HỐI PHIẾU
Trong điều kiện nền sản xuất hàng hóa và kinh tế tiền tệ phát triển, thị trường ngày càng mở rộng, việc giao nhận hàng hóa không thể tiến hành trực tiếp giữa người mua và người bán mà phải thông qua người chuyên chở và việc thanh toán không thể tiến hành trực tiếp bằng tiền mặt, thì việc thanh toán giữa họ trở nên hết sức quan trọng và đôi khi trở thành vấn để quyết định đến việc thực hiện hợp đồng mua bán mà hai bên đã ký kết.
Giới thương nhân phải sáng tạo ra các phương tiện thanh toán thích hợp thay cho thanh toán trực tiếp giữa họ bằng tiền mặt, đó là thương phiếu. Thương phiếu ra đời từ thực tiễn của nền sản xuất và lưu thông hàng hóa từ thế kỷ XII, XIII khi sản xuất hàng hóa phát triển đã phá vỡ thị trường sản phẩm tự cung tự cấp trong xã hội phong kiến. Tiền tệ hóa càng phát triển bao nhiêu thì các công cụ thay cho tiền tệ như thương phiếu càng phát triển bấy nhiêu.
Điều quan tâm lớn nhất đối với các nhà sản xuất là hàng hóa sản xuất ra có bán được không, nếu không bán được, thì nhà máy sẽ phải đóng cửa, đóng cửa lâu ngày thì đương nhiên sẽ dẫn đến sự phá sản. Đó là điều mà bất cứ các nhà sản xuất nào đều không mong muốn.
Tuy nhiên, bán được hàng và vấn đề có nhận được tiền bán hàng hay không là hai vấn đề khác nhau. Đôi khi vấn đề thứ hai lại quan trọng hơn. Trong lịch sử thương mại quốc tế, nhiều nhà doanh nghiệp bị phá sản bởi vì bán hàng mà không thu được tiền.
Để tránh rủi ro này, người ta không thể đòi hỏi mọi việc mua hàng phải trả tiền trước. Nếu quy định như vậy, thì vốn xã hội sẽ tăng lên gấp đôi một cách bất hợp lý: 50% vốn xã hội cho sản xuất và 50% vốn xã hội dành cho mua hàng. K.Mác đã nghiên cứu vấn đề này và đưa ra một kết luận rất quan trọng là tín dụng thương mại ra đời cùng với sự phân công xã hội lớn lần thứ hai. Tín dụng thương mại là con đẻ của nền sản xuất hàng hóa. Thương phiếu là công cụ của tín dụng thương mại.
Chính vì vậy, trong thương mại người bán thường có hai cách để đòi tiền người mua mà không yêu cầu người mua phải trả tiền trước:
(i) Một là, người bán chỉ tiến hành giao hàng khi nào người bán nhận được từ người mua một giấy hứa cam kết trả tiền vô điều kiện. Giấy hứa cam kết trả tiền vô điều kiện đó là tiền thân của Hối phiếu nhận nợ (Promissory note) sau này.
(ii) Hai là, sau khi giao hàng xong, người bán sẽ ký phát một giấy đòi tiền vô điều kiện người mua và ủy thác cho ngân hàng thu tiền từ người mua.Giấy đòi tiền vô điều kiệnđó là tiền thân của Hối phiếu đòi nợ (Bill of exchange) ngày nay.
Các thương phiếu phải là những công cụ chuyển nhượng được bởi ba lý do:
(i) Một là, người hưởng lợi thương phiếu không thể tự mình đòi số tiền ghi trên thương phiếu mà phải nhờ ngân hàng thu hộ bằng cách chuyển nhượng quyền đòi tiền cho ngân hàng;
(ii) Hai là, người hưởng lợi thương phiếu chuyển nhượng quyền hưởng lợi thương phiếu của mình cho người khác nhằm mục đích thanh toán món nợ mà người hưởng lợi đang nợ người khác dó. Ví dụ: A ký phát một hối phiếu đòi nợ đòi tiền B có trị giá 100.000 USD. A nợ C số tiền 100.000 USD. A ký hậu chuyển nhượng quyền hưởng lợi hối phiếu đòi nợ cho C để trả nợ 100.000 USD. Khi đó, C được quyền đòi tiển B.
(iii) Ba là, người hưởng lợi thương phiếu chuyển nhượng quyền hưởng lợi thương phiếu cho một người khác như là chuyển nhượng một tài sản.
Nhờ vào sự phát triển lưu thông thương phiếu, đặc bỉệt là lưu thông hối phiếu đòi nợ, hối phiếu cũng được giới ngân hàng sử dụng để đòi tiền ngân hàng nắm tài khoản của mình.
Một nhà đầu tư Hoa Kỳ cần chuyển 1.000.000 USD để đầu tư vào ngành chăn nuôi ở Thái Lan. Nhà đầu tư không thể mang tiền mặt sang Thái Lan, một mặt vì sự quản lý ngoại hối của Hoa Kỳ và Thái Lan không cho phép, mặt khác, vì chi phí chuyển tiền mặt tốn kém, rủi ro cao, cho nên nhà đầu tư yêu cầu ngân hàng cung ứng cho mình một chứng từ sở hữu 1.000.000 USD để mang theo người vào Thái Lan.
Ngân hàng có thể phát một tờ séc hoặc một hối phiếu trị giá 1.000.000 USD trao cho nhà đầu tư là người thụ hưởng các chứng từ này. Séc hoặc hối phiếu này là một lệnh của ngân hàng phát hành ra lệnh cho ngân hàng nắm giữ tài khoản của ngân hàng phát hành trích 1.000.000 USD từ tài khoản của họ để trả cho một hay nhiều người khác quy định trên séc hoặc hối phiếu. Hối phiếu nói trên gọi là hối phiếu ngân hàng (bank draft) có chức năng như là một công cụ chuyển tiền tệ. Hối phiếu ngân hàng là một công cụ chuyển tiền của ngân hàng thông dụng hơn séc, bởi vì, một là mệnh giá của séc thường không lớn lắm, nhưng số tiền của hối phiếu ngân hàng không bị hạn chế, hai là séc chỉ có giá trị nhận tiền từ ngân hàng một lần còn hối phiếu ngân hàng có thể nhận tiền từ ngân hàng nhiều lần bằng cách khấu trừ dần dần vào mặt sau của hối phiếu.
I. Hối phiếu đòi nợ
1. Khái niệm
Theo Luật Các công cụ chuyển nhượng của Việt Nam năm 2005, “Hối phiếu đòi nợ là giấy tờ có giá do Người ký phát lập, yêu cầu Người bị ký phát thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời điểm nhất định trong tương lai cho Người thụ hưởng”.
Khái niệm về hối phiếu của Luật quốc gia của các nước tham gia Công ước Geneva 1930 gồm có Ôxtrâylia, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungari, Italia, Luxembua, Mônacô, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Liên bang Xô Viết, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Braxin, Nhật Bản tương tự như khái niệm của Luật Thống nhất về hối phiếu 1930. Theo Luật Thống nhất về hối phiếu thuộc Công ước Geneva 1930, hối phiếu đòi nợ bao gồm nội dung:
- Tiêu đề “Hối phiếu đòi nợ” được ghi trên bề mặt của hối phiếu và bằng ngôn ngữ ký phát hối phiếu;
- Một lệnh đòi tiền Vô điều kiện để thanh toán một số tiền nhất định;
- Tên của Người trả tiền (Người bị ký phát);
- Tuyên bố thời gian thanh toán;
- Tuyên bố địa điểm thanh toán;
- Tên của Người thụ hưởng hoặc tên của người mà theo lệnh của Người thụ hưởng anh ta được thanh toán;
- Tuyên bố ngày và địa điểm phát hành hối phiếu đòi nợ;
- Chữ ký của Người ký phát hối phiếu đòi nợ (Drawer)
MẪU HỐI PHIẾU ĐÒI NỢ
(Dùng trong phương thức nhờ thu)
HỐI PHIẾU ĐÒI NỢ Số: 14/11/38 Hà Nội, ngày 12 tháng 07 năm 2008 Số tiền: 100.000,00 USD Ngay sau khi nhìn thấy bản thứ NHẤT của hối phiếu đòi nợ này (bản thứ HAI có cùng nội dung và ngày tháng không trả tiền) trả theo lệnh Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam một số tiền là Một trăm ngàn đôla Mỹ chẵn. Gửi: Công ty Victoria HongkongTCTY XNK Hà Nội (Đã ký)
|
MẪU HỐI PHIẾU ĐÒI NỢ
(Dùng trong phương thức tín dụng chứng từ)
HỐI PHIẾU ĐÒI NỢ Số: 14/11/38 Hà Nội, ngày 12 tháng 07 năm 2008 Số tiền: 100.000,00 USD Ngay sau khi nhìn thấy bản thứ NHẤT của hối phiếu đòi nợ này (bản thứ HAI có cùng nội dung và ngày tháng không trả tiền) trả theo lệnh Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam một số tiền là Một trăm ngàn đôla Mỹ chẵn. Mọi chi phí và giá trị nhận được tính vào tài khoản của Công ty Victoria Hongkong. Hối phiếu ký phát theo Thư tín dụng số 0012345LC/IM được phát hành ngày 10 tháng 6 năm 2008 bởi Ngân hàng Ngoại thương Trung Quốc. Gửi: Ngân hàng Ngoại thương Trung Quốc TCTY XNK Hà Nội (Đã ký)
|
2. Đặc điểm lưu thông hối phiếu đòi nợ
2.1. Hối phiếu đòi nợ hình thành từ hợp đồng giao dịch cơ sở
Giao dịch cơ sở của hối phiếu thương mại là giao dịch hợp đồng thương mại. Hợp đồng thương mại quy định quyền và nghĩa vụ của hai bên mua và bán. Người bán có nghĩa vụ giao hàng và có quyền lợi nhận tiền thanh toán từ người mua. Người mua có nghĩa vụ thanh toán và có quyền lợi nhận hàng từ người bán.
Quyền lợi và nghĩa vụ quy định trong hợp đồng của mỗi bên không thể được thực hiện đồng thời mà thường có cái xảy ra trước, cái xảy ra sau. Người nào cũng muốn hưởng quyền lợi trước và thực hiện nghĩa vụ sau, do dó cần có sự thỏa thuận quy định trong hợp đồng.
Đối với hối phiếu thương mại, người bán sẽ giao hàng trước và sau đó ký phát hối phiếu đòi nợ đòi tiền người mua sau. Người bán sẽ ủy thác cho ngân hàng thu tiền từ người mua. Người mua trả tiền hối phiếu đòi nợ khi hối phiếu được xuất trình, nếu là hối phiếu đòi nợ trả tiền ngay. Đối với hối phiếu đòi nợ kỳ hạn, người mua chỉ thanh toán cho người thụ hưởng hối phiếu đòi nợ khi hối phiếu đáo hạn.
Giao dịch cơ sở của hối phiếu ngân hàng là hợp đồng cung ứng dịch vụ chuyển tiền ký kết giữa ngân hàng và người yêu cầu chuyển tiền. Những dịch vụ chuyển tiền do ngân hàng cung ứng như chuyển vốn đầu tư ra bên ngoài, chuyển tiền du lịch, chuyển tiền phục vụ cho các hoạt động phi thương mại của Chính phủ… đều có thể thực hiện bằng hối phiếu ngân hàng. Những hối phiếu không được hình thành từ giao dịch cơ sở gọi là hối phiếu khống.
2.2. Hình thức của hối phiếu đòi nợ dễ nhận dạng trực tiếp
Hối phiếu đòi nợ là một loại tài sản tài chính vô hình, bởi vì giá trị vật chất của hối phiếu chỉ là một mảnh giấy rất nhỏ, không đáng kể. Nhưng hối phiếu đòi nợ chứa đựng trong nó các quyền pháp lý đối với lợi ích tương lai của hối phiếu đòi nợ rất lớn. Ví dụ như quyền hưởng lợi số tiền ghi trên phiếu, quyền chuyển nhượng quyền hưởng lợi này cho một hay nhiều người khác, quyền cầm cố, chiết khấu hối phiếu đòi nợ tại các trung gian tài chính để vay tiền, quyền khiếu nại trước tòa hoặc trọng tài khi bị vi phạm quyền lợi đối với hối phiếu đòi nợ…
Vì là một tài sản tài chính vô hình, cho nên vấn đề nhận dạng hối phiếu đòi nợ là vấn đề pháp lý hàng đầu trong lưu thông của hối phiếu đòi nợ. Không nhận dạng được hối phiếu đòi nợ thì không thể nhận dạng và xác định được quyền pháp lý đối với lợi ích của hối phiếu đòi nợ đó. Vì vậy về mặt pháp lý cũng như về mặt thực hành nghiệp vụ, dù là tồn tại dưới hình thức chứng từ truyền thống (traditional document) hay là tồn tại dưới hình thức chứng từ điện tử (electronic document) hình thức của hối phiếu đòi nợ phải được quy định như thế nào đó để người ta có thể nhận dạng dễ dàng, trực tiếp và trung thực hối phiếu đòi nợ đó.
2.3. Hối phiếu đòi nợ là trái vụ một bên
Hối phiếu đòi nợ là một công cụ do một người phát hành (drawer) yêu cầu người bị ký phát (drawee) thực hiện một nghĩa vụ dân sự – trả tiền, vì vậy nghĩa vụ dân sự có được thực hiện hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự chấp nhận của người bị ký phát (drawee).
Hối phiếu đòi nợ sẽ trở nên không có giá trị thực hiện khi bị người bị ký phát (drawee) từ chối thanh toán một cách hợp pháp hoặc họ bị phá sản. Trong thực tế người phát hành hối phiếu đòi nợ (drawer) vẫn có thể chuyển nhượng quyền hưởng lợi hối phiếu đòi nợ chưa được chấp nhận cho một người khác (third party) và người khác đó vẫn có thể tiếp nhận hối phiếu đòi nợ này mà không sợ bị người bị ký phát (drawee) hối phiếu đòi nợ từ chối thanh toán, bởi vì hầu hết luật các nước đều quy định người phát hành (drawer) phải có trách nhiệm trả tiền hối phiếu đòi nợ đã chuyển nhượng cho một người khác nếu hối phiếu đòi nợ đó bị từ chối thanh toán.
Tóm lại nghiệp vụ chấp nhận thanh toán, bảo lãnh thanh toán hối phiếu đòi nợ là người bạn đường của lưu thông hối phiếu đòi nợ trên thị trường thương phiếu, bởi vì hối phiếu đòi nợ là một loại trái vụ một bên, nó chỉ có thể trở thành một trái vụ hai bên khi nó được chấp nhận hay bảo lãnh.
2.4. Tính ‘trừu tượng’ của hối phiếu đòi nợ
Tính trừu tượng của hối phiếu đòi nợ có nghĩa là trong nội dung của hối phiếu đòi nợ không cần phải ghi lý do của việc đòi tiền. Ví dụ: Công ty A phát hành hối phiếu đòi nợ đòi tiền Công ty B, trong nội dung của hối phiếu đòi nợ chỉ ghi là ‘Ngay sau khi nhìn thấy tờ hối phiếu đòi nợ này trả theo lệnh Công ty A một số tiền là 100.000,00 USD chẵn’, không cần phải ghi lý do của việc đòi tiền này là gì, ví dụ: ‘theo hóa đơn giao hàng Q trên tàu Sông Hương ngày…,’.
Sở dĩ phải quy định như vậy là vì hối phiếu đòi nợ là công cụ lưu thông tín dụng thay thế cho tiền mặt chấp hành chức năng phương tiện lưu thông của tiền tệ. Trong ví dụ trên nếu ghi lý do của việc đòi tiền hối phiếu đòi nợ là ‘hàng Q chở trên tàu Sông Hương…,’ mà Công ty A lại ký hậu chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ cho Công ty Z để trả nợ 100.000,00 USD, liệu Công ty Z có muốn tiếp nhận hối phiếu đòi nợ đó không? Rõ ràng là không, bởi vì việc đòi tiền Công ty B có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào việc ‘hàng Q chở trên tàu sông Hương’ như thế nào.
Theo một cách tiếp cận khác, các luật gia ở các nước Châu Âu cho rằng giao dịch hối phiếu đòi nợ bao hàm một nghĩa vụ độc lập với giao dịch cơ sở. Cho nên không cần thiết phải ghi lý do về việc trả tiền trong hối phiếu đòi nợ.
Luật của nước Anh có thuật ngữ ‘tính lưu thông’, và ở một chừng mực nào đó nó cũng thể hiện một cách hiểu tương tự như tính trừu tượng. Bất cứ một bên nào trong hối phiếu đòi nợ đều chỉ có nghĩa vụ chịu trách nhiệm đối với chữ ký của mình trên hối phiếu đòi nợ và chỉ trên chữ ký đó mà thôi, không liêu quan đến các giao dịch cơ sở.
Theo quan điểm của trường phái tiền tệ, hối phiếu đòi nợ phải được coi như là một công cụ thanh toán ‘kiểu tiền tệ’. Sở dĩ tiền tệ lưu thông dễ dàng từ người này sang người khác là vì tiền tệ có đặc tính ‘trừu tượng’, do đó hối phiếu đòi nợ cũng nên như vậy.
3. Yêu cầu pháp lý về nội dung hối phiếu đòi nợ
3.1. Tiêu đề ‘Hối phiếu đòi nợ’
Chữ ‘Hối phiếu đòi nợ’ phải là tiêu đề của nó, nếu không ghi, hối phiếu sẽ vô hiệu. Sở dĩ phải ghi tiêu đề là để trong lưu thông dễ nhận biết đó là hối phiếu đòi nợ nhằm tránh nhầm lẫn với các công cụ khác.
Về yêu cầu ghi tiêu đề ‘Hối phiếu đòi nợ’, luật của các nước quy định cũng không giống nhau. Luật các nước chịu ảnh hưởng bởi hệ thống luật Anh – Mỹ (Anglo-American legal system) không yêu cầu hối phiếu đòi nợ phải ghi tiêu đề ‘Hối phiếu đòi nợ’, miễn là trong nội dung hối phiếu đòi nợ có diễn đạt từ ‘Hối phiếu đòi nợ’ là được, còn luật của các nước chịu ảnh hưởng của Công ước Geneva 1930 và Luật của Việt Nam thì lại yêu cầu bắt buộc phải ghi tiêu đề, nếu không hối phiếu đòi nợ sẽ vô giá trị.
3.2. Lệnh đòi tiền vô điều kiện
Hối phiếu đòi nợ là một lệnh đòi tiền, không phải là một yêu cầu đòi tiền. Việc trả tiền hối phiếu đòi tiền là vô điều kiện, có nghĩa là người trả tiền hối phiếu đòi nợ không thể đặt điều kiện cho việc trả tiền, nếu đặt điều kiện, lưu thông hối phiếu đòi nợ sẽ gặp khó khăn. Chỉ có điều kiện duy nhất mà người trả tiền có thể đặt ra cho việc không chấp hành lệnh đòi tiền này là nội dung và hình thức hối phiếu đòi nợ trái với luật lệ đang điều chỉnh hối phiếu đòi nợ đó.
3.3. Số tiền hối phiếu đòi nợ là một số tiền nhất định
Số tiền nhất định là một số tiền được ghi một cách đơn giản và rõ ràng, người ta có thể nhận dạng ra ngay số tiền đó là bao nhiêu mà không cần phải tính toán dù cho là phép tính đơn giản.
Để đảm bảo tính xác thực của số tiền, luật thường quy định số tiền vừa được ghi bằng số và vừa được ghi bằng lời và phải thống nhất với nhau. Song đề phòng do sơ xuất mà có sự khác nhau giữa số tiền bằng số và số tiền bằng lời, luật cần phải có quy định hoặc là hối phiếu đòi nợ đó vô hiệu (như luật của Trung Quốc), hoặc là cho phép chọn số tiền ghi bằng lời là số tiền thanh toán (như luật của hầu hết các nước ở Châu Âu, Hoa Kỳ và Việt Nam) hoặc cho phép chọn số tiền nhỏ hơn (chưa thấy luật nào điều chỉnh).
Cũng có luật của một số nước (là thành viên Công ước Geneva 1930) còn cho phép ghi số tiền của hối phiếu đòi nợ nhiều hơn một lần bằng lời hoặc nhiều hơn một lần bằng số, không nhất thiết là phải ghi vừa bằng số vừa bằng lời. Trong trường hợp này nếu phát sinh có sự khác nhau giữa các số tiền ghi bằng lời hoặc giữa các số tiền ghi bằng số thì giải quyết thế nào? Hầu hết luật của các nước này cho phép chọn số tiền nhỏ hơn là số tiền thanh toán.
3.4. Địa điểm trả tiền
Địa điểm trả tiền là nơi mà người thụ hưởng hối phiếu đòi nợ xuất trình hối phiếu để đòi tiền. Do tầm quan trọng như thế, cho nên trên hối phiếu đòi nợ phải ghi rõ địa điểm trả tiền. Luật của một số nước quy định nếu thiếu địa điểm trả tiền thì hối phiếu đòi nợ sẽ vô hiệu. Nhưng luật của nhiều nước quy định rằng, một hối phiếu đòi nợ không chỉ rõ địa điểm trả tiền thì lấy địa chỉ ghi bên cạnh tên người bị ký phát làm địa điểm trả tiền, trong trường hợp bên cạnh tên người bị ký phát không có ghi địa chỉ thì hối phiếu đòi nợ đó sẽ vô hiệu. Về vấn đề này, Luật Các công cụ chuyển nhượng của Việt Nam 2005 quy định rằng sẽ lấy địa điểm kinh doanh hoặc nơi thường trú của người bị ký phát làm địa điểm thanh toán.
3.5. Thời hạn trả tiền hối phiếu đòi nợ
Có hai loại thời hạn trả tiền: thời hạn trả tiền ngay và thời hạn trả tiền về sau. Trong thực tiễn sử dụng hối phiếu đòi nợ, thường xảy ra trường hợp ghi thời hạn không rõ ràng, do đó khó có thể xác định được thời hạn là thuộc loại nào: trả ngay hay trả sau. Vì vậy luật cần có quy tắc điều chỉnh. Có luật quy định hối phiếu đòi nợ ghi như thế sẽ vô hiệu. Song cũng có luật của nhiều nước (luật của Việt Nam) quy định sẽ coi như là hối phiếu đòi nợ trả tiền ngay.
Cách ghi thời hạn trả tiền ngay:
- ‘Ngay sau khi nhìn thấy bản thứ… của hối phiếu đòi nợ này…’ hoặc
- ‘Ngay sau ngày…tháng…năm của bản thứ… của hối phiếu đòi nợ này…’
Cách ghi thời hạn trả tiền về sau:
- ‘X ngày sau khi nhìn thấy bản thứ… của hối phiếu đòi nợ này…’ hoặc
- ‘X ngày kể từ ngày ký phát bản thứ… của hối phiếu đòi nợ này…’ hoặc
- ‘Đến ngày…tháng…năm… của bản thứ… của hối phiếu đòi nợ này…’.
Những cách ghi thời hạn trả tiền mơ hồ, tối nghĩa khiến cho người ta không thể xác định được thời hạn của hối phiếu đòi nợ thì luật hầu hết các nước đều quy định cách ghi đó sẽ làm cho hối phiếu đòi nợ vô hiệu.
Thời hạn trả tiền là một mốc thời gian mà người bị ký phát phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền của mình, nó dễ bị người bị ký phát lợi dụng biến thành một điều kiện thanh toán, vì vậy hầu hết luật của các nước quy định nguyên tắc ghi kỳ hạn trả tiền phải là vô điều kiện, nếu biến nó thành có điều kiện thì hối phiếu đòi nợ đó sẽ vô hiệu. Ví dụ không được ghi thời hạn trả tiền như sau:
- ‘Ngay sau khi hàng hóa được giám định kiểm nghiệm xong, hãy trả tiền cho bản hối phiếu đòi nợ này…’
- ‘X ngày kể từ ngày tàu cập cảng Hải Phòng, trả tiền cho bản hối phiếu đòi nợ này…’
3.6. Tên và địa chỉ của Người ký phát, Người bị ký phát, Người thụ hưởng
Người ký phát, Người bị ký phát và sau nữa là Người thụ hưởng hối phiếu là những chủ thể của hối phiếu đòi nợ. Tên và địa chỉ của họ phải đầy đủ và rõ ràng. Nếu thiếu hoặc không rõ ràng thì sẽ không vận hành được hối phiếu đòi nợ này.
3.7. Địa điểm và ngày ký phát
Ngày tháng ký phát hối phiếu đòi nợ là ngày phát sinh quyền đòi tiền của Người ký phát đối với Người bị ký phát. Ngày tháng ký phát còn là căn cứ để xác định thời hạn trả tiền của hối phiếu đòi nợ, nếu như kỳ hạn trả tiền dựa vào ngày ký phát. Ví dụ một hối phiếu đòi nợ ghi ‘360 ngày kể từ ngày phát hành hối phiếu đòi nợ này, trả tiền theo lệnh…’. Nếu ngày ký phát là 12/01/2009 thì hối phiếu đòi nợ sẽ đáo hạn vào ngày 12/01/2010.
Hối phiếu đòi nợ được lập ở đâu sẽ được ghi địa điểm ở đó. Đối với hối phiếu quốc tế, địa điểm ký phát có ý nghĩa quan trọng để suy ra nguồn luật điều chỉnh hối phiếu đòi nợ đó. Nếu ký phát hối phiếu đòi nợ ở Việt Nam thì phải do luật Việt Nam điều chỉnh.
Trong thương mại quốc tế, các thương gia ký kết hợp đồng và ký phát hối phiếu đòi nợ không nhất thiết là ở nước người bán, mà có thể ở nước người mua, thậm chí là có thể là ở trên máy bay, tàu biển đang chạy trên đại dương. Người ta không thể ghi địa điểm ký phát hối phiếu đòi nợ là máy bay Boeing 747-200! Hoặc là ghi địa điểm tại một nước mà luật hối phiếu của nước đó trái với luật hối phiếu của nước mình! Vì vậy phần lớn luật các nước cho phép bỏ trống địa điểm ký phát hối phiếu đòi nợ mà lấy địa chỉ ghi bên cạnh tên Người ký phát là địa chỉ ký phát hối phiếu đòi nợ, ngược lại, nếu bên cạnh tên Người ký phát không có ghi địa chỉ thì hối phiếu đòi nợ đó sẽ vô hiệu.
Luật Các công cụ chuyển nhượng Việt Nam 2005 quy định, nếu địa điểm ký phát không được xác định cụ thể trên hối phiếu đòi nợ, thì sẽ được coi hối phiếu đòi nợ đó là phát hành tại địa điểm kinh doanh hoặc nơi thường trú của Người ký phát.
3.8. Chữ ký của Người ký phát
Người ký phát ký vào mặt trước ở góc bên phải cuối cùng của hối phiếu đòi nợ. Cách ký như thế nào là do luật ở nơi ký phát hối phiếu đòi nợ quy định.
Ví dụ 1: (Hối phiếu đòi nợ trả tiền ngay)
Căn cứ vào hợp đồng ký kết giữa Công ty A và Công ty B, ngày 01/01/2009 Công ty A đã tiến hành giao hàng cho Công ty B với trị giá 100.000,00 USD, Công ty A ký phát hối phiếu đòi tiền Công ty B như sau:
HỐI PHIẾU ĐÒI NỢ
Số: 123 Hà Nội, ngày 01/01/2009 Số tiền: 100.000,00 USD Ngay sau khi nhìn thấy bản thứ NHẤT của hối phiếu đòi nợ này (bản thứ HAI có cùng nội dung và ngày tháng không trả tiền) trả theo lệnh Công ty A một số tiền là Một trăm ngàn đôla Mỹ chẵn. Gửi: Công ty B Công ty A |
Ví dụ 2: (Hối phiếu đòi nợ trả chậm)
Căn cứ vào hợp đồng bán chịu 90 ngày ký kết giữa Công ty A và Công ty B, ngày 01/01/2009, Công ty A đã tiến hành giao hàng cho Công ty B với trị giá 100.000,00 USD. Cơ chế thanh toán bằng hối phiếu nhờ thu D/P (Documents against Payment). Công ty A ký phát hối phiếu đòi nợ đòi tiền Công ty B và ủy thác cho ngân hàng của mình thu tiền từ Công ty B căn cứ vào hối phiếu đòi nợ mà mình đã tạo lập ra. Hối phiếu đòi nợ được tạo lập như sau:
HỐI PHIẾU ĐÒI NỢ
Số: 123 Hà Nội, ngày 01/01/2009 Số tiền: 100.000,00 USD 90 ngày sau khi nhìn thấy bản thứ NHẤT của hối phiếu đòi nợ này (bản thứ HAI có cùng nội dung và ngày tháng không trả tiền) trả theo lệnh Công ty A một số tiền là Một trăm ngàn đôla Mỹ chẵn. Gửi: Công ty B Công ty A |
4. Quyền và nghĩa vụ của người ký phát và người bị ký phát
4.1. Người ký phát
(i) Quyền lợi
– Tạo lập hối phiếu đòi nợ để đòi tiền Người bị ký phát hoặc bất cứ người nào do anh ta chỉ định.
– Tạo lập hối phiếu đòi nợ quy định việc trả tiền theo lệnh của Người ký phát hoặc theo lệnh của bất cứ người nào do Người ký phát chỉ định.
– Nhận tiền từ Người bị ký phát.
– Xin chiết khấu hối phiếu đòi nợ tại ngân hàng để nhận được tiền trước khi hối phiếu đòi nợ đến hạn trả tiền.
– Xin thế chấp hối phiếu đòi nợ tại ngân hàng để vay tiền.
– Chuyển nhượng quyền hưởng lợi hối phiếu đòi nợ cho một hay nhiều người khác hoặc hủy bỏ tờ hối phiếu đòi nợ.
– Các quyền pháp lý đối với các lợi ích tương lai khác của hối phiếu đòi nợ như quyền khiếu nại trước tòa án hoặc trọng tài khi bị vi phạm.
(ii) Nghĩa vụ
- Trong trường hợp hối phiếu đòi nợ đã được chuyển nhượng cho một người khác mà người khác đó không thu được tiền, thì Người ký phải có nghĩa vụ trả tiền cho người đó.
- Người ký phát đã ký tên không phải là tên của chính mình sẽ phải chịu trách nhiệm như thể là ký tên của mình.
- Người ký phát có thể phủ nhận hoặc hạn chế trách nhiệm của mình bằng lời văn ghi trên hối phiếu đòi nợ. Tuy nhiên, điều quy định này chỉ có giá trị ràng buộc riêng đối với người ký phát hối phiếu đòi nợ.
4.2. Người bị ký phát
(i) Quyền lợi
– Không chịu trách nhiệm đối với hối phiếu trước khi ký chấp nhận thanh toán hối phiếu đòi nợ.
– Chấp nhận hoặc từ chối trả tiền hối phiếu đòi nợ.
– Thu lại hoặc hủy bỏ hối phiếu đòi nợ sau khi đã trả tiền hối phiếu đòi nợ.
– Thực hiện nghĩa vụ quy định trên hối phiếu đòi nợ chỉ khi nào hối phiếu đòi nợ đến hạn thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán.
– Kiểm tra dây chuyền ký hậu chuyển nhượng xem có hợp thức hay không trước khi thực hiện nghĩa vụ trả tiền hối phiếu đòi nợ.
(ii) Nghĩa vụ
- Trả tiền đối với hối phiếu trả tiền ngay khi xuất trình.
- Chấp nhận trả tiền đối với hối phiếu đòi nợ trả chậm khi xuất trình.
- Thực hiện các nghĩa vụ khác do luật hối phiếu đòi nợ quy định.
5. Lưu thông hối phiếu đòi nợ
5.1. Khái niệm
Hối phiếu đòi nợ được lưu thông khi nó được chuyển từ người này sang người khác nhằm mục đích đòi tiền, chuyển nhượng quyền sở hữu, chiết khấu hoặc cầm cố hối phiếu đòi nợ.
Có hai cách lưu thông: trao tay và ký hậu chuyển nhượng
- Lưu thông bằng cách trao tay áp dụng đối với
- Hối phiếu đòi nợ trả cho người cầm phiếu (To bearer draft): Đối với hối phiếu đòi nợ này, bất cứ ai cầm được hối phiếu đòi nợ trong tay đều có thể trở thành người thụ hưởng và Người bị ký phát phải trả tiền cho người hiện đang cầm hối phiếu đòi nợ đó khi xuất trình.
Ví dụ 3: Ông K nhận được tờ hối phiếu đòi nợ dưới đây có quyền đòi Công ty B trả tiền cho ông ta
HỐI PHIẾU ĐÒI NỢ
Số: 123 Hà Nội, ngày 01/01/2009 Số tiền: 100.000,00 US 90 ngày sau khi nhìn thấy bản thứ NHẤT của hối phiếu đòi nợ này (bản thứ HAI có cùng nội dung và ngày tháng không trả tiền) trả ngay cho Người cầm phiếu một số tiền là Một trăm ngàn đôla Mỹ chẵn. Gửi: Công ty B Công ty A Đã ký
|
- Hối phiếu đòi nợ đã ký hậu để trắng (Blank endorsement): Đối với hối phiếu đòi nợ đã được ký hậu để trắng, tức là trên hối phiếu đòi nợ không chỉ định đích danh người thụ hưởng kế tiếp, người nào cầm giữ phiếu đó thì người đó được quyền thụ hưởng, do vậy, việc chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ này chỉ bằng cách trao tay.
- Lưu thông bằng thủ tục ký hậu là cách lưu thông phổ biến nhất. Một hối phiếu đòi nợ muốn chuyển nhượng được bằng thủ tục ký hậu phải là một hối phiếu đòi nợ trả tiền theo lệnh của người thụ hưởng.
Ví dụ 4:
HỐI PHIẾU ĐÒI NỢ
Số: 123 Hà Nội, ngày 01/01/2009 Số tiền: 100.000,00 USD Ngay sau khi nhìn thấy bản thứ NHẤT của hối phiếu đòi nợ này (bản thứ HAI có cùng nội dung và ngày tháng không trả tiền) trả theo lệnh công ty A một số tiền là Một trăm ngàn đôla Mỹ chẵn. Gửi: Công ty B Công ty A Đã ký |
Công ty A là người thụ hưởng hiện hành hối phiếu đòi nợ. Công ty A có thể chuyển nhượng quyền hưởng lợi 100.000 USD cho một người thứ ba bằng cách ký vào mặt sau của hối phiếu đòi nợ và trong đó ghi rõ nội dung của sự chuyển nhượng.
Công ty A ghi: ‘Trả theo lệnh Công ty Z- Công ty A đã ký’.
Công ty Z có quyền chuyển nhượng cho một người khác cũng bằng thủ tục ký hậu. Công ty Z ghi: ‘Trả theo lệnh Công ty Q- Công ty Z đã ký’.
5.2. Quy trình lưu thông hối phiếu đòi nợ trả tiền ngay
Hối phiếu đòi nợ trả tiền ngay là hối phiếu đòi nợ trong đó quy định Người bị ký phát phải trả tiền ngay khi hối phiếu đòi nợ xuất trình tới họ. Mẫu hối phiếu đòi nợ trong ví dụ 4 là hối phiếu đòi nợ trả tiền ngay. Quy trình lưu thông hối phiếu đòi nợ trả tiền ngay qua ngân hàng như sau:
- Giao dịch cơ sở
- Thực hiện giao dịch cơ sở
- Ký phát hối phiếu đòi nợ trả tiền ngay đòi tiền Người bị ký phát
- Trả tiền ngay sau khi xuất trình hối phiếu đòi nợ.
5.3. Quy trình lưu thông hối phiếu đòi nợ trả tiền chậm
Hối phiếu đòi nợ trả chậm là hối phiếu trong đó quy định Người bị ký phát phải trả tiền sau một khoảng thời gian nhất định kể từ ngày hối phiếu đòi nợ xuất trình hoặc kể từ ngày ký phát hối phiếu đòi nợ hoặc một ngày cụ thể trong tương lai. Mẫu hối phiếu đòi nợ trong ví dụ 2 là hối phiếu đòi nợ trả chậm 90 ngày.
Quy trình lưu thông của hối phiếu đòi nợ trả chậm chia làm hai công đoạn: Công đoạn chấp nhận và công đoạn nhờ ngân hàng thu tiền khi hối phiếu đòi nợ đáo hạn.
Công đoạn chấp nhận thanh toán như sau:
- Giao dịch cơ sở
- Thực hiện nghĩa vụ
- Yêu cầu Người bị ký phát ký chấp nhận thanh toán
- Hoàn trả hối phiếu đòi nợ đã chấp nhận cho Người ký phát
Công đoạn nhờ ngân hàng thu tiền khi hối phiếu đòi nợ đáo hạn: Công đoạn này tiến hành như nhờ thu hối phiếu đòi nợ trả tiền ngay.
6. Chấp nhận trả tiền hối phiếu đòi nợ
6.1. Khái niệm
Chấp nhận là hành vi thể hiện bằng ngôn ngữ của Người bị ký phát đồng ý trả tiền hối phiếu đòi nợ vô điều kiện hoặc của một người khác đồng ý thanh toán thay người bị ký phát với điều kiện người bị ký phát không thanh toán hối phiếu.
6.2. Tại sao phải chấp nhận
Hối phiếu đòi nợ là lệnh đòi tiền của một bên đối với bên kia, do vậy hối phiếu đòi nợ phải được bên kia chấp nhận thanh toán thì mới đủ độ tin cậy. Một hối phiếu đòi nợ đủ độ tin cậy thì lưu thông chuyển nhượng mới dễ dàng. Tuy nhiên, hối phiếu đòi nợ vẫn có thể lưu thông trước khi được chấp nhận thanh toán, bởi vì, hầu hết luật của các nước đều quy định Người ký phát hối phiếu đòi nợ phải có trách nhiệm thanh toán cho người thụ hưởng nếu hối phiếu đòi nợ đã được phát ra và đã được chuyển nhượng mà Người bị ký phát từ chối trả tiền hối phiếu đòi nợ đó.
6.3. Hình thức của chấp nhận
Có hai hình thức chấp nhận: một là chấp nhận trên mặt trước của hối phiếu đòi nợ, hai là chấp nhận bằng một văn thư riêng biệt.
- Chấp nhận trên mặt trước có nghĩa là Người bị ký phát thể hiện ý chí đồng ý thanh toán hối phiếu đòi nợ bằng cách ghi các từ như: đồng ý (agreed), chấp nhận (accepted) và ký tên, ghi ngày tháng.
- Chấp nhận bằng văn thư riêng biệt có nghĩa là Người bị ký phát tạo lập một văn bản chấp nhận trong đó thể hiện ý chí đồng ý thanh toán, ghi ngày tháng và ký tên. Văn bản chấp nhận này có thể là giấy tờ truyền thống hoặc cũng có thể là chứng thư điện tử. Văn bản chấp nhận phải được chuyển đến người thụ hưởng hối phiếu đòi nợ.
6.4. Nguyên tắc của chấp nhận
– Do hối phiếu đòi nợ là một lệnh đòi tiền vô điều kiện, cho nên người ký chấp nhận cũng phải ký chấp nhận vô điều kiện, nếu đặt ra điều kiện trong chấp nhận thì chấp nhận đó vô hiệu. Ví dụ: Một chấp nhận sau đây là vô hiệu: ‘Đồng ý thanh toán với điều kiện là tôi có giấy phép mua ngoại tệ để thanh toán. Ông D ký tên’.
– Có thể chấp nhận trả tiền từng phần. Ví dụ: ‘Đồng ý thanh toán 80% trị giá của hối phiếu đòi nợ này. Ông D ký tên’.
– Mọi sự chấp nhận làm thay đổi nội dung của hối phiếu đòi nợ được coi là từ chối chấp nhận hoặc là chấp nhận có điều kiện. Ví dụ: ‘Đồng ý thanh toán hối phiếu đòi nợ bằng USD. Ông D ký tên’, mặc dù hối phiếu đòi nợ ký phát bằng EUR.
– Chấp nhận xảy ra sau khi hối phiếu đòi nợ hết hạn hiệu lực hoặc hết hạn thanh toán được coi là vô hiệu.
7. Ký hậu hối phiếu đòi nợ
7.1. Khái niệm
Ký hậu là hành vi thể hiện bằng ngôn ngữ ở mặt sau hối phiếu đòi nợ của Người thụ hưởng đồng ý chuyển nhượng quyền hưởng lợi của mình cho một người khác được chỉ định trên hối phiếu đòi nợ. Ký hậu là một thủ tục chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ.
7.2. Ý nghĩa pháp lý của ký hậu
– Thừa nhận sự chuyển quyền hưởng lợi hối phiếu đòi nợ cho một người khác. Ký hậu mang tính trừu tượng, có nghĩa là người ký hậu không cần phải nêu lý do của sự chuyển nhượng và cũng không cần phải thông báo cho Người bị ký phát biết về sự chuyển nhượng đó.
– Xác định trách nhiệm trả tiền của Người ký hậu đối với những Người thụ hưởng kế tiếp. Cần chú ý là, trong sự chuyển nhượng trái quyền dân luật, Người chuyển nhượng chỉ đảm bảo sự tồn tại của trái quyền, tức là đảm bảo con nợ có mắc nợ, chứ không đảm bảo con nợ sẽ trả được nợ. Nhưng trong chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ thì trái lại, Người ký phát hối phiếu đòi nợ không những đảm bảo rằng Người bị ký phát có mắc nợ, mà còn đảm bảo rằng Người ký phát sẽ trả nợ cho những Người được chuyển nhượng kế tiếp, nếu như hối phiếu đòi nợ bị Người bị ký phát từ chối thanh toán.
7.3. Hình thức ký hậu
Hối phiếu đòi nợ là một tài sản tài chính. Có hai hình thức chuyển nhượng tài sản tài chính: một là thể hiện ý chí chuyển nhượng vào mặt sau hối phiếu và ký tên. Hai là viết một chứng từ chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ, ký tên và gắn kèm cùng hối phiếu đòi nợ. Hình thức thứ nhất gọi là ký hậu chuyển nhượng theo luật hối phiếu đòi nợ. Hình thức thứ hai gọi là chuyển nhượng theo luật dân sự.
7.4. Nguyên tắc của ký hậu
– Người ký phát là người ký hậu đầu tiên, nếu Người ký phát muốn chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ cho người khác.
– Người được quyền ký hậu là người đang sở hữu hợp pháp hối phiếu đòi nợ.
– Ký hậu chuyển nhượng phải là vô điều kiện, ngược lại sẽ vô giá trị
– Ký hậu chuyển nhượng từng phần giá trị hối phiếu đòi nợ sẽ vô hiệu
– Ký hậu làm thay đổi nội dung (sửa chữa và/hoặc thêm bớt nội dung của hối phiếu đòi nợ) sẽ vô giá trị.
7.5. Các loại ký hậu
(i) Ký hậu để trắng (Blank endorsement)
Là việc ký hậu không chỉ định tên người thụ hưởng kế tiếp do thủ tục ký hậu mang lại. Có hai cách ký hậu để trắng:
- Người ký hậu chỉ ký tên;
- Người ký hậu ký tên và kèm câu ‘Trả cho’ (Pay to) hoặc câu ‘Trả theo lệnh bất cứ ai’ (Pay to the order of any).
Với cách ký hậu này, việc chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ không cần phải ký hậu nữa, mà chỉ bằng cách trao tay, ai cầm được hối phiếu đòi nợ thì người đó sẽ đương nhiên trở thành người thụ hưởng. Vì vậy, bên cạnh ưu điểm là dễ dàng lưu thông, còn có nhược điểm là rủi ro lớn, nếu để hối phiếu đòi nợ rơi vào tay người khác.
- Ký hậu đích danh hay ký hậu hạn chế (Nominated or restrictive endorsement)
Là ký hậu chỉ định rõ tên Người thụ hưởng kế tiếp do thủ tục ký hậu mang lại. Với cách ký hậu này, chỉ có người nào được chỉ định là Người thụ hưởng kế tiếp thì người đó mới được quyền hưởng lợi số tiền của hối phiếu đòi nợ. Người thụ hưởng kế tiếp không được quyền ký hậu để chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ cho một người khác. Đến đây dây chuyền chuyển nhượng coi như là kết thúc.
Ví dụ: Trả cho Công ty G (Pay to Company G), Công ty A ký.
- Ký hậu theo lệnh đích danh (To order endorsement)
Là cách ký hậu trong đó chỉ định Người bị ký phát trả theo lệnh của ai đó. Ví dụ: Trả theo lệnh Công ty G (Pay to the order of Company G), Công ty A ký.
Với cách ký hậu này, Người thụ hưởng hối phiếu đòi nợ có thể là công ty G và cũng có thể là một ai đó còn tùy thuộc vào lệnh của Công ty G. Ký hậu theo lệnh tạo điều kiện để hối phiếu đòi nợ được chuyển nhượng liên tục từ người này sang người khác bằng cách ký hậu nối tiếp. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng bằng thủ tục ký hậu cuối cùng phải được thực hiện trước khi hối phiếu đòi nợ đến hạn thanh toán.
Trong thanh toán quốc nội cũng như quốc tế, ký hậu theo lệnh rất phát triển và đã trở thành một tập quán trong chuyển nhượng các công cụ chuyển nhượng.
(iv) Ký hậu miễn truy đòi (Without recourse enclorsement)
Là cách ký hậu trong đó Người ký hậu ghi thêm câu miễn đòi lại tiền.
Ví dụ: Nguời ký phát là Công ty A. Người bị ký phát là Công ty B. Công ty A ký hậu chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ cho Công ty G. Công ty G ký hậu chuyển nhượng miễn truy đòi cho Công ty K. Công ty K ký hậu chuyển nhượng miễn truy đòi cho Công ty H. Công ty H xuất trình hối phiếu đòi nợ đòi tiền Công ty B.
Dây chuyền ký hậu sẽ là như sau:
- Trả theo lệnh Công ty G. Công ty A đã ký.
- Trả theo lệnh Công ty K, miễn truy đòi. Công ty G đã ký.
- Trả theo lệnh Công ty H, miễn truy đòi. Công ty K đã ký.
Đến hạn thanh toán, Công ty H xuất trình hối phiếu đòi nợ đòi tiền Công ty B. Trong trường hợp Công ty H bị Công ty B từ chối thanh toán, Công ty H sẽ đòi lại tiền Công ty A là Người ký phát hối phiếu đòi nợ và mất quyền truy đòi lại tiền Công ty K, bởi vì Công ty K đã ghi câu miễn truy đòi anh ta khi ký hậu chuyển nhượng cho Công ty H.
Nếu dây chuyền ký hậu không có ghi chữ miễn truy đòi thì Công ty H có quyền truy đòi lại tiền Người ký hậu nào trực tiếp chuyển nhượng cho mình hoặc bất cứ Người ký hậu nào trong dây chuyền ký hậu đó.
Tuy nhiên, đây là một vấn đề quan trọng trong chuyển nhượng tài sản, luật hối phiếu các nước đều quy định rất cụ thể và chính xác các quyền nêu trên.
8. Bảo lãnh thanh toán
8.1. Khái niệm
Bảo lãnh hối phiếu đòi nợ là việc của một Người thứ ba (gọi là Người bảo lãnh) cam kết đối với Người thụ hưởng sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho Người bị ký phát (gọi là Người được bảo lãnh) nếu khi đến hạn mà Người được bảo lãnh không thanh toán đúng hạn hoặc không có đủ số tiền của hối phiếu đòi nợ.
8.2. Hình thức bảo lãnh
Có hai hình thức bảo lãnh: Bảo lãnh bằng văn thư riêng biệt và bảo lãnh trực tiếp trên hối phiếu đòi nợ.
Bảo lãnh bằng văn thư riêng biệt thường là do Người bảo lãnh phát hành, trong đó thể hiện sự cam kết của Người bảo lãnh sẽ trả tiền cho Người thụ hưởng theo các điều kiện và nội dung của bảo lãnh, nếu Người bị ký phát không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả tiền của mình.
Bảo lãnh trực tiếp là việc tiến hành bảo lãnh bằng cách ghi ngay trên bề mặt của hối phiếu đòi nợ nội dung cam kết bảo lãnh của Người bảo lãnh. Người bảo lãnh chỉ việc ghi từ “Đã bảo lãnh” (Guaranteed) hoặc một từ tương tự như “Aval” và ký tên.
8.3. Nguyên tắc bảo lãnh
Bảo lãnh là vô điều kiện.
Bảo lãnh phải ghi tên Người được bảo lãnh, nếu không ghi thì coi như là bảo lãnh cho Người ký phát. Người được bảo lãnh là Người bị ký phát hoặc Người chấp nhận hối phiếu đòi nợ.
Có thể bảo lãnh từng phần trị giá của hối phiếu đòi nợ.
Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ bảo lãnh, Người bảo lãnh được tiếp nhận các quyền của Người được bảo lãnh đối với các bên có liên quan đến lưu thông hối phiếu đòi nợ.
9. Quyển khởi kiện
Khi bị từ chối thanh toán, trả tiền không đẩy đủ, trả tiền chậm mà đã gây thiệt hại đến lợi ích của người thụ hưởng hối phiếu đòi nợ, người thụ hưởng có quyền khởi kiện những người khác có liên quan đến việc thanh toán hối phiếu đòi nợ, ví dụ như Người ký phát, Người bảo lãnh, Người chuyển nhượng, Người chấp nhận ra tòa án hoặc trọng tài.
Việc khởi kiện phải tuân thủ các trình tự và quy tắc tố tụng của tòa án hoặc trọng tài kinh tế quy định trong các giao dịch cơ sở. Thời hiệu khởi kiện thường được quy định là từ một năm đến hai năm, tùy theo luật hối phiếu của mỗi nước, kể từ ngày hối phiếu đòi nợ bị từ chối thanh toán, thanh toán không đầy đủ hoặc từ chối chấp nhận trả tiền.
10. Các loại hối phiếu đòi nợ
Có thể chia hối phiếu đòi nợ dựa trên các căn cứ sau:
10.1. Thời hạn trả tiền
(i) Hối phiếu đòi nợ trả tiền ngay (At sight draft) là loại hối phiếu đòi nợ trong đó quy định Người bị ký phát phải trả tiền ngay khi hối phiếu đòi nợ được xuất trình. Tuy nhiên, khái niệm “trả ngay” còn phụ thuộc vào tập quán thanh toán hoặc luật lệ quy định. Nhìn chung, trả ngay được hiểu là trả ngay vào lúc xuất trình, nhưng cũng có thể hiểu là trả ngay vào ngày kế tiếp của ngày xuất trình.
(ii) Hối phiếu đòi nợ kỳ hạn hay còn gọi là hối phiếu đòi nợ trả chậm (Usance draft, Time draft) là loại hối phiếu đòi nợ trong đó quy định Người bị ký phát sẽ phải trả tiền khi hối phiếu đòi nợ đến hạn thanh toán.
Nếu quy định thời hạn trả chậm là X ngày kể từ ngày xuất trình… thì ngày trả tiền là X ngày tính từ ngày Người bị ký phát ký chấp nhận hối phiếu đòi nợ trở đi.
Hối phiếu đòi nợ kỳ hạn là công cụ thanh toán khá thông dụng trong nước cũng như trên quốc tế, đặc biệt hay được sử dụng đối với L/C trả chậm.
10.2. Việc trả tiền có kèm theo chứng từ hay không
(i) Hối phiếu đòi nợ trơn (Clean draft) là loại hối phiếu đòi nợ mà việc trả tiền chỉ dựa vào hối phiếu đòi nợ, không dựa vào các chứng từ gửi kèm theo. Trong thanh toán quốc tế, hối phiếu đòi nợ này thường dùng để thu tiền cước phí vận tải, bảo hiểm, hoa hồng… hoặc được dùng để đòi tiền mua hàng của những thưong nhân nhập khẩu tin cậy.
(ii) Hối phiếu đòi nợ kèm chứng từ (Documentary draft) là Ioại hối phiếu đòi nợ mà việc trả tiền không những chỉ dựa vào hối phiếu đòi nợ, mà còn dựa vào các chứng từ gửi kèm theo. Loại hối phiếu -đòi nợ này thươngf được sử dụng làm phương tiện đòi tiền của các phương thức thanh toán kèm chứng từ.
10.3. Khả năng chuyển nhượng
(i) Hối phiếu đòi nợ đích danh (Nominated draft) là hối phiếu đòi nợ được ghi rõ tên Người thụ hưởng không kèm theo từ “theo lệnh”. Hối phiếu đòi nợ này không thể chuyển nhượng bằng thủ tục ký hậu. Người nào có tên là Người thụ hưởng thì người đó được quyền hưởng số tiền của hối phiếu đòi nợ đó. Loại này ít được sử dụng trong thanh toán, đặc biệt là trong thanh toán quốc tế. Bởi vì muốn thu tiền người nước ngoài thì phải chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ đó cho ngân hàng.
(ii) Hối phiếu đòi nợ theo lệnh (Order draft) là loại hối phiếu đòi nợ ghi rõ tên Người thụ hưởng kèm theo từ “theo lệnh”. Chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ dễ dàng và chỉ bằng thủ tục ký hậu. Vì vậy, hối phiếu đòi nợ theo lệnh được sử dụng rộng rãi trong thanh toán.
10.4. Người ký phát
(i) Hối phiếu đòi nợ thương mại là hối phiếu đòi nợ do người bán ký phát đòi tiền người mua khi người bán đã hoàn thành nghĩa vụ quy định trong hợp đồng thương mại.
(ii) Hối phiếu đòi nợ ngân hàng là hối phiếu đòi nợ do ngân hàng phát hành ra lệnh cho ngân hàng đại lý của mình trích một số tiền nhất định từ tài khoản của ngân hàng phát hành hối phiếu đòi nợ để trả cho người thụ hưởng chỉ định trên hối phiếu đòi nợ.
II. HỐI PHIẾU NHẬN NỢ
Khái niệm
Hối phiếu nhận nợ (Promissory note) là một cam kết trả tiền vô điều kiện do Người lập phiếu phát ra hứa sẽ trả một số tiền nhất định cho Người thụ hưởng quy định trên hối phiếu nhận nợ hoặc theo lệnh của người này để trả cho một người khác.
Khác với hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ là một công cụ hứa trả tiền, không phải là một công cụ đòi tiền. Người lập phiếu là người có nghĩa vụ trả tiền cho Người thụ hưởng ghi trên hối phiếu nhận nợ, còn Người ký phát hối phiếu đòi nợ là Người thụ hưởng. Hối phiếu đòi nợ do một Người ký phát tạo lập ra, còn ngược lại hối phiếu nhận nợ có thể do một Người hoặc do nhiều Người tạo lập. Là một cộng cụ hứa trả tiền, cho nên kỳ hạn hối phiếu nhận nợ phải được xác định rõ ràng, cụ thể trên hối phiếu nhận nợ
Đặc điểm lưu thông hối phiếu nhận nợ
Hối phiếu nhận nợ là một tài sản tài chính vô hình giống như hối phiếu đòi nợ, do đó đậc điểm lưu thông của nó cũng giống như đặc điểm lưu thông hối phiếu đòi nợ. Tuy nhiên có một số điểm khác sau đây:
(i) Hối phiếu nhận nợ là một công cụ hứa trả tiền, chứ không phải là công cụ đòi tiền, cho nên muốn lưu thông dễ dàng, hối phiếu nhận nợ thường phải được một Người thứ ba đứng ra bảo lãnh thanh toán, trừ trường hợp Người lập phiếu là người có uy tín lớn về tài chính.
(ii) Hối phiếu nhận nợ là một công cụ hứa trả tiền vô điều kiện do con nợ viết ra để hứa trả một số tiền nhất định cho chủ nợ, vì vậy, trong lưu thông không phát sinh yêu cầu chấp nhận thanh toán. Trên thương trường không ai lại tự chấp nhận khả năng thanh toán của chính mình.
(iii) Người lập phiếu phải phát hành hối phiếu nhận nợ trước khi Người thụ hưởng hối phiếu nhận nợ thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng giao dịch cơ sở. Sau khi thực hiện nghĩa vụ, Người thụ hưởng mới ủy thác cho ngân hàng thu tiền của hối phiếu nhận nợ từ Người lập phiếu.
- Các quy định pháp lý đối với hối phiếu đòi nợ có thể áp dụng để điều chỉnh đối với hối phiếu nhận nợ, trong chừng mực không trái đối với tính chất và đặc đìểm của hối phiếu nhận nợ. Ví dụ quy định ký hậu, thời hạn thanh toán, truy đòi không thanh toán, thanh toán thay bởi người thứ ba, bảo lãnh…
Nội dung của hối phiếu nhận nợ
– Tiêu đề ‘Hối phiếu nhận nợ’ ghi ở mặt trước;
– Hứa trả vô điều kiện một số tiền nhất định;
– Địa điểm trả tiền;
– Thời hạn hối phiếu nhận nợ phải ghi rõ ràng;
– Tên, địa chỉ của Người lập phiếu, Người thụ hưởng;
– Ngày và địa điểm tạo lập;
– Chữ ký của Người lập phiếu.
Tài liệu tham khảo và dẫn chiếu trong bài viết:
- Giáo trình Quản trị tác nghiệp thương mại quốc tế – Học viện Tài chính
- Giáo trình nghiệp vụ ngoại thương – Đại học Kinh tế Quốc dân
- Giáo trình thanh toán quốc tế – Đại học Ngoại thương
- Các văn bản pháp quy về thủ tục hải quan hiện hành
Công ty TNHH HP Toàn Cầu
Nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển quốc tế, thủ tục hải quan và giấy phép xuất nhập khẩu
Địa chỉ: Số 13, LK3 – NO03 – Khu đô thị Văn Khê – Phường La Khê – Quận Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 08 8611 5726 hoặc Điện thoại: 024 73008608
Email: info@hptoancau.com
Lưu ý:
– Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, trước khi sử dụng, bạn nên liên lạc HP Toàn Cầu để update nội dung cập nhật mới nhất(nếu có)
– HP Toàn Cầu giữ bản quyền với bài viết và không đồng ý đơn vị khác sao chép, sử dụng bài viết của HP Toàn Cầu vì mục đích thương mại
– Mọi sự sao chép không có thỏa thuận với HP Toàn Cầu (kể cả có ghi dẫn chiếu website hptoancau.com) có thể dẫn đến việc chúng tôi claim với google và các bên liên quan.