Quyền tự do kinh doanh xuất khẩu nhập khẩu
Văn bản pháp quy
- Luật Quản lý ngoại thương – 05/2017/QH14 – 12/6/2017
- Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương
- Nghị định 90/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam
- Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
- Thông tư số 34/2013/TT-BCT ngày 24/12/2013 của Bộ Tài Chính Công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
- Công văn số Số: 8739/BCT-XNK ngày 07/12/2023 của Bộ Công thương V/v hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam
Quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu
1. Thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư nước ngoài
Quy định chung
Quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu đối với thương nhân Việt Nam không là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện như sau: (Điều 5 Luật Quản lý ngoại thương, điều 3, Nghị định 69/2018/NĐ-CP)
a) Thương nhân được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện các hoạt động khác có liên quan không phụ thuộc vào ngành, nghề đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu;
b) Thương nhân khi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo giấy phép, theo điều kiện phải đáp ứng các yêu cầu về giấy phép, điều kiện;
c) Chi nhánh của thương nhân Việt Nam được thực hiện hoạt động ngoại thương theo ủy quyền của thương nhân.
Câu hỏi: Doanh nghiệp Việt Nam không có vốn đầu tư nước ngoài có được xuất nhập khẩu mặt hàng không có trong đăng ký kinh doanh không?
Trả lời
Hoạt động xuất nhập khẩu chịu sự quản lý của Luật quản lý ngoại thương. Tuy nhiên xuất nhập khẩu hàng hóa là một phần trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu chịu sự quản lý của các luật và quy định khác nhau. Liên quan đến nội dung xuất nhập khẩu mặt hàng không có trong đăng ký kinh doanh, ngoài quy định tại Luật quản lý ngoại thương, chúng tôi xét thêm quy định tại Luật doanh nghiệp và quy định về đăng ký ngành nghề kinh doanh.
Theo quy định tại Luật quản lý ngoại thương, Với Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Việt Nam và hàng hóa không thuộc danh mục cấm nhập khẩu và danh mục hàng hóa tạm ngừng nhập khẩu thì Quý công ty có quyền nhập khẩu mà chưa cần thay đổi đăng ký kinh doanh (thực tế chúng tôi làm dịch vụ hải quan nhiều năm thì với các doanh nghiệp trong nước, thông thường, cơ quan hải quan không yêu cầu nộp giấy đăng ký kinh doanh để chứng minh ngành nghề kinh doanh).
Quy định về đăng ký ngành nghề kinh doanh
Khoản 4, điều 49 “Thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh” của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/09/2015 của Chính phủ về Đăng ký doanh nghiệp quy định:
“Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh với Phòng Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi. Trường hợp có thay đổi mà doanh nghiệp không thông báo thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.”
Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư hiện hành được quy định tại nghị định số 50/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01 tháng 06 năm 2016, như sau:
“Điều 31. Vi phạm quy định về về việc thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 01 đến 30 ngày.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh các nội dung theo quy định đối với hành vi vi phạm tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.”“
Kết luận: Với mặt hàng doanh nghiệp chưa có trong đăng ký kinh doanh thì vẫn được phép xuất – nhập khẩu. Tuy nhiên, để thuận lợi cho các công việc hạch toán, làm việc với các cơ quan chức năng và tránh bị phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thì doanh nghiệp nên thông báo việc bổ sung ngành nghề kinh doanh trong thời hạn quy định.
2.Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
Doanh nghiệp vốn nước ngoài phải đăng ký ngành nghề kinh doanh xuất nhập khẩu
Quyền xuất nhập khẩu của công ty có vốn nước ngoài được quy định chi tiết tại nghị định 23/2006/NĐ-CP (Hướng dẫn bởi thông tư 08/2013/TT-BCT) và từ 15/01/2018 đã bị thay thế bởi nghị định 08/2018/NĐ-CP quy định công ty vốn nước ngoài phải ghi nhận quyền xuất nhập khẩu trong giấy phép kinh doanh do Sở công thương tỉnh, thành phố cấp. Theo quy định này thì công ty vốn nước ngoài sẽ phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định nếu không muốn bị xử phạt về lỗi kinh doanh trái pháp luật.
Quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu
a) Thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của Luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Bộ Công Thương công bố Danh mục hàng hóa, lộ trình thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Thực hiện quyền xuất khẩu thông qua mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài dưới hình thức đứng tên trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu.
Quyền xuất khẩu không bao gồm quyền tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu;
(Trừ HH cấm XK, không được quyền XK; HH XK có điều kiện phải đáp ứng điều kiện quy định)
c) Thực hiện quyền nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam dưới hình thức đứng tên trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu.
Quyền nhập khẩu không bao gồm quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam.
(Trừ HH cấm NK, không được quyền NK; HH NK có điều kiện phải đáp ứng điều kiện quy định)
Các quyền của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Phải có giấy phép kinh doanh
a) Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa, không bao gồm hàng hóa tại điểm c khoản 4 Điều 9- NĐ09
b) Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa tại điểm b khoản 4 Điều 9- NĐ09
c) Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa quy định tại điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định 09
d) Cung cấp dịch vụ logistics; trừ các phân ngành dịch vụ logistics mà VN có cam kết mở cửa thị trường
đ) Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính; trừ MMTB XD có người vận hành;
e) Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm dịch vụ quảng cáo;
g) Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại;
h) Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
i) Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.
3. Thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam
Nội dung này được tổng hợp tại Công văn số Số: 8739/BCT-XNK ngày 07/12/2023 của Bộ Công thương V/v hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam
1. Khoản 3 Điều 5 Luật Quản lý ngoại thương quy định như sau:
“3. Thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thuộc các nước, vùng lãnh thổ (sau đây gọi chung là nước) là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và các nước có thỏa thuận song phương với Việt Nam có quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Khoản 3 Điều 3 Nghị định 90/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam quy định:
“3. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; quyền xuất khẩu; quyền nhập khẩu; quyền phân phối được giải thích tại Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ.”
Nghị định 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ được thay thế bởi Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, Điều 2 và Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu như sau:
“2. Quyền xuất khẩu là quyền mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu. Quyền xuất khẩu không bao gồm quyền mua hàng hóa từ các đối tượng không phải là thương nhân để xuất khẩu, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
3. Quyền nhập khẩu là quyền được nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu. Quyền nhập khẩu không bao gồm quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác. ”
– Trường hợp thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam chỉ được thực hiện trong phạm vi quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 90/2007/NĐ-CP và Nghị định số 09/2018/NĐ-CP nêu trên và cần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam theo Nghị định số 90/2007/NĐ-CP .
2. Trường hợp thương nhân nước ngoài đặt gia công hàng hóa tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Mục I. Gia công trong thương mại tại Chương VI Luật Thương mại 2005, Điều 51 Luật Quản lý ngoại thương và Chương V. Gia công hàng hóa có yếu tố nước ngoài tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.
Hãy liên lạc ngay với chúng tôi nếu bạn muốn được tư vấn về thuế xuất nhập khẩu hoặc thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa hay để nhận báo giá, dự toán thời gian vận chuyển
Công ty TNHH HP Toàn Cầu
Nhà cung cấp Dịch vụ Vận chuyển quốc tế và thủ tục hải quan
Địa chỉ: Số 13, LK3 – NO03 – Khu đô thị Văn Khê – Phường La Khê – Quận Hà Đông – Hà Nội
Website : hptoancau.com
Email: info@hptoancau.com
Điện thoại: 024 3 73008608/ Hotline:08 8611 5726
hoặc yêu cầu báo giá theo link
Lưu ý:
– Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, trước khi sử dụng, bạn nên liên lạc HP Toàn Cầu để update nội dung cập nhật nhất (nếu có)
– HP Toàn Cầu giữ bản quyền với bài viết và không đồng ý đơn vị khác sao chép, sử dụng bài viết của HP Toàn Cầu vì mục đích thương mại
– Mọi sự sao chép không có thỏa thuận với HP Toàn Cầu (kể cả có ghi dẫn chiếu website hptoancau.com) có thể dẫn đến việc chúng tôi claim với google và các bên liên quan.