1. Khái niệm
Séc là một lệnh vô điều kiện của người chủ tài khoản ra lệnh cho ngân hàng rút một số tiền nhất định từ tài khoản của mình để trả cho người có tiền trong séc, hoặc trả theo lệnh của người này trả cho người khác hoặc trả cho người cầm séc.
Séc có giá trị thanh toán trực tiếp như tiền tệ, do vậy séc phải có những quy định về nội dung và hình thức theo luật định. Năm 1931, nhiều nước như Đức, Pháp, Ý, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Áo, Bồ Đào Nha đã họp ở Geneva để ký một công ước điều chỉnh về séc quốc tế.
Ở Việt Nam đã có nhiều văn bản pháp lý do Chính phủ ban hành điều chỉnh về séc, nhưng chủ yếu là văn bản dưới luật. Bắt đầu từ 07/2006, séc lưu thông ở Việt Nam đã được điều chỉnh bởi Luật các công cụ chuyển nhượng Việt Nam 2005.
Những yêu cầu pháp lý đối với nội dung séc
Những nội dung bắt buộc ghi trên séc lưu thông theo Luật thống nhất về séc thuộc Công ước Geneva 1931 cũng tương tự như quy định trong Luật các công cụ chuyển nhượng của Việt Nam năm 2005 thường bao gồm các nội dung sau:
2. Tiêu đề séc
2.1. Séc phải ghi tiêu đề, nếu không ghi, séc sẽ vô hiệu
2.1. Lệnh rút tiền vô điều kiện
Người phát hành séc phải là người có tài khoản mở ở ngân hàng, người phát hành séc được quyền ra lệnh cho ngân hàng trích một số tiền nhất định từ số dư Có để trả cho người cầm séc.
Việc chấp hành lệnh của ngân hàng mở tài khoản là vô điều kiện, bởi vì ngân hàng mở tài khoản không quan tâm đến nguyên nhân của việc gửi tiền vào và rút tiền ra khỏi tài khoản của chủ tài khoản.
2.3. Số tiền của séc là một số tiền nhất định
Số tiền nhất định là một số tiền được ghi một cách đơn giản và rõ ràng, người ta có thể nhận dạng ra ngay số tiền đó là bao nhiêu mà không cần phải tính toán dù cho là phép tính đơn giản.
2.4. Địa điểm trả tiền
Địa điểm nhận tiền của séc là nơi mà người thụ hưởng xuất trình séc để nhận tiền hoặc là nơi mà người thụ hưởng séc chỉ định cho ngân hàng nhờ thu xuất trình séc để nhận tiền.
2.5. Thời hạn trả tiền
Khác hoàn toàn với hối phiếu, thời hạn trả tiền của séc chỉ có thể là trả tiền ngay khi xuất trình. Một lệnh rút tiền phải có giá trị thực hiện ngay, không thể có kỳ hạn, bởi vì đặc điểm của lưu thông séc là có giá trị thanh toán trực tiếp như tiền tệ.
2.6. Người bị ký phát
Người bị ký phát ghi trên séc là một trung gian tài chính nắm giữ tài khoản của người ký phát séc.
2.7. Ngày và địa điểm phát hành
Trên séc cần có ngày và địa điểm phát hành
2.8. Chữ ký của người ký phát séc
Người ký phát séc là người có tài khoản mở tại ngân hàng hoặc các trung gian tài chính khác.
Ký séc phải ký bằng tay, các loại ký khác đều vô giá trị
3. Những yêu cầu pháp lý đối với hình thức séc
Hình thức của séc là do tổ chức mở tài khoản cho khách hàng quyết định. Các tổ chức mở tài khoản cho khách hàng gọi chung là tổ chức cung ứng séc trắng cho khách hàng
Séc gồm hai phần: cuống séc và thân séc. Séc trắng được đóng thành quyển và có số thứ tự. Khi phát séc, người ký phát phải ghi các thông tin của lệnh rút tiền lên cả phần cuống và phần thân séc. Thân séc sẽ được chuyển giao cho người thụ hưởng séc. Cuống séc được lưu lại trong quyển séc để sau này quyết toán với ngân hàng trả tiền.
Các tờ séc bị ký hỏng sẽ không được xé đi mà phải gạch chéo trên mặt séc, gập lại và xếp vào cuống séc.
Những quy định trên không áp dụng đối với séc du lịch.
4. Các loại séc
4.1. Séc ghi tên (Nominated check)
Là loại séc ghi rõ tên người thụ hưởng. Loại séc này không thể chuyển nhượng được bằng thủ tục ký hậu, chỉ có người thụ hưởng có tên trên séc mới được lĩnh tiền ở ngân hàng.
4.2. Séc vô danh (Nameless check)
Là loại séc không ghi tên người thụ hưởng, chỉ ghi câu ‘trả cho người cầm séc’. Bất cứ ai cầm séc này cũng có thể trở thành người thụ hưởng. Đối với séc này, khi chuyển nhượng không cần ký hậu, mà chỉ cần trao tay.
4.3. Séc theo lệnh (Check to order)
Là loại séc có ghi trả theo lệnh của người thụ hưởng có tên trên séc. Trên tờ séc ghi ‘Trả theo lệnh của ông X’. Loại này có thể chuyển nhượng được bằng thủ tục ký hậu như cách ký hậu của hối phiếu.
Đứng ở góc độ khác, séc có thể chia ra các loại khác nhau:
4.4. Séc gạch chéo (Crossed check)
Là loại séc mà trên mặt trước của nó có hai gạch chéo song song với nhau. Séc gạch chéo không thể dùng để rút tiền mặt, thường được dùng để chuyển khoản qua ngân hàng. Séc gạch chéo bằng hai cách:
- Séc gạch chéo thường (Check crossed generally) gạch chéo không tên tức là giữa hai gạch song song không ghi tên ngân hàng lĩnh hộ tiền.
- Séc gạch chéo đặc biệt (Check crossed specially) là séc gạch chéo có ghi tên, tức là giữa hai gạch song song có ghi tên một ngân hàng nào đó. Với cách ghi này, chỉ có ngân hàng đó mới có quyền lĩnh hộ tiền mà thôi. Gạch chéo không tên có thể chuyển thành gạch chéo có tên.Trái lại gạch chéo có tên không thể chuyển thành gạch chéo không tên bằng cách xóa tên. Mục đích của séc gạch chéo là nhằm tránh dùng séc để rút tiền mặt và nếu là séc gạch chéo có tên ngân hàng thì có nghĩa là người thụ hưởng séc chính thức nhờ ngân hàng đó lĩnh hộ tiền cho mình và chỉ có ngân hàng ấy mà thôi. Các nội dung ghi giữa hai gạch chéo song song có thể như sau:
- Đối với gạch chéo thường:
+ Hoặc không ghi chữ gì cả;
+ Hoặc ghi ‘và công ty’ (&Co);
+ Hoặc ghi ‘không có giá trị chuyển nhượng’ (non-negotiable);
+ Hoặc ghi ‘chỉ trả vào tài khoản của người hưởng lợi’ (A/C payee only);
- Đối với séc gạch chéo đặc biệt:
+ Hoặc ghi tên một ngân hàng nào đó vào giữa gạch chéo.
+ Hoặc ghi ‘không có giá trị chuyển nhượng, trừ ngân hàng A’ (not negotiable/Bank A);
Mẫu gạch chéo thường/đặc biệt (ảnh trang 148)
4.5. Séc chuyển khoản (Transferable check) là loại séc mà Người ký phát séc ra lệnh cho ngân hàng trích tiền từ tài khoản của mình để chuyển trả sang một tài khoản khác của một người khác trong hoặc khác ngân hàng. Séc chuyển khoản không thể chuyển nhượng được và không thể lĩnh được tiền mặt.
4.6. Séc xác nhận (Certified check) là loại séc được ngân hàng xác nhận việc trả tiền. Mục đích của việc xác nhận này là nhằm đảm bảo khả năng chi trả của tờ séc, chống phát séc khống, ngân hàng ký xác nhận trên tờ séc bằng công thức như ‘Xác nhận số tiền…trả đến ngày…tại ngân hàng…’ ký tên. Bắt đầu từ lúc xác nhận séc, ngân hàng sẽ trích số tiền của séc từ tài khoản của khách hàng lưu ký sang tài khoản séc xác nhận trong suốt thời hạn hiệu lực của séc và bị lưu giữ ở đây cho đến khi nào séc xác nhận được thực hiện hoặc hết hiệu lực.
4.7. Séc du lịch (Traveller’s check) là loại séc do ngân hàng phát hành và được trả tiền tại bất cứ một chi nhánh hay đại lý nào của ngân hàng đó. Ngân hàng phát séc đồng thời cũng là ngân hàng trả tiền. Trên séc du lịch phải có chữ ký của Người thụ hưởng. Khi lĩnh tiền tại ngân hàng được chỉ định, Người thụ hưởng phải ký tại chỗ để ngân hàng kiểm tra, nếu đúng, ngân hàng mới trả tiền. Thời gian hiệu lực của séc du lịch là vô hạn. Trên séc du lịch có ghi rõ khu vực các ngân hàng trả tiền, ngoài khu vực đó, sẽ không có giá trị lĩnh tiền.
4.8. Séc cá nhân quốc tế (Private check) là séc của các chủ tài khoản mở ở ngân hàng phát hành. Các chủ tài khoản này thường gồm có: doanh nghiệp, đơn vị kinh tế, đơn vị hành chính sự nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, cá nhân…miễn không phải là ngân hàng. Đặc điểm của séc cá nhân:
– Người phát hành séc cá nhân là các chủ tài khoản mở tại các ngân hàng;
– Người chấp hành lệnh rút tiền là các ngân hàng nắm giữ tài khoản;
– Số tiền của séc phụ thuộc vào yêu cầu chi trả của người phát séc;
– Ngân hàng trả tiền cho Người thụ hưởng chỉ sau khi séc được xuất trình cho ngân hàng và phải được sự đồng ý của Người ký phát séc.
4.9. Séc ngân hàng quốc tế (Bank’s check) là séc của ngân hàng này phát hành ra lệnh cho ngân hàng đại lý nắm giữ tài khoản của mình trích một số tiền nhất định từ tài khoản đó trả cho Người thụ hưởng có tên trên séc. Séc ngân hàng có những đặc điểm sau đây:
– Người yêu cầu ngân hàng phát hành séc là con nợ, là người nhập khẩu, là chủ đầu tư, là người cần chuyển vốn ra nước ngoài…;
– Người phát hành séc là ngân hàng thực hiện yêu cầu phát séc;
– Người chấp hành lệnh rút tiền là ngân hàng đại lý của ngân hàng phát hành hiện đang nắm giữ tài khoản của ngân hàng phát hành;
– Số tiền của séc có thể là một số tiền nhất định theo yêu cầu của người yêu cầu, song cũng có thể là số tiền chẵn theo mệnh giá séc (ví dụ: mệnh giá tối thiểu 10.000 USD và mệnh giá tối đa là bội số của mệnh giá tối thiểu);
– Khi séc được xuất trình, ngân hàng đại lý sẽ thực hiện lệnh ngay, không cần có ý kiến của ngân hàng phát séc.
4.10. Séc điện tử được thiết lập trên cơ sở séc giấy nhưng điểm khác biệt ở đây là sử dụng dữ liệu điện tử để tạo lập nội dung, ký tên, ký hậu séc và chuyển giao séc bằng phương tiện điện tử thông thường hoặc kỹ thuật số.
Quá trình thanh toán bằng séc điện tử theo trình tự sau (ảnh trang 150)
5. Các nghiệp vụ lưu thông séc
Séc được chuyển từ địa điểm phát hành séc đến địa điểm trả tiền séc gọi là lưu thông séc. Lưu thông séc bao gồm hai loại có ý nghĩa khác nhau, một là lưu thông chuyển giao séc, hai là lưu thông chuyển nhượng séc.
Lưu thông chuyển giao séc là việc lưu thông séc từ địa điểm phát hành séc đến địa điểm trả tiền séc nhưng không làm thay đổi quyền sở hữu séc của Người thụ hưởng séc.
Ví dụ: người nhập khẩu sau khi nhận hàng xong
- Ký séc (Private check) để trả tiền cho người xuất khẩu và trực tiếp trao séc cho anh ta;
- Người xuất khẩu là Người thụ hưởng séc không thể tự mình thu tiền séc mà phải nhờ ngân hàng thu hộ;
- Ngân hàng nước xuất khẩu ủy thác cho ngân hàng nước nhập khẩu thu séc;
- Ngân hàng xuất trình séc cho người nhập khẩu yêu cầu trả tiền.
Từ khâu (1) đến khâu (4) là khâu chuyển giao séc, không có việc thay đổi quyền sở hữu séc đối với Người thụ hưởng séc.
Lưu thông chuyển nhượng séc là việc chuyển giao séc từ Người thụ hưởng này sang Người thụ hưởng khác có làm thay đổi quyền hưởng lợi séc giữa các người thụ hưởng. Để séc có thể thay cho tiền mặt chấp hành chức năng phương tiện lưu thông một cách thuận lợi, việc chuyển nhượng séc phải được tiến hành đơn giản, nhanh gọn và tức thời, người ta quy định một thủ tục chuyển nhượng hữu hiệu đó là ký hậu séc (endorsement), tránh thủ tục chuyển nhượng phức tạp như quy định của dân luật.
5.1. Ký hậu séc (Endorsement)
Ký hậu séc cũng giống như ký hậu hối phiếu. Do đặc thù của lưu thông séc là có giá trị thanh toán trực tiếp như tiền tệ, cho nên ký hậu séc cần tôn trọng những quy định sau đây:
- Những yêu cầu về nội dung ký hậu
- Người ký hậu là Người thụ hưởng có tên trên séc.
- Ký hậu có hiệu lực khi Người thụ hưởng kế tiếp tiếp nhận séc.
- Người ký hậu chuyển nhượng séc cho Người thụ hưởng kế tiếp là để trả nợ, tuy nhiên nghĩa vụ trả nợ vẫn chưa được coi là đã hoàn thành, nếu như Người thụ hưởng kế tiếp chưa nhận được tiền từ ngân hàng trả tiền.
- Người thụ hưởng hiện hành có thể ký hậu chuyển nhượng séc cho người ký phát séc, nếu như anh ta cần chuyển nhượng quyền hưởng lợi séc cho người ký phát séc hoặc có thể ký hậu chuyển nhượng cho bất cứ người nào đã ký trên tờ séc.
- Thể hiện bằng ngôn ngữ ý chí chuyển nhượng quyền hưởng lợi séc cho một người khác. Có mấy loại ý chí chuyển nhượng:
+ Chuyển nhượng cho một người đích danh. Với cách ký hậu này, séc sẽ không được chuyển nhượng kế tiếp bằng thủ tục ký hậu tiếp theo.
+ Chuyển nhượng cho bất cứ người nào cầm séc hoặc chỉ ký mà không chỉ định ai là Người thụ hưởng kế tiếp. Ký hậu này gọi là ký hậu để trắng hoặc ký hậu cho người cầm séc. Với cách ký hậu này, việc chuyển nhượng séc thực hiện bằng cách trao tay, không cần ký hậu kế tiếp nữa. Ký hậu để trắng có thể biến thành ký hậu đích danh bằng cách điền tên người khác vào trước chữ ký của người ký hậu.
+ Chuyển nhượng theo lệnh của một người đích danh. Với cách ký hậu theo lệnh này, séc có thể tiếp tục ký hậu cho đến khi nào hết thời hạn phải xuất trình séc.
- Ký hậu phải vô điều kiện. Nếu ký hậu có kèm theo một hay một số điều kiện nào đó, thì hoặc là coi như là không có các điều kiện đó hoặc là coi ký hậu đó vô hiệu.
- Ký hậu phải chuyển nhượng toàn bộ quyền hưởng lợi của séc, việc chuyển nhượng một phần quyền hưởng lợi của séc là vô hiệu, bởi vì không thể thực hiện việc chia sẻ quyền lợi phát sinh của séc cho nhiều người thụ hưởng.
- Ký hậu miễn truy đòi là loại ký hậu mà người ký hậu ghi thêm vào ý chí chuyển nhượng là không được đòi lại tiền người ký hậu. Trong trường hợp séc không được thanh toán, người thụ hưởng đang cầm séc vẫn có quyền đòi lại tiền người ký phát séc.
- Người thụ hưởng séc quốc tế không thể tự mình thu tiền từ tờ séc, mà phải ủy quyền cho ngân hàng thu hộ theo phương thức thanh toán nhờ thu. Ngân hàng muốn thu được tiền của séc thì phải chứng minh mình là người được người thụ hưởng ủy quyền đứng ra thu tiền séc, vì vậy, ký hậu ủy quyền phát sinh. Ký hậu ủy quyền không làm thay đổi quyền sở hữu séc từ người ký hậu sang ngân hàng. Để tránh nhầm lẫn với ký hậu chuyển nhượng, ký hậu ủy quyền phải thể hiện ý chí ủy quyền của người ký hậu. Ví dụ ghi ‘Để nhờ thu’ (For collection).
- Những yêu cầu về hình thứ ký hậu
- Ký hậu vào mặt sau của séc, không ký vào mặt trước nhằm tránh nhầm lẫn với ký bảo lãnh thanh toán séc.
- Có thể ký hậu vào một tiếp phiếu. Tiếp phiếu phải được gắn với séc và thể hiện là một bộ phận cấu thành nội dung của séc.
- Người ký hậu chuyển nhượng séc phải ký bằng tay hay còn gọi là ký gốc tức là ký trực tiếp vào tờ séc. Chữ ký của người ký phát séc phải là chữ ký của người chủ tài khoản mà séc ra lệnh rút tiền từ tài khoản đó hoặc là chữ ký ủy quyền.
5.2. Bảo lãnh thanh toán
Việc trả tiền séc quốc tế thường được thực hiện ở nước khác nước của người ký phát séc. Do vậy, việc bảo lãnh thanh toán séc có quan hệ chặt chẽ với lưu thông séc quốc tế.
Bảo lãnh thanh toán séc là việc người thứ ba cam kết với người thụ hưởng séc sẽ thanh toán vô điều kiện một phần hay toàn bộ số tiền của séc nếu khi xuất trình mà séc không được trả tiền.
- Những yêu cầu về nội dung bảo lãnh
- Người bảo lãnh là một người thứ ba, không thể là người ký phát cũng như không thể là ngân hàng trả tiền.
- Nội dung bảo lãnh phải ghi rõ là bảo lãnh cho ai: người ký phát séc hay người ký hậu séc. Bảo lãnh không ghi rõ là bảo lãnh cho ai thì coi là bảo lãnh cho người ký phát séc.
- Bảo lãnh là không thể hủy bỏ, ngoại trừ trường hợp séc vô hiệu.
- Bảo lãnh thanh toán séc là bảo lãnh độc lập, có nghĩa là người bảo lãnh thực thi nghĩa vụ thanh toán của mình như đã cam kết trong nội dung bảo lãnh ghi trên séc, ngoài ra không bị chi phối bởi các yếu tố, nội dung khác.
- Séc chứa đựng các quyền hợp pháp đối với lợi ích tương lai của séc mang lại cho người thụ hưởng séc. Bảo lãnh séc chỉ giới hạn về nghĩa vụ thanh toán séc, còn không bảo lãnh việc thực thi các quyền khác của séc.
- Những yêu cầu về hình thức bảo lãnh
- Bảo lãnh thanh toán séc được ghi ngay vào mặt trước của séc bằng một từ đơn giản như ‘nhận bảo lãnh’, ‘bảo lãnh’ cho ai và ký tên. Không ghi bảo lãnh ở mặt sau để tránh nhầm lẫn với ký hậu séc.
- Có thể bảo lãnh bằng một tiếp phiếu, nếu như không thể ghi bảo lãnh vào mặt trước của séc, tuy nhiên, tiếp phiếu phải thể hiện là bộ phận cấu thành nội dung của séc.
- Bảo lãnh bằng một văn thư riêng biệt cũng được áp dụng khá phổ biến trong thanh toán quốc tế. Văn thư đó là ‘Thư bảo lãnh’ (Letter of guarantee). Đặc điểm của bảo lãnh bằng văn thư riêng biệt là người bảo lãnh chỉ bị ràng buộc trách nhiệm đối với người nào được quy định trong thư bảo lãnh, tức là người thụ hưởng của thư bảo lãnh. Ngược lại, nếu bảo lãnh ký ngay trên tờ séc, người bảo lãnh sẽ phải bị ràng buộc trách nhiệm đối với tất cả những người có liên quan đã được chỉ định trên séc: người thụ hưởng đầu tiên, các người ký hậu, người ký phát, người bị ký phát.
Tài liệu tham khảo và dẫn chiếu trong bài viết:
- Giáo trình Quản trị tác nghiệp thương mại quốc tế – Học viện Tài chính
- Giáo trình nghiệp vụ ngoại thương – Đại học Kinh tế Quốc dân
- Giáo trình thanh toán quốc tế – Đại học Ngoại thương
- Các văn bản pháp quy về thủ tục hải quan hiện hành
Công ty TNHH HP Toàn Cầu
Nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển quốc tế, thủ tục hải quan và giấy phép xuất nhập khẩu
Địa chỉ: Số 13, LK3 – NO03 – Khu đô thị Văn Khê – Phường La Khê – Quận Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 08 8611 5726 hoặc Điện thoại: 024 73008608
Email: info@hptoancau.com
Lưu ý:
– Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, trước khi sử dụng, bạn nên liên lạc HP Toàn Cầu để update nội dung cập nhật mới nhất(nếu có)
– HP Toàn Cầu giữ bản quyền với bài viết và không đồng ý đơn vị khác sao chép, sử dụng bài viết của HP Toàn Cầu vì mục đích thương mại
– Mọi sự sao chép không có thỏa thuận với HP Toàn Cầu (kể cả có ghi dẫn chiếu website hptoancau.com) có thể dẫn đến việc chúng tôi claim với google và các bên liên quan.