Hướng dẫn nội dung có trên C/O form AJ
C/O mẫu AJ là chứng nhận xuất xứ theo mẫu thuộc Hiệp định giữa ASEAN và Nhật Bản về Đối tác Kinh tế được ký kết tháng 4/2008 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/12/2008 (AJCEP). Mẫu này áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam (ASEAN) đi Nhật Bản, là một trong những điều kiên để người nhập khẩu tại Nhât Bản có thể hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thuôc AJCEP.
Dưới đây là một ví dụ về C/O mẫu AJ:
Mẫu C/O AJ được quy định tại Phụ lục 7 Quyết định số 44/2008/QĐ-BCT ngày 08/12/2008 của Bộ Công thương và bản chỉnh sửa mẫu C/O AJ ASEAN kèm theo Công văn số 10248/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải Quan ngày ngày 15 tháng 08 năm 2014 về việc C/O mẫu AJ sửa đổi, và việc hướng dẫn khai C/O được quy định lại Phụ luc 9 kèm theo Quyết định số 44/2008/QĐ-BCT ngày 08/12/2008 của Bộ Công thương Ban hành Quy chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu AJ để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản, cụ thể như sau:
C/O phải được khai bằng tiếng Anh và đánh máy. Nội dung khai phải phù hợp với Tờ khai hải quan xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan và các chứng từ khác như Vận tải đơn, Hoá đơn thương mại và Biên bản kiểm tra xuất xứ của Tổ chức Giám định hàng hoá xuất nhập khẩu (trong trường hợp có yêu cầu kiểm tra). Nội dung kê khai C/O cụ thể như sau:
Ô số 1 (Goods consigned from (Exporter’s name, address, country): tên giao dịch của người xuất khẩu, địa chỉ, tên nước xuất khẩu (Việt Nam).
Ô số 2 (Goods consigned to (Importer’s/Consignee’s name, address, country): tên người nhận hàng, địa chỉ, tên nước nhập khẩu.
Ô số 3 (Means of transport and route (as far as known) Shipment date Vessel’s name/ Aircraft etc. Port of discharge): ngày khởi hành, tên phương tiện vận tải (nếu gửi bằng máy bay thì đánh “By air”, nếu gửi bằng đường biển thì đánh tên tàu và tên cảng bốc dỡ hàng).
Ô số 5 (Item number): số danh mục hàng hoá (nhiều mặt hàng thuộc một lô hàng đi một nước trong một thời gian).
Ô số 6 (Marks and numbers of packages): ký hiệu và số hiệu của kiện hàng.
Ô số 7 (Number and type of packages, description of goods (including quantity where appropriate and HS number of the importing Party)): Số kiện hàng, loại kiện hàng, mô tả hàng hoá (bao gồm số lượng và mã HS của nước nhập khẩu).
Ô số 8 (Origin criteria (see Notes overleaf): hướng dẫn cụ thể như sau:
Hàng hóa được sản xuất tại nước ghi đầu tiên ở ô số 11 của C/O: | Điền vào ô số 8: |
a) Hàng hoá đáp ứng quy định tại khoản 3, Điều 2 của Phụ lục 1 | “PE” |
b) Hàng hoá có xuất xứ thuần túy theo Điều 3 của Phụ lục 1 | “WO” |
c) Hàng hóa đáp ứng quy định tại khoản 1, Điều 4 của Phụ lục 1 | “CTH” hoặc“RVC” |
d) Hàng hóa đáp ứng quy định tại khoản 2, Điều 4 của Phụ lục 1 | |
– Thay đổi mã số hàng hóa | “CTC” |
– Hàm lượng giá trị khu vực | “RVC” |
– Công đoạn gia công chế biến cụ thể | “SP” |
Ngoài ra, người xuất khẩu cũng ghi những quy định thích hợp sau: | |
đ) Hàng hóa đáp ứng quy định tại Điều 6 của Phụ lục 1 | “DMI” |
e) Hàng hóa đáp ứng quy định tại Điều 7 của Phụ lục 1 | “ACU” |
Ô số 9 (Gross weight or other quantity and value (FOB only when RVC criterion is used)): trọng lượng cả bì của hàng hoá (hoặc số lượng khác) và trị giá (chỉ yêu cầu ghi giá FOB khi áp dụng tiêu chí RVC)
Ô số 10 (Number and date of invoices): số và ngày của hoá đơn thương mại.
Ô số 11 (phần ký, đóng dấu của Thương nhân):
– Dòng thứ nhất ghi chữ “VIETNAM”.
– Dòng thứ hai ghi đầy đủ tên tiếng Anh của nước nhập khẩu bằng chữ in hoa (ví dụ: “JAPAN”).
– Dòng thứ ba ghi địa điểm, ngày tháng năm đề nghị cấp C/O, tên, chữ ký của người đề nghị cấp C/O, con dấu và tên công ty của người đề nghị cấp C/O.
Ô số 13:
– Đánh dấu (√) bằng viết tay hoặc bằng máy tính vào ô “Third Country Invoicing” (Hóa đơn do nước thứ ba phát hành) trong trường hợp hóa đơn thương mại được phát hành bởi nước thứ ba. Số của hóa đơn cấp cho hàng hóa nhập khẩu vào nước thành viên nhập khẩu được ghi tại ô số 10. Tên đầy đủ và địa chỉ của công ty hoặc người phát hành hóa đơn được ghi vào ô số 7.
Trong trường hợp ngoại lệ hóa đơn thương mại được phát hành bởi nước thứ ba không sẵn có vào thời điểm cấp C/O, số và ngày của hóa đơn do người xuất khẩu (được cấp C/O) phát hành được ghi vào ô số 10. Ô “Third Country Invoicing” thuộc ô số 13 được đánh dấu (√), và ô số 7 được ghi nội dung: hàng hóa xuất khẩu sẽ được cấp một hóa đơn khác do nước thứ ba phát hành cho mục đích nhập khẩu vào nước thành viên nhập khẩu. Ô số 7 cũng được ghi tên và địa chỉ đầy đủ của công ty hoặc người sẽ phát hành hóa đơn nước thứ ba. Trong trường hợp này, cơ quan Hải quan của nước thành viên nhập khẩu có thể yêu cầu nhà nhập khẩu cung cấp các hóa đơn và các chứng từ có liên quan khác có nội dung xác nhận giao dịch giữa nước thành viên xuất khẩu và nước thành viên nhập khẩu, đối với hàng hóa được khai báo nhập khẩu.
– Đánh dấu (√) bằng viết tay hoặc bằng máy tính vào ô “Back-to-Back CO” (C/O giáp lưng) trong trường hợp Tổ chức cấp C/O của nước thành viên trung gian cấp C/O giáp lưng.
– Đánh dấu (√) bằng viết tay hoặc bằng máy tính vào ô “Issued Retroactively” (C/O cấp sau) trong trường hợp cấp sau C/O do sai sót hoặc vì lý do chính đáng khác.
Các ô người đề nghị cấp C/O không ghi mà do tổ chức cấp C/O ghi:
Ô số 4 (For Official Use) : cơ quan Hải quan tại cảng hoặc địa điểm nhập khẩu sẽ đánh dấu (√) vào ô thích hợp.
Ô số 12: dành cho cán bộ của Tổ chức cấp C/O ghi: ngày tháng năm cấp C/O, chữ ký của cán bộ cấp C/O, tên của cán bộ cấp C/O, con dấu của Tổ chức cấp C/O.
Ô trên cùng bên phải ghi số tham chiếu (do Tổ chức cấp C/O ghi). Số tham chiếu gồm 13 ký tự, chia làm 5 nhóm, với cách ghi cụ thể như sau:
a) Nhóm 1: tên nước thành viên xuất khẩu là Việt Nam, gồm 02 ký tự là “VN”;
b) Nhóm 2: tên nước thành viên nhập khẩu gồm 02 ký tự như sau:
BN: Bru-nây | MM: Mi-an-ma |
KH: Cam-pu-chia | PH: Phi-lip-pin |
ID: In-đô-nê-xi-a | SG: Xinh-ga-po |
LA: Lào | TH: Thái Lan |
MY: Ma-lai-xi-a | JP: Nhật Bản |
c) Nhóm 3: năm cấp C/O, gồm 02 ký tự. Ví dụ: cấp năm 2009 sẽ ghi là “09”;
d) Nhóm 4: ký hiệu viết tắt tên Tổ chức cấp C/O, gồm 02 ký tự. Danh sách các Tổ chức cấp C/O được quy định cụ thể tại Phụ lục 13;
đ) Nhóm 5: số thứ tự của C/O, gồm 05 ký tự;
e) Giữa nhóm 1 và nhóm 2 có gạch ngang “-”. Giữa nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5 có dấu gạch chéo “/”.
Ví dụ: Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực thành phố Hồ Chí Minh cấp C/O Mẫu AJ mang số thứ 6 cho một lô hàng xuất khẩu sang Nhật Bản trong năm 2009 thì cách ghi số tham chiếu của C/O này sẽ là: VN-JP 09/02/00006.
- Các hướng dẫn khác:
– Trong trường hợp có nhiều mặt hàng khai trên cùng một C/O, nếu mặt hàng nào không được hưởng ưu đãi thuế quan, cơ quan Hải quan đánh dấu vào ô “Preferential Treatment Not Given (Please state reason/s)” thuộc ô số 4 và mặt hàng đó cần được khoanh tròn hoặc đánh dấu thích hợp tại ô số 5./.
Để có thêm tư vấn hoặc báo giá về thủ tục xuất khẩu, nhập khập khẩu, cước vận chuyển quốc tế Việt Nam – Nhật Bản; thủ tục làm C/O form AJ, VJ, xin vui lòng liên hệ:
Công ty TNHH HP Toàn Cầu
Nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển quốc tế, thủ tục hải quan và giấy phép xuất nhập khẩu
Địa chỉ: Số 13, LK3 – NO03 – Khu đô thị Văn Khê – Phường La Khê – Quận Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 08 8611 5726 hoặc Điện thoại: 024 73008608
Email: info@hptoancau.com
Lưu ý:
– Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, trước khi sử dụng, bạn nên liên lạc HP Toàn Cầu để update nội dung cập nhật mới nhất(nếu có)
– HP Toàn Cầu giữ bản quyền với bài viết và không đồng ý đơn vị khác sao chép, sử dụng bài viết của HP Toàn Cầu vì mục đích thương mại
– Mọi sự sao chép không có thỏa thuận với HP Toàn Cầu (kể cả có ghi dẫn chiếu website hptoancau.com) có thể dẫn đến việc chúng tôi claim với google và các bên liên quan.