VẬN TẢI HÀNG HÓA BẰNG ĐƯỜNG SẮT
1. Vị trí, đặc điểm của vận tải đường sắt
Trên thế giới, nhiều nước vận tải đường sắt được xem như phương tiện vận tải chủ chốt trong hệ thống vận tải thống nhất cả về khả năng chuyên chở lẫn tính xã hội hoá. Sự phát triển KT-XH của một nước sẽ được phản ánh qua khả năng chuyên chở, chất lượng chuyên chở cũng như triển vọng phát triển mạng lưới đường sắt thống nhất và thông suốt của quốc gia đó.
Vị trí của vận tải đường sắt trong chuyên chở hàng hoá còn được thể hiện rõ qua các con số thống kê, qua sự so sánh với các phương thức vận tải khác. Ở Việt Nam những năm trước đây, vận tải đường sắt đảm nhiệm chuyên chở 20% kim ngạch hàng xuất khẩu và 30% kim ngạch hàng hoá nhập khẩu. Trong chuyên chở nội địa hiện nay, vận tải đường sắt chủ yếu phục vụ chuyên chở hành khách, còn chuyên chở hàng hoá mới chiếm tỷ trọng nhỏ. Trong tương lai, chắc chắn vận tải đường sắt sẽ đảm nhiệm chuyên chở một khối lượng hàng hoá XNK và hàng hoá nội địa lớn hơn nhiều. Ngoài ra, vận tải đường sắt còn triển khai thực hiện các dịch vụ chuyên chở hàng hoá quá cảnh, khi mạng lưới đường sắt liên vận trong khu vực và nối mạng đường sắt Á – Âu được hoàn thành.
Vận tải đường sắt có các đặc điểm kinh tế – kỹ thuật sau:
* Vận tải đường sắt có năng lực vận chuyển lớn. Trọng tải và dung tích của toa xe đường sắt chỉ thua kém các phương tiện chuyên chở đường biển và đường thuỷ nội địa. Trọng tải trung bình của các toa xe trước đây là 20-30 tấn. Hiện nay, ở một số nước con số này đã lên tới 40-50 tấn/toa xe. Ở các nước phát triển, trọng tải trung bình của đoàn tàu hoả chở hàng hoá đã lên tới 4.000- 6.000MT, cá biệt có đoàn tàu đạt tới 10.000MT. Năng lực vận chuyển của đường sắt như trên hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu.
* Tốc độ chuyên chở của vận tải đường sắt tương đối cao. Tốc độ của tàu hoả chậm hơn máy bay, nhưng lại nhanh hơn tàu biển, tàu sông, đôi khi còn nhanh hơn cả ô tô. Tốc độ tương đối cao của vận tải đường sắt rất phù hợp với việc chuyên chở hàng hoá đòi hỏi giảm thời gian chuyên chở trên đường như hàng tươi sống, hàng có tính thời vụ…
* Giá thành trong vận tải đường sắt tương đối thấp. So với các phương thức vận tải khác, giá thành vận tải đường sắt chỉ cao hơn đường thuỷ nội địa và đường ống, còn thấp hơn so với vận tải ô tô và vận tải bằng máy bay. Giá thành vận tải bằng máy bay cao gấp 60-70 lần so với vận tải đường sắt. Khối lượng hàng hoá và khoảng cách chuyên chở là hai yếu tố quan trọng nhất trong việc giảm giá thành chuyên chở trong vận tải đường sắt.
* Vận tải đường sắt có khả năng chuyên chở hàng hóa quanh năm và suốt ngày đêm. Vận tải đường sắt ít phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu nên có thể đảm đương việc chuyên chở liên tục, thường xuyên, đúng giờ và an toàn hơn so với các phương thức vận tải khác. Đây là ưu điểm nổi bật của vận tải đường sắt trong chuyên chở hàng hoá, giúp chủ hàng giao hàng đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng và tránh được khiếu nại, kiện tụng sau này.
Vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt đóng vai trò quan trọng trong nội địa cũng như quốc tế. Ngày nay, vận tải đường sắt đang được phát triển mạnh trên thế giới, tạo thành mạng lưới thông suốt ở trong nước cũng như các quốc gia với nhau. Vận tải đường sắt cùng với các phương thức vận tải khác đã và đang tham gia phục vụ đắc lực cho thương mại quốc tế.
2. Tổ chức chuyên chở hàng hoá bằng đường sắt liên vận quốc tế
a/ Cơ sở pháp lý của việc chuyên chở hàng hoá bằng đường sắt liên vận quốc tế
Chuyên chở hàng hoa bằng đường sắt liên vận quốc tế là việc chuyên chở được tiến hành trên đường sắt của hai hay nhiều nước, ga gửi và ga đến nằm trên lãnh thổ của 2 nước khác nhau và dùng chung một giấy gửi hàng thống nhất trong toàn bộ quá trình chuyên chở.
Toàn bộ các quy phạm điều chỉnh những mối quan hệ liên quan đến chuyên chở hàng hoá bằng đường sắt liên vận quốc tế gọi là Luật chuyên chở hàng hoá bằng đường sắt liên vận quốc tế. Luật chuyên chở hàng hoá bằng đường sắt liên vận quốc tế được thể hiện bằng các Công ước hoặc Hiệp định được ký kết giữa các nước hoặc các Tổ chức đường sắt với nhau. Hiện nay, trên thế giới có 2 hệ thống pháp luật điều chỉnh chuyên chở hàng hoá bằng đường sắt liên vận quốc tế, đó là: “Công ước quốc tế về chuyên chở hàng hoá bằng đường sắt” (Convention International Concernant la Transport de Marchandises par Chemins de Fer – CIM), gọi tắt là “Công ước CIM” hay “Công ước Béc nở” và “Hiệp định liên vận hàng hoá đường sắt quốc tế” (International Convention on Carriage of Goods by Rail – MGS), gọi tắt là “Hiệp định MGS”, sau được sửa đổi thành “Hiệp định SMGS”.
Việt Nam là thành viên của Hiệp định SMGS, vì vậy có thể sử dụng đường sắt liên vận quốc tế để chuyên chở hàng hoá xuất nhập khẩu đến hoặc từ các nước thành viên của Hiệp định hoặc chuyên chở quá cảnh qua đường sắt của các nước thành viên để chuyển tiếp đến các nước khác.
b/ Tổ chức chuyên chở hàng hoá bằng đường sắt liên vận quốc tế theo Hiệp định SMGS
b1. Phương pháp gửi hàng: Theo quy định của “Hiệp định SMGS”, hàng hoá được phân thành ba nhóm: Nhóm hàng hoá không được phép chuyên chở (ví dụ: đạn, bom, chất nổ, khí nén, chất tự bốc cháy, hàng lẻ có trọng lượng một kiện dưới 10kg..), nhóm hàng hoá nhận chuyên chở theo điều kiện thông thường (mỗi đường sắt tham gia “Hiệp định SMGS” đều có trách nhiệm nhận chuyên chở các loại hàng hoá thông thường theo quy định của Hiệp định), nhóm hàng hoá chuyên chở theo điều kiện đặc biệt (căn cứ vào đặc điểm của hàng hoá và tình trạng kỹ thuật của các tuyến đường sắt, Hiệp định SMGS quy định chỉ chuyên chở loại hàng hoá theo những quy định đặc biệt ghi trong Hiệp định và một số các phụ kiện của Hiệp định).
Hiệp định quy định hai phương pháp gửi hàng, đó là gửi hàng lẻ và gửi hàng nguyên toa. Hàng hoá nguyên toa là lô hàng chở theo một giấy gửi hàng và dùng cả toa xe để chuyện chở. Hàng nguyên toa có thể gửi chuyên chở theo hình thức nhanh hoặc chậm, việc này tuỳ thuộc vào yêu cầu của người gửi hàng. Hàng lẻ là lô hàng gửi theo một giấy gửi hàng nhưng trọng lượng không quá 5.000kg và khi chuyên chở không đòi hỏi một toa xe riêng. Hàng lẻ có thể gửi chuyên chở theo hình thức nhanh hoặc chậm, việc này tuỳ thuộc vào yêu cầu của người gửi hàng.
Điều kiện chuyên chở, mức cước phí của lô hàng gửi nguyên tọa và lô hàng gửi lẻ, gửi nhanh hoặc gửi chậm rất khác nhau, vì hàng. vậy người gửi hàng phải ghi rõ phương pháp gửi hàng vào giấy gửi
b2, Trách nhiệm của đường sắt: Đường sắt nhận chuyên chở và các đường sắt tiếp chuyển hàng hoá theo “giấy gửi hàng” của Hiệp định SMGS đều phải có trách nhiệm chuyên chở hàng hoá từ lúc nhận hàng cho đến khi giao xong hàng cho chủ nhận. Trường hợp tiếp chuyển hàng hoá đến nước có đường sắt không tham gia “Hiệp định SMGS” thì cho đến khi làm xong thủ tục tiếp chuyển theo “giấy gửi hàng” của Hiệp định quốc tế khác. Cụ thể đường sắt có trách nhiệm như sau: Đường sắt chịu trách nhiệm về việc chuyên chở hàng hoá quá kỳ hạn chở đến đã quy định; Chịu trách nhiệm về những hậu quả do việc làm mất những giấy tờ mà người gửi hàng đã đính kèm theo “giấy gửi hàng” và do lỗi của đường sắt không thực hiện “giấy yêu cầu sửa đổi hợp đồng đã được chấp nhận”; Chịu trách nhiệm về những hư hỏng, mất mát, thiếu hụt của hàng hoá trong quá trình chuyên chở. Trong những trường hợp hư hỏng, mất mát, thiếu hụt do những nguyên nhân khách quan hoặc không do lỗi của đường sắt, thì đường sắt được miễn trách nhiệm bồi thường. Ví dụ như thiên tai, tai nạn bất ngờ, lỗi của chủ hàng, của người áp tải không thực hiện đúng các quy định của đường sắt, hay khuyết tật của hàng hoá…
b3. Kỳ hạn chuyên chở: Đường sắt có trách nhiệm chuyên chở đúng kỳ hạn chở đến. Kỳ hạn chuyên chở hàng hoá đến đích được xác định trên toàn bộ đường đi của hàng hoá căn cứ vào từng loại định mức.
Đối với hàng hoá gửi nhanh: Kỳ hạn gửi hàng tính 01 ngày. Kỳ hạn chuyên chở hàng gửi lẻ: cứ mỗi lần bắt đầu 200km tính cước trong phạm vi mỗi đường sắt tham gia chuyên chở tính 01 ngày. Kỳ hạn chuyên chở hàng hoá gửi nguyên toa hoặc hàng hoá chứa trong Container cỡ lớn: cứ mỗi lần bắt đầu 320km tính cước trong phạm vi mỗi đường sắt tham gia chuyên chở tính 01 ngày. Kỳ hạn chuyên chở hàng hoá gửi nguyên toa hoặc hàng hoá chứa trong Container cỡ lớn theo đoàn tàu khách (gửi tốc hành) cứ mỗi lần bắt đầu 420km tính cước trong phạm vi mỗi đường sắt tham gia chuyên chở tính 01 ngày.
Đối với hàng gửi chậm: Kỳ hạn gửi hàng tính 01 ngày. Kỳ hạn chuyên chở hàng hoá gửi lẻ: cứ mỗi lần bắt đầu 150km tính cước trong phạm vi mỗi đường sắt tham gia chuyên chở tính 01 ngày. Kỳ hạn chuyên chở hàng hoá gửi nguyên toa hoặc hàng hoá chứa trong Container cỡ lớn: cứ mỗi lần bắt đầu 200km tính cước trong phạm vi mỗi đường sắt tham gia chuyên chở tính 01 ngày. Kỳ hạn chuyên chở bắt đầu tính từ 0 giờ sau ngày đường sắt nhận hàng hoá để chuyên chở. Trường hợp hàng hoá nhận gửi có bảo quản tại ga gửi trước khi chuyên chở, thì kỳ hạn chuyên chở bắt đầu tính từ 0 giờ ngày sau ngày ấn định xếp hàng lên toa xe.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp kỳ hạn chuyên chở có thể được kéo dài như: chuyển tải, sang toa đổi trục bánh xe, chờ làm thủ tục hải quan, dừng đoàn tàu để sửa chữa lại hàng hoá, gặp thiên tai, tai nạn bất ngờ… Kỳ hạn chuyên chở được coi như hoàn thành, nếu hàng hoá tới ga đến trước khi hết kỳ hạn chuyên chở và có thể giao cho chủ nhận hàng. Nếu vượt quá kỳ hạn chở đến, đường sắt phải chịu phạt và chịu trách nhiệm về hư hỏng, mất mát của hàng hoá do việc chậm trễ gây ra.
b4, Giấy gửi hàng: Chứng từ chuyên chở chủ yếu trong vận tải đường sắt liên vận quốc tế là “giấy gửi hàng”. Hiệp định SMGS quy định: “Đồng thời với việc đưa hàng để gửi chuyên chở, cứ mỗi lô hàng, người gửi hàng phải giao cho ga gửi một Giấy gửi hàng do mình điền và ký tên theo mẫu của Hiệp định và các bản phụ Giấy gửi hàng. Khi nhận hàng để chuyên chở, đường sắt kiểm tra thực tế lô hàng và đối chiếu với những số liệu mà người gửi hàng đã kê khai trong Giấy gửi hàng. Sau khi đường sắt đã nhận hàng và Giấy gửi hàng, hợp đồng chuyên chở coi như đã được ký kết”.
Giấy gửi hàng có đóng dấu ngày tháng của ga gửi được coi là bằng chứng của hợp đồng chuyên chở. Mối quan hệ giữa chủ hàng và các đường sắt tham gia chuyên chở được điều chỉnh bằng các điều kiện ghi trong Giấy gửi hàng và các quy định trong Hiệp định. Bản chính Giấy gửi hàng phải gửi kèm theo hàng hoá trên hàng ở ga đến. toàn bộ đường đi từ ga gửi đến ga đến và giao cho người nhận
Các bản phụ Giấy gửi hàng (bản sao) cũng có những nội dung giống như bản chính Giấy gửi hàng, nhưng không có giá trị pháp lý như bản chính. Ga gửi sẽ đưa lại cho người gửi hàng bản phụ Giấy gửi hàng. Bản phụ Giấy gửi hàng chỉ là bằng chứng chứng minh hàng hoá đã được nhận để chuyên chở của đường sắt.
Giấy gửi hàng theo quy định của Hiệp định SMGS có hai loại Giấy gửi hàng chở chậm (in trên giấy trắng) và Giấy gửi hàng chở nhanh (in trên giấy trắng, nhưng có đường viền đỏ rộng làm ở phía trên và phía dưới). Nội dung của Giấy gửi hàng gồm nhiều cột mục khác nhau. Một phần do chủ gửi hàng kê khai và điền, một phần do ga gửi của đường sắt điền khi nhận hàng để chuyên chở. Người gửi hàng chịu trách nhiệm về sự chính xác của những điều mà họ đã kê khai và điền trên Giấy gửi hàng.
b5. Cước phí: Cước phí chuyên chở bao gồm tất cả các khoản: tiền cước hàng hoá, tạp phí, tiền đi tầu của người áp tải và các chi phí khác phát sinh trong quá trình chuyên chở và được tính theo các bản giá cước áp dụng tại thời điểm ký kết hợp đồng. Trong chuyên chở hàng hoá bằng đường sắt liên vận quốc tế, cước phí liên vận quốc tế được tính bằng các đơn vị tiền tệ khác nhau trên các đoạn đường chuyên chở khác nhau. Cụ thể, các khoản cước phí phát sinh trên đường sắt nước gửi tính bằng đơn vị tiền tệ của nước gửi; các khoản cước phí phát sinh trên đường sắt nước đến tính bằng đơn vị tiền tệ của nước đến; các khoản cước phí phát sinh trên đường sắt quá cảnh tính theo bảng giá cước thống nhất quá cảnh hiện hành (bảng giá cước ETT). Bảng giá cước ETT là một bộ phận không tách rời của “Hiệp định SMGS”, nó quy định về thủ tục chuyên chở, thủ tục tính cước và tạp phí chuyên chở quá cảnh. Bảng giá cước ETT là bảng giá cước quá cảnh tổng hợp được áp dụng cho tất cả các loại hàng, các loại hình chuyên chở trên tất cả các đường sắt quá cảnh tham gia Hiệp định. Mức cước ETT thấp hơn nhiều so với mức cước trong nước và quốc tế khác. Đặc điểm của nó là giảm dần theo chiều dài chuyên chở. Theo bảng giá cước ETT, hàng hoá được chia thành 13 bậc cước khác nhau.
Các loại cước phí quá cảnh theo ETT: Cước phí chuyên chở hàng nguyên toa chở chậm; Cước phí chuyên chở hàng nguyên toa chở nhanh bằng cước nguyên toa chở chậm cộng 100%; Cước phí hàng nguyên toa chở tốc hành bằng cước nguyên toa chở chậm cộng thêm 200%; Cước phí chuyên chở hàng lẻ chở chậm bằng cước nguyên toa chở chậm cộng thêm 50%, nhưng tính theo trọng lượng thực tế của hàng hoá; Cước phí chuyên chở hàng lẻ chở nhanh bằng cước hàng nguyên toa chở chậm cộng thêm 200%. Ngoài cước phí chuyên chở, bảng giá cước ETT còn quy định các loại tạp phí trên đường sắt quá cảnh như: phí sang toa ở các ga biên giới, phí thủ tục hải quan, phí qua phà, tiền phạt đọng toa xe…
Cước phí chuyên chở hàng hoá bằng đường sắt liên vận quốc tế được thanh toán theo các quy định sau: Cước phí chuyên chở hàng hoá trên đường sắt nước gửi thu của người gửi hàng ở ga gửi và bằng đồng tiền của nước gửi. Cước phí chuyên chở hàng hoá trên đường sắt nước đến thu của người nhận hàng ở ga đến và bằng đồng tiền của nước đến. Cước phí chuyên chở hàng hoá trên các đường sắt quá cảnh thu của người gửi hàng ở ga gửi hoặc của người nhận hàng ở ga đến, tuỳ theo sự thoả thuận của người gửi và người nhận hàng được ghi rõ trong “giấy gửi hàng”. Tạp phí trên các đường sắt quá cảnh sẽ do người gửi hoặc người nhận hàng thanh toán, tuỳ thuộc vào cước phí quá cảnh do ai trả. Trường hợp người nhận từ chối nhận hàng, thì toàn bộ cước phí chuyên chở và tạp phí liên quan sẽ do người gửi hàng chịu trách nhiệm thanh toán. Khi thanh toán cước phí và tạp phí, người ta sẽ thu theo đơn vị tiền tệ của nước mà tại đó thực hiện việc trả tiền. Nếu cước phí chuyên chở không biểu hiện bằng đơn vị tiền tệ của nước tiến hành thu tiền thì sẽ tính chuyển đổi ra đơn vị tiền tệ nước đó theo tỷ giá hối đoái trong ngày tại địa điểm nộp.
b6. Giao và nhận hàng: Khi hàng hoá đến ga đến, đường sắt phải giao hàng, người nhận hàng phải lĩnh hàng cùng với “giấy gửi hàng” sau khi đã thanh toán tất cả các chi phí ghi trong giấy gửi hàng. Người nhận hàng chỉ có thể từ chối không nhận hàng trong trường hợp chất lượng hàng hoá bị mất hết công dụng ban đầu của nó.
Giao hàng ở ga đến có thể giao theo trọng lượng, số lượng … hoặc tình trạng niêm phong kẹp chì của toa xe. Đối với hàng rời khi giao, đường sắt được phép trừ tỷ lệ hao hụt tự nhiên theo quy định. Đối với hàng hoá có bao bì và cùng tiêu chuẩn trọng lượng, khi giao sẽ giao theo số lượng kiện hay bao gói. Người nhận hàng có quyền kiểm tra lại trọng lượng, số lượng và trạng thái hàng hoá. Nếu phát hiện hàng hoá bị mất mát, hư hại, hao hụt quá mức quy định thì cùng đường sắt lập biên bản Thương vụ để làm cơ sở khiếu nại đường sắt sau này.
b7. Thủ tục khiếu nại bồi thường: Căn cứ vào hợp đồng chuyên chở, người gửi hoặc người nhận hàng có quyền khiếu nại yêu cầu đường sắt bồi thường những hư hỏng, mất mát đối với hàng hoá, giao hàng chậm hoặc lạm thu cước phí, tạp phí. Đơn khiếu nại đòi bồi thường phải làm bằng văn bản. Trong đơn phải ghi rõ tính chất, nguyên nhân của sự việc khiếu nại và tổng số tiền đòi bồi thường. Đơn khiếu nại đòi bồi thường phải lập riêng cho từng lô hàng. Nếu người gửi hàng là người đưa đơn khiếu nại thì đơn đó phải được chuyển cho ga gửi. Nếu người nhận hàng là người đưa đơn khiếu nại thì đơn đó phải được chuyển cho ga đến.
Nguồn: Giáo trình quản trị tác nghiệp thương mại quốc tế – Học viện tài chính
Hãy liên lạc ngay với chúng tôi nếu bạn muốn được tư vấn về thuế xuất nhập khẩu hoặc thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa hay để nhận báo giá, dự toán thời gian vận chuyển
Công ty TNHH HP Toàn Cầu
Nhà cung cấp Dịch vụ Vận chuyển quốc tế, dịch vụ hải quan và giấy phép xuất nhập khẩu
Địa chỉ: Số 13, LK3 – NO03 – Khu đô thị Văn Khê – Phường La Khê – Quận Hà Đông – Hà Nội
Website : hptoancau.com
Email: info@hptoancau.com
Điện thoại: 024 3 73008608/ Hotline:08 8611 5726 / 098 487 0199
hoặc yêu cầu báo giá theo link
Lưu ý:
– Nội dung bài viết do HP Toàn Cầu tổng hợp và biên soạn từ các nguồn tài liệu tham khảo
– Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, trước khi sử dụng, bạn nên liên lạc HP Toàn Cầu để update nội dung cập nhật nhất (nếu có)