Các Hiệp định thương mại tự do ASEAN (ATIGA)
Với mục tiêu thiết lập một khu vực mậu dịch tự do cạnh tranh, cân bằng và hội nhập, hướng tới xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), trong suốt lịch sử hơn 50 năm của ASEAN’, đã có rất nhiều Hiệp định, Thỏa thuận, Sáng kiến về thương mại và đầu tư được các thành viên đàm phán, ký kết và thực hiện.
- Trong đó các Hiệp định quan trọng và được thực thi tương đối đầy đủ có thể kể đến là: Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA)
- Hiệp định Khung về Dịch vụ ASEAN (AFAS)
- Hiệp định về Di chuyển thể nhân trong ASEAN (MNP)
- Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA)
Phần dưới đây sẽ giới thiệu về ATIGA và AFAS, hai Hiệp định thương mại có mức độ tự do hóa đáng kể nhất, cũng là các Hiệp định hiệu quả thực thi đáng kể nhất trong số các Hiệp định, Thỏa thuận thương mại của ASEAN.
A. Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)
Thông tin cơ bản
Hiệp định ATIGA được ký vào tháng 2/2009 và có hiệu lực từ ngày 17/05/2010, thay thế cho Hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/ATIGA) được các nước ASEAN ký năm 1992, có hiệu lực từ năm 1993.
Bên cạnh Hiệp định chính là ATIGA, ASEAN còn có một số thỏa thuận hợp tác khác trong các lĩnh vực hỗ trợ cho việc thực thi ATIGA và thúc đẫy thương mại hàng hóa trong khuôn khổ ASEAN, đáng chý ý có (i) cơ chế hợp tác hải quan, (ii) Cơ chế một cửa ASEAN; (iii) Dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ ASEAN
Việt Nam tham gia ASEAN từ năm 1995 và bắt đầu thực hiện CEPT/ATIGA từ năm 1996 và sau này tiếp tục thực hiện ATIGA. Việt Nam cũng tham gia vào các thỏa thuận liên quan tới thương mại hàng hóa trong ASEAN.
Nội dung chính
ATIGA điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối ASEAN. Nội dung của Hiệp định này được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết cắt giảm/loại bỏ thuế quan đã được thống nhất trước đó trong CEPT/ATIGA cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan.
Cam kết về thuế quan:
Lộ trình cắt giảm thuế quan trong ATIGA được thể hiện tại Biểu cam kết cắt giảm thuế quan của mỗi nước (Phụ lục 2 của Hiệp định) cụ thể theo từng sản phẩm trong Danh mục hài hòa thuế quan của ASEAN (AHTN) và theo từng năm:
Đối với các nước nhóm ASEAN 6 (gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan): Cơ bản xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho hàng hóa ASEAN từ năm 2010
Đối với các nước CLMV (gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam): Xóa bỏ khoảng 97% số dòng thuế trong Biểu thuế từ 01/01/2018. Đối với số dòng thuế còn lại thì hoặc là duy trì mức thuế suất 5% (chủ yếu là các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm như đường thô, đường trắng, gạo, thịt gà, lợn và phụ phẩm, thịt đóng hộp, trứng, một số mặt hàng hoa quả …). Hoặc giữ nguyên mức thuế MFN (trường hợp của Việt Nam thì các mặt hàng này gồm thuốc lá điếu, lá thuốc lá, các mặt hàng an ninh quốc phòng như thuốc nổ, súng đạn, pháo hoa, rác thải y tế, lốp cũ …)
Đến nay Việt Nam đã hoàn tất lộ trình cắt giảm thuế quan trong ATIGA, cụ thể:
- Từ 01/01/2015, đã xóa bỏ thuế quan đối với 90% số dòng trong Biểu thuế cho hàng hóa từ các nước ASEAN (khoảng 8600 dòng thuế)
- Từ 01/01/2018, đã xóa bỏ thuế quan tiếp đối với 7% số dòng trong biểu thuế (chủ yếu là những sản phẩm nhạy cảm trong thương mại giữa Việt Nam và ASEAN, bao gồm: ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng như tủ lạnh, máy điều hòa, sữa và các sản phẩm sữa …).
- Các sản phẩm mà Việt Nam vẫn duy trì thuế suất MFN trong ATIGA gồm thuốc lá điếu, lá thuốc lá, các mặt hàng an ninh quốc phòng như thuốc nổ, súng đạn, pháo hoa, rác thải y tế, lốp cũ …
Ngoài các cam kết về thuế quan, ATIGA cũng bao gồm nhiều cam kết khác liên quan tới thương mại hàng hóa như: các hàng rào phi thuế quan, quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa thương mại, hải quan, các tiêu chuẩn và sự phù hợp, các biện pháp vệ sinh dịch tễ.
Cam kết về Quy tắc và Thủ tục xuất xứ
Hàng hóa được coi là có xuất xứ ATIGA nếu hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại nước Thành viên xuất khẩu, hoặc hàng hóa đăp ứng được một trong hai trường hợp sau:
(i) Hàng hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ chung:
- Hàm lượng giá trị khu vực (RVC): tối thiểu 40%, hoặc
- Chuyển đổi mã HS (CTC): chuyển đổi ở cấp 4 số (CTH – nguyên vật liệu không có xuất xứ phải thuộc Nhóm HS khác với Nhóm HS của thành phẩm)
(ii) Hàng hóa có quy tắc xuất xứ cụ thể: một số hàng hóa không áp dụng tiêu chí xuất xứ chung, mà áp dụng quy tắc xuất xứ cụ thể được quy định trong Danh mục quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng
Thực thi của Việt Nam
-> Văn bản pháp quy của Việt Nam ban hành Biểu thuế ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực thi Hiệp định thương mại ATIGA và các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa ATIGA xem tại bài viết Danh sách các FTA Việt Nam tham gia TẠI ĐÂY
-> Các văn bản pháp quy khác liên quan ATIGA xem tại đây
B. HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ ASEAN (AFAS)
THÔNG TIN CƠ BẢN
Hiệp định Khung về Dịch vụ của ASEAN (AFAS) được ký ngày 15/12/1995, có hiệu lực từ năm 1996. Hiệp định AFAS với các nội dung tương tự Hiệp định Chung về Thương mại Dịch vụ của WTO làm tiền đề cho các Gói đàm phán từng bước tự do hóa thương mại dịch vụ giữa các nước ASEAN. Cho đến nay, các nước ASEAN đã tiến hành đàm phán và thống nhất đưa ra:
- 9 Gói cam kết về dịch vụ chung
- 6 Gói cam kết về dịch vụ tài chính
- 8 Gói cam kết về dịch vụ vận tải hàng không.
Ngày 23/4/2019, các nước ASEAN đã đồng thuận ký kết Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA). Khi có hiệu lực từ 20/10/2019, Hiệp định này sẽ thay thế AFAS với nhiều nội dung mới theo hướng mở cửa, tự do hóa hơn về dịch vụ.
NỘI DUNG CHÍNH
- Các Gói cam kết về dịch vụ chung: So với cam kết WTO của Việt Nam thì chỉ các Gói cam kết từ thứ 9 trở đi (gần đây nhất là gói thứ 10) là có mức độ mở cửa rộng hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ ASEAN so với mức mở cửa của WTO ở một số khía cạnh trong các lĩnh vực bất động sản, dịch vụ nghiên cứu và phát triển R&D, y tế, viễn thông, du lịch, vận tải…
- Các Gói cam kết về dịch vụ tài chính: Cơ bản Việt Nam mở cửa dịch vụ tài chính cho ASEAN ở mức tương tự cam kết WTO.
- Các Gói cam kết về dịch vụ vận tải hàng không: Việt Nam có cam kết mở cửa cho ASEAN ở mức cao hơn WTO trong 04 nhóm dịch vụ vận tải hàng không. Bên cạnh các Gói chính, các nước ASEAN còn có một số thỏa thuận, hiệp định khác tăng cường hợp tác, khuyến khích mở cửa vận tải hàng không trong khu vực.
THỰC THI CỦA VIỆT NAM
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP phê duyệt Nghị định thư thực hiện gói cam kết dịch vụ thứ 9 trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ ngày 4/10/2016, chính thức công nhận hiệu lực của Gói thứ 9 này ở Việt Nam.
Thông tin chi tiết về AFAS xem thêm tại:
http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/7178-hiep-dinh-khung-asean-ve-dich-vu-afas
Cơ chế và thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)
Xem nội dung tại bài viết Cơ chế và thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa form D
Nguồn: Sổ tay Doanh nghiệp – Những điều cần biết về các FTA của Việt Nam
Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI
Công ty TNHH HP Toàn Cầu
Nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển quốc tế, thủ tục hải quan và giấy phép xuất nhập khẩu
Địa chỉ: Số 13, LK3 – NO03 – Khu đô thị Văn Khê – Phường La Khê – Quận Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 08 8611 5726 / 098 4870199 hoặc Điện thoại: 024 73008608
Email: info@hptoancau.com
Lưu ý:
– Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, trước khi sử dụng, bạn nên liên lạc HP Toàn Cầu để update nội dung cập nhật mới nhất(nếu có)
– HP Toàn Cầu giữ bản quyền với bài viết và không đồng ý đơn vị khác sao chép, sử dụng bài viết của HP Toàn Cầu vì mục đích thương mại
– Mọi sự sao chép không có thỏa thuận với HP Toàn Cầu (kể cả có ghi dẫn chiếu website hptoancau.com) có thể dẫn đến việc chúng tôi claim với google và các bên liên quan.