QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ NGOẠI THƯƠNG
Hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển và đem lại lợi ích cho các quốc gia. Tuy nhiên, do sự phát triển kinh tế không đồng đều, các nước đều duy trì các rào cản thương mại nhằm bảo hộ nền sản xuất nội địa bao gồm hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan.
Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Tổ chức Thương mại giới (WTO) cũng thừa nhận rằng, bất cứ quốc gia nào cũng có thể tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu của mình, hoặc để bảo vệ cuộc sống hay sức khỏe con người, bảo vệ động vật và thực vật, bảo vệ môi trường hoặc để ngăn ngừa các hoạt động man trá trong thương mại. Tuy nhiên, các biện pháp này không được gây ra sự phân biệt đối xử giữa các nước và không tạo ra các trở ngại không cần thiết cho thương mại quốc tế.
Hiện nay, tất cả các vòng đàm phán của mọi tổ chức thương mại quốc tế đều quan tâm đặc biệt đến việc cắt giảm hàng rào thuế quan, do vậy, mục tiêu hiện nay của các quốc gia là nghiên cứu, thiết lập một hàng rào phi thuế quan để quản lý. hàng nhập khẩu vừa có thể bảo vệ sản xuất trong nước vừa phù hợp với các cam kết quốc tế mà họ đã gia nhập.
Nội dung của bài viết bao gồm các kiến thức về chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa cần nắm vững và hiểu rõ chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu của Nhà nước để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
1. Cơ sở pháp lý áp dụng tại Việt Nam
Một số Luật quy định về quản lý chính sách quản lý đối với hàng hóa XNK
Văn bản pháp luật (Về chính sách mặt hàng)
- Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương
- Thông tưsố 12/2018/TT-BCT ngày 15/6/2018 của Bộ Công Thương Quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thường và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương
- Thông tư, Quyết định của các Bộ, ngành
Văn bản pháp luật (về thủ tục hải quan)
Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan (được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/04/2018)
Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. (được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018).
2. Khái niệm, nội dung quản lý nhà nước về ngoại thương
2.1. Khái niệm
Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là tập hợp các công cụ mà Nhà nước Việt Nam áp dụng để tác động đến các hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa
Chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu thay đổi theo thời gian và lộ trình cam kết với quốc tế
Khi chính sách thay đổi thì thủ tục hải quan cũng có sự thay đổi cho phù hợp
2.2. Nguyên tắc quản lý nhà nước về ngoại thương
1. Nhà nước quản lý ngoại thương theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Bảo đảm minh bạch, công khai, bình đẳng, đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu, gắn với quản lý nhập khẩu.
3. Bảo đảm thực hiện đầy đủ các nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia trong hoạt động ngoại thương theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2.3. Trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ngoại thương.
2. Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ngoại thương và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, ban hành chiến lược, kế hoạch, chính sách quản lý, phát triển hoạt động ngoại thương, phát triển thị trường khu vực và thế giới, hội nhập kinh tế trong từng thời kỳ; quyết định việc thực hiện một số biện pháp quản lý theo quy định của Luật này;
b) Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ngoại thương;
c) Hướng dẫn, phổ biến, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật và các biện pháp quản lý ngoại thương theo quy định của pháp luật;
d) Cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động ngoại thương và quản lý ngoại thương theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin;
đ) Quản lý hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam;
e) Chỉ đạo về nghiệp vụ đối với đại diện thương mại thuộc cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là đại diện thương mại);
g) Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tham gia đàm phán, ký kết, điều phối việc thực hiện điều ước quốc tế trong lĩnh vực ngoại thương; đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, xử lý các rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu trong phạm vi thẩm quyền và giám sát chung việc thực hiện điều ước quốc tế của các đối tác;
h) Tham mưu giúp Chính phủ trong việc tham gia giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương;
i) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý ngoại thương theo thẩm quyền;
k) Thực hiện các biện pháp kỹ thuật thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
a) Chủ trì, phối hợp đàm phán điều ước quốc tế và giám sát việc thực hiện cam kết của các đối tác, xử lý các rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu trong phạm vi thẩm quyền; quản lý ngoại thương và phát triển hoạt động ngoại thương theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ báo cáo, chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động ngoại thương, quản lý ngoại thương;
b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về thuế, phí, lệ phí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xây dựng pháp luật, chính sách liên quan đến quản lý ngoại thương theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; chỉ đạo cơ quan hải quan thực hiện việc kiểm tra, giám sát, thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan;
c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc đề xuất, xây dựng, tổ chức thực hiện biện pháp kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm và các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật;
d) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc đề xuất, xây dựng, tổ chức thực hiện biện pháp kiểm dịch y tế biên giới, an toàn thực phẩm và các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật;
đ) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc đề xuất, xây dựng, tổ chức thực hiện biện pháp kỹ thuật thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
4. Chính quyền địa phương cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngoại thương tại địa phương theo quy định của Luật này và phân cấp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ;
b) Chủ trì, phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan trong đề xuất các đề án, dự án phát triển hoạt động ngoại thương tại địa phương;
c) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý nhà nước về ngoại thương tại địa phương;
d) Duy trì, cập nhật, cung cấp thông tin cho các hệ thống thông tin về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu, xúc tiến thương mại;
đ) Thực hiện, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất phục vụ công tác quản lý nhà nước về ngoại thương tại địa phương.
3. Các Biện pháp quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
Nhằm kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong phạm vi địa bàn hoạt động của Hải quan, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền – bao gồm Quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội, Chính phủ, các bộ quản lý chuyên ngành và cơ quan, tổ chức theo chức năng nhiệm vụ được giao ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện theo quy định pháp luật.
Các biện pháp quản lý nhà nước về hải quan là các biện pháp, cách thức được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng để thực hiện quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quả cảnh, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo đúng các quy định pháp luật.
Các biện pháp quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gồm các nhóm như sau:
+ Các biện pháp hành chính
+ Các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch
+ Quản lý hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh xuất nhập khẩu
+ Các biện pháp quản lý bằng công cụ thuế
+ Các biện pháp quản lý khác: Phòng vệ thương mại; kiểm soát khẩn cấp và Các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương
3.1. Các biện pháp hành chính quản lý ngoại thương
3.1.1. Cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu
Hình thức cấm được thực hiện bằng việc ban hành các danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, ngừng xuất khẩu; cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu theo lộ trình cam kết của Việt Nam với Tổ chức thương mại thế giới.
Cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu
Biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu áp dụng với các hàng hóa mà việc lưu thông chúng có thể ảnh hưởng đáng kể tới những lợi ích công cộng, an ninh quốc phòng. Nói cách khác, tính rủi ro gắn với tính chất thường xuyên/bản chất của hàng hóa, và biện pháp cấm áp dụng thường xuyên, liên tục (không phải theo thời điểm / khoảng thời gian nhất định)
1. Cấm xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định không được đưa hàng hóa từ nội địa vào khu vực hải quan riêng hoặc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
2. Cấm nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định không được đưa hàng hóa từ khu vực hải quan riêng vào nội địa hoặc từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.
Thẩm quyền ban hành danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu:
- Chính phủ (Ban hành Danh mục chung)
- Các bô, cơ quan ngang bộ công bố chi tiết hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu kèm theo mã số HS trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Bộ Công Thương về Danh Mục hàng hóa và thống nhất với Bộ Tài chính về mã HS
Ngoại lệ:
- Thủ tướng Chính phủ quyết định
- Hàng hóa phục vụ mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh
Xem Danh mục các hàng hóa cấm xuất khẩu từ Việt Nam tại đây
Xem Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu vào Việt Nam tại đây
Tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu
Tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu là biện pháp áp dụng đối với một hoặc một số loại hàng hóa cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định, sau khoảng thời gian này, hàng hóa sẽ được nhập khẩu/xuất khẩu bình thường. Biện pháp quản lý này sẽ được áp dụng phụ thuộc vào thời điểm (hàng hóa liên quan phát sinh tính rủi ro/nhạy cảm trong một vài thời điểm nhất định) chứ không phải là tính chất của hàng hóa (không phải khi nào hàng hóa đó cũng có rủi ro).
Đối với các quy định về danh mục hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu được ban hành trong từng thời điểm vì những lý do an toàn môi trường sinh thái hoặc bảo vệ sức khỏe cộng đồng… Trước đây, Việt Nam đã áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu đối với hai mặt hàng là đồ gỗ thành phẩm và hàng dệt may và tạm ngừng đối với hàng hóa là máy móc thiết bị cũ đã qua sử dụng lạc hậu… Việc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng này đều dựa trên những lý do đặc biệt (từ phía Việt Nam hoặc từ phía các đối tác thương mại).
Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu theo lộ trình cam kết của Việt Nam với Tổ chức thương mại thế giới được Bộ trưởng BCT ngày 24/12/2013 công bố lộ trình thực hiện hoạt động. Bộ Công Thương ban hành kèm theo Thông tư số 34/2013/TT- mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
1. Tạm ngừng xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định không được đưa hàng hóa từ nội địa vào khu vực hải quan riêng hoặc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định.
2. Tạm ngừng nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định không được đưa hàng hóa từ khu vực hải quan riêng vào nội địa hoặc từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định.
Trường hợp áp dụng
a) Hàng hóa thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong quản lý ngoại thương
b) Hàng hóa thuộc trường hợp quy định tại cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu nhưng chưa có trong Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.
Thẩm quyền
- Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định trên cơ sở lấy ý kiến hoặc theo đề xuất của Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan (trừ trường hợp pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật có quy định khác)
- Bộ Công thương thông báo với các tổ chức kinh tế quốc tế, các nước có liên quan theo thủ tục đã thỏa thuận khi có quyết định về việc tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hàng hóa quy định
Ngoại lệ
- Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định
- Hàng hóa phục vụ mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh, trên cơ sở lấy ý kiến hoặc theo đề xuất của Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan, trừ trường hợp pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật có quy định khác.
- Việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đã có quyết định tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu đối với khu vực hải quan riêng được thực hiện theo quy định riêng.
3.1.2. Hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu
Hạn chế xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng nhằm hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa xuất khẩu, cửa khẩu xuất khẩu hàng hóa, quyền xuất khẩu hàng hóa của thương nhân.
Hạn chế nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng nhằm hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa nhập khẩu, cửa khẩu nhập khẩu hàng hóa, quyền nhập khẩu hàng hóa của thương nhân.
Hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu
Biện pháp
1. Hạn ngạch xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng để hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
2. Hạn ngạch nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng để hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam.
Áp dụng
Áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Đối với hàng hóa bảo đảm cân đối vĩ mô, tăng trưởng kinh tế theo từng thời kỳ;
c) Khi nước nhập khẩu áp dụng biện pháp hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Thẩm quyền
1. Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, tổ chức khác có liên quan để quyết định việc áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu.
2. Bộ Công Thương công bố hàng hóa cần áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu.
Hạn ngạch thuế quan
Biện pháp
1. Hạn ngạch thuế quan xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa xuất khẩu với thuế suất cụ thể.
2. Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa nhập khẩu với thuế suất ưu đãi hơn so với mức thuế suất ngoài hạn ngạch.
Áp dụng
1. Áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa được dùng để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu.
3. Việc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu phải bảo đảm công khai, minh bạch về số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa; công khai, minh bạch, khách quan về phương thức phân giao hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu.
Thẩm quyền
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định lượng hạn ngạch thuế quan đối với từng hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý.
2. Bộ Công Thương công bố việc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan và quyết định phương thức phân giao hạn ngạch thuế quan.
Hàng hóa
- Muối
- Trứng gia cầm
- Nguyên liệu sản xuất thuốc lá
- Đường tinh luyện, đường thô
Tổng lượng hạn ngạch các mặt hàng do Bộ Công Thương công bố hàng năm trên cơ sở quyết định lượng hạn ngạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông đối với các mặt hàng muối, trứng gia cầm và đường tinh luyện, đường thô; quyết định lượng hạn ngạch thuốc lá là Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, hàng năm Việt Nam còn cam kết bổ hạn ngạch thuế quan với mức thuế suất ưu đãi 0% riêng cho một số chủng loại hàng hóa có xuất xứ từ Lào và Campuchia.
Chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu
Hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu nói chung được thực hiện tại các cảng biển quốc tế, cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Riêng một số mặt hàng để khuyến khích xuất khẩu hoặc mặt hàng cần nhập khẩu để phục vụ sản xuất trong nước được thực hiện tại các cửa khẩu phụ, đường mòn, lỗi mở nhưng đã đủ lực lượng quản lý chuyên ngành.
Tuy nhiên, trong những năm qua, Việt Nam có quy định một số mặt hàng chỉ được thực hiện qua một số cửa khẩu nhất định nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng… các cửa khẩu này thường lưu lượng hàng hóa thông quan lớn, là nơi có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng và nhân lực để thông quan hàng hóa. Đối với mặt hàng ô tô, khi nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi (bao gồm cả chưa qua sử dụng và đã qua sử dụng) chỉ được nhập qua các cửa khẩu cảng biển quốc tế: Cái Lân-Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu (Thông tư số 19/2009/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 7/7/2009 và Thông tư liên tịch số 25/2010/TTLT-BCT-BGTVT- BTC ngày 14/6/2010).
Biện pháp
Chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định cửa khẩu được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa nhất định.
Áp dụng
1. Áp dụng biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu nhằm quản lý, kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chống chuyển tải bất hợp pháp, chống gian lận thương mại, bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; phù hợp với điều kiện hạ tầng vật chất, kỹ thuật của từng cửa khẩu, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
2. Việc áp dụng biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
3. Thương nhân có quyền tự do lựa chọn cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong các cửa khẩu đã được chỉ định.
Thẩm quyền
1. Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan quyết định, công bố hàng hóa, cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tương ứng và lộ trình thực hiện.
2. Quyết định áp dụng biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu phải được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất là 45 ngày trước ngày có hiệu lực.
Chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu
Biện pháp:
Chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa nhất định.
Áp dụng
Áp dụng biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Hàng hóa độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật về thương mại;
c) Hàng hóa thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp
Việc áp dụng biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải bảo đảm công khai, minh bạch; bảo đảm quyền, lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của thương nhân được chỉ định thực hiện hoạt động ngoại thương.
Thẩm quyền
1. Chính phủ quy định Danh mục hàng hóa và điều kiện chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu; quy định các Bộ, cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm quản lý hàng hóa theo Danh mục.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý và chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện hoạt động ngoại thương của thương nhân được chỉ định.
Hàng hóa – Chỉ định thương nhân XK, NK
STT |
Hàng hóa nhập khẩu |
Cơ quan quản lý |
1 | Phôi kim loại sử dụng để đúc, dập tiền kim loại. | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
2 | Giấy in tiền. | |
3 | Mực in tiền. | |
4 | Máy ép phôi chống giả và phôi chống giả để sử dụng cho tiền, ngân phiếu thanh toán và các loại ấn chỉ, giấy tờ có giá khác thuộc ngành Ngân hàng phát hành và quản lý. | |
5 | Máy in tiền | |
6 | Máy đúc, dập tiền kim loại | |
7 | Thuốc lá điếu, xì gà | Bộ Công Thương |
3.1.3. Quản lý theo giấy phép, theo điều kiện xuất khẩu nhập khẩu
Biện pháp
1. Quản lý theo giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi là quản lý theo giấy phép) là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương cho thương nhân để thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
2. Quản lý theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi là quản lý theo điều kiện) là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quy định điều kiện về chủ thể kinh doanh, chủng loại, số lượng, khối lượng, cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, địa bàn mà thương nhân phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nhưng không cần phải cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu.
Áp dụng
1. Chỉ áp dụng biện pháp quản lý theo điều kiện trong các trường hợp cần thiết vì lý do trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, thuần phong mỹ tục, bảo vệ môi trường.
2. Việc áp dụng biện pháp quản lý theo giấy phép, theo điều kiện phải bảo đảm công khai, minh bạch; tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan quản lý nhà nước và của thương nhân.
3. Trên cơ sở tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Thẩm quyền
1. Chính phủ quy định Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện; quy định phương thức, phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ đối với hàng hóa thuộc Danh mục; quy định trình tự, thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu.
2. Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm công bố công khai Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện và công bố điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa thuộc Danh mục.
3. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định việc áp dụng Giấy phép xuất khẩu tự động, Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số loại hàng hóa trong từng thời kỳ
3.1.4. Chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Quản lý theo xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu
Biện pháp
Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa bao gồm:
a) Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp cho thương nhân;
b) Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do thương nhân phát hành
Áp dụng
Áp dụng biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong các trường hợp sau đây:
1. Đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu có nhu cầu được hưởng ưu đãi thuế quan theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
2. Pháp luật quy định việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải có chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
3. Do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo đề nghị của thương nhân hoặc do thương nhân tự chứng nhận đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Thẩm quyền
1. Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp hoặc ủy quyền cho tổ chức khác thực hiện việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
2. Bộ trưởng Bộ Công Thương chấp thuận bằng văn bản cho thương nhân tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.
Kiểm tra xuất xứ hàng hóa
1. Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của thương nhân.
2. Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan hải quan kiểm tra xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.
3.1.5. Chứng nhận lưu hành tự do
Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS)
1. Giấy chứng nhận lưu hành tự do là văn bản chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu hàng hóa để chứng nhận hàng hóa đó được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu.
2. Giấy chứng nhận lưu hành tự do bao gồm giấy chứng nhận mang tính đặc thù hoặc mang đầy đủ nội dung của giấy chứng nhận lưu hành tự do và các loại văn bản chứng nhận có nội dung tương tự.
Áp dụng
Áp dụng biện pháp chứng nhận lưu hành tự do trong các trường hợp sau đây:
1. Pháp luật quy định hàng hóa phải áp dụng giấy chứng nhận lưu hành tự do;
2. Theo đề nghị của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đối với trường hợp không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này.
Thẩm quyền
Chính phủ quy định Danh mục hàng hóa phải áp dụng giấy chứng nhận lưu hành tự do; quy định thẩm quyền và trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do.
3.1.6. Các biện pháp quản lý hoạt động ngoại thương khác
Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu
Quá cảnh hàng hóa
Đại lý mua bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài
Ủy thác và nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu
Gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài và đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài
3.1.7. Hoạt động ngoại thương với các nước có chung đường biên giới
Thương mại biên giới là một hoạt động đặc thù của thương mại quốc tế theo định nghĩa (xuyên biên giới) nhưng lại mang nhiều những đặc tính khác biệt. Nội hàm của chính sách thương mại biên giới được thể hiện tại Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015.
Hoạt động thương mại biên giới bao gồm các hoạt động:
– Hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân.
– Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới
– Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu và chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu.
– Dịch vụ hỗ trợ thương mại tại khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới.
Việc mua bán, trao đổi và nhập khâu hàng hóa theo hình thức thương mại biên giới được thực hiện theo quy định của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP. Riêng đối với hàng hóa trao đổi, mua bán của cư dân biên giới được Bộ trưởng Bộ Công Thương công bố trong từng thời kỳ.
Ngoài ra, hệ thống pháp luật về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa còn bao gồm các quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực này, đó là các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong Nghị định số 185/2013/NĐ-CP.
3.1.8. Quản lý hàng hóa đối với khu vực hải quan riêng
Kiểm soát hoạt động nhập khẩu của khu vực hải quan riêng (khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, khu chế xuất, kho ngoại quan…)
– Khu vực hải quan riêng: Khái niệm này chưa được chi tiết tại văn bản pháp luật nào, tuy nhiên, trong khái niệm xuất khẩu, nhập khẩu của Luật Thương mại có quy định cụm từ này, cụ thể như sau:
1. Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.
2.Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.”
– Khu phi thuế quan: Khái niệm này được quy định tại Quyết định 100/2009/QĐ-TTg, cụ thể: Khu phi thuế quan là khu vực địa lý có ranh giới xác định, được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hàng rào cứng, có cổng và cửa ra vào bảo đảm điều kiện cho sự kiểm soát của cơ quan Hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan, có cơ quan Hải quan giám sát, kiểm tra hàng hóa và phương tiện ra vào khu .
Khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu bao gồm: khu bảo thuế, khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại công nghiệp, khu thương mại tự do và các khu có tên gọi khác được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có quan hệ mua bán trao đổi hàng hóa giữa khu này với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu
Theo Nghị định hướng dẫn Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu: Khu phi thuế quan bao gồm: khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, kho bảo thuế, khu bảo thuế, kho ngoại quan, khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại – công nghiệp và các khu vực kinh tế khác được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có quan hệ mua bán trao đổi hàng hóa giữa khu này với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.
Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất được áp dụng quy định đối với khu phi thuế quan theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 100/2009/QĐ- TTg thì lại không áp dụng Quy chế này không áp dụng đối với khu phi thuế quan là khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, kho bảo thuế, kho ngoại quan, Khu kinh tế – thương mại đặc biệt Lao Bảo, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Trên thực tế hiện nay bao gồm các khu sau:
– Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo – Hà Tĩnh
– Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo – Quảng Trị
– Khu thương mại-công nghiệp (nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu – chính là Khu phi thuế quan)
– Khu chế xuất
– Doanh nghiệp chế xuất
– Kho ngoại quan
– Kho bảo thuế
– Khu bảo thuế
Các cơ chế, chính sách áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu vào khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu được quy định tại Quyết định 100/2009/QĐ-TTg. Về cơ bản các quy định về nhập khẩu hàng hóa vào Khu phi thuế quan, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất áp dụng tương tự như hàng hóa nhập khẩu thông thường mà không có ưu đãi riêng đối với hàng hóa nhập vào khu này, cụ thể:
Chủ thể hoạt động trong khu phi thuế quan được nhập khẩu được xuất khẩu, nhập khẩu các loại hàng hóa, trừ các hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Việc nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu theo giấy phép, Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện, hàng hóa hạn chế kinh doanh được thực hiện theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, gia công quá cảnh tại khu phi thuế quan phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
3.2. Các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch quản lý ngoại thương
Nội dung quản lý chuyên ngành xem chi tiết tại bài viết: Quản lý chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu
Các biện pháp quản lý bằng hàng rào kỹ thuật
Các biện pháp quản lý bằng hàng rào kỹ thuật là một cơ chế quản lý xuất nhập khẩu được sử dụng phổ biến trên thế giới đây là các biện pháp quản lý phi thuế quan bao gồm việc ban hành áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hỏa; kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật và kiểm tra an toàn thực phẩm.
Về các tiêu chuẩn liên quan đến an toàn, kỹ thuật, chất lượng sản phẩm hàng hóa, pháp luật Việt Nam có các Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và Công nghệ và một số Pháp lệnh (An toàn bức xạ…) và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành (bao gồm Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng).
Về các tiêu chuẩn liên quan đến kiểm dịch thực vật, động vật và an toàn thực phẩm, pháp luật Việt Nam có các Luật Thủy sản, Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành.
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, việc tăng cường quản lý khả năng gây mất an toàn của hàng hóa nhập khẩu, bảo đảm an Nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu nhằm ngăn chặn toàn cho con người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam,… được Nhà nước rất chú trọng, trước tiên là trên phương diện chính sách, pháp luật.
- Các biện pháp kỹ thuật là các biện pháp áp dụng với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, đo lường.
- Các biện pháp kiểm dịch bao gồm các biện pháp kiểm dịch động vật và các sản phẩm từ động vật, kiểm dịch thực vật và kiểm dịch y tế biên giới theo quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y, phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Mục tiêu, nguyên tắc áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch
1. Việc áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng hàng hóa; bảo vệ an toàn sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học; phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và bảo đảm an ninh, lợi ích quốc gia.
2. Việc áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử và tránh tạo ra rào cản không cần thiết đối với hoạt động ngoại thương, nhất là đối với hàng hóa xuất khẩu;
b) Áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong điều kiện cho phép, bảo đảm yêu cầu quản lý và phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
c) Bảo đảm các nguyên tắc khác theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, đo lường, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y, phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
3.2.1. Áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch
3.2.1.1. Áp dụng biện pháp kỹ thuật đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (điều 61)
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải được công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo quy định của pháp luật.
- Hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn phải áp dụng các biện pháp quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và các biện pháp quản lý theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
- Hàng hóa nhập khẩu là thực phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.
- Hàng hóa nhập khẩu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói thực phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm đã qua chiếu xạ phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc giấy chứng nhận y tế theo quy định của pháp luật.
- Hàng hóa nhập khẩu là phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác khi nhập khẩu phải được kiểm soát theo quy định của pháp luậtvề đo lường.
- Trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp kỹ thuật đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định của pháp luậtvề chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, đo lường.
3.2.1.2. Áp dụng biện pháp kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật (điều 62)
- Hàng hóa là động vật, sản phẩm động vật thuộc diện kiểm dịch trước khi xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển cửa khẩu, gửi vào kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải được kiểm dịch theo quy định của pháp luậtvề thú y.
- Nội dung, trình tự, thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trước khi xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển cửa khẩu, gửi vào kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luậtvề thú y.
3.2.1.3. Áp dụng biện pháp kiểm dịch thực vật (điều 63)
- Hàng hóa là vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển cửa khẩu, gửi vào kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải được kiểm dịch theo quy định của pháp luậtvề bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
- Hàng hóa là giống cây trồng chưa có trong Danh mụcgiống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, sinh vật có ích sử dụng trong bảo vệ thực vậttại Việt Nam phải được kiểm dịch sau khi nhập khẩu tại khu cách ly kiểm dịch thực vật.
- Nội dung, trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển cửa khẩu, gửi vào kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luậtvề bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
3.2.1.4. Áp dụng biện pháp kiểm dịch y tế biên giới (điều 64)
- Hàng hóa thuộc diện kiểm dịch y tế biên giới trước khi xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải được kiểm dịch theo quy định của pháp luậtvề phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
- Nội dung, trình tự, thủ tục kiểm dịch y tế biên giới thực hiện theo quy định của pháp luậtvề phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
3.2.2. Áp dụng biện pháp kiểm tra đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là đối tượng phải kiểm tra bao gồm:
a) Hàng hóa phải áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch theo quy định của Pháp luật
b) Hàng hóa có tiềm ẩn khả năng gây mất an toàn hoặc hàng hóa có khả năng gây mất an toàn theo thông tin cảnh báo từ các tổ chức quốc tế, khu vực, nước ngoài;
c) Hàng hóa mà cơ quan có thẩm quyền phát hiện không phù hợp và phải tăng cường kiểm tra theo quy định của pháp luật.
3.3. Quản lý hoạt động của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh
Quyền kinh doanh xuất nhập khẩu
Nhà nước quản lý quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu theo ba đối tượng:
- Thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
- Thương nhân là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
- Thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt nam
Chi tiết nội dung này xem tại bài viết: Quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu tại Việt Nam
3.4. Các biện pháp quản lý bằng công cụ thuế
Quản lý nhà nước về hải quan bằng công cụ thuế do Bộ Tài chính chủ trì tổ chức thực hiện, cụ thể Bộ Tài chính ban hành các chính sách về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gồm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. Trong các chính sách đó thể hiện chính sách ưu đãi thuế, miễn thuế, xét miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế v.v… Ngoài việc quy định chính sách thuế Bộ Tài chính còn ban hành các quy định về tổ chức thực hiện các sắc thuế đó,được thể hiện trong Luật quản lý thuế và các văn bản thi hành, hướng dẫn thực hiện Luật quản lý thuế.
Nội dung này xem tại các bài viết:
3.5. Các biện pháp quản lý khác
3.5.1. Các biện pháp phòng vệ thương mại quản lý ngoại thương
Các biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm
- Biện pháp chống bán phá giá
- Biện pháp chống trợ cấp
- Biện pháp tự vệ
do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam trong những trường hợp cụ thể.
Biện pháp chống bán phá giá
1. Biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (biện pháp chống bán phá giá) là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
2. Hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam với giá thấp hơn giá thông thường là giá có thể so sánh được của hàng hóa tương tự bán tại nước xuất khẩu hoặc tại một nước thứ ba trong các điều kiện thương mại thông thường hoặc mức giá mà Cơ quan điều tra xác định bằng phương pháp tự tính toán.
3. Các biện pháp chống bán phá giá bao gồm:
a) Áp dụng thuế chống bán phá giá;
b) Cam kết về các biện pháp loại trừ bán phá giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá với Cơ quan điều tra của Việt Nam hoặc với các nhà sản xuất trong nước nếu được Cơ quan điều tra chấp thuận.
Biện pháp chống trợ cấp
1. Biện pháp chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (sau đây gọi là biện pháp chống trợ cấp) là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
2. Các biện pháp chống trợ cấp bao gồm:
a) Áp dụng thuế chống trợ cấp;
b) Cam kết của tổ chức, cá nhân hoặc của Chính phủ nước sản xuất, xuất khẩu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam về việc tự nguyện chấm dứt trợ cấp, giảm mức trợ cấp, cam kết điều chỉnh giá xuất khẩu;
c) Các biện pháp chống trợ cấp khác.
Biện pháp tự vệ
1. Biện pháp tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam (sau đây gọi là biện pháp tự vệ) là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được nhập khẩu quá mức vào Việt Nam gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.
2. Các biện pháp tự vệ bao gồm:
a) Áp dụng thuế tự vệ;
b) Áp dụng hạn ngạch nhập khẩu;
c) Áp dụng hạn ngạch thuế quan;
d) Cấp giấy phép nhập khẩu;
đ) Các biện pháp tự vệ khác.
3.5.2. Biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong hoạt động ngoại thương
Các trường hợp áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp đối với hàng hóa bao gồm:
- Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra chiến tranh, tham gia chiến tranh, xung đột hoặc có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia của Việt Nam.
- Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó.
- Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra sự cố, thiếu sót, sai sót kỹ thuật mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó.
- Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học của Việt Nam mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc có cơ sở khoa học chứng minh được sự ảnh hưởng đó.
- Mất cân đối nghiêm trọng của cán cân thanh toán.
- Các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy định của pháp luật.
3.5.3. Các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương
1. Nhà nước có chính sách phát triển hoạt động ngoại thương thông qua các biện pháp sau đây:
a) Hoạt động tín dụng do Chính phủ quy định phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy hoạt động ngoại thương bao gồm hỗ trợ xây dựng, bảo vệ, phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm trong nước ra thị trường nước ngoài; thiết lập và cung cấp hệ thống thông tin xúc tiến thương mại; kết nối giao thương giữa các thương nhân nhằm thúc đẩy xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu quả để phục vụ sản xuất trong nước hoặc gia công xuất khẩu;
c) Các biện pháp khác nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, nhập khẩu.
2. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước và nước ngoài được tham gia phát triển hoạt động ngoại thương phù hợp với quy định của pháp luật.
3. Các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương phải phù hợp với định hướng của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, chiến lược ngoại thương trong từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
4. Các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương được thực hiện hiệu quả, có sự phối hợp với các biện pháp thúc đẩy đầu tư, du lịch.
4. Nguyên tắc áp dụng Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan
Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là tập hợp các công cụ mà Nhà nước Việt Nam áp dụng để tác động đến các hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa
Chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu thay đổi theo thời gian và lộ trình cam kết với quốc tế. Vì vậy, khi chính sách thay đổi thì thủ tục hải quan cũng có sự thay đổi cho phù hợp
Danh sách cấm: Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu: không được xuất, nhập khẩu
Hàng hóa theo hạn ngạch; chế độ giấy phép nhập khẩu tự động: Hải quan căn cứ giấy phép Bộ Công thương để giải quyết
Hàng hóa quản lý theo giấy phép: Hải quan căn cứ giấy phép xuất khẩu; giấy phép nhập khẩu do các Bộ, ngành cấp; đối chiếu thực tế hàng hóa xuất khẩu, khẩu với điều kiện, tiêu chuẩn, quy định do các Bộ, ngành công bố để giải quyết thủ tục theo quy định.
Hàng hóa phải kiểm tra chất lượng:
Căn cứ theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa thì việc kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa tiến hành đối với hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 (Sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn hoặc hàng hóa khác khi có dấu hiệu, nguy cơ gây mất an toàn).
Các Bộ, ngành có chức năng thực hiện quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá sẽ công bố Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc lĩnh vực Bộ, ngành mình phụ trách; ban hành quy định về cách thức kiểm tra, chỉ định các cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa để thực hiện.
Hải quan căn cứ thông báo kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đáp ứng yêu cầu chất lượng của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa để giải quyết thủ tục hải quan theo quy định.
Thông quan đối với hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng
– Hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng phải kiểm tra chất lượng chỉ được thông quan khi cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa ra thông báo kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu đáp ứng yêu cầu chất lượng.
– Trường hợp hàng hóa nhập khẩu do cơ quan Hải quan cho phép tạm thời thông quan trước, kiểm tra chất lượng sau thì cơ quan Hải quan chỉ cho giải phóng hàng sau khi người nhập khẩu hàng hóa đã đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu cơ quan kiểm tra. Sau khi được tạm thời thông quan, người nhập khẩu phải liên hệ với cơ quan kiểm tra để thực hiện việc kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Cơ quan Hải quan chỉ làm thủ tục chính thức thông quan khi hàng hóa có thông báo kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu đáp ứng yêu cầu chất lượng.
– Trường hợp hàng hóa nhập khẩu do cơ quan Hải quan cho phép tạm thời thông quan trước, kiểm tra chất lượng sau thì người nhập khẩu không được phép đưa hàng hóa đó ra lưu thông trên thị trường nếu chưa hoàn thành việc kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
Hàng hóa phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm
– Các Bộ, ngành có chức năng thực hiện quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm ban hành Danh mục kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa thuộc lĩnh vực Bộ, ngành mình phụ trách; quy định cụ thể thủ tục và hồ sơ đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm; công bố các cơ quan thực hiện kiểm tra.
– Nguyên tắc áp dụng trong thủ tục hải quan: Hải quan căn cứ giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc thông báo miễn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp giải quyết thủ tục hải quan theo quy định.
Hàng hóa phải kiểm dịch
– Kiểm dịch y tế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh
Chủ hàng phải khai báo y tế đối với hàng hóa để được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch y tế khi nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh, trừ trường hợp hàng hóa quá cảnh mà không bốc dỡ khỏi phương tiện.
– Kiểm dịch thực vật, động vật, thủy sản
Bộ, ngành ban hành Danh mục hàng hóa thuộc đối tượng phải kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thủy sản; quy định cụ thể thủ tục và hồ sơ đăng ký kiểm dịch; công bố các cơ quan thực hiện kiểm dịch.
– Nguyên tắc áp dụng trong thủ tục hải quan
Hàng hóa thuộc đối tượng phải kiểm dịch chỉ được thông quan khi có giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu của cơ quan kiểm dịch cấp.
Xem thêm nội dung này xem tại các bài viết:
- Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Các chỉ tiêu trên tờ khai nhập khẩu
- Các chỉ tiêu trên tờ khai xuất khẩu
Hãy liên lạc ngay với chúng tôi nếu bạn muốn được tư vấn về thuế xuất nhập khẩu hoặc thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa hay để nhận báo giá, dự toán thời gian vận chuyển
Công ty TNHH HP Toàn Cầu
Nhà cung cấp Dịch vụ Vận chuyển quốc tế và thủ tục hải quan
Địa chỉ: Số 13, LK3 – NO03 – Khu đô thị Văn Khê – Phường La Khê – Quận Hà Đông – Hà Nội
Website : hptoancau.com
Email: info@hptoancau.com
Điện thoại: 024 3 73008608/ Hotline:08 8611 5726
hoặc yêu cầu báo giá theo link
Lưu ý:
– Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, trước khi sử dụng, bạn nên liên lạc HP Toàn Cầu để update nội dung cập nhật nhất (nếu có)
– HP Toàn Cầu giữ bản quyền với bài viết và không đồng ý đơn vị khác sao chép, sử dụng bài viết của HP Toàn Cầu vì mục đích thương mại
– Mọi sự sao chép không có thỏa thuận với HP Toàn Cầu (kể cả có ghi dẫn chiếu website hptoancau.com) có thể dẫn đến việc chúng tôi claim với google và các bên liên quan.