Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA)
THÔNG TIN CƠ BẢN
Hiệp định thương mại tư do Việt Nam – EU (EVFTA) là FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (với tính chất là một lãnh thổ thuế quan thống nhất, gồm 27 nước thành viên EU*). Đàm phán EVFTA chính thức kết thúc ngày 1/12/2015, đến ngày 1/2/2016 văn bản hiệp định đã được công bố. Cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.
Ngày 26/6/2018, hai Bên thống nhất tuyên bố tách EVFTA làm hai Hiệp định, một về thương mại (EVFTA) và một về đầu tư (EVIPA). tháng 7/2018, EU và Việt Nam thống nhất văn kiện cuối cùng của cả hai Hiệp định trên. Ngày 30/6/2019, Hai Hiệp định chính thức được ký kết. EVFTA và EVIPA được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu vào ngày 12/2/2020, và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020. Ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu cũng đã thông qua EVFTA. Đối với EVFTA, do đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn, Hiệp định này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.
NỘI DUNG CHÍNH
EVFTA là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, với mức độ cam kết tự do hóa cao, và phạm vi bao trùm nhiều lĩnh vực ở mức tương tự CPTPP.
Văn kiện EVFTA gồm 18 chương và 02 Nghị định thư, bao trùm rất nhiều vấn đề, từ các vấn đề thương mại truyền thống (hàng hóa, dịch vụ, đầu tư…), đến các vấn đề thương mại chưa hoặc ít được đề cập trong các FTA (mua sắm công, thương mại điện tử…), và cả các vấn đè khác có liên quan đến thương mại (lao động, môi trường, phát triển bền vững…).
Về thương mại hàng hóa
Cam kết về thuế quan
Cả Việt Nam và EU đều có mức cam kết loại bỏ thuế quan ở mức cao, theo đó:
- EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 85,6% số dòng thuế cho Việt Nam; sau 07 năm, sẽ xóa bỏ thuế quan đối với tổng cộng 99,2% số dòng thuế; khoàng 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được áp dụng hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%
- Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 48,5% số dòng thuế cho EU; sau 7 năm, sẽ xóa bỏ thuế quan đối với tổng cộng 91,8% số dòng thuế; sau 10 năm, sẽ xóa bỏ thuế quan đối với tổng cộng 98,3% số dòng thuế; khoảng 1,7% số dòng thuế sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan như cam kết WTO, hoặc áp dụng lộ trình xóa bỏ đặc biệt (như thuốc lá, xăng dầu, bia, linh kiện, ô tô, xe máy)
Cam kết về quy tắc và thủ tục xuất xứ
EVFTA có nhiều điểm mới so với các FTA trước đây của Việt Nam, nổi bật là cơ chế chứng nhận xuất xứ. Theo EU thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ còn Việt Nam được phép áp dụng cơ chế chứng nhận truyền thống (bởi cơ quan có thấm quyền được nhà nước chỉ định) như hiện tại chỉ áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ khi nào thấy đủ điều kiện thích hợp để thực hiện.
Cam kết về các biện pháp phi thuế quan
EVFTA có nhiều cam kết ràng buộc các nước thành viên trong loại bỏ, cắt giảm, hạn chế việc sử dụng các biện pháp phi thuế quan như giấy phép xuất nhập khẩu; các yêu cầu chi tiết về minh bạch hóa, thuận lợi hóa, hiện đại hóa các biện pháp trong hải quan và tạo thuận lợi thương mại; các cam kết về tăng cường hợp tác và minh bạch trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS)… Mức cam kết trong EVFTA về các vấn đề này gần tương tự với CPTPP (ngoại trừ một số tiêu chuẩn riêng TBT, SPS).
Về thương mại dịch vụ và đầu tư
EVFTA tiếp tục phương thức đàm phán theo kiểu chọn – cho như trong WTO (chỉ mở cửa những trường hợp được chọn, các trường hợp khác được xem là chưa có cam kết, Việt Nam có thể tùy ý quy định). Cam kết EVFTA về vấn đề này bao gồm các cam kết về 02 nhóm lớn:
- Nhóm các quy tắc đối xử với nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư đến từ nước đối tác
- Nhóm này bao gồm các nguyên tắc cụ thể như tiếp cận thị trường – MA, đối xử quốc gia – NT, đối xử tối huệ quốc-MFN, bảo đảm tài sản trước các biện pháp tịch thu quốc hữu hóa của nhà nước, bảo đảm việc chuyển vốn tự do…)
- Đây là các quy tắc mà mỗi Bên sẽ phải tuân thủ đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ và đầu tư đã mở cửa cho Bên kia (tùy thuộc vào mức độ mở cửa). Đối với các trường hợp chưa cam kết mở cửa, về nguyên tắc mỗi Bên đều có thể tùy ý quy định.
- Biểu cam kết mở cửa thị trường dịch vụ và Đầu tư
- Việt Nam và EU mỗi Bên có một Biểu cam kết mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư của mình cho nhà cung cấp dịch vụ và Đầu tư của bên kia.
- Biểu này liệt kê các lĩnh vực cụ thể cam kết mở cửa, với mức độ và cách thức mở cửa cụ thể.
- Đối với Việt Nam, cam kết mở cửa dịch vụ và đầu tư trong EVFTA cơ bản gần tương tự với mức bảo lưu mở cửa về dịch vụ và đầu tư trong CPTPP, tức là ở mức rộng hơn đáng kể trong một số trường hợp so với mức mở cửa trong WTO và một số FTA trước đây.
Về mua sắm công
EVFTA đặt ra các nguyên tắc theo hướng minh bạch, thuận lợi, cạnh tranh mà một Bên phải tuân thủ trong thủ tục đấu thầu công đối với các gói thầu đã cam kết mở cửa cho nhà thầu từ Bên kia. Mỗi bên có một danh mục riêng về các gói thầu cam kết mở cửa cho các nhà thầu từ Bên kia tham gia cạnh tranh bình đẳng. so với mức mở cửa trong CPTPP thì EVFTA mở cửa rộng hơn về mua sắm công, cả ở diện chủ đầu tư (bao gồm một số cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp ở cả cấp trung ương và địa phương) và trị giá gói thầu.
Về các vấn đề khác (lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, cạnh tranh, minh bạch và chống tham nhũng…)
EVFTA bao gồm nhiều cam kết chung hoặc cụ thể về các quy tắc, các yêu cầu liên quan trong từng lĩnh vực. Về cơ bản, đây là các cam kết nhấn mạnh các tiêu chuẩn của WTO (nếu có) và/hoặc bổ sung các tiêu chuẩn mới cao hơn mức WTO. Trong so sánh với CPTPP, ngoại trừ vấn đề về sở hữu trí tuệ (chỉ dẫn địa lý), mức cam kết về các vấn đề này của EVFTA cơ bản tương đương hoặc thấp hơn một chút.
THỰC THI CỦA VIỆT NAM
-> Văn bản pháp quy của Việt Nam ban hành Biểu thuế ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực thi Hiệp định thương mại EVFTA và các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa EVFTA xem tại bài viết Danh sách các FTA Việt Nam tham gia TẠI ĐÂY
Công ty TNHH HP Toàn Cầu
Nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển quốc tế, thủ tục hải quan và giấy phép xuất nhập khẩu
Địa chỉ: Số 13, LK3 – NO03 – Khu đô thị Văn Khê – Phường La Khê – Quận Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 08 8611 5726 / 0984870199 hoặc Điện thoại: 024 73008608
Email: info@hptoancau.com
Lưu ý:
– Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, trước khi sử dụng, bạn nên liên lạc HP Toàn Cầu để update nội dung cập nhật mới nhất(nếu có)
– HP Toàn Cầu giữ bản quyền với bài viết và không đồng ý đơn vị khác sao chép, sử dụng bài viết của HP Toàn Cầu vì mục đích thương mại
– Mọi sự sao chép không có thỏa thuận với HP Toàn Cầu (kể cả có ghi dẫn chiếu website hptoancau.com) có thể dẫn đến việc chúng tôi claim với google và các bên liên quan.