Định nghĩa HS và Hướng dẫn đọc hiểu diễn đạt của HS
Mã HS là gì?
Mã HS : Khi khai báo hải quan, một trong những việc đầu tiên và quan trọng nhất là xác định đúng mã số HS cho hàng hóa. Mã số HS hay HS code là gì? Trong bài viết dưới đây, HP Toàn cầu xin giải thích một cách vắn tắt để khách hàng hiểu định nghĩa của mã số HS được sử dụng khi khai báo hải quan.
HS, viết tắt của Hamonized System, viết đầy đủ là Harmonized Commodity Description and Coding System (Hệ thống Hài hòa Mô tả và Phân loại Hàng hóa) là hệ thống phân loại hàng hóa được buôn bán trên thế giới. Hệ thống này được đưa vào sử dụng từ năm 1988 và do Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) quản lý, cập nhật. Các nước tham gia ký Công ước HS (1983) đều sử dụng hệ thống này để xây dựng hệ thống phân loại hàng hóa của mình
Mã HS được sử dụng để khai báo hải quan là mã số hàng hóa được quy định tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu Việt Nam có hiệu lực tại thời điểm kê khai.
Mã HS là mã số hàng hóa, được xác định dựa trên kết quả phân loại hàng hóa: căn cứ đặc điểm, tính chất của hàng hóa mà phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu Việt Nam.
Video của bài viết
Công ước HS
Công ước HS là gì?
Mục tiêu chính của Công ước HS nhằm tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế:
Trước khi công ước HS ra đời, có nhiều hệ thống phân loại hàng hoá khác nhau. Việc các quốc gia khác nhau áp dụng các hệ thống phân loại hàng hoá xuất nhập khẩu khác nhau đã làm kéo dài thời gian thông quan và phát sinh nhiều chi phí do phải mô tả lại, phân loại và mã hoá lại hàng hoá khi hàng hoá đó được xuất nhập khẩu từ nước sử dụng hệ thống phân loại này sang nước sử dụng hệ thống phân loại khác.
Để giải quyết vấn đề này, Tổ chức Hải quan thế giới đã xây dựng một hệ thống phân loại mới làm cầu nối và hài hoà các hệ thống phân loại hàng hoá khác nhau. Với sự thông qua công ước HS của WCO, có thể nói Danh mục HS đã trở thành một Danh mục phân loại hàng hoá được chấp nhận trên toàn cầu.
Tới nay, Danh mục HS được áp dụng để:
(1) Làm cơ sở xây dựng hệ thống phân loại hàng hoá xuất nhập khẩu và thuế quan hải quan
(2) Thống kê thương mại quốc tế
(3) Xác định xuất xứ và đàm phán thương mại giữa các quốc gia
(4) Quản lý hàng hoá cần kiểm soát (ví dụ: chất thải, ma tuý, vũ khí hoá học, chất phá huỷ tầng ozon, loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng);
(5) HS còn được áp dụng trong quản lý Hải quan (như các tiêu chí để quản lý rủi ro, tuân thủ pháp luật)
Công ước HS gọi đầy đủ là “Công ước Quốc tế về Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hoá”
Công ước HS được Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) thông qua tại Brussels năm 1983, có hiệu lực từ ngày 01/01/1988.
Để đảm bảo HS được cập nhật phù hợp với thực tiễn cuộc sống, cứ 5 năm WCO lại rà soát, cập nhật lại biểu HS, lần gần đây nhất là 2022
Tính tới năm 2018, có 183 thành viên, chiếm 98% thương mại quốc tế tham gia Công ước HS
Việt Nam phê chuẩn tham gia Công ước HS ngày 06/03/1998 tại quyết định số 49/QĐ-CTN 1998 của Chủ tịch nước. Công ước có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 01/01/2000.
Nhiệm vụ của các nước thành viên Công ước HS
Về nhiệm vụ của các nước thành viên tham gia công ước, Điều 3 Công ước nêu rõ:
– Xây dựng Danh mục thuế, Danh mục thống kê phù hợp với Danh mục HS, cụ thể là:
+ Sử dụng các mã số của HS ( 4 và 6 số) không có bất cứ sự thay đổi và bổ sung nào.
+ Áp dụng GIR, các chú giải pháp lý, không có bất cứ sự thay đổi nào đến phạm vi áp dụng của chúng
+ Tuân thủ mọi tuần tự số học của HS
– Cung cấp công khai số liệu thống kê hàng hoá xuất nhập khẩu (phân loại đến cấp độ 4 số và 6 số).
– Được mở rộng phân loại hàng hoá trên cấp độ mã số HS (trên mức độ mã số 6 số)
Là một quốc gia thành viên của công ước, hiện Việt Nam đã áp dụng đầy đủ Danh mục HS và mở rộng tới 8 số
Những ấn phẩm bổ sung HS của WCO
Để giải thích rõ hơn và thống nhất trong áp dụng HS cũng như sử dụng HS được dễ dàng hơn, WCO đã phát hành một số ấn phẩm bổ sung, trong đó có 3 ấn phẩm quan trọng nhất là:
– Chú giải chi tiết (The Explanatory Notes to the HS/ E.Notes)
– Ý kiến phân loại (The Compendium of Classification Opinions /OP)
– Danh mục phân loại theo bảng chữ cái (The Alphabetical Index to the HS)
Các tài liệu này và Danh mục HS đều được phát hành dưới dạng giấy tờ cũng như dữ liệu điện tử để giúp tra cứu nhanh chóng, dễ dàng.
Danh mục biểu thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN)
AHTN (Asean Harmonised Tariff Nomenclature) – Danh mục thuế quan hài hòa Asean là văn bản pháp lý của cộng đồng các quốc gia Asean thi hành chung Công ước HS về phân loại hàng hóa.
AHTN được xây dựng trên có sở tuân thủ hoàn toàn Danh mục HS ở cấp độ 6 chữ số và được chi tiết tới cấp độ 8 chữ số để các nước ASEAN thống nhất áp dụng trong việc xây dựng danh mục hàng hóa cũng như biểu thuế của từng nước.
AHTN, chi tiết ở cấp độ 8 chữ số được thông qua và chấp nhận về nguyên tắc vào ngày 01/01/2002 và hoàn thiện đưa ra thực hiện v7 và thứ 8 là của AHTN, tạo thành các phân nhóm Asean (với những điều ước Asean) bao gồm 10.800 dòng thuế thỏa mãn các yêu cầu của các nước Asean vào tháng 4 năm 2004, Trong đó 6 mã số đầu là mã số theo Công ước HS, mã số thứ
Cơ cấu danh mục AHTN bao gồm:
Danh mục AHTN có mã số 8 số phù hợp với phiên bản HS mới nhất trong đó có thêm mã số thứ 7 và thứ 8 cho mục đích ASEAN
Danh mục AHTN và chủ giải bổ sung (Supplementary Explanatory Notes) gọi tắt là chú giải SEN liên quan đến Phân nhóm ASEAN được đưa vào Nghị định thư và là một bộ phận không tách rời của danh mục AHTN.
Danh mục hàng hóa Xuất nhập khẩu Việt Nam
Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được xây dựng trên cơ sở áp dụng hoàn toàn danh mục HS và chi tiết ở cấp độ 8 chữ số hoàn toàn theo danh mục AHTN của ASEAN, và bao gồm hai thứ tiếng là tiếng Anh và tiếng Việt.
Hiện tại (năm 2022), Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam mới nhất là theo Thông tư 31/2022/TT-BTC ngày 08/06/2022 của Bộ Tài chính về việc Ban hành danh mục Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 30/12/2022
Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được xây dựng trên cơ sở áp dụng hoàn toàn danh mục HS và chi tiết ở cấp độ 8 chữ số hoàn toàn theo danh mục AHTN của ASEAN, và bao gồm hai thứ tiếng là tiếng Anh và tiếng Việt.
Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được sử dụng để
- Xây dựng biểu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và hàng hóa khác có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu
- Thống kê nhà nước về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Phục vụ công tác quản lý nhà nước
Cấu trúc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam bao gồm
- Các quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại
- Các chú giải pháp lý của Phần, Chương và Phân nhóm
- Danh mục chi tiết hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam
Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam chi tiết bao gồm 21 phần, 97 chương (trong đó Chương 77 là Chương dự phòng)
HS có mấy số
Như vậy, HS theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam hiện nay có 8 số
Ý nghĩa của 8 chữ số như sau:
- Hai chữ số đầu: Chương của hàng hóa
- Số thứ 3 và thứ 4: Nhóm của hàng hóa
- Số thứ 5 và thứ 6: Phân nhóm của hàng hóa
- Số thứ 7 và số thứ 8: Chỉ chính xác mã hàng hóa được phân loại theo Danh mục Hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam
Như vậy, mã HS được sử dụng để khai báo hải quan là mã số hàng hóa được quy định tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu Việt Nam có hiệu lực tại thời điểm kê khai. Việc hiểu rõ định nghĩa và bản chất mã HS rất quan trọng trong việc xác định mã HS, tra cứu mã HS.
Hướng dẫn cách đọc mô tả mã HS
Dưới đây là một số lưu ý và hướng dẫn cách đọc mô tả HS tại Danh mục Hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu Việt Nam
Cấp độ chi tiết HS
Phần này chỉ ra mức độ chi tiết của mô tả hàng hoá được thể hiện ở các tiêu đề của phần, chương và mô tả hàng hoá của nhóm hàng, phân nhóm hàng; Việc mô tả này được phát triển từ mức độ rộng cho tới chi tiết, từ tiêu để của Phần cho đến mô tả của phân nhóm hàng, càng vào trong thì mô tả càng chi tiết, tập trung hơn. Điều này giúp chúng ta định hướng trong quá trình phân loại hàng hoá.
– Số thứ tự Phần và phân chương được thể hiện bằng chữ số la mã, trong khi đó mã số Chương, Nhóm, Phân nhóm sử dụng số Arập.
– Mỗi cấp độ trong HS đại diện và mô tả một tập hợp các hàng hoá, trong đó:
+ Từ cấp độ phần: Tiêu đề phần thường chỉ định tới diện rộng các hàng hoá
+ Tới cấp độ phân nhóm: mô tả hàng hoá ở mức độ chi tiết nhất so với toàn bộ cấp độ của Danh mục.
– Ví dụ việc phân loại cừu sống sau đây sẽ chứng minh được mức độ ngày càng chi tiết từ Phần, Chương, Nhóm tới phân nhóm hàng liên quan:
+ Phần I: bao trùm toàn bộ động vật sống, sản phẩm động vật, như vậy cừu sống được khoanh vùng ở Phần này (động vật sống)
+ Chi tiết hơn, tại Chương 1: bao trùm toàn bộ động vật sống, như vậy cừu sống lại được giới hạn trong Chương 1 (động vật sống)
+ Chi tiết hơn nữa, tại Nhóm hàng 01.04: chỉ định đến mặt hàng cụ thể hơn gồm cừu sống và dê sống, như vậy cừu sống lại được chỉ định tới nhóm 0104
+ Chi tiết nhất, tại phân nhóm hàng 0104.10: chỉ gồm cừu sống. Như vậy mặt hàng cừu sống định danh chi tiết tới phân nhóm 0104.10.
Qua ví dụ trên, chúng ta có thể thấy được trật tự hệ thống HS.
Cấu trúc mã số HS
Cấu trúc mã số (mã số nhóm hàng, mã số phân nhóm hàng):
Phần này giải thích cách xây dựng mã số HS trong toàn bộ Danh mục (giải thích các mã số nhóm hàng 4 số, mã số phân nhóm hàng 6 số được hình thành như thế nào và ý nghĩa của mỗi con số trong các mã số HS này)
– Về cấu trúc mã số nhóm hàng: Nhóm hàng được đại diện bằng 4 chữ số, khi đứng độc lập, mã số nhóm hàng được ngăn thành 2 phần chính giữa bằng dấu chấm: XX.XX : Hai chữ số đầu chỉ định tới số Chương mà nhóm đó trực thuộc (ví dụ nhóm 28.02: thuộc chương 28); Chữ số thứ 3 và thứ 4 chỉ định tới vị trí của nhóm hàng trong Chương. (ví dụ nhóm 28.02: nhóm hàng thứ 2 của chương 28)
– Về cấu trúc mã số phân nhóm hàng: một nhóm hàng có thể được chia thành 2 hay nhiều phân nhóm hàng, được thể hiện theo mã số 6 số: XXXX.XX, trong đó:
+ 4 số đầu là mã số nhóm hàng
+ Chữ số thứ 5 và thứ 6 sau là 2 số bổ sung, việc định số bổ sung này cũng theo một quy tắc cụ thể: Mỗi phân nhóm hàng có thể được thể hiện cùng với 1 gạch hoặc 2 gạch, thống nhất với việc quy định 2 mã số bổ sung; Trường hợp một nhóm hàng nào đó không phải chia nhỏ nữa, 2 chữ số bổ sung được đại diện bằng 2 số 0: XXXX. 00
Khi diễn đạt mã số phân nhóm hàng (6 số, mã số phân loại đầy đủ), dấu chấm được sử dụng để phân cách giữa 4 chữ số đầu tiên với 2 chữ số bổ sung (vd: 2804.21).
Để minh chứng rõ hơn, xem bảng trên:
Nhóm hàng 28.02 không được chia thành các phân nhóm, do đó 2 số bổ sung được đại diện bằng 2 số 0, mã số HS là 2802.00.
Tuy nhiên, có nhiều nhóm hàng được phân tiếp thành 2 hay nhiều phân nhóm. VD: nhóm hàng 28.04 lại được chia thành các phân nhóm cấp độ một vạch (VD phân nhóm 2804.10) và cấp độ 2 vạch (VD: phân nhóm 2804.21 and 2804.29).
Vai trò các dấu câu HS
Phần này giải thích ý nghĩa diễn đạt của các dấu câu sử dụng trong mô tả hàng hoá trong toàn bộ Danh mục. Điều này giúp chúng ta có thể đọc và hiểu đúng HS.
Không hiểu vai trò của các dấu đôi khi làm chúng ta phân loại không chính xác do không hiểu được cách diễn đạt và chức năng của các dấu câu trong mô tả hàng hoá trong HS
Có 4 loại dấu câu cơ bản HS sử dụng để mô tả hàng hoá.
- Dấu phẩy (,): Phân tách từng mặt hàng trong một loạt các mặt hàng được liệt kê trong mô tả hàng hoá hoặc các tiêu chí mô tả được sử dụng
- Dấu chấm phẩy (;): Thể hiện sự ngắt câu đầy đủ, phân tách các mặt hàng trong đoạn mô tả hoặc thành các phần độc lập nhau
- Dấu hai chấm (:): Cho biết là sẽ có một danh sách các mặt hàng liệt kê ngay sau đó hoặc sẽ có sự phân chia thành các phân nhóm hàng tiếp theo
- Dấu chấm (.): Thể hiện sự kết thúc của một câu/ đoạn của một nhóm hàng
Cách diễn đạt của Chú giải pháp lý HS
Các chú giải pháp lý được trình bày dưới nhiều hính thức, hiểu rõ các hình thức thể hiện của chúng giúp chúng ta tiếp cận dễ hơn và hiểu đúng hơn khi áp dụng các Chú giải này trong quá trình phân loại hàng hoá.
Chú giải pháp lý – sự áp dụng của chúng
- Chức năng: Xác định phạm vi và giới hạn cụ thể của từng Phần, Chương, Nhóm, phân nhóm
- Chú giải Phần, Chương: Chú giải này xác định phạm vi của từng Phần, Chương và Nhóm hàng (tới 4 số)
- Chú giải Phân nhóm: Chú giải này chỉ diễn giải cho phân nhóm
Cách diễn giải của Chú giải pháp lý
(i) Chú giải loại trừ: Giới hạn phạm vi của Phần, chương, nhóm và phân nhóm
Ví dụ Chú giải 1 Chương 17
“1.- Chương này không bao gồm:
(a) Kẹo đường có chứa ca cao (thuộc nhóm 18.06)
(b) Đường tinh khiết về mặt hoá học (trừ đường sucrose, lactose, maltose, glucose and fructose) hoặc các sản phẩm khác của nhóm 29.40; hoặc
(c) Thuốc hoặc các sản phẩm khác thuộc chương 30.”
Như vậy Chú giải này đã giới hạn phạm vi của Chương 17 bằng cách loại trừ một số sản phẩm cụ thể.
Chú giải loại trừ thường được diễn đạt dưới dạng: “không bao gồm”
(ii) Chú giải định nghĩa: Khái niệm phạm vi của các từ, nhóm từ hay các diễn đạt khác
(ví dụ.)
Chú giải 6 Chương 49
- Theo mục đích nhóm 49.03, cụm từ “sách tranh ảnh cho trẻ em” có nghĩa là loại sách dành cho trẻ em trong đó chủ yếu là tranh ảnh, lời chỉ là phụ.
Chú giải này đã giải thích cụm từ “sách tranh ảnh cho trẻ em” đề cập tại nhóm 49.03 là những loại sách gì, hay nói cách khác là chú giải này đã khái niệm “sách tranh ảnh cho trẻ em” ở đây là gì.
Các chú giải định nghĩa thường được diễn đạt bằng cụm từ: có nghĩa là
(iii) Chú giải định hướng: Định hướng để làm thế nào phân loại một hàng hoá cụ thể
(Ví dụ):
Chú giải 3 Chương 4:
3.- Các sản phẩm thu được từ quá trình cô đặc whey có pha thêm sữa hoặc chất béo được phân loại như phomát trong nhóm 04.06 nếu đạt 3 tiêu chuẩn sau:
(a) Hàm lượng chất béo sữa chiếm từ 5% trở lên, tính theo trọng lượng ở thể khô;
(b) Hàm lượng chất khô tối thiểu là 70% nhưng không quá 85%, tính theo trọng lượng; và
(c) Sản phẩm được đóng khuôn hoặc có thể được đóng khuôn
Chú giải này chỉ dẫn tới các điều kiện để một sản phẩm sữa được xem là pho mát và được phân loại vào nhóm 04.06.
(Khác với chú giải định nghĩa là giải thích một từ hoặc cụm từ mô tả hàng hoá được sử dụng trong danh mục, chú giải định hướng nhằm để định hướng khi cân nhắc một sản phẩm nào đấy thuộc nhóm sản phẩm nào, mặt hàng nào)
(iv) Chú giải bao gồm: Bao trùm một danh sách không giới hạn các ví dụ hàng hoá điển hình được phân loại vào một nhóm cụ thể
(Ví dụ):
Chú giải 4 Chương 30
“4.- Nhóm 30.06 chỉ áp dụng cho các chất sau đây, những chất này phải xếp vào nhóm này và không thể đưa vào nhóm nào khác của danh mục:
(a). Chỉ catgut phẫu thuật vô trùng, các vật liệu khâu vô trùng tương tự (kể cả chỉ phẫu thuật tự tiêu vô trùng hoặc chỉ nha khoa) và băng dính vô trùng dùng băng các vết thương phẫu thuật …….
(k) …… ”
Chú giải này đã liệt kê những mặt hàng cụ thể (từ (a) đến (k)) được phân loại vào nhóm 30.06.
Công cụ tra mã HS nhanh
Để tra mã HS nhanh chóng, có thể dùng công cụ Tra mã HS theo mô tả thông dụng trên website hptoancau.com, sau đó kiểm tra mô tả tại Biểu thuế xuất nhập khẩu trên website hoặc liên hệ trực tiếp HP Toàn Cầu để được tư vấn.
Chọn HP Toàn Cầu làm đơn vị logistics xuất nhập khẩu của bạn?
Tại HP Toàn Cầu – chất lượng dịch vụ luôn là trọng điểm được hướng tới, chúng tôi mong rằng sẽ được bạn lưu tâm và có cơ hội trở thành người bạn, nhà tư vấn tận tâm, người vận chuyển và “nhân viên xuất nhập khẩu không lương” của bạn.
Hãy liên lạc ngay với HP Toàn Cầu nếu bạn muốn được tư vấn về thuế nhập khẩu, xuất khẩu hoặc thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu hay để nhận báo giá, dự toán thời gian vận chuyển
Có thể bạn quan tâm:
- Quy Định Hiện Hành Về Nhãn Hàng Hóa Nhập Khẩu
- Hướng dẫn nhập khẩu mỹ phẩm cho người mới bắt đầu
- Thủ tục và thuế nhập khẩu mỹ phẩm
- Thủ Tục Nhập Khẩu Thực Phẩm
Bài viết liên quan:
- Định nghĩa HS và Hướng dẫn đọc hiểu diễn đạt của HS
- Hướng dẫn xác định nhanh mã HS
- Các Quy tắc Phân Loại Hàng Hóa
- Danh mục hàng hóa Xuất khẩu Nhập khẩu Việt Nam
Công ty TNHH HP Toàn Cầu
Nhà cung cấp Dịch vụ Vận chuyển quốc tế, thủ tục hải quan và giấy phép xuất nhập khẩu
Địa chỉ: Số 13, LK3 – NO03 – Khu đô thị Văn Khê – Phường La Khê – Quận Hà Đông – Hà Nội
Website : hptoancau.com
Email: info@hptoancau.com
Điện thoại: 024 3 73008608/ Hotline:0886115726 – 0984870199
hoặc yêu cầu báo giá theo link
Lưu ý:
– Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, trước khi sử dụng, bạn nên liên lạc HP Toàn Cầu để update nội dung cập nhật mới nhất(nếu có)
– HP Toàn Cầu giữ bản quyền với bài viết và không đồng ý đơn vị khác sao chép, sử dụng bài viết của HP Toàn Cầu vì mục đích thương mại
– Mọi sự sao chép không có thỏa thuận với HP Toàn Cầu (kể cả có ghi dẫn chiếu website hptoancau.com) có thể dẫn đến việc chúng tôi claim với google và các bên liên quan.