Cơ chế và thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)
ATIGA được coi là Hiệp định cốt lõi, là cơ sở pháp lý để ASEAN đàm phán các FTA giữa ASEAN và các đối tác bên ngoài ASEAN (FTA ASEAN+). Lời văn Chương về chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong các FTA ASEAN+ đều sử dụng lời văn Chương về Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Operational Certification Procedures – OCP) trong ATIGA làm nguồn tham chiếu trong quá trình xây dựng phương án đàm phán.
Dưới đây là một số điểm đặc trưng trong Cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong ATIGA.
(i) Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D
Giấy chứng nhận xuất xứ ASEAN là C/O mẫu D (form D).
Trước đây, C/O mẫu D được cấp dưới dạng giấy. Tuy nhiên, nhằm thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, các nước ASEAN đã xây dựng cơ chế để cấp và chấp nhận C/O mẫu D điện tử. Cho đến nay, Việt Nam đã trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với cả 9 nước ASEAN thông qua Cơ chế một cửa ASEAN. Từ ngày 01/01/2020, Việt Nam cũng chính thức cấp C/O mẫu D điện tử cho hàng hóa xuất đi các nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia.C/O mẫu D bản giấy vẫn được cấp và chấp nhận giữa các thành viên còn lại của ASEAN và giữa Việt Nam với các thành viên đó.
Đây là điểm khác biệt quan trọng giữa ASEAN với các FTA ASEAN+, là tiền đề để ASEAN (trong đó có Việt Nam) thực hiện C/O điện tử với các đối tác FTA trong tương lai, giúp giảm thiểu thời gian, chi phí và nhân sự liên quan đến C/O.
C/O điện tử không chỉ thuận lợi và giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp mà từ góc độ quản lý C/O điện tử cũng giúp quản lý hệ thống C/O tốt hơn, qua đó tạo thuận lợi thương mại, góp phần thúc đẩy dòng thương mại nội khối và tăng trưởng thương mại bền vững trong ASEAN.
Quy trình cấp C/O mẫu D điện tử của Việt Nam theo Quyết định số 3624/QĐ–BCT ngày 9/12/2019 về việc ban hành quy trình cấp C/O mẫu D điện tử |
- Thương nhân tham gia Quy trình cấp C/O Mẫu D điện tử khai báo bộ hồ sơ thương nhân điện tử trên Hệ thống eCoSys tại địa chỉ http://ecosys.gov.vn hoặc Cổng Dịch vụ công Bộ Cổng Thương tại địa chỉ http://dichvucong.moit.gov.vn hoặc các địa chỉ khác của Chính phủ. Trường hợp đã nộp hồ sơ thương nhân bản giấy, thương nhân cập nhật hồ sơ thương nhân điện tử trong lần thay đổi hồ sơ thương nhân kế tiếp.
- Thương nhân khai báo dữ liệu theo biểu mẫu sẵn có trên Hệ thống eCoSys (hoặc Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương, hoặc các địa chỉ khác của Chính phủ) trên cơ sở các thông tin xác thực liên quan đến hàng hóa đề nghị cấp C/O Mẫu D và đính kèm dưới dạng điện tử các chứng từ được quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 31/2018/NĐ–CP của Chính phủ. Các văn bản, chứng từ này phải được thương nhân xác thực bằng chữ ký số do cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Thương nhân không phải nộp bản giấy các văn bản, chứng từ đã đính kèm dưới dạng điện tử qua Hệ thống eCoSys hoặc tại các địa chỉ nêu trên cho cơ quan, tổ chức cấp C/O, trừ trường hợp được yêu cầu khi có nghi ngờ về tính xác thực của hồ sơ.
- Trường hợp đề nghị cấp bổ sung C/O Mẫu D bản giấy, thương nhân nộp đơn đề nghị cấp C/O theo mẫu số 04 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 31/2018/NĐ–CP của Chính phủ và mẫu C/O Mẫu D bản giấy đã khai hoàn chỉnh cho cơ quan, tổ chức cấp C/O.
- Trong thời hạn 6 giờ làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp C/O Mẫu D điện tử, cơ quan, tổ chức cấp C/O có trách nhiệm thông báo trên Hệ thống eCoSys kết quả xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp C/O Mẫu D điện tử cho thương nhân.
(ii) Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D được cấp trong trường hợp cộng gộp từng phần
Cộng gộp từng phần là hình thức cộng gộp duy nhất có trong ASEAN (ATIGA) mà các FTA khác không có. Hình thức này cho phép hàng hóa không đáp ứng tiêu chí RVC 40% nhưng đạt ngưỡng tối thiểu 20% thì cơ quan cấp C/O vẫn có thể cấp C/O mẫu D cho hàng hóa. Mục đích của việc này là để nếu hàng hóa đó được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất ra hàng hóa khác thì phần giá trị gia tăng sẽ được tiếp tục cộng gộp trong công đoạn sản xuất tiếp theo để xác định xuất xứ cho hàng hóa thành phẩm. Khi đó, trên C/O sẽ phản ánh đúng số phần trăm thực tế giá trị được tạo ra tại Bên Thành viên xuất khẩu (ví dụ RVC 25%). Doanh nghiệp sẽ đánh dấu vào ô “Partial Cumulation” ở Mục số 13 của C/O mẫu D. Cơ quan hải quan nước thành viên nhập khẩu căn cứ vào các thông tin này, bao gồm dấu đánh vào “Partial Cumulation” và số phần trăm thực tế RVC mà nguyên liệu đạt được (dưới 40% nhưng không nhỏ hơn 20%) để xem xét cho hàng hóa nhập khẩu nhưng không được hưởng ưu đãi thuế quan ATIGA.
Mặc dù không được sử dụng để hưởng ưu đãi thuế quan nhưng C/O của hàng hóa (nguyên liệu) này sẽ được sử dụng cho mục đích cộng gộp khi tính RVC của thành phẩm sử dụng nguyên liệu đó. Cụ thể khi thương nhân nộp hồ sơ xin cấp C/O cho thành phẩm, cơ quan cấp C/O sẽ sử dụng C/O mẫu D (cộng gộp từng phần) trên để tính toán việc cộng gộp cho quá trình sản xuất tiếp theo tại nước nhập khẩu nguyên liệu. Phần giá trị của nguyên liệu được cộng gộp sẽ bằng đúng số phần trăm giá trị gia tăng thực tế được tạo ra (ví dụ RVC 30%) chứ không được cộng gộp 100% giá trị (như trường hợp RVC 40%).
(iii) Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D giáp lưng (B2B C/O)
“C/O giáp lưng” là C/O được cấp bởi Nước Thành viên xuất khẩu trung gian dựa trên C/O của Nước thành viên xuất khẩu đầu tiên. Quy định về C/O giáp lưng trong ATIGA có nhiều điểm tương đồng với quy định về C/O giáp lưng trong AANZFTA và AJCEP, theo đó Nhà xuất khẩu có tên trên C/O giáp lưng và Nhà nhập khẩu có tên trên C/O gốc phải là một.
Để được cấp C/O giáp lưng, Nhà xuất khẩu Nước Thành viên trung gian phải xuất trình C/O gốc ban đầu nhằm đảm bảo các thông tin khai trên C/O giáp lưng phù hợp với C/O gốc.
(iv) Xử lý sai sót trên C/O
ATIGA là Hiệp định tiến bộ khi cho phép C/O cấp lỗi có thể được xử lý dưới 2 hình thức:
il Gạch bỏ chỗ có lỗi và bổ sung các thông tin cần thiết. Tất cả những thay đổi này phải được chấp thuận bởi người có thẩm quyền ký C/O và được Tổ chức cấp C/O chứng nhận. Các phần còn trống phải được gạch chéo để tránh điền thêm; hoặc
iil Cấp C/O mới để thay thế cho C/O có lỗi.
Một số FTA chỉ cho phép hình thức (i) mà chưa cho phép hình thức (ii). Trong thời gian tới khi các Bên Thành viên các FTA rà soát lại hoặc đàm phán nâng cấp một số FTA, hình thức (ii) có thể sẽ được bổ sung tương tự ATIGA nhằm thuận lợi hóa quy trình chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong các FTA đó.
(V) Thời điểm cấp C/O mẫu D
ATIGA cho phép C/O có thể cấp trước, trong hoặc sau thời điểm xuất khẩu của hàng hóa (trong khi một số FTA khác chỉ cho phép cấp trong hoặc sau thời điểm xuất khẩu, mà chưa cho phép cấp trước thời điểm xuất khẩu). Điểm chung của ATIGA và các FTA khác là thời hạn cho trường hợp cấp sau thời điểm nhập khẩu đều là không quá 01 năm kể từ ngày xuất khẩu và người xuất khẩu phải đánh dấu vào ô “Issued Retroactively” trên C/O.
(VI) Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ
ASEAN hiện đang thực hiện O2 dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Điểm khác biệt cơ bản trong 02 dự án này là việc lựa chọn Nhà xuất khẩu đủ điều kiện được xem xét, cho phép tự chứng nhận xuất xứ. Cụ thể:
- Dự án thí điểm số 1: Cho phép các Nhà xuất khẩu (có thể là Nhà sản xuất hoặc Công ty thương mại) đủ điều kiện được tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa do họ sản xuất ra hoặc mua lại. Doanh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ trên bất kỳ chứng từ thương mại nào, bao gồm hóa đơn, vận đơn, phiếu đóng gói.
- Dự án thí điểm số 2: Chỉ cho phép các Nhà xuất khẩu đồng thời là Nhà sản xuất đủ điều kiện được tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa do chính họ sản xuất ra. Doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ trên hóa đơn thương mại gốc của hàng hóa. Việt Nam hiện mới chỉ đang tham gia dự án thí điểm số 2.
Việc triển khai trên thực tế các dự án thí điểm này của ASEAN còn khá nhiều hạn chế như:
- Về điều kiện đối với Nhà xuất khẩu để được tự chứng nhận xuất xứĐiều kiện đối với Nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ do các Nước thành viên ASEAN tự đặt ra (thể hiện trong pháp luật nội địa của từng nước) mà không có tiêu chỉ hay điều kiện chung nào trong ASEAN. Do đó các điều kiện được quy định rất khác nhau ở mỗi nước.
- Về cơ chế quản lý rủi ro trong tự chứng nhận xuất xứVề nguyên tắc thì cơ chế tự chứng nhận xuất xứ ẩn chứa nhiều rủi ro gian lận hơn cơ chế chứng nhận xuất xứ truyền thống (do không có một cơ quan kiểm tra, giám sát sơ bộ trước khi chứng nhận). Do đó, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ thường đi kèm với cơ chế quản lý rủi ro chặt chẽ và chế tài xử phạt nặng đối với các hành vi gian lận. Tuy nhiên, ASEAN cũng không có thống nhất gì về cơ chế này, các nước tự thiết lập và duy trì cơ chế quản lý riêng của mình và doanh nghiệp phải hành động phù hợp với các cơ chế này.
Một số nước ASEAN phát triển hơn đã thiết lập được cơ chế quản lý tương đối hiệu quả. Ví dụ Thái Lan: Nước này đã tham gia cả 2 Dự án thí điểm số 1 và số 2; hiện có số lượng các nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ lớn nhất trong các nước ASEAN; và có cơ chế kiểm soát được đánh giá là hiệu quả.
Còn đối với một số nước ASEAN kém phát triển hơn trong đó có Việt Nam, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ vẫn còn nhiều vướng mắc. Một mặt, do chưa có kinh nghiệm quản lý và lo ngại nguy cơ rủi ro, cơ quan Nhà nước đặt ra các điều kiện để được chứng nhẫn xuất xứ rất ngặt nghèo mà chỉ một vài doanh nghiệp có thể đáp ứng được. Mặt khác, do mới áp dụng, cơ chế này chưa tạo được niềm tin ở phía Nước đối tác, khiến hàng hóa phải chịu kiểm soát chặt hơn gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Ví dụ thời gian đầu thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ, Hải quan Thái Lan tiến hành xác minh với toàn bộ các lỗ hàng nhập khẩu từ Việt Nam sử dụng hóa đơn tự chứng nhận xuất xứ (thay vì chỉ kiểm tra ngẫu nhiên như khi cấp chứng nhận xuất xứ truyền thống).
Văn bản pháp quy liên quan C/O form D
Thông tư mới nhất thực hiện quy tắc xuất xứ C/O Form D, xem tại bài viết: Danh sách các FTA Việt Nam tham gia
Các văn bản và lưu ý về C/O form D khi nhập khẩu hàng hóa từ các nước ASEAN xem tại bài viết: Tại đây
Nguồn: Sổ tay Doanh nghiệp – Những điều cần biết về các FTA của Việt Nam
Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI
Công ty TNHH HP Toàn Cầu
Nhà cung cấp Dịch vụ Vận chuyển quốc tế, thủ tục hải quan và giấy phép xuất nhập khẩu!
Địa chỉ: Số 13, LK3 – NO03 – Khu đô thị Văn Khê – Phường La Khê – Quận Hà Đông – Hà Nội
Website: hptoancau.com
Email: info@hptoancau.com
Điện thoại: 024 3 73008608/ Hotline:0886115726 – 0984870199
hoặc yêu cầu báo giá theo link
Lưu ý:
– Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, trước khi sử dụng, bạn nên liên lạc HP Toàn Cầu để update nội dung cập nhật mới nhất(nếu có)
– HP Toàn Cầu giữ bản quyền với bài viết và không đồng ý đơn vị khác sao chép, sử dụng bài viết của HP Toàn Cầu vì mục đích thương mại
– Mọi sự sao chép không có thỏa thuận với HP Toàn Cầu (kể cả có ghi dẫn chiếu website hptoancau.com) có thể dẫn đến việc chúng tôi claim với google và các bên liên quan.