CƠ CHẾ TỰ CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ TRONG CÁC FTA VIỆT NAM THAM GIA
Tự chứng nhận xuất xứ là gì? Ưu, nhược điểm của cơ chế này từ góc độ doanh nghiệp?
Tự chứng nhận xuất xứ là cơ chế cho phép nhà xuất khẩu (một số FTA cho phép cả nhà sản xuất và nhà nhập khẩu) được tự chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm của mình mà không phải đi xin chứng nhận xuất xứ từ một cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận xuất xứ. Theo cơ chế này, trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa sẽ chuyển từ cơ quan chuyên trách sang doanh nghiệp (nhà sản xuất, xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu). Doanh nghiệp được chủ động khai nhận xuất xứ cho hàng hóa của mình nhưng cũng đồng thời phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc khai nhận đó.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đây là một cơ chế chứng nhận xuất xứ rất mới bởi trước nay các doanh nghiệp đều phải xin chứng nhận xuất xứ tại một cơ quan có thẩm quyền do Nhà nước chỉ định. Tuy nhiên, với thế giới, cơ chế này đã trở nên rất phổ biến. Trong một số FTA mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ đã được ghi nhận, thậm chí là bắt buộc. Ví dụ CPTPP quy định bắt buộc sử dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo một lộ trình và sau một thời gian nhất định. EVFTA thì cho phép sử dụng song hành cả cơ chế tự chứng nhận xuất xứ và cơ chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ.
Từ góc độ doanh nghiệp, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ có nhiều ưu điểm so với cơ chế xin cấp chứng nhận xuất xứ truyền thống. Cụ thể, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ giúp cho doanh nghiệp:
- Tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc phải đi xin giấy chứng nhận xuất xứ ở một cơ quan có thẩm quyền
- Chủ động trong việc chuẩn bị các giấy tờ và thủ tục liên quan đến chứng nhận xuất, doanh nghiệp có thể khai thông tin về xuất xứ ngay trên các chứng từ thương mại (như hóa đơn, vận đơn, phiếu đóng gói…).
Tuy nhiên, việc tự chứng nhận xuất xứ cũng yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm cao hơn đối với các giấy tờ chứng nhận của mình, đồng thời phải chịu cơ chế kiểm soát (kiểm soát tức thời, kiểm soát hồi tố) chặt chẽ hơn từ các cơ quan chức năng (đặc biệt là cơ quan hải quan nước nhập khẩu), phải các chế tài nặng nếu vi phạm… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng các điều kiện Nhà nước đặt ra để được phép tự chứng nhận xuất xứ (mà trong không ít trường hợp, các điều kiện này rất khó đáp ứng).
Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN và ASEAN với đối tác?
(i) Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN
ASEAN hiện đang thực hiện 02 dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Điểm khác biệt cơ bản trong 02 dự án này là việc lựa chọn Nhà xuất khẩu đủ điều kiện được xem xét, cho phép tự chứng nhận xuất xứ. Cụ thể:
- Dự án thí điểm số 1: Cho phép các Nhà xuất khẩu (có thể là Nhà sản xuất hoặc Công ty thương mại) đủ điều kiện được tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa do họ sản xuất ra hoặc mua lại. Doanh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ trên bất kỳ chứng từ thương mại nào, bao gồm hóa đơn, vận đơn, phiếu đóng gói.
- Dự án thí điểm số 2:Chỉ cho phép các Nhà xuất khẩu đồng thời là Nhà sản xuất đủ điều kiện được tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa do chính họ sản xuất ra. Doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ trên hóa đơn thương mại gốc của hàng hóa.
Việt Nam hiện mới chỉ đang tham gia dự án thí điểm số 2.
Việc triển khai trên thực tế các dự án thí điểm này của ASEAN còn khá nhiều hạn chế như: Về điều kiện đối với Nhà xuất khẩu để được tự chứng nhận xuất xứ
Điều kiện đối với Nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ do các Nước thành viên ASEAN tự đặt ra (thể hiện trong pháp luật nội địa của từng nước) mà không có tiêu chí hay điều kiện chung nào trong ASEAN. Do đó các điều kiện được quy định rất khác nhau ở mỗi nước.
Về cơ chế quản lý rủi ro trong tự chứng nhận xuất xứ
Về nguyên tắc thì cơ chế tự chứng nhận xuất xứ ẩn chứa nhiều rủi ro gian lận hơn cơ chế chứng nhận xuất xứ truyền thống (do không có một cơ quan kiểm tra, giám sát sơ bộ trước khi chứng nhận). Do đó, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ thường đi kèm với cơ chế quản lý rủi ro chặt chẽ và chế tài xử phạt nặng đối với các hành vi gian lận. Tuy nhiên, ASEAN cũng không có thống nhất gì về cơ chế này, các nước tự thiết lập và duy trì cơ chế quản lý riêng của mình và doanh nghiệp phải hành động phù hợp với các cơ chế này. Một số nước ASEAN phát triển hơn đã thiết lập được cơ chế quản lý tương đối hiệu quả. Ví dụ Thái Lan: Nước này đã tham gia cả 2 Dự án thí điểm số 1 và số 2; hiện có số lượng các nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ lớn nhất trong các nước ASEAN; và có cơ chế kiểm soát được đánh giá là hiệu quả.
Còn đối với một số nước ASEAN kém phát triển hơn trong đó có Việt Nam, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ vẫn còn nhiều vướng mắc. Một mặt, do chưa có kinh nghiệm quản lý và lo ngại nguy cơ rủi ro, cơ quan Nhà nước đặt ra các điều kiện để được chứng nhận xuất xứ rất ngặt nghèo mà chỉ một vài doanh nghiệp có thể đáp ứng được. Mặt khác, do mới áp dụng, cơ chế này chưa tạo được niềm tin ở phía Nước đối tác, khiến hàng hóa phải chịu kiểm soát chặt hơn gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Ví dụ thời gian đầu thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ, Hải quan Thái Lan tiến hành xác minh với toàn bộ các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam sử dụng hóa đơn tự chứng nhận xuất xứ (thay vì chỉ kiểm tra ngẫu nhiên như khi cấp chứng nhận xuất xứ truyền thống).
(ii) Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong các FTA của ASEAN với đối tác?
Các FTA của ASEAN với Trung Quốc (ACFTA), Hàn Quốc (AKFTA), Nhật Bản (AJCEP), Ấn Độ (AIFTA), Australia/New Zealand (AANZFTA), Hồng Kông đều không đề cập đến cơ chế tự chứng nhận xuất xứ mà vẫn áp dụng cơ chế cấp chứng nhận xuất xứ truyền thống. Mặc dù các FTA này đều để ngỏ khả năng có thể đàm phán lại nhằm nâng cấp hiệp định nhưng cho tới thời điểm hiện tại các bản nâng cấp sửa đổi FTA (gần đây nhất là bản nâng cấp ACFTA) đều không đề cập đến cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.
Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong EVFTA?
Trước khi đàm phán EVFTA, phía EU đã và đang duy trì cơ chế tự chứng nhận xuất xứ cho các nhà xuất khẩu của mình.
Cụ thể, theo quy định của EU, các doanh nghiệp được EU cấp mã số ủy quyền (authorisa- tion number) sẽ được phép tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu. Để được cấp mã số ủy quyền tự chứng nhận xuất xứ doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng một số quy định tương đối chặt và cơ quan hải quan thường xuyên kiểm tra việc đáp ứng này. Bên cạnh hệ thống tự chứng nhận xuất xứ, đối với một số ít doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chuẩn tự chứng nhận xuất xứ, xuất khẩu ít hoặc xuất khẩu các lỗ hàng trị giá nhỏ (dưới 6.000 Euro), EU vẫn duy trì hệ thống tổ chức cấp C/O cho các đối tượng này.
Do việc sử dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ tại EU đã được thực hiện phổ biến và hiệu các đối tác FTA cam kết thực hiện cơ chế này. quả từ gần 2 thập kỷ trở lại đây, trong đàm phán các FTA với các đối tác, EU cũng yêu cầu
Trong EVFTA, mặc dù EU yêu cầu, Việt Nam vẫn bảo lưu tiếp tục áp dụng cơ chế cấp chứng nhận xuất xứ thông qua cơ quan có thẩm quyền (cơ chế chứng nhận xuất xứ truyền thống) và chỉ thực hiện tự chứng nhận xuất xứ khi nào thấy thích hợp với Việt Nam.
Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong EVFTA cũng có phạm vi hạn chế hơn so với CPTPP, khi chỉ cho phép nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ trong khi CPTPP cho phép cả nhà sản xuất, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ.
Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong CPTPP?
CPTPP là FTA có cam kết mở nhất về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ so với các FTA mà Việt Nam đã và đang đàm phán, với việc mở rộng đối tượng được tự chứng nhận xuất xứ đến cả 03 nhóm, bao gồm cả người nhập khẩu, người xuất khẩu và người sản xuất.
Cơ chế này của CPTPP thậm chí còn rộng hơn cơ chế tự chứng nhận xuất xứ phổ biến ở Mỹ (chỉ người nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ), hay EU (chỉ người xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ).
Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của CPTPP được đánh giá là một cơ chế linh hoạt và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu.
Tuy nhiên, CPTPP không bắt buộc Việt Nam phải áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực mà là theo lộ trình nhất định, cụ thể:
- Đối với hàng nhập khẩu, Việt Nam (và Brunei, Malaysia, Mexico, Peru) được phép bảo lưu chưa áp dụng hình thức nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực;
- Đối với hàng xuất khẩu, các nước (trong đó có Việt Nam) có thể áp dụng song song hai hình thức cấp giấy chứng nhận xuất xứ dưới đây trong 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực (và có thể gia hạn thêm 5 năm nữa):
Một cơ quan có thẩm quyền cấp (tức là vẫn như quy trình cấp chứng nhận xuất xứ hiện tại của Việt Nam), hoặc
Một nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ.
CPTPP có quy định khá chi tiết về các thủ tục, điều kiện ràng buộc về thời hạn, về cách thức mà các nước phải tuân thủ khi quy định về thủ tục chứng nhận xuất xứ theo từng trường hợp cụ thể. Đáng chú ý là các quy định về việc điều tra xác minh thông tin xuất xứ, về việc lưu giữ chứng từ chứng minh, về bảo mật….từ góc độ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Triển khai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trên thực tế
Mặc dù đã có thỏa thuận/cam kết về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong một số FTA, tính tới tháng 1/2022, mới có duy nhất cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN (theo ATIGA) được triển khai trên thực tế tại Việt Nam. Các trường hợp khác đều hoặc là chưa đến lộ trình thực hiện hoặc là chưa được Việt Nam quyết định thực hiện trên thực tế, theo đúng bảo lưu của Việt Nam trong các FTA liên quan.
Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ mà Việt Nam đang thực hiện trong ASEAN nằm trong khuôn khổ Dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong ATIGA số 2 (trong số 02 Dự án thí điểm) của ASEAN. Theo Dự án thí điểm số 2 này, chỉ các nhà xuất khẩu đồng thời là nhà sản xuất có thể tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa do chính họ sản xuất ra, và doanh nghiệp tư chứng nhận xuất xứ trên hóa đơn thương mại gốc của hàng hóa liên quan. Theo Dự án này, các nước xuất khẩu được tự quy định các điều kiện đối với nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ.
Trên thực tế, Việt Nam đã ban hành một số văn bản cụ thể quy định về điều kiện, quy trình thủ tục để doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ (đặc biệt là Thông tư 28/2015/TT–BCT và Thông tư 19/2020/TT–BCT) và tổ chức triển khai thực hiện trên thực tế.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai, số các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ của Việt Nam theo Dự án thí điểm này vẫn còn rất hạn chế (5-6 doanh nghiệp).
Theo các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì hạn chế này xuất phát từ một số nguyên nhân:
Cơ quan hải quan nước nhập khẩu thường yêu cầu xác minh đối với hàng hóa tự chứng nhận xuất xứ (do các cơ quan này cho rằng mức độ tin cậy của giấy tờ tự chứng nhận xuất xử có thể chưa cao so với C/O), do đó tự chứng nhận xuất xứ không hấp dẫn doanh nghiệp;
– Việc chi cho phép Tự chứng nhận xuất xứ trên hóa đơn gốc khiến các doanh nghiệp có sử dung hóa đơn Bên thứ ba không thể Tự chứng nhận xuất xứ. Trong khi đó, trường hợp sử dụng hóa đơn Bên thứ ba lại rất phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt với các doanh nghiệp FDI(vì các doanh nghiệp này gia công hàng hóa tại Việt Nam và xuất hóa đơn gia công, nhưng khi xuất khẩu thì hóa đơn xuất cho bên nhập khẩu lại do doanh nghiệp mẹ hoặc người đặt hàng nước ngoài xuất). Theo quy định thì việc Tự chứng nhận xuất xứ chỉ được thực hiện trên hóa đơn gốc (hóa đơn gia công của doanh nghiệp FDI) mà không được thực hiện trên hóa đơn của Bên thứ ba (ví dụ hóa đơn của công ty mẹ xuất cho bên nhập khẩu). Điều này khiến cho việc tự chứng nhận xuất xứ không có ý nghĩa đối với doanh nghiệp FDI.
Theo quy định trước đây của Việt Nam (Thông tư số 28/2015/TT–BCT quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong ATIGA) thì một trong những điều kiện để doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ là phải có kim ngạch xuất khẩu đi ASEAN được cấp C/O mẫu D của năm trước đó tối thiểu là 10 triệu USD. Đây là một rào cản lớn vì đa số các doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu như không thể đạt được mức giá trị xuất khẩu này. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chứ chưa xuất khẩu nhiều sang ASEAN nên cũng khó đạt ngưỡng quy định trên. Tuy nhiên, năm 2017 Bộ Công Thương đã ban hành quy định mới (Thông tư số 19/2020/TT–BCT của Bộ Công Thương ngày 14/08/2020 về việc sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN) trong đó đã bỏ điều kiện về ngưỡng kim ngạch xuất khẩu tối thiểu 10 triệu USD nói trên và thay bằng điều kiện doanh nghiệp phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa trở lên.
Từ góc độ doanh nghiệp, bên cạnh các lý do nêu trên, các quy định về điều kiện tự chứng nhận xuất xứ và quy trình để được công nhận quyền tự chứng nhận xuất xứ khó, phức tạp cũng là nguyên nhân chính cản trở việc tự chứng nhận xuất xứ
ĐIỀU KIỆN TỰ CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ CHO HÀNG HÓA XUẤT KHẤU THEO ATIGA CỦA VIỆT NAM
Đối với nhà xuất khẩu Việt Nam, để có thể đề nghị tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu theo ATIGA, nhà xuất khẩu Việt Nam phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
(i) Là nhà uất khẩu đồng thời là nhà sản xuất.
(ii) Không vi phạm quy định về xuất xứ hàng hóa trong 02 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
(iii) Có cán bộ được đào tạo về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo đã được Bộ Công Thương hoặc được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chỉ định.
Trường hợp đề nghị tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo cơ chế quy định tại Nghị định thư thứ nhất sửa đổi ATIGA thì:
Phải đáp ứng thêm điều kiện: Đã được cấp C/O ưu đãi đối với hàng hóa cùng nhóm HS (4 số) trong 02 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Văn bản chấp thuận;
Riêng đối với điều kiện (i): Có quy định linh hoạt, cho phép nhà xuất khẩu không nhất thiết phải là người sản xuất ra hàng hóa, tuy nhiên trong trường hợp đó, nhà xuất khẩu phải được nhà sản xuất cam kết bằng văn bản về xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu và sẵn sàng hợp tác trong trường hợp kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và kiểm tra, xác minh tại cơ sở sản xuất.
Nguồn: Thông tư 19/2020/TT–BCT của Bộ Công Thương ngày 14/8/2020 sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về việc thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong ATIGA
Nguồn: Sổ tay Doanh nghiệp – Những điều cần biết về các FTA của Việt Nam
Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI
Công ty TNHH HP Toàn Cầu
Nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển quốc tế, thủ tục hải quan và giấy phép xuất nhập khẩu
Địa chỉ: Số 13, LK3 – NO03 – Khu đô thị Văn Khê – Phường La Khê – Quận Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 08 8611 5726 / 098 4870199 hoặc Điện thoại: 024 73008608
Email: info@hptoancau.com
Lưu ý:
– Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, trước khi sử dụng, bạn nên liên lạc HP Toàn Cầu để update nội dung cập nhật mới nhất(nếu có)
– HP Toàn Cầu giữ tổng hợp và biên soạn từ các giáo trình tham khảo