tranh cao giữa những người bán, theo những điều kiện nhóm D hoặc ít ra là những điều kiện nhóm C, sẽ hấp dẫn người mua hơn là bán hàng theo những điều kiện nhóm E hay F.
5. Dỡ hàng tại nơi đến
- Giao hàng LCL
Đối với các container gom hàng (LCL) để giao cho nhiều người nhận hàng, DPU là quy tắc thích hợp nhất vì đây là quy tắc duy nhất giao trách nhiệm dỡ hàng hóa cho người bán. Điều này là do nếu một container có nhiều người nhận hàng, người giao nhận cần chia nhỏ lô hàng để giao hàng cho những người nhận hàng khác nhau. Ngoài ra, nếu hàng hóa là loại cần phải xử lý đặc biệt khi giao hàng, người bán chấp nhận nghĩa vụ đó sẽ chọn quy tắc DPU.
- Phí dỡ hàng tại nơi đến
Phí dỡ hàng theo hợp đồng vận tải mà người bán ký với người chuyên chở có thể được tính hoặc không được tính trong cước phí chuyên chở. Việc phí dỡ hàng đã được tính trong cước phí hay chưa liên quan đến việc lựa chọn DAP, DDP hay DPU. Các bên cần lưu ý lựa chọn quy tắc phù hợp với việc cước phí đã bao gồm phí dỡ hàng hay chưa.
Nếu hợp đồng vận tải dự định cước phí đã bao gồm phí dỡ hàng, DPU sẽ phù hợp, còn nêu cước phí chưa bao gồm phí dỡ hàng, DAP hoặc DDP sẽ phù hợp. Hoặc, trong bất cứ trường hợp nào, các bên có thể sử dụng bất cứ quy tắc nhóm D nào, nhưng cần quy định rõ trong hợp đồng về phí dỡ hàng để tránh mâu thuẫn với quy định trong Incoterms.
Trong vận tải đường biển hoặc đường thủy, nếu người bán dự định vận chuyển hàng theo các tuyến tàu chợ hoặc theo hợp đồng thuê tàu chuyến (C/P) ký kết theo điều kiện tàu chợ (Liner Terms) hoặc Phí dỡ hàng theo điều kiện tàu chợ (Liner Out). Trong những trường hợp này, phí dỡ hàng đã được đưa vào cước phí, mà người bán là người trả cước phí, do đó sử dụng DPU phù hợp hơn DAP hoặc DDP.
Ngược lại, nếu người bán dự định thu xếp việc chuyên chở hàng hóa bằng hợp đồng thuê tàu chuyến (C/P) để chuyên chở hàng theo điều kiện FO, FIO hoặc FIOST, người chuyên chở được miễn phí dỡ hàng tại cảng đến nên người mua phải chịu phí dỡ hàng. Khi đó nên lựa chọn DAP hoặc DDP phù hợp hơn DPU.
Bảng: Các quy tắc nhóm D và phí dỡ hàng được/ không được tính trong cước phí
Phí dỡ hàng | Vận chuyển | Sử dụng điều kiện thương mại |
Tính trong cước phí | Tàu chợ
Hợp đồng tàu chuyến Liner term/Liner Out |
DPU
DPA/DDP + người bán chịu phí dỡ hàng |
Không tính trong cước phí | Hợp đồng tàu chuyến FO/FIO/FIOST | DAP/DDP
DPU + người mua chịu phí dỡ hàng |
Tuy nhiên cần lưu ý, khi thay đổi điều kiện như vậy, sẽ dẫn đến sự thay đổi cả về điểm di chuyển rủi ro. Vì vậy, nếu các bên không muốn thay đổi điểm di chuyển rủi ro thì vẫn giữ nguyên điều kiện thương mại, nhưng nên có quy định rõ trong hợp đồng về chi phí dỡ hàng do bên nào chịu.
Khi giao hàng tại một địa điểm nội địa chứ không phải cửa khẩu thông quan như biên giới, cảng hay sân bay, người bán thường sẽ phải chịu thêm chi phí như phí vận chuyển nội địa, bốc dỡ, THC,.. Người bán có thể thỏa thuận với người mua để chia sẻ chi phí hoặc người mua chịu toàn bộ mọi chi phí bằng quy định “người mua trả 50% chi phí vận chuyển nội địa” hay “THC do người mua chịu”.
6. Nơi đến quy định
Người bán theo nhóm D có nghĩa vụ giao hàng cho người mua tại nơi đến quy định. Do đó khi ký hợp đồng vận tải với người chuyên chở, người bán cần quy định thời hạn người chuyên chở phải giao hàng tại nơi đến. Nếu hợp đồng vận tải không quy định thời hạn này, người chuyên chở không chịu trách nhiệm giao hàng trong thời hạn miễn là hành trình chuyên chở trong một thời gian hợp lý với sự mẫn cán của người chuyên chở.
Bên cạnh đó, người bán nhóm D chịu rủi ro về những mất mát hay hư hại của hàng hóa trong quá trình vận chuyển để giao hàng tại nơi đến. Do đó, người mua cần quan tâm đến việc kiểm tra hàng hóa về số lượng và chất lượng tại nơi đến bằng những quy định cụ thể trong hợp đồng.
Các quy tắc nhóm D ghi kèm với nơi đến quy định. Nơi đến có thể là bất cứ nơi tập kết hàng hóa nào như cửa khẩu, biên giới, cảng đến, sân bay đến,… thậm chí là cơ sở của người mua.
- Nơi đến tại biên giới
Nếu nơi đến là cửa khẩu tại biên giới, các thương nhân sử dụng quy tắc DAP (hoặc DAF Incoterms 2000) là thích hợp. Thực chất, các hợp đồng theo các điều kiện D là hợp đồng giao hàng tại nơi đến, nơi giao hàng trong bất cứ trường hợp nào cũng nên là địa điểm ở nước người mua hoặc ít ra ở biên giới giữa nước người bán và nước người mua nếu hai nước có chung đường biên giới. Nếu nước người bán và người mua không có chung đường biên giới, nơi đến nên là địa điểm tại biên giới giữa hai nước quá cảnh hoặc giữa nước quá cảnh với nước người mua, chứ không nên là biên giới giữa nước người bán và nước quá cảnh. Vì nếu như vậy, hàng hóa được xem như giao tại nơi xuất phát ở nước người bán, khi đó sử dụng FCA phù hợp hơn.
- Nơi đến là cảng đến hoặc điểm đến trong nội địa
Đối với hàng nguyên liệu, hàng thường được giao cho người mua tại tàu hoặc trên cầu cảng. Khi đó nơi đến quy định là cảng đến. Hàng được nhận theo cách nào tại các điểm này (bơm hàng, silô, đường sắt nhánh, kho hàng, v..v) phụ thuộc vào loại hàng và điều kiện tại cảng đến.
Hàng thành phẩm sẽ ít khi được giao tại cảng đến mà thường được giao tại điểm nội địa trong nước người mua, trong trường hợp này nên quy định kèm theo các điều kiện nhóm D nơi đến là nơi tập kết hàng hóa hoặc cơ sở của người mua. Khi qui định nơi đến nằm sâu trong nội địa, người bán cũng sẽ tăng được sức cạnh tranh hơn để cung cấp hàng thường xuyên.
- Nơi đến quy định không phải điểm đến cuối cùng
Nếu nơi đến quy định không phải là điểm đến cuối cùng, người mua có thể yêu cầu người bán ký hợp đồng vận tải với rủi ro và chi phí người mua chịu, để tiếp tục chuyên chở hàng hóa tới điểm đến cuối cùng (ví dụ cơ sở của người mua), sau khi hàng đã được chở tới điểm giao hàng tại nơi đến quy định (ví dụ cảng đến). Tuy nhiên, người bán có quyền từ chối ký hợp đồng vận tải cho người mua nhưng phải thông báo ngay lập tức cho người mua về việc này. Do đó, nếu người mua có ý định nhờ người bán ký hợp đồng vận tải như vậy, người mua cần quy định rõ về nghĩa vụ thông báo của người bán khi người bán từ chối giúp đỡ người mua.
Nếu người bán đồng ý hỗ trợ người mua mọi việc cần thiết để đưa hàng đến điểm đến cuối cùng, người bán sẽ lấy chứng từ vận tải (như giấy gửi hàng đường sắt, giấy gửi hàng đường bộ,…) từ người chuyên chở, bao gồm toàn bộ quá trình vận chuyển đến điểm đến cuối cùng. Trong những trường hợp này, người bán đã cung cấp dịch vụ “bổ sung” với rủi ro và chi phí do người mua chịu như giống như trường hợp của nhóm F. Tuy nhiên, người mua vẫn phải chịu rủi ro và chi phí xảy ra sau khi hàng hoá đã đến nơi đến quy định ghi kèm điều kiện nhóm D.
- Nơi đến quy định nằm sau điểm thông quan nhập khẩu trong DAP và DPU
Theo quy tắc DAP và DPU, người mua có nghĩa vụ thông quan nhập khẩu. Nếu nơi đến quy định nằm sau điểm thông quan nhập khẩu mà hàng chưa được thông quan nhập khẩu, điều này có thế gây trở ngại cho người bán khi việc vận chuyển do người bán thu xếp bị ách tắc tại cửa khẩu hải quan nhập khẩu trong khi người bán vẫn còn nghĩa vụ giao hàng đến nơi đến đã thỏa thuận. Để tránh trở ngại này, có thể chọn sử dụng DDP thay cho DAP và DPU. Hoặc, nếu vẫn sử dụng DAP và DPU, người bán cần phải cá biệt hóa hàng hóa để chuyển rủi ro về hàng hóa sang cho người mua theo quy định trong quy tắc DAP và DPU.
7. Thưởng phạt dỡ hàng và thời gian hàng đến (ETA) trong DAP, DDP
Theo quy tắc DAP, DDP, người mua có nghĩa vụ dỡ hàng nên việc dỡ hàng kịp thời tại nơi đến là rất cần thiết. Nếu hàng không được dỡ tử phương tiện vận tải và đưa ra khỏi nơi dỡ hàng kịp thời, người bán sẽ phải trả cho người chuyên chở tiền phạt dỡ hàng chậm theo hợp đồng vận tải và người bán sẽ đòi người mua hoàn trả cho người bán khoản tiến phạt này. Ngoài ra, người mua có thể phải trả thêm cho các công ty giao nhận kho vận các chi phí lưu kho, lưu container.
Để khuyến khích và ràng buộc người mua dỡ hàng kịp thời, người bán cần quy định trong hợp đồng mua bán mức thưởng phạt dỡ hàng. Nếu dỡ hàng nhanh, người mua sẽ được khoản tiền thưởng cho thời gian tiết kiệm, ngược lại, nếu dỡ hàng chậm người mua sẽ bị phạt cho thời gian kéo dài. Người bán cũng cần quy định trong hợp đồng vận tải thống nhất với hợp đồng mua bán về thời gian hoặc tốc độ dỡ hàng và mức thưởng phạt dỡ hàng.
Người mua cần biết thời gian phương tiện vận tải chở hàng đến nơi đến để có thể tiến hành dỡ hàng kịp thời. Vì vậy, người mua cần quy định trong hợp đồng mua bán nghĩa vụ của người bán phải thông báo cho người mua thời gian phương tiện vận tải dự kiến chở hàng đến (ETA).
8. Rủi ro trong chặng chuyên chở nội địa
Hành trình của hàng hóa bao gồm chặng chuyên chở quốc tế tới điểm tập kết tại cửa khẩu thông quan (cảng, sân bay, ga, đường sắt,…) ở nước người mua và chặng chuyên chở nội địa từ đó tới nơi đến cuối cùng trong nội địa. Khi người bán nhận thấy rủi ro trong chặng chuyên chở nội địa cao và khó kiểm soát, có thể thay đổi nơi đến quy định trong nội địa thành của khâu thông quan ở nước người mua. Đặc biệt đối với những hàng hóa siêu trường- siêu trọng, việc vận chuyển nội địa gặp rất nhiều trở ngại. Nếu người bán nhận thấy không thể thu xếp vận chuyển nội địa ở nước người mua, người bán nên sử dụng điều kiện nhóm D ghi kèm với địa điểm tại cửa khẩu để tránh rủi ro trong chặng chuyên chở nội địa.
9. Người mua không nhận hàng
Thông thường, người chuyên chở và người bán hỗ trợ người mua để có thể nhận hàng kịp thời bằng việc gửi thông báo cho người mua hoặc đại lý của người mua về thời gian và phương tiện vận tải đến nơi giao hàng. Nếu người mua không nhận hàng kịp thời, người bán là người ký hợp đồng vận tải với người chuyên chở, phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người chuyên chở bất kỳ chi phí nào phát sinh do việc chậm trễ nhận hàng (ví dụ chi phí lưu kho bãi hàng hóa cho người nhận hàng). Nhưng giữa người bán và người mua, các chi phí phát sinh này người mua phải chịu theo quy định về phân chia chi phí của Incoterms.”
10. Người bán tự bảo vệ bằng sự kiện bất khả kháng
Người bán theo các quy tắc nhóm D có nghĩa vụ cao nhất vì phải chịu mọi rủi ro và chi phí để giao hàng tại nước người mua. Do nơi giao hàng nằm ngoài tầm kiểm soát của người bán, người bán nên quy định trong hợp đồng những rủi ro không lường trước và cũng không thể khắc phục có thể xảy ra trước khi giao hàng là sự kiện bất khả kháng. Ví dụ như cướp biển, chiến tranh, đình công,. thậm chí lệnh cấm nhập khẩu của chính quyền (nếu bán DDP). Nếu không có những quy định như vậy, người bán vẫn phải có nghĩa vụ cung cấp hàng thay thế cho số hàng bị mất hay bị hư hỏng hoặc phải bồi thường thiệt hại cho người mua do giao hàng chậm hoặc không giao hàng theo đúng quy định của hợp đồng.
Kết luận với nhóm D
– Người bán nên sử dụng quy tắc nhóm D, nếu có thể, để tạo lợi thế với các đối thủ cạnh tranh.
– Lựa chọn quy tắc nào trong nhóm D cần cân nhắc đến nghĩa vụ dỡ hàng và thông quan nhập khẩu.
– Người bán không nên sử dụng DPU nếu thấy người chuyên chở mà mình ký hợp đồng không có khả năng thu xếp việc dỡ hàng.
– Người bán không nên sử dụng DDP nếu thấy khó khăn trong thông quan nhập khẩu.
Tài liệu tham khảo và dẫn chiếu trong bài viết:
- Giáo trình Quản trị tác nghiệp thương mại quốc tế – Học viện Tài chính
- Giáo trình nghiệp vụ ngoại thương – Đại học Kinh tế Quốc dân
- Giáo trình thanh toán quốc tế – Đại học Ngoại thương
- Incoterms 2020 – Giải thích và hướng dẫn sử dụng – Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam
- Những điều cần biết về Incoterms 2020 trong hoạt động ngoại thương tại Việt nam – Trường đại học Ngoại thương
- Các văn bản pháp quy về thủ tục hải quan hiện hành
Có thể bạn quan tâm:
- Thủ tục nhập khẩu và thuế nhập khẩu mỹ phẩm
- Hướng dẫn nhập khẩu mỹ phẩm cho người mới bắt đầu
- Thủ tục nhập khẩu thiết bị y tế và thuế nhập khẩu
- Hướng dẫn nhập khẩu thiết bị y tế cho người mới bắt đầu
Công ty TNHH HP Toàn Cầu
Nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển quốc tế, thủ tục hải quan và giấy phép xuất nhập khẩu
Địa chỉ: Số 13, LK3 – NO03 – Khu đô thị Văn Khê – Phường La Khê – Quận Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 08 8611 5726 hoặc Điện thoại: 024 73008608
Email: info@hptoancau.com